logo

Welcome Guest! To enable all features please try to register or login.
[Mỹ | 2012] Frankenweenie | Chó ma nhà Frankenstein
Lữ Khách Offline
#1 Posted : Friday, July 20, 2012 11:11:02 PM(UTC)

Rank: Passenger Service

Medals: Huân chương Thuyền trưởng: Vì mỗi ngày thức dậy lúc 5h 'cho em măm' và những ngày cuối tuần cafe làm việc cho QVĐA của chúng taChân vịt vàng: Đóng góp thầm lặng của bạn đem lại nét đẹp sống động cho Quái vật Điện ảnh

Groups: Crew Officer, CTV, Moderator
Joined: 10/20/2010(UTC)
Posts: 8,028
Location: Lữ quán

Thanks: 4743 times
Was thanked: 2346 time(s) in 1715 post(s)
Frankenweenie



Tên phim: Frankenweenie
Ngày phát hành: 5/11/2012 (Mỹ)
Đạo diễn: Tim Burton
Kịch bản: Tim Burton, Leonard Ripps, John August
Thể loại: Hoạt hình – Hài hước – Kinh dị
Xếp loại:
Thời lượng:
Nước sản xuất: Mỹ
Hãng sản xuất:
- Walt Disney Pictures
- Tim Burton Animation Co.
- Tim Burton Productions

Các diễn viên lồng tiếng:
Charlie Tahan ... Victor Frankenstien
Martin Landau ... Mr. Rzykruski
Christopher Lee ... Movie Dracula
Martin Short ... Mr. Walsh / Toshiaki / Mr. Bergermeister / Bob / Mr. Curtis
Robert Capron ... Bob
Conchata Ferrell ... Bob's Mom

Nội dung chính:

Khi chú chó cưng Sparky của Victor (đóng chính trong bộ phim quái vật tự sản xuất tại nhà của Victor) bị chiếc xe hơi đâm phải, Victor quyết định làm chú ta sống lại theo cách duy nhất mà cậu biết. Nhưng khi chú chó “quái vật” gắn bu-lông ở cổ gây nhiều rắc rối và gieo rắc kinh hoàng trong lòng những người láng giềng của Victor, cậu phải thuyết phục họ (và bố mẹ của mình) rằng mặc dù bề ngoài như thế, Sparky vẫn là người bạn trung thành tốt bụng như chú ta đã luôn như thế.

Trang web chính thức: Click vào đây
Trang IMDb: Click vào đây

Trailer: Click vào đây
1 user thanked Lữ Khách for this useful post.
Yên Khuê on 7/20/2012(UTC)
Lữ Khách Offline
#2 Posted : Thursday, July 26, 2012 6:02:37 AM(UTC)

Rank: Passenger Service

Medals: Huân chương Thuyền trưởng: Vì mỗi ngày thức dậy lúc 5h 'cho em măm' và những ngày cuối tuần cafe làm việc cho QVĐA của chúng taChân vịt vàng: Đóng góp thầm lặng của bạn đem lại nét đẹp sống động cho Quái vật Điện ảnh

Groups: Crew Officer, CTV, Moderator
Joined: 10/20/2010(UTC)
Posts: 8,028
Location: Lữ quán

Thanks: 4743 times
Was thanked: 2346 time(s) in 1715 post(s)
Xu hướng thu 2012: Phim kinh dị dành cho trẻ em



Bây giờ bất cứ gì mà có yếu tố siêu nhiên thì cũng nóng, nóng. Với thây ma sống, quái vật, ma cà rồng và người sói làm tiền đáng kể người lớn lẫn bọn trẻ choai choai, không ngạc nhiên khi ta thấy hiệu ứng này xuống đến khán giả nhí. Rốt cuộc, bọn trẻ đang bị tấn công dồn dập bởi những hình ảnh và hàng hóa ăn theo của những thứ chúng không được xem, nhưng rất muốn xem, đặc biệt là khi bố mẹ hay anh chị lớn hơn của chúng mê muội những thứ đó. Những hãng phim và nhà làm phim khôn ngoan đã nhận ra rằng bộ phận khán giả nhỏ tuổi hơn cũng thích những câu chuyện ma quái dành riêng cho chúng vậy.


Phim truyền hình Goosebumps từng khiến bọn nhóc rùng mình từ những năm 90


Tất nhiên, “phim kinh dị thiếu nhi” không phải là ý tưởng mới. Goosebumps đã từng khiến bọn nhóc rùng mình từ những năm 90, còn những phim hoạt hình như Aaahh!!! Real Monsters, BeetlejuiceMonster Tails sung sướng sử dụng yếu tố kinh dị để gây cười. Hồi xưa, ta có phim truyền hình The Abbott and Costello, The Addams FamilyThe Munsters đem cái sợ đến cho bọn nhóc. Bọn nhóc tì lúc nào chả thích những câu chuyện ma quái, nhưng văn hóa của chúng ta thường định đoạt rằng vậy là không thích hợp rồi mới nhún vai, làm mới lại, và trả yếu tố thú vị siêu nhiên về cho bọn nhỏ.

