logo

Welcome Guest! To enable all features please try to register or login.
[Mỹ | 2013] The Lone Ranger | Kỵ sĩ cô độc
Lữ Khách Offline
#1 Posted : Friday, May 31, 2013 9:38:32 PM(UTC)

Rank: Passenger Service

Medals: Huân chương Thuyền trưởng: Vì mỗi ngày thức dậy lúc 5h 'cho em măm' và những ngày cuối tuần cafe làm việc cho QVĐA của chúng taChân vịt vàng: Đóng góp thầm lặng của bạn đem lại nét đẹp sống động cho Quái vật Điện ảnh

Groups: Crew Officer, CTV, Moderator
Joined: 10/20/2010(UTC)
Posts: 8,030
Location: Lữ quán

Thanks: 4743 times
Was thanked: 2346 time(s) in 1715 post(s)
The Lone Ranger | Kỵ sĩ cô độc



Tên phim gốc: The Lone Ranger
Tên phát hành ở Việt Nam: Kỵ sĩ cô độc
Đạo diễn: Gore Verbinski
Kịch bản: Justin Haythe, Ted Elliott, Terry Rossio
Ngày phát hành: 03/7/2013 (Mỹ), 12/7/2013 (Việt Nam)
Thể loại: Hành động - Phiêu lưu - Viễn tây
Xếp loại: PG-13
Thời lượng: 135 phút
Nước sản xuất: Mỹ
Hãng sản xuất:
- Walt Disney Pictures
- Jerry Bruckheimer Films
- Blind Wink Productions

Các diễn viên chính:
Johnny Depp ... Tonto
Armie Hammer ... John Reid / The Lone Ranger
Helena Bonham Carter ... Red

Nội dung chính:

Một chiến binh thổ dân Mỹ kể lại chi tiết những câu chuyện chưa được kể đã biến John Reid, một người thi hành luật pháp, trở thành một huyền thoại công lý.

Trang web chính thức: Click vào đây
Trang IMDb: Click vào đây

Trailer: Click vào đây
1 user thanked Lữ Khách for this useful post.
Yên Khuê on 6/28/2013(UTC)
Lữ Khách Offline
#2 Posted : Friday, July 12, 2013 1:10:42 PM(UTC)

Rank: Passenger Service

Medals: Huân chương Thuyền trưởng: Vì mỗi ngày thức dậy lúc 5h 'cho em măm' và những ngày cuối tuần cafe làm việc cho QVĐA của chúng taChân vịt vàng: Đóng góp thầm lặng của bạn đem lại nét đẹp sống động cho Quái vật Điện ảnh

Groups: Crew Officer, CTV, Moderator
Joined: 10/20/2010(UTC)
Posts: 8,030
Location: Lữ quán

Thanks: 4743 times
Was thanked: 2346 time(s) in 1715 post(s)
Có một Johnny Depp ngôi sao gắn kết danh tiếng
với hình ảnh người châu Mỹ bản địa



Năm 1996, một Johnny Depp thời đóng Don Juan DeMarco dợm bước vào sa mạc Mojave để thử sức lần đầu đạo diễn phim dài, và đến nay vẫn là lần duy nhất. Sau loạt ba tác phẩm kỳ lạ và tuyệt vời What’s Eating Gilbert Grape, Benny & JoonEd Wood, Depp lúc đó đạt đỉnh cao ban đầu của nghề ngôi sao điện ảnh.

Dù có tiếng không mấy thành công ở phòng vé, Depp vẫn có khả năng nhận được mức thù lao hàng triệu đôla ở bất kỳ dự án phim 'đỉnh' nào của Hollywood – việc này không hề thay đổi với Lone Ranger (phát hành ở Việt Nam với tựa Kỵ sĩ cô độc). Tuy vậy anh lại chọn The Brave (1997), cũng là một phim về người bản địa châu Mỹ, nhưng cũng lại là nhân vật mà ai cũng đồng tình sẽ có mặt trong một phim bạo lực trần trụi.

Dựa trên tiểu thuyết của Gregory McDonald, The Brave theo bước một gã lêu lổng có tấm lòng tuyệt đẹp (do Depp thủ vai, quấn khăn quàng cổ kiểu David Foster Wallace) ở tuần cuối cuộc đời khi hắn hòa giải với gia đình và tiêu số tiền 50.000 USD đã nhận để bị một kẻ đam mê hành hạ tinh thần (Marlon Brando thủ vai) tra tấn và thủ tiêu. Dù đã được công chiếu ở Cannes và, như lệ thường, đã nhận được tràng pháo tay nhiệt liệt cùng những bài bình luận kém cỏi, phim chưa hề được phát hành ở ngoài nước Mỹ (dù tác giả bài viết này có mua được một bản nhập từ Hàn Quốc trên eBay với giá 4 USD).


Depp với Cody Lightning (trái) trong The Brave do anh đạo diễn và đóng chính


Phim không tệ, hay nói chính xác hơn là không hay, nhưng vẫn đặt ra câu hỏi: Vì sao? Vì sao lại phí hoài danh tiếng (chưa tính đến kinh phí) anh đã cẩn thận, nếu không muốn nói là lập dị, gầy dựng được để làm một phim như thế? Để tạo ra phim ở Hollywood, dù có là Johnny Depp, thì cũng tốn nhiều năm mê mải dốc tâm, đó là chưa kể hàng triệu đôla kinh phí. Vì thế để một người như anh sản xuất ra The Brave, mang vào màn ảnh một góc nhìn lịch sử ít được khai thác, cho thấy anh nghĩ phim này đáng phải chịu khó khăn.

Và quyết định đó làm cho việc thành viên danh dự của cộng đồng Comanche này chọn vào vai nhân vật trước nay