logo

Welcome Guest! To enable all features please try to register or login.
[Hồng Kông | 2011] Shaolin | Tân Thiếu Lâm tự
Gemini Offline
#1 Posted : Thursday, January 27, 2011 5:04:27 PM(UTC)

Rank: V.I.P Passenger

Medals: Hoa tiêu - Những sói biển lẫy lừng: Sự tinh tế của bạn đã chắp cánh cho Trang tin Quái vật Điện ảnh

Groups: Member
Joined: 10/20/2010(UTC)
Posts: 1,080
Location: Quán nhậu

Thanks: 850 times
Was thanked: 1055 time(s) in 605 post(s)
Shaolin




Tên phim gốc: Shaolin / 新少林寺
Tên tạm dịch: Thiếu Lâm
Tên phát hành ra rạp: Tân Thiếu Lâm tự
Đạo diễn: Trần Mộc Thắng
Kịch bản: Tưởng Chí Quang, Trương Thán
Ngày phát hành: 27/1/2011 (Hồng Kông), 18/2/2011 (Việt Nam)
Thể loại: Hành động
Xếp loại: Chưa biết
Thời lượng: 131 phút
Nước sản xuất: Hồng Kông
Hãng sản xuất:
* Beijing Silver Moon Productions
* China Film Group
* Emperor Motion Pictures

Các diễn viên chính:
* Lưu Đức Hoa
* Thành Long
* Phạm Băng Băng
* Tạ Đình Phong

Nội dung chính:

Tân Thiếu Lâm tự lấy bối cảnh thời kỳ thống lĩnh không lâu sau sự sụp đổ của triều đại hoàng gia vào đầu thế kỷ 20, Lưu Đức Hoa vào vai một thống lĩnh quân đội địa phương luôn hoài nghi rằng anh đang bị một người đồng minh phản bội. Anh nghĩ ra một kịch bản ám sát, để rồi bị người lính dưới trướng mình (Tạ Đình Phong) lừa gạt. Nhân vật của Lưu Đức Hoa sau đó ẩn náu ở Thiếu Lâm tự và trở thành một nhà sư ăn năn hối cải về con đường tội lỗi của mình trong quá khứ.

Trang web chính thức: Chưa biết
Trang IMDb: Click vào đây!

Trailer: Click vào đây!
1 user thanked Gemini for this useful post.
sherry on 3/11/2011(UTC)
Gemini Offline
#2 Posted : Tuesday, April 19, 2011 7:03:16 PM(UTC)

Rank: V.I.P Passenger

Medals: Hoa tiêu - Những sói biển lẫy lừng: Sự tinh tế của bạn đã chắp cánh cho Trang tin Quái vật Điện ảnh

Groups: Member
Joined: 10/20/2010(UTC)
Posts: 1,080
Location: Quán nhậu

Thanks: 850 times
Was thanked: 1055 time(s) in 605 post(s)

Thiếu Lâm thổi ngọn lửa mới vào một tác phẩm kinh điển


Đó là bộ phim kungfu kinh điển đã làm nên sự nghiệp của nhà vô địch võ thuật Trung Hoa lúc bấy giờ 17 tuổi tên gọi Lý Liên Kiệt.

Gần ba thập kỷ sau, Thiếu Lâm tự đã có bản phim bom tấn cập nhật mới, với sự hậu thuẫn của trung tâm tăng lữ chiến đấu nổi tiếng Thiếu Lâm và bối cảnh của bản phim ra mắt năm 1982.

Thiếu Lâm tự là một cột mốc quan trọng của điện ảnh Trung Quốc và đã giúp đưa Lý Liên Kiệt trở thành một cái tên nổi tiếng, đầu tiên là ở Trung Quốc và sau đó là thế giới. Giờ đây một bộ phim bom tấn hành động mới có tên gọi đơn giản Thiếu Lâm, do Lưu Đức Hoa, Phạm Băng Băng và Tạ Đình Phong đóng vai chính, Thành Long trong vai khách mới, đã khởi chiếu trên toàn Trung Quốc từ ngày 19/1.


Bản phim Thiếu Lâm năm 2011 của Trần Mộc Thắng


Đây là bản phim mới nhất về ngôi chùa Thiếu Lâm 1.500 tuổi ở trung tâm Trung Quốc, võ kungfu của chùa đã được thể hiện trong nhiều bộ phim điện ảnh và truyền hình. Nhưng bản phim năm 2011 chỉ là bản thứ hai được các viên chức của chùa cho phép thực hiện.

Đạo diễn Trần Mộc Thắng của Thiếu Lâm đã thực hiện nhiều bộ phim hành động đáng nhớ ở Hồng Kông, như Who Am I? năm 1998 và Divergence năm 2005. Lần này Trần Mộc Thắng kết hợp thương hiệu hành động của ông và những tuyệt kỹ kungfu với những xúc cảm và miêu tả nội tâm. Ông không sợ trở thành người làm hài lòng số đông.

“Tôi là một đạo diễn thương mại. Tôi không phải đạo diễn phim nghệ thuật. Tôi không biết cách tạo nên những thước phim rất nghệ thuật. Tôi cũng không biết làm sao để quay phim chậm,” nhà làm phim Hồng Kông nói trong một cuộc phỏng vấn gần đây.

Nhưng những người hâm mộ đang trông đợi một khúc phóng túng hành động nên suy nghĩ gấp đôi. Không giống như bản gốc năm 1982 đề cao các pha hành động mang thương hiệu Thiếu Lâm, bản phim của Trần Mộc Thắng là một phim chính kịch, không phải phim kungfu.

Và Trần Mộc Thắng cho biết ông đã yêu cầu nhà chỉ đạo võ thuật Corey Yuen thêm vào những cảnh hành động hào nhoáng cái mà ông gọi là tinh thần của “đấu Thiền” – một phong cách chiến đấu điềm tĩnh nhấn mạnh sự phát huy của cá nhân vượt trên bạo lực.

“Quả là áp lực khi làm lại một bộ phim kungfu kinh điển như thế này nhưng chúng tôi cũng cảm thấy tự tin. Chúng tôi tập trung không chỉ vào các khía cạnh hành động và võ thuật mà còn vào tinh thần thật sự của Thiền và Phật giáo,” đạo diễn Trần nói trong buổi chiếu ra mắt phim ở Bắc Kinh.

Thiếu Lâm tự là một câu chuyện về báo thù, Lý Liên Kiệt đóng vai chàng trai trẻ được các nhà sư Thiếu Lâm nhận nuôi và huấn luyện, cậu cố trả thù cho cái chết của cha mình.

Dù có ít kinh nghiệm đóng phim võ thuật nhưng ngôi sao nhạc pop Hồng Kông Lưu Đức Hoa sẽ vào vai một vị thống lĩnh giỏi chiến đấu trong phiên bản mới, trong khi ngôi sao hành động Thành Long đóng vai một nhà sư trầm lặng ít khi thể hiện bất cứ kỹ năng chiến đấu nào trong Thiếu Lâm.


Thành Long và Lưu Đức Hoa là sự kết hợp có chủ ý của đạo diễn Trần


“Khán giả sẽ ngạc nhiên khi thấy Thành Long không múa kungfu trên màn ảnh. Lưu Đức Hoa không phải là ngôi sao hành động nhưng anh là một diễn viên giỏi có kỹ năng diễn xuất và biểu cảm của riêng mình,” theo lời đạo diễn. “Tôi muốn diễn giải rằng Thiếu Lâm chân chính không phải chỉ có những pha hành động kungfu bắt mắt, mà còn là sự tĩnh lặng nội tại trong tâm hồn và sự lĩnh hội của con người về giới tự nhiên.”

Đã chuyển sang đạo Phật cách đây 20 năm, Lưu Đức Hoa đồng tình với sự am hiểu của đạo diễn Trần về văn hóa 1.500 năm của Thiếu Lâm tự, và được tham gia vào các hoạt động liên quan đến Thiếu Lâm là giấc mơ của anh. “Tôi có một mối ràng buộc đặc biệt với Phật giáo, tinh thần của đạo Phật luôn luôn ảnh hưởng đến tôi. Tôi đã bỏ không tham gia vào những cảnh tình ái kể từ khi gia nhập đạo và trong Thiếu Lâm, tôi đã dồn hết sức mình vào vai diễn cũng như vào tinh thần Thiếu Lâm tự,” Lưu Đức Hoa cho biết.

“Từ lần đầu đạo diễn Trần Mộc Thắng trao đổi với tôi, tôi đã thích kịch bản,” Thành Long cho biết trong buổi chiếu ra mắt, nhớ lại việc anh tham gia với tư cách khách mời trong phim. “Ban đầu tôi đóng vai chính, nhưng do bị chồng chéo với một bộ phim khác của tôi nên tôi phải chuyển sang đóng vai phụ. Khi chúng tôi quay phim, tôi diễn không ngừng nghỉ trong cả tuần và chỉ ngủ một giờ mỗi ngày, nhưng khi xem phim tôi cảm thấy tất cả đều xứng đáng,” anh cười nói.

Theo lời đạo diễn Trần, bản phim gốc dài hai tiếng rưỡi và ông đã phải cắt bỏ để bản chiếu cuối cùng chỉ còn khoảng hai phần ba độ dài. Đối mặt với những mối quan tâm rằng mạch phim sẽ kém hay hoặc khó hiểu do bị cắt bớt, ông giải thích: “Chúng tôi chỉ xóa những cảnh không cần thiết, mạch phim vẫn rất thuyết phục.”

Trong phiên bản mới dài 135 phút, với tên gọi đơn giản Thiếu Lâm, Trần Mộc Thắng làm nên một câu chuyện đầy tham vọng. Lấy bối cảnh thời kỳ thống lĩnh không lâu sau sự sụp đổ của triều đại hoàng gia vào đầu thế kỷ 20, Lưu Đức Hoa vào vai một thống lĩnh quân đội địa phương luôn hoài nghi rằng anh đang bị một người đồng minh phản bội. Anh nghĩ ra một kịch bản ám sát, để rồi bị người lính dưới trướng mình (Tạ Đình Phong) lừa gạt. Nhân vật của Lưu Đức Hoa sau đó ẩn náu ở Thiếu Lâm tự và trở thành một nhà sư ăn năn hối cải về con đường tội lỗi của mình trong quá khứ.

Mọi người đều biết bộ phim đầu tiên chủ yếu đề cao võ kungfu phong cách Thiếu Lâm, đặc biệt khiến nam diễn viên chính của phim là Lý Liên Kiệt trở thành nhà vô địch năm lần của quốc gia lúc bấy giờ. "Võ thuật là một điểm nổi bật, nhưng tôi sẽ không dùng nhà vô địch võ thuật làm điểm câu khách. Lưu Đức Hoa là một diễn viên,” theo lời đạo diễn Trần.

Nam diễn viên Hồng Kông kỳ cựu được nể trọng rộng rãi nhờ tài năng cũng như ngoại hình bảnh bao của mình. “Tôi có cần phải biến Lưu Đức Hoa thành Lý Liên Kiệt không? Tôi không thấy cần thiết. Tôi cũng không muốn làm thế,” ông nói, thêm rằng Lưu Đức Hoa, một người sùng bái đạo Phật, đã góp ý xây dựng nhân vật của anh.


Lưu Đức Hoa trong một cảnh tập quyền thuật Thiếu Lâm


Trong phim có kungfu – ta thấy Lưu Đức Hoa đang luyện tập quyền thuật Thiếu Lâm với một nhóm nhà sư trên phim trường – mặc dù Trần Mộc Thắng nói rằng trọng điểm của ông là triết lý đằng sau cuộc chiến.

“Tôi không nghĩ các động tác mạnh mẽ và hào nhoáng là biểu hiện của đấu Thiền. Theo tôi hiểu, tinh thần của đấu Thiền trước tiên là bạn phải hiểu khả năng của mình, hiểu được bản thân có thể vung cú đấm mạnh đến mức nào. Kế đó là làm sao để phá vỡ những giới hạn của mình. Và rồi bạn sẽ trở nên hạnh phúc hơn khi luyện tập nhiều hơn,” đạo diễn cho biết, ông chỉ ra cảnh nhân vật thống lĩnh của Lưu Đức Hoa đang luyện tập các động tác một cách hạnh phúc bên cạnh một nhà sư trẻ trong đêm lạnh giá. “Tôi đang cố phác họa trạng thái của ý chí,” ông nói.

Sự tác động lẫn nhau giữa vị thống lĩnh và nhân vật của Thành Long là một điểm sáng khác. Trần Mộc Thắng cho biết ông có chủ ý kết hợp họ - người chiến binh toan tính, quỷ quyệt của Lưu Đức Hoa và nhà sư vô tư lự quản lý nhà bếp chùa Thiếu Lâm của Thành Long

Sau khi xuất hiện trong Battle of Wits (2006) và Future X-Cops (2010), Thiếu Lâm đánh dấu lần hợp tác thứ ba giữ nữ diễn viên Trung Quốc Phạm Băng Băng và Lưu Đức Hoa trong vai trò một cặp đôi trên màn bạc. Về những chỉ trích của giới truyền thông rằng sự hợp tác này đã cũ mèm và quá lạm dụng, đạo diễn Trần bảo vệ các diễn viên của mình bằng cách nói, “Các nhà đầu tư của chúng tôi tin chắc vào sự ăn ý giữa họ, cũng như vẫn có những khán giả muốn xem họ đóng phim, vẫn ổn.”

Bất chấp cốt truyện trầm mặc, Thiếu Lâm cũng có những biểu hiện của một bộ phim thương mại chủ yếu. Cảnh cháy nổ quy mô mất một tháng để quay và dĩ nhiên là không thể quay ở chùa Thiếu Lâm thật sự. Thay vào đó, họ cho xây phim trường mô phỏng ngôi chùa với kích thước thật, tiêu tốn 20 triệu nhân dân tệ bao gồm cả bức tượng Phật cao 9,9 mét. “Tôi và đạo diễn Trần đã thực hiện nhiều cuộc nghiên cứu và phát hiện rằng nhiều bộ phim điện ảnh lẫn truyền hình đều cho thấy ấn tượng sai về Thiếu Lâm tự. Sau đó chúng tôi quyết định xây một ngôi chùa để quay phim,” chỉ đạo nghệ thuật Chung Man Hai nói với giới truyền thông. “Mặc dù chúng tôi rất muốn giữ lại phim trường, nhưng có một cảnh phát nổ (chùa Thiếu Lâm bị các đồng sự nước ngoài của vị chỉ huy dội bom) ở cuối phim và chúng tôi phải thiêu hủy ngôi chùa.”


Cảnh cháy nổ quy mô ở cuối phim


Trần Mộc Thắng cho biết cảnh cuối cùng là một quá trình khó nhọc và là một thành tựu kỹ thuật khổng lồ. Ông không dùng những hiệu ứng đặc biệt và chỉ có thể hoàn thành vài cảnh một ngày.

“Rất đáng nhớ. Rất vất vả và rất nguy hiểm,” ông nói.

Đạo diễn Trần hy vọng Thiếu Lâm của ông sẽ nổi bật trong số đông. “Đã có hàng trăm phim điện ảnh lẫn truyền hình về Thiếu Lâm tự trong vòng hai-ba thập kỷ qua và trong tương lai sẽ còn nữa, nhưng tôi hy vọng phiên bản của chúng tôi sẽ là độc nhất vô nhị trong số đó.”

Thiếu Lâm ra mắt ở Trung Quốc và Philippines vào thứ tư 19/1, ở Úc váo thứ năm 20/1, ở Singapore, Malaysia, Thái Lan và Indonesia vào thứ sáu 21/1; và ở Việt Nam vào ngày 18/2.

Dịch: © Trúc Phương @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Global Times & Independent Online
Gemini Offline
#3 Posted : Tuesday, April 19, 2011 7:05:30 PM(UTC)

Rank: V.I.P Passenger

Medals: Hoa tiêu - Những sói biển lẫy lừng: Sự tinh tế của bạn đã chắp cánh cho Trang tin Quái vật Điện ảnh

Groups: Member
Joined: 10/20/2010(UTC)
Posts: 1,080
Location: Quán nhậu

Thanks: 850 times
Was thanked: 1055 time(s) in 605 post(s)
Điểm lại các bộ phim có đề tài võ thuật Thiếu Lâm


Bạn có thể tưởng tượng có bao nhiêu bộ phim về Thiếu Lâm ở Trung Quốc không? Không thể nói được con số chính xác, nhưng nếu bạn tìm cụm từ “Thiếu Lâm” trên Internet Movie Database thì sẽ thấy gần 300 bộ phim có chữ “Thiếu Lâm” trong tựa đề.

Phần lớn các phim này là về võ thuật. Có thể liên hoan phim võ thuật sắp tới sẽ được tổ chức ở chùa Thiếu Lâm trên núi Trung Sơn. Dĩ nhiên là nếu có khả năng, nhưng từ những năm 1950, khi bộ phim về Thiếu Lâm đầu tiên của Hồng Kông How Shaolin Monastery Was Reduced to Ashes được thực hiện, Thiếu Lâm đã trở thành đề tài lâu đời của phim hành động Trung Quốc.

Vào những năm 1970, nhiệt tình dành cho các phim hành động đã khiến các bộ phim về Thiếu Lâm nở rộ ở Hồng Kông và Đài Loan. Nhiều tác phẩm hay được làm ra như Five Shaolin masters, Men from the MonasteryDeath Chamber của đạo diễn Hồng Kông Trương Triệt. Năm 1982, bộ phim đầu tiên của Lý Liên Kiệt Thiếu Lâm tự được phát hành ở Trung Quốc đại lục. Bộ phim là một thành công lớn, tạo nên một cơn sốt kungfu khác. Vì đây là phim hành động đầu tiên phát hành ở đại lục nên giới trẻ đã noi theo các nhà sư trong phim, một số thậm chí còn lên chùa Thiếu Lâm ở Trung Sơn để học võ.

Đến những năm 1990, khi phim hành động Thiếu Lâm trở nên kém thu hút hơn, các đạo diễn bắt đầu tìm kiếm những cái mới. Đạo diễn Đài Loan Chu Diên Bình thực hiện các phim hài Shaolin PopeyShaolin Popey 2 – Messy Temple do hai ngôi sao nhí Hác Thiệu Văn và Thích Tiểu Long đóng vai chính. Năm 2001, Châu Tinh Trì đạo diễn và giữ vai chính trong bộ phim hài Đội bóng Thiếu Lâm (Shaolin Soccer). Anh kết hợp giữa võ thuật Thiếu Lâm và bóng đá, lật đổ ý nghĩ cố định của khán giả về võ thuật bằng một phương thức hài hước.

Trong hầu hết các phim điện ảnh và tiểu thuyết về kungfu Trung Quốc, Thiếu Lâm đại diện cho công lý. Võ thuật Thiếu Lâm mạnh mẽ và táo bạo. Nhiều người thích phim hành động cũng yêu thích phim Thiếu Lâm. Thiếu Lâm trở thành chiêu bài cho điện ảnh Trung Quốc. Bất chấp nội dung và thể loại phim, miễn là có các nhà sư và cảnh hành động, bộ phim sẽ được gắn nhãn “phim Thiếu Lâm”.

Bộ phim Thiếu Lâm của đạo diễn Trần Mộc Thắng khởi chiếu trong năm nay. Trong phim, chùa Thiếu Lâm bị nổ tan tành. Như một vòng tròn, chúng ta lại quay lại với bộ phim Thiếu Lâm đầu tiên How Shaolin Monastery Was Reduced to Ashes. Chủ đề này đã được các nhà làm phim khác nhau phóng tác trong gần nửa thế kỷ qua. Thiếu Lâm có còn gì để chúng ta đào xới nữa không? Khán giả đang trông đợi các bộ phim mới mẻ và độc đáo thay vì cứ lặp lại mãi một chủ đề.







Từ trên xuống: Bàn tay Tử thần, Thiếu Lâm tự, Ô Long viện, Đội bóng Thiếu Lâm Thiếu Lâm


Hand of Death (Bàn tay Tử thần)

Phát hành vào năm 1976, Bàn tay Tử thần của đạo diễn Ngô Vũ Sâm do Thành Long và Hồng Kim Bảo đóng vai chính. Nam diễn viên thế thân chuyển làm diễn viên Thành Long không hề nổi tiếng vào thập niên 1970 và bộ phim này sao chép phong cách phim của người thầy của Ngô Vũ Sâm là Trương Triệt. Nhưng sau đó cả hai đều tìm ra phong cách làm phim của riêng mình.

Lấy bối cảnh thời nhà Thanh, bộ phim kể về các nhà sư Thiếu Lâm đánh bại kẻ phản bội Thiếu Lâm tự, một kẻ khát máu.

The Shaolin Temple (Thiếu Lâm tự)

Năm 1982, cơn sốt Thiếu Lâm càn quét Trung Quốc đại lục do bởi bộ phim đầu tay của Lý Liên Kiệt, Thiếu Lâm tự. Phim do đạo diễn kỳ cựu Hồng Kông Zhang Xinyan chỉ đạo.

Khác với trước, bộ phim được làm ở đại lục.

Tờ báo mạng Dim Light viết, “Thật khó tin là Thiếu Lâm tự được thực hiện vào năm 1982. Dù kỹ thuật và ngôn ngữ điện ảnh đã thay đổi nhanh chóng trong những năm sau đó nhưng cũng khó có bộ phim Trung Quốc nào tốt hơn phim này.”

Bộ phim là một câu chuyện báo thù. Lý Liên Kiệt vào vai một cậu bé được các nhà sư Thiếu Lâm nhận nuôi và dạy dỗ, cậu cố trả thù cho cái chết của cha mình.

Sau Thiếu Lâm tự, Lý Liên Kiệt cũng góp mặt trong Thiếu Lâm tiểu tửNam Bắc Thiếu Lâm.

Shaolin Popey 2: Messy Temple (Tân Ô Long viện)

Do đạo diễn Đài Loan Chu Diên Bình chỉ đạo, bộ phim Ô Long viện và phần tiếp theo của nó là một thành công lớn ở Đài Loan. Bộ phim hài này do hai ngôi sao nhí Hác Thiệu Văn và Thích Tiểu Long đóng vai chính. So với diễn xuất của hai cậu bé, phần hành động trong phim khá mờ nhạt.

Tân Ô Long viện được sản xuất năm 1994, kể câu chuyện vui nhộn về sư phụ Mianbi và ba đồ đệ ở Ô Long viện.

Shaolin Soccer (Đội bóng Thiếu Lâm)

Đạo diễn/diễn viên Hồng Kông Châu Tinh Trì quay Đội bóng Thiếu Lâm vào năm 2001. Bộ phim càn quét giải Kim Tượng Hồng Kông lần thứ 21 khi đoạt về giải Phim xuất sắc nhất. Châu Tinh Trì cũng nhận được giải Đạo diễn xuất sắc nhất và Nam diễn viên xuất sắc nhất.

Bộ phim thuật lại câu chuyện cựu nhà sư Thiếu Lâm tụ họp năm người anh em của mình lại để áp dụng kỹ năng võ thuật của họ vào bóng đá và đem võ thuật Thiếu Lâm đến với quần chúng.

Trang tin Lightwing nói rằng thành công của bộ phim là nhờ kịch bản hay và khả năng xoay sở của đạo diễn. “Ngoài ra, sự lựa chọn diễn viên của Châu Tinh Trì cũng rất đặc trưng.”

Dù sao thì Châu Tinh Trì cũng đã thành công kết hợp kungfu Thiếu Lâm và bóng đá, lật đổ ý nghĩ cố định của khán giả về kungfu bằng một phương pháp hài hước.

Shaolin (Thiếu Lâm)

Thiếu Lâm của Trần Mộc Thắng có sự tham gia của Lưu Đức Hoa, Tạ Đình Phong, Thành Long và Phạm Băng Băng. Bộ phim được phát hành vào ngày 19/1/2011.

Chuyện phim lấy bối cảnh thời kỳ thống lĩnh ở Trung Quốc vào những năm 1920. Phim kể chuyện các nhà sư Thiếu Lâm phải bảo vệ ngôi chùa của mình và bảo vệ những con người khổ sở vì chiến tranh.

Để làm cho ngôi chùa trong phim trông cũ kỹ hơn chùa thật, đạo diễn đã xây một Thiếu Lâm tự mới.

Dịch: © Trúc Phương @Quaivatdienanh.com
Nguồn: CRIENGLISH
Gemini Offline
#4 Posted : Tuesday, April 19, 2011 7:23:11 PM(UTC)

Rank: V.I.P Passenger

Medals: Hoa tiêu - Những sói biển lẫy lừng: Sự tinh tế của bạn đã chắp cánh cho Trang tin Quái vật Điện ảnh

Groups: Member
Joined: 10/20/2010(UTC)
Posts: 1,080
Location: Quán nhậu

Thanks: 850 times
Was thanked: 1055 time(s) in 605 post(s)
Bình luận phim Thiếu Lâm




Poster phim Thiếu Lâm (2010)


Miền trung Trung Quốc những năm đầu Cộng hòa, thập niên 1920. Tại Đăng Phong, tỉnh Hà Nam, một trận chiến tranh giành thành phố vừa xảy ra giữa những tướng lĩnh thù địch nhau.

Khi đông đến, các nhà sư Thiếu Lâm tự giúp thu xếp nơi ăn chốn ở cho người dân địa phương. Vị tướng bại trận Hỏa Long (Trần Chí Huy thủ vai) lánh nạn trong chùa, nhưng anh vẫn bị người tướng thắng trận Hậu Nhai (Lưu Đức Hoa thủ vai) truy lùng và hạ sát, thậm chí dù đã giao nộp cho Hậu Nhai tất cả của cải có được. Sau khi nắm quyền kiểm soát thành phố, Hậu Nhai bảo phó tướng Tào Man (Tạ Đình Phong thủ vai), người vài năm trước anh cưu mang như em trai, đi ám sát tướng Tống Hổ (Thích Tiểu Long thủ vai), người muốn chia đôi thành phố với họ. Vợ của Hậu Nhai (Phạm Băng Băng thủ vai) cầu xin anh đừng làm vậy, vì Tống Hổ là anh kết nghĩa của Hậu Nhai, nhưng anh không nghe. Tại bữa tối sắp diễn ra vụ thích khách, kế hoạch hóa hỏng bét, và Hậu Nhai chỉ xoay sở trốn thoát cùng đứa con gái nhỏ bị trọng thương. Hậu Nhai ẩn náu trong Thiếu Lâm tự và khẩn cầu các nhà sư cứu con mình, nhưng cô bé đã chết. Vợ Hậu Nhai phẫn nộ nên bỏ anh ra đi. Sau khi gặp nhà sư phiêu bạt Vũ Đạo (Thành Long thủ vai) làm việc trong nhà bếp của Thiếu Lâm tự, Hậu Nhai ở lại chùa làm sãi, dù bị nhiều nhà sư thù hằn – trong đó có Kinh Năng (Ngô Kinh thủ vai), Kinh Hải (Dư Thiếu Quần thủ vai) và Kinh Không (Thích Diên Năng thủ vai) – vì hành động trước giờ của anh với họ. Tuy nhiên, anh dần gầy dựng được niềm tin nơi họ và xuống tóc thành sư với pháp danh Tịnh Quyết. Trong Lúc đó, Tào Man, sau vụ thích khách Tống Hổ đã phản Hậu Nhai, bắt tay với quân lính Anh để giúp họ xây đường sắt, đổi lại anh được súng máy. Mờ mắt vì quyền lực, Tào Man yêu cầu Hậu Nhai tái hợp sức với hắn, nhưng anh từ chối, đặt cả hai vào tình thế đối đầu – và có cả Thiếu Lâm tự bên họ.

Dù tựa đề tiếng Hoa (Tân Thiếu Lâm tự) báo hiệu đây là bản làm lại bộ phim của đại lục năm 1982 đã giới thiệu Lý Liên Kiệt vào nghề, Thiếu Lâm cũng chỉ là một phim hành động thị trường gợi nhớ các tác phẩm của Hồng Kông quay ở Trung Quốc 20 năm trước. Kịch bản tập trung vào một người đàn ông tìm sám hối nơi cửa phật, và bộ phim cũng có sự tham gia của nam diễn viên kiêm bậc thầy wushu Vu Hải trong bản gốc, nhưng bối cảnh được chuyển đến cập nhật hơn vào đầu thế kỷ 20 – với một thông điệp mạnh mẽ cho thời nay về việc “các ông lớn vấp chân khi thâm nhập Trung Quốc”, theo lời giới thiệu phim – và trong Thiếu Lâm không tập trung quá mức vào việc rèn luyện và kỹ thuật như phiên bản 1982, những yếu tố đã từng là một phần của các phim võ thuật thời đó. Là một phim giải trí đơn thuần, Thiếu Lâm là một chuyến du hành dài hơn hai tiếng, với các nhân vật được vẽ nên mạnh mẽ, vài trường đoạn hành động tốt (lần Lưu Đức Hoa chạy thoát nhờ rìu và ngựa hay trận sụp đổ cuối cùng của ngôi chùa), và phối màu tốt với vẻ xám xịt cũ kỹ của cảnh chùa. Vấn đề chính là, như nhiều phim của đạo diễn Trần Mộc Thắng (Siêu cảnh sát, Bao vây toàn thành), vẫn “hứa nhiều làm chẳng bao nhiêu”.


Cảnh trong Thiếu Lâm


Bản gốc của phim này khoảng ba tiếng, và nhiều phần có vẻ đã biến mất trong phòng cắt phim khi các nhà làm phim cố giảm thời lượng xuống còn hơn hai tiếng. Sau mở đầu chia làm nhiều nhánh, dẫn đến tình cảnh khốn khổ của người dân sau trận chiến giữa các vị tướng lĩnh đối đầu nhau, và đặt nền cho mối xung đột giữa vị tướng tàn nhẫn của Lưu Đức Hoa và vai phó tướng hiểm họa khôn lường của Tạ Đình Phong, và giữa các nhà sư với nhau, bộ phim phác nên đời sống của Lưu Đức Hoa cùng vợ và con gái nhỏ, tiếp sau đó là trường đoạn nhịp độ tốt tại nhà hàng nơi kế hoạch thích khách của trở nên hoàn toàn trật chìa. Tuy nhiên, từ đó về sau, Thiếu Lâm dần dần cởi bỏ bất kỳ dấu hiệu nào giả vờ là một phim chính kịch tâm lý sử thi và trở thành phim hành động đúng công thức. Thậm chí nhân vật nhà sư nấu bếp của Thành Long cũng được dựng nên khá thú vị nhưng rồi lại bị bỏ phí khá nhiều: ngôi sao kỳ cựu này có cảnh giao đấu khéo léo bằng các dụng cụ bếp cùng bọn trẻ nhưng chưa bao giờ thực sự ăn rơ với kịch bản. Nữ diễn viên Phạm Băng Băng cũng đơn giản biến mất khúc giữa phim trước khi được mang trở lại nhằm làm mướt kịch bản.

Thiếu Lâm vẫn còn có thể tiến xa hơn về phương diện nhân vật so với Địch Nhân Kiệt của Từ Khắc, cũng có mở đầu hứa hẹn, và các màn hành động võ thuật, do các diễn viên gạo cội Nguyên Khuê và Nguyên Đức trình diễn, mang đến những màn diễn xuất mạnh mẽ mà không cần dùng đến hiệu ứng thị giác lớn. Nhưng với dàn diễn viên và mức kinh phí thế này, Thiếu Lâm đã có thể hay hơn. Phong cách diễn kinh điển của Lưu Đức Hoa trong nửa giờ đầu với vai một người đàn ông xấu chưa quay đầu lúc anh còn được Tạ Đình Phong yểm trợ với tư cách một trợ thủ tham vọng; về sau khi Lưu Đức Hoa vào vai nhà sư muốn chuộc lỗi và Tạ Đình Phong là vị tướng điên cuồng vì quyền lực thì lại có nét công thức hơn nhiều. Một vài cảnh giao đấu tuyệt nhất là giữa bộ ba nhà sư do ngôi sao hành động Ngô Kinh (từng tham gia Tây Phong Liệt), diễn viên tiềm năng Dư Thiếu Quần (đóng Mai Lan Phương lúc trẻ trong bộ phim cùng tên) và Thích Diên Năng trông có vẻ ngố. Tất cả đều được đào tạo wushu chuyên nghiệp và có sự xuất hiện đáng yêu trên màn ảnh, và Thích Diên Năng còn là một môn sinh Thiếu Lâm thực thụ.

Dịch: © Mai Khanh @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Film Business Asia
Users browsing this topic
Guest
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.

SoClean Theme By Jaben Cargman (Tiny Gecko)
Powered by YAF | YAF © 2003-2010, Yet Another Forum.NET
This page was generated in 0.343 seconds.