Mùa thu năm nay, “phim kinh dị dành cho khán giả nhí” sống lại không chỉ trong một, mà là ba phim hoạt hình: ParaNorman, Hotel Transylvania, và Frankenweenie. Với nhiều người, những phim này có thể là nhập môn kinh dị đáng sợ. Nhưng với bọn nhóc tì, chúng sẽ còn muốn có thêm nhiều phim nữa. Không khó hình dung sẽ có một vài phần tiếp theo, cũng như cá tá phim bắt chước.

Nhưng mà thôi đừng có tính xa quá. Cùng điểm qua ParaNorman, Hotel TransylvaniaFrankenweenie trước đã. Xem như những phim này thành công liền tù tì nhau, Film.com quyết định phân tích xu hướng mùa phim thu năm nay. Từng phim đó có đặc điểm gì? Nhắm vào lứa tuổi nào? Phim nào sẽ lại là thành công của Tim Burton?

ParaNorman (phát hành ở Mỹ ngày 17/8)


Một cảnh trong phim ParaNorman

Câu chuyện: Norman (do Kodi Smit-McPhee lồng tiếng) nhìn thấy được người chết. Tất nhiên điều này khiến cậu không được bạn bè trang lứa ưa thích, cho đến khi cậu lãnh sứ mạng giải cứu thành phố trước cuộc xâm lăng của thây ma sống và một lời nguyền cổ xưa.

Phim do Chris Butler (tác phẩm đầu tay) và Sam Fell, đã chỉ đạo The Tale of Desperaux, và Flushed Away, đồng đạo diễn.

Đây là phim hoạt hình stop-motion, một điều thú vị trong kỷ nguyên hoạt hình vi tính bây giờ. Do Laika, công ty đứng sau CoralineThe Corpse Bride sản xuất, ParaNorman lập tức có tiếng vì phong cách lạ thường. Phim bị nhầm lẫn là phim của Tim Burton/Henry Selick vì mang âm hưởng rất gần với tác phẩm của hai vị này. Ồ, và là phim 3D.

Phim tự hào có dàn diễn viên lồng tiếng nổi danh. cùng với McPhee là John Goodman, Anna Kendrick, Christopher Mintz-Plasse, Leslie Mann, Jeff Garlin, và Casey Affleck.

Với lịch phát hành ngay thời điểm giao mùa hè sang thu, ParaNorman chiếm vị trí thượng phong để thu hút khán giả nhí sắp đi học trở lại, biến câu chuyện về một cậu bé bị ghẻ lạnh thành một câu chuyện hoàn hảo cho tâm trạng của bọn nhóc.

ParaNorman thiên về thiếu nhi từ 10 trở lên. Khán giả nhỏ hơn có thể thấy nhiều hình ảnh đáng sợ, và câu chuyện quá kinh khiếp. Người lớn sẽ tìm thấy vô số phim kinh dị liên quan để giải trí.

Hotel Transylvania (phát hành ở Mỹ ngày 28/9)


Câu chuyện: Bá tước Dracula là chủ và điều hành Khách sạn Transylvania, nơi trú ẩn/nghỉ dưỡng cho quái vật khắp thế giới. Ông ta tìm cách giữ cho những kẻ có năng lực siêu nhiên này (nhất là con gái ông ta, Mavis) an toàn trước con người. Nhưng chốn tôn nghiêm của ông bị một du khách con người tên Jonathan xâm chiếm, anh chàng này lập tức phải lòng Mavis.

Đây là phim hoạt hình vi tính duy nhất trong số ba phim, nhưng cũng ở định dạng 3D.

Mặc dù hào nhoáng và thân thiện với trẻ em, Hotel Transylvania tự hào về giòng dõi lập dị. Phim do Gendry Tartakovsky, thiên tài hoạt hình đằng sau Samurai Jack, đạo diễn. Một trong số biên kịch là Robert Smigel của Saturday Night Live, Saturday TV FunhouseTriumph the Comic Dog.

Sony đã trình chiếu Hotel tại ConmicCon San Diego tạo ra những tin tức lấp lánh và nhiều bàn tán xôn xao. Nhưng liệu sự bàn tán xôn xao này có chuyển ra thế giới bên ngoài ComicCon không?

Hotel Transylvania có yếu tố hài hước, phong cách hoạt hình trìu mến và cốt chuyện nhẹ nhàng. Phim nhắm vào đám đông con nít, nên dễ bán rộng rãi, đại trà hơn.

Phim tự hào về dàn diễn viên nổi tiếng gồm Adam Sandler (Dracula), Andy Samberg (Jonathan), Selena Gomez (Mavis), Kevin James (Frankenstein), Jon Lovitz (Quasimodo), Cee Lo Green (Murray the Mummy), Steve Busemi (Wayne the Werewolf), David Spade (Griffin the Invisible Man), và Molly Shannon (Wanda the Werewolf).

Frankenweenie (phát hành ở Mỹ ngày 5/10)


Nhân vật Victor và chú chó yêu Sparky đã được cải tử hoàn sinh

Câu chuyện: Sau cái chết yểu của chú chó yêu, Sparky, Victor khai thác sức mạnh của khoa học để đem chú chó trở về với cuộc sống. Cậu tìm cách giấu chú chó được cải tử hoàn sinh này, nhưng Sparky cứ ra ngoài, và phá phách trong thành phố.

Phim là bản làm lại một phim ngắn hồi năm 1984 của Tim Burton do chính ông đạo diễn. Chỉ cái tên Burton thôi cũng thu hút cả đống người lớn lẫn trẻ mới lớn, đảm bảo cho phim thành công dù bọn nhóc có lảng ra.

Về mặt thị giác, phim này nổi bật nhất trong ba phim. Không chỉ là hoạt hình stop-motion, mà còn là phim đen trắng. Cũng 3D.

Nhiều diễn viên thường xuyên của Burton có trong dàn diễn viên lồng tiếng, gồm Winona Ryder, Catherine O’Hara, Martin Landau và Christopher Lee.

Frankenweenie hoàn toàn thiên về thiếu nhi trên 10 tuổi. Chuyện phim có thể hơi khó nuốt với bọn nhóc tì, nhưng phong cách thì trìu mến hơn là đáng sợ. Khán giả cũng sẽ hết sức mê mẩn vì Sparky mà không nhận ra chú chó này là chắp vá từ nhiều con chó đã chết khác.

Phim cũng có ngày phát hành tốt nhất trong cả ba: ngày 5/10, vừa đúng dịp Halloween. Tặng phẩm hiếm có này cũng không phải là một phim kinh dị xếp loại R.

Như với tất cả phim của Burton, Frankenweenie sẽ thu được vô khối tiền từ vật phẩm ăn theo. Những chiếc áo thun sắp diễu hành để quảng bá cho phim này.

Dịch: © Yên Khuê @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Film.com
Lữ Khách Offline
#3 Posted : Tuesday, October 9, 2012 10:44:40 PM(UTC)

Rank: Passenger Service

Medals: Huân chương Thuyền trưởng: Vì mỗi ngày thức dậy lúc 5h 'cho em măm' và những ngày cuối tuần cafe làm việc cho QVĐA của chúng taChân vịt vàng: Đóng góp thầm lặng của bạn đem lại nét đẹp sống động cho Quái vật Điện ảnh

Groups: Crew Officer, CTV, Moderator
Joined: 10/20/2010(UTC)
Posts: 8,028
Location: Lữ quán

Thanks: 4743 times
Was thanked: 2346 time(s) in 1715 post(s)
Chó ma nhà Frankenstein góp phần hồi sinh hoạt hình stop-motion



Một khi Tim Burton để tâm tới, chú chó ngoan không thể vĩnh viễn ra đi. Và một cách làm phim hoạt hình xưa cũ nhưng chất lượng cũng không thể bị nhấn chìm.

Câu chuyện về cậu bé hồi sinh chú chó yêu, Frankenweenie (phát hành tại Việt Nam với tựa Chó ma nhà Frankenstein), là tác phẩm mới nhất của Hollywood làm sống lại thời của hoạt hình stop-motion, một cách làm phim của thế kỷ trước nay vẫn thi thoảng len lỏi lên màn ảnh rộng giữa thời của những bom tấn hoạt hình đồ họa vi tính.

Thật là một ý tưởng làm phim giản dị - những vật thể vô tri chuyển động từng chút một và được ghi lại từng khung hình tạo thành một chuyển động đánh lừa thị giác. Nhưng để dùng những mô hình cảnh vật thu nhỏ thật trau chuốt và các con rối bên trong được dẫn động tinh vi làm thành chuyển động và còn biểu lộ tình cảm, quả là một quá trình chi li đòi hỏi cả tá đội ngũ làm hoạt hình và nhiều năm ròng lao động.



Thành quả làm phim như một bức biếm họa lùng nhùng, gân guốc về hiện thực, mang lại cảm giác cụ thể và chân thực hơn người anh em đồ họa vi tính mượt mà.

"Stop-motion là một cách làm phim thuần khiết hơn," đạo diễn Tim Burton cho biết. "Bạn cố gắng chọn cách thức phù hợp với câu chuyện, và với Chó ma nhà Frankenstein, một câu chuyện về sự tái sinh, việc làm sống dậy cách làm phim cùng những con rối chuyển động thật là ăn khớp."

Là bản chuyển thể hoạt hình từ phim ngắn người thật đóng ra mắt năm 1984 của Burton, Chó ma nhà Frankenstein kể về một cậu bé thiên tài theo hơi hướng Frankenstein, gắng sức làm chú chó yêu của mình sống lại sau một tai nạn xe hơi. Burton còn phát triển thêm một bầy thú gồm những quái vật hồi sinh, như chuột quái dị, hamster xác ướp và một con rùa to lớn như Godzilla.

Phim stop-motion có thể đã vắng bóng nhiều năm ở Hollywood, rồi trở lại như một làn sóng. Chó ma nhà Frankenstein là phim thứ ba trong năm nay, tiếp sau Norman & Giác quan thứ 6 - từ hãng đã cho ra đời Coraline năm 2009, và The Pirates! Band of Misfits của Aardman Animations - những người đứng sau Wallace & Gromit in the Curse of the Were-Rabbit, bộ phim hoạt hình stop-motion duy nhất từng nhận giải thưởng của Viện hàn lâm ở hạng mục phim truyện hoạt hình năm 2005.

Wallace & Gromit ra mắt cùng năm với Corpse Bride của Burton, phim stop-motion thứ hai của ông sau khi ông khơi dậy cách làm phim này với The Nightmare Before Christmas (1993).


Đạo diễn Tim Burton và mô hình nhân vật trong Chó ma nhà Frankenstein


Những gì Burton cực kỳ nhạy cảm - hồn ma, yêu tinh và những sinh vật lạ - theo một cách nào đó lại hòa hợp tuyệt vời với sự mảnh mai tinh tế và có chiều sâu của phong cách stop-motion. Cùng với Coraline, ParaNorman, và Curse of the Were-Rabbit, bộ phim stop-motion hài ma quái sắp ra mắt Hell & Back cũng tiếp bước theo xu hướng này.

"Stop-motion luôn dính yếu tố rùng rợn, và tôi nghĩ đây là truyền thống của loại hình này. Nếu bạn xem những phim ngắn được làm từ rất sớm theo cách này, nhân vật toàn là xương khô và gà đã bị giết mổ, Chúa mới biết còn gì nữa," theo lời Chris Butler, từng tham gia làm phim Corpse Bride, Coraline, viết kịch bản và đồng đạo diễn ParaNorman.

"Rồi bạn còn phải nhớ đến Nightmare Before Christmas, bộ phim khơi nguồn cho sự trở lại này."

Cũng như Chó ma nhà Frankenstein, ParaNorman là câu chuyện về sự hồi sinh từ cõi chết, một cậu bé 'khác người' nhờ khả năng trò chuyện với những hồn ma mà trở thành người hùng bất đắc dĩ khi thị trấn của cậu bị những thây ma đội mồ sống dậy bao vây.

Những nhà làm phim hoạt hình stop-motion đã tạo ra sức hút ma quái từ những năm sơ khởi của điện ảnh như phim ngắn The Haunted Hotel, trong đó những bàn tay vô hình đang chuẩn bị bữa tối.

Với phim người thật đóng, kỹ thuật stop-motion được sử dụng để tạo ra đám khủng long trong phim câm The Lost World (1925), tinh tinh khổng lồ trong King Kong bản gốc, những bộ xương biết chiến đấu và những sinh vật khác qua bàn tay bậc thầy hiệu quả đặc biệt Ray Harryhausen. James Cameron từng dùng stop-motion để đồ họa cỗ máy giết người cốt sắt làm sởn gáy trong Terminator, sau khi lớp vỏ ngoài mang hình Arnold Schwarzenegger bị thiêu rụi.


Một cảnh hậu trường Chó ma nhà Frankenstein


Ngoài ra, stop-motion cũng có gắn với hình ảnh thân thiện hơn như trong các phim hoạt hình chiếu trên truyền hình Gumby, Davey and GoliathRudolph the Red-Nosed Reindeer.

Trong khi hoạt hình vẽ tay dạng 2D từng có thời thống trị thế giới hoạt hình nay hầu như biến mất trên màn ảnh rộng, thì những con rối và mô hình cảnh vật thu nhỏ stop-motion lại điềm nhiên hiện diện tại các rạp chiếu 3D.

"Một sự kết hợp tuyệt vời," theo lời Sam Fell, đồng đạo diễn ParaNorman. "Những khung hình luôn sống động. Tôi còn nhớ lúc nhỏ được xem những tác phẩm tạo hình của Ray Harryhausen. Tôi luôn muốn mang một trong số những bộ xương đó về nhà để sờ tận tay và xem trong đó có gì. Thêm yếu tố 3D mọi thứ còn trở nên hữu hình và hấp dẫn hơn. Bạn trở nên chìm đắm trong thế giới thủ công đó."

Cùng kỹ thuật ghi hình 3D, phim stop-motion giờ đây còn được tô điểm với những hiệu ứng hình ảnh đặc biệt thực hiện bằng máy tính. Tuy vậy mấu chốt của loại hình làm phim này vẫn được giữ nguyên. "Một người đứng sau tấm màn đen, điều khiển những con rối qua từng khung hình. Điều này hàng trăm năm nay vẫn không có gì thay đổi," nhà sản xuất Chó ma nhà Frankenstein Allison Abbate cho biết. "Đó là tổng hòa của truyền thống, công nghệ thủ công, sự khéo léo và tình yêu công việc mà bạn có thể cảm nhận khi xem phim."

Dịch: © Hoàng Hà @Quaivatdienanh.com
Nguồn: AP
Lữ Khách Offline
#4 Posted : Saturday, October 13, 2012 5:10:24 AM(UTC)

Rank: Passenger Service

Medals: Huân chương Thuyền trưởng: Vì mỗi ngày thức dậy lúc 5h 'cho em măm' và những ngày cuối tuần cafe làm việc cho QVĐA của chúng taChân vịt vàng: Đóng góp thầm lặng của bạn đem lại nét đẹp sống động cho Quái vật Điện ảnh

Groups: Crew Officer, CTV, Moderator
Joined: 10/20/2010(UTC)
Posts: 8,028
Location: Lữ quán

Thanks: 4743 times
Was thanked: 2346 time(s) in 1715 post(s)
Bản tái sinh Frankenweenie của Tim Burton là một câu chuyện riêng tư



Âm thanh của các nhạc cụ đồng và khí rung lên với tiếng kèn hân hoan, vang vọng cả hành lang và xung quanh hội trường, nơi đó Tim Burton yên vị trong một gian triển lãm di động dành cho phim mới Frankenweenie (phát hành ở Việt Nam với tựa Chó ma nhà Frankenstein) của ông. Khi tiếng nhạc đã quá lớn không ngó lơ được nữa, Burton đáp nhanh: “Hy vọng bạn không phiền, tôi đang diễn tập với ban nhạc mới của mình. Up With People.”*

Đây là hoàn cảnh nguy hiểm của việc quảng bá một phim tại nơi vui vẻ nhất trần gian. Vào một chiều chủ nhật oi ả, Burton đang tiếp nhận câu hỏi tại công viên California Adventure của Disney về phim hoạt hình stop-motion mới nhất của ông, một bản phim dài chỉnh sửa từ phim ngắn ông làm năm 1984. Bộ phim 3D trắng đen này giữ nguyên ý chính: một cậu bé miền quê mượn ý tưởng từ nhà bác học điên nổi tiếng của Mary Shelley để hồi sinh chú chó bull terrier Sparky yêu dấu sau khi chú này bị xe hơi húc phải.


Victor, do Charlie Tahan lồng tiếng, và chú chó yêu Sparky trong một cảnh phim [Ảnh: Disney]

Frankenweenie chứa đựng nhiều nét tôn trọng những phim quái vật cổ điển – những tác phẩm được hãng Universal sản xuất hồi thập niên 1930, phim kinh dị hơi hướm khoa học thập niên 1950; thậm chí còn có nhân vật Dracular của Christopher Lee trong một phim của hãng Hammer Film ở Anh vào làm diễn viên khách mời.

Nhưng nhìn xuống những bản sao be bé trong buổi triển lãm “Nghệ thuật trong Frankenweenie” – bản sao máy chơi đĩa, đồ trang trí Giáng sinh và chùm nho bằng nhựa nhựa vung vãi giữa các bản thảo và hình mẫu – Burton đảm bảo đã chỉ ra rằng những ám chỉ dành cho “con mọt” điện ảnh chỉ để tô điểm cho một câu chuyện rất riêng về việc “tiêu hóa” nỗi đau và đối mặt với mất mát.

“Tôi từng là một cậu bé,” Burton, 54 tuổi, nói về sự đầu tư cá nhân vào câu chuyện này. “Tôi từng có một chú chó. Phim dựa trên mối quan hệ thanh khiết đầu tiên đó. Vô điều kiện, tình đầu là thế. Nó cũng bị thứ gọi là bệnh sốt ho – họ nói nó chẳng sống được bao lâu, nhưng rốt cục nó cũng sống được khá dài, nhưng luôn có một bóng ma treo lơ lửng. Bạn còn nhỏ, bạn không thực sự hiểu, nhưng đó là nơi cả bộ phim này đâm chồi.”

Frankenweenie có gần hết cả bộ sậu đã song hành cùng các tác phẩm của Burton, dù cộng sự thường xuyên của ông là Johnny Depp lại vắng mặt trong dàn diễn viên lồng tiếng một cách đáng ngờ. Bộ phim lật giở từ góc nhìn của một cậu bé lạc lõng đáng yêu tên Victor Frankenstein (Charlie Tahan lồng tiếng), lại một nhân vật trong chuỗi chính diện bị hiểu lầm do Burton mơ ra, người ngụ trong vùng đầy tương phản của những người bơ vơ và kỳ quặc.

Đường nét trên gương mặt và lựa chọn trang phục của Victor gợi nhớ về những nhân vật như Jack Skellington (“Tôi có phong cách vẽ rất giới hạn”, Burton nói), và cậu ta có chung gu vô ý gây họa của vị vua bí ngô này."


Các phiên bản Sparky tại phân khu tượng của buổi triển lãm Frankenweenie
ở California Adventure của Disney tại Anaheim, California

Một cậu bé cô độc – dù không hẳn buồn phiền – tên Victor dành thời gian nghiên cứu và chơi đùa cùng người bạn thân nhất của cậu, Sparky. Cậu tìm thấy đồng minh nơi người thầy chuyên nhấn vào phụ âm dạy môn khoa học Rzykrusi của mình, ông chỉ trong một bài giảng đã vô tình cho Victor ý tưởng hồi sinh chú chó của cậu sau khi xảy ra bi kịch.

Chẳng mấy chốc, những đứa trẻ khác trong khu phố, đang hứng chí tạo dấu ấn của riêng mình tại hội chợ khoa học sắp tới, đang dùng điện theo cách Benjamin Franklin chưa hề dự định, và không lâu sau đó một đội quân quái vật đe dọa thị trấn. Burton cho biết ông thích ý tưởng một đàn các sinh vật khác thường ở cùng trong một câu chuyện như là cách để kéo dài bộ phim ngắn một cách tự nhiên.

“Tất cả những nhân vật và ký ức khác đó cùng cấu trúc này tạo cảm giác đây là một bộ phim khác, một bộ phim hoàn chỉnh chứ không phải dạng phim thêm thắt cho có,” ông nói. “Phim chỉ lấy câu chuyện nền và dạng như mở rộng ra.”

Thị trấn New Holland của Victor rõ ràng là thế thân cho quê nhà Burbank của Burton, dù đó chỉ là một vùng ngoại ô nước Mỹ tồn tại trái thời. Cha Victor là nhân viên du lịch và mẹ ở nhà mang giày cao gót đeo chuỗi ngọc trai khi nướng bánh và hút bụi. Họ đều yêu thương con trai, dù không hiểu cậu là mấy.

Cảm giác về gia đình hạt nhân được thể hiện hoàn toàn đúng nghĩa trong khối hộp hình chữ nhật lớn tại triển lãm chứa một mô hình nhà bếp chi tiết đáng sợ. Cánh cửa lò nướng mở hờ trong lúc mẹ của Victor đứng ở bàn bếp, chồng bà, đứa con trai và một Sparky còn sống đang sủa ngồi quanh bàn. Có nam châm dính trên tủ lạnh, một kệ đựng dao hình vịt đậu trên bàn, một ly nước màu cam sáng, chắc là Tang, trước mặt Victor.

Vệt màu đó là số ít trong toàn khu triển lãm gồm ba cảnh cụ thể toàn được dựng trên chuỗi sắc xám – căn bếp, phòng học khoa học của Victor và căn gác nơi cậu tiến hành các thí nghiệm gây tranh cãi của mình. Bên cạnh một phiên bản tái tạo bàn làm việc của Burton, hoàn chỉnh nhờ một kính gọng đen trên các trang kịch bản, còn có bản phác họa nhân vật, hình chụp và nhiều maquette – các chú rối được dùng trong lúc quay để mang câu chuyện ra đời thực.


Đạo diễn Frankenweenie Tim Burton (trái) và nhà sản xuất Allison Abbate kiểm tra
các maquette nhân vật ở nơi sửa chữa rối
[Ảnh: Leah Gallo / Disney Enterprises]

Frankenweenie được quay trong vòng mười năm rưỡi trong một nhà kho ở Đông London, gần nơi xây dựng sân vận động Olympic vừa mới xong. Khoảng 200 con rối – gồm 16 con Sparky (tám lúc sống, tám lúc chết), 14 Victors và những như Edgar (Atticus Shaffer lồng tiếng), Elsa Van Helsing (Winona Ryder lồng tiếng) và Weird Girl (Catherine O’Hara lồng tiếng, cô cũng chịu trách nhiệm cho nhân vật mẹ của Victor) – được sản xuất để quay.

Burton tái hợp với nhà sản xuất Allison Abbate và đạo diễn hoạt hình Trey Thomas, cả hai đều từng làm việc với những dự án stop-motion trước đây của nhà làm phim này, A Nightmare Before ChristmasCorpse Bride.

Dù stop-motion đang là mốt thời thượng – Frankenweenie là phim thứ ba dạng này ra mắt trong vòng ba tháng gần đây, theo sát phim hài về xác sống ParaNorman (ra mắt ở Việt Nam với tựa Giác quan thứ sáu của Norman) của Laika Studio và một phiên bản tiếng Anh phim của Cộng hòa Czech Toys in the Attic – vẫn khó để đạt đến trình điêu luyện trong mảng nhỏ này của thế giới hoạt hình. Phải có tính kiên nhẫn; nhà làm phim đôi khi mất một tuần để hoàn thành mỗi một cảnh quay.

Kỹ thuật cao tay ấn của bộ ba này khiến họ dễ chuyển thể ý tưởng của Burton ra màn ảnh thực tế hơn, điều đặc biệt quan trọng với phim này, ông nói. Toàn bộ phim được lọc qua lăng kính kỷ niệm về người và nơi chốn của ông, dù người viết kịch bản là một đồng nghiệp lâu năm khác của Burton, John August (từng làm Big Fish, Charlie and the Chocolate Factory, Corpse Bride).

“Có ít phim xuất hiện nhiều trong tâm trí tôi, như [Edward] Scissorhands hay phim này hay Nightmare, tôi cảm giác đã biết phim là như thế nào để khi làm việc với biên kịch đôi khi sẽ giúp xác nhận hoặc mổ xẻ phim ra,” Burton nói. “Bàn thảo việc gì đó thật hay… Đồng thời, vì tôi hơi khép kín, thỉnh thoảng có chút liên kết với thế giới bên ngoài cũng tốt.”


Một cảnh trong phim ngắn gốc Frankenweenie năm 1984 của Tim Burton,
có sự tham gia của Barret Oliver (trái) và Shelley Duvall
[Ảnh: El Capitan Theater]

Trước khi khép lại lịch trình quốc tế của mình, “Nghệ thuật trong Frankenweenie” sẽ hoàn thành việc viếng thăm bảy nước – Tây Ban Nha, Pháp, Anh, Nhật, Mexico, Canada và Mỹ. Burton lạc quan rằng chuyến trưng bày sẽ mở cửa vào lĩnh vực nghệ thuật dùng xúc giác đã thuyết phục được ông những ngày đầu nhờ vào những nỗ lực tiên phong của Ray Harryhausen và Willis O’Brien.

“Tôi thích phim hoạt hình Disney, tuyệt vời, tính nghệ thuật thật tuyệt và tất cả, nhưng tôi nghĩ phim của Harryhausen mới là nhất… có gì đó trong sức mạnh của chiều thứ ba và giá trị thủ công của nó, thậm chí khi chỉ được hiểu sơ sài. Vẫn có một mãnh lực trong đó.”

Có lẽ niềm đam mê của Burton đã truyền cho Frankenweenie một nguồn năng lượng sáng tạo mới. Sau khi phim công chiếu tại Fantastic Fest ở Austin, Texas, trang Indiwire đã miêu tả phim là “sự phục hồi phong độ mãnh liệt” của nhà làm phim này, khi tác phẩm khác do ông đạo diễn trong năm 2012 từ vở kịch truyền hình nổi tiếng Dark Shadows thua thảm trước các nhà phê bình.

Ở thời điểm này của sự nghiệp, ông đã trở nên phần nào chai sạn với đón nhận của giới phê bình, dù tích cực hay tiêu cực, dành cho phim của mình, dù Burton nói ông vẫn thấy “khá dễ bị tổn thương” khi một phim mới sắp ra rạp. “Tôi không thực sự đọc hết các bài viết. Trong đời tôi đã có nhiều bài [bình luận] thật tốt và thật tệ. Cứ xem như thế này. Tôi biết chuyện gì đang diễn ra, tôi biết ý chung là gì. Tôi từng có những tác phẩm được bình luận tốt rồi chẳng ai đi xem và những bài [tệ] nhưng kiếm được ối tiền. Bạn thực sự chẳng thể dự đoán điều gì cả.”


Tim Burton tại buổi triển lãm Frankenweenie ở California Adventure của Disney
[Ảnh: Francine Orr / Los Angeles Times]

Về dự định sắp tới, Burton chưa sẵn sàng cho biết, chỉ lịch sự đẩy qua bên những câu hỏi về nhiều dự án ông có liên quan. Còn vài buổi phỏng vấn phải hoàn thành trước khi Frankenweenie ra mắt ở Los Angeles, Burton có vẻ giống một cái đầu sáng tạo cần nghỉ ngơi. Những năm gần đây ta đã chứng kiến ông sản xuất một lượng tác phẩm đáng kể với tốc độ sái cả cổ, và ông đã sẵn sàng giảm tốc.

Khoảnh khắc này có thể cũng tốt để tạm dừng. Frankenweenie là một bức thư tình kỳ lạ gửi dành cho quá khứ và những trải nghiệm ở Burbank của Burton mà có thể ông không muốn có lại nhưng lại là những gì đã định hình con người ông.

“Nơi xuất thân, tôi không nghĩ mình muốn sống ở đó lần nữa, nhưng tôi cũng sẽ không thay đổi gì vì đó là một phần của bản thân mình,” Burton nói. “Bạn phải yêu nó ít nhiều, có chút cảm xúc lãng mạn u tối với nó.”

Dịch: © Mai Khanh @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Los Angeles Times


* Up With People: tổ chức giáo dục quốc tế có sứ mạng bắc cầu vượt qua các rào cản văn hóa và tạo ra sự hiểu biết toàn cầu thông qua âm nhạc và dịch vụ của tổ chức - ND
Lữ Khách Offline
#5 Posted : Saturday, October 13, 2012 5:14:58 AM(UTC)

Rank: Passenger Service

Medals: Huân chương Thuyền trưởng: Vì mỗi ngày thức dậy lúc 5h 'cho em măm' và những ngày cuối tuần cafe làm việc cho QVĐA của chúng taChân vịt vàng: Đóng góp thầm lặng của bạn đem lại nét đẹp sống động cho Quái vật Điện ảnh

Groups: Crew Officer, CTV, Moderator
Joined: 10/20/2010(UTC)
Posts: 8,028
Location: Lữ quán

Thanks: 4743 times
Was thanked: 2346 time(s) in 1715 post(s)
Chó ma nhà Frankenstein



Hồi năm 1984, Tim Burton đã làm phim ngắn Frankenweenie. Disney sa thải ông vì đã phí phạm tiền bạc và có tiềm năng làm trẻ em sợ hãi.

Giờ đây, năm 2012, Burton làm phim điện ảnh 3D Frankenweenie.

Và Disney thì tự hào đưa bộ phim đó ra nhiều rạp hết mức có thể.

Tim Burton đã thay đổi, hay người ta thay đổi?



May thay, người ta thay đổi — và có lẽ là hầu hết chúng ta thay đổi. Sự sùng bái dành cho các diễn viên trường phái xưa cũ của Burton, "gu" thú vị của ông đối với sự rùng rợn và quan niệm đối kháng với trường phái Spielberg cho rằng ngoại ô là chốn đầy rẫy mặc cảm tội lỗi thời thơ ấu và ánh mặt trời khắc nghiệt không biết sao mà lại thành... chính thống.

Và chúng ta giàu hơn, ngông hơn, vì điều đó.

Bộ phim Frankenweenie mới này (phát hành ở Việt Nam với tựa đề Chó ma nhà Frankenstein) — giờ đây là một phim stop-motion, thay vì người đóng, và là tác phẩm tuyệt nhất của Burton trong bao năm nay — có cùng cốt chuyện cơ bản với bộ phim gốc. Chú chó cưng của một cậu bé bị chết. Làm gì đây?

À, đào xác con chó lên, gắn dây điện vào và cho chú chó một cú xốc điện để nó sống lại, tất nhiên rồi.

Lẽ đương nhiên, việc này chẳng bao giờ có kết quả như ta trông đợi. Và lần này Burton thực sự nâng cược với cột chuyện một quái vật tái sinh bổ sung thêm nhiều bạn bè và lớp ký ức.


Phòng thí nghiệm trên gác mái của cậu bé Victor trong phim Frankenweenie

Hoạt hình stop-motion — một công cụ yêu thích của Burton — đang được quan tâm ưa thích, và thiết kế nhân vật tinh tế cực kỳ, như cậu bạn học to lớn vụng về trông hơi giống một quái vật nhân tạo nào đó. Và quay phim đen trắng tuyệt hảo khơi dậy trường phái kinh dị kinh điển.

Charlie Tahan lồng tiếng cho cậu bé Victor Frankenstein, và Catherine O'Hara cùng Martin Short lồng tiếng cho vai bố mẹ cậu (và một vài nhân vật khác nữa). Winona Ryder, một cộng sự thưở ban đầu của Burton, là cô bạn hàng xóm kỳ dị (phải thế thôi) và Martin Landau là ông thầy giáo môn khoa học lập dị nhưng truyền cảm hứng phấn khích.

Nhưng người cho bộ phim này tiếng nói thực — tiếng nói riêng đặc biệt của ông — là Burton, khi gợi lại cả một thế giới xa xôi.

Bạn có biết, cái thiên đường vùng ngoại ô biến mất lâu rồi đó không? Những ngày hè kỳ diệu không thôi, đầy đom đóm và những nụ hôn đầu tiên và những hiệp phụ đá bóng, và những cuộc phiêu lưu chỉ là đạp xe đi đâu đó thật xa?

Ờ, ừm, quên hết đi.

Thay vào đó, Burton phù phép ra một vùng đất toàn những ngôi nhà đơn điệu trên những con phố bị cắt cúp và những bậc cha mẹ không biết tại sao bạn lại không muốn ra ngoài chơi trong "ngày đẹp thế này" — và những bộ phim kinh dị trên chương trình "The 4:30 Movie" là lý do. ("Nhưng mẹ ơi, tuần này có phim Vincent Price đóng mà!")



Đó là thời thơ ấu của Burton, và mặc dù giờ đây có lẽ ông là triệu phú, bạn thân của Johnny Depp và sống chung với Bellatrix Lestrange, ông vẫn là đứa trẻ có cặp mắt cú mèo, xanh xao đó lớn lên cùng với những bộ phim quái vật xưa.

Tất nhiên, có người sẽ nói thời buổi của những kẻ giết người bằng cưa máy và những phim ma "quay lén", làm gì có chỗ cho những sinh vật thời Trung cổ ám ở nghĩa trang trong ký ức của chúng ta. Quái vật trong từ vựng riêng của chúng ta thuộc về thời đó đã chết cả.

Nhưng Tim Burton làm cho chúng sống lại một cách điên cuồng, ngon lành.

Frankenweenie (PG) Disney (87 min.)

Đạo diễn Tim Burton. Với giọng lồng tiếng của Charlie Tahan, Winona Ryder, Catherine O'Hara, Martin Short, Martin Landau.

Đánh giá: ★ ★ ★ ★

Dịch: © Yên Khuê @Quaivatdieanh.com
Nguồn: The Star-Ledger
Users browsing this topic
Guest
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.

SoClean Theme By Jaben Cargman (Tiny Gecko)
Powered by YAF | YAF © 2003-2010, Yet Another Forum.NET
This page was generated in 0.283 seconds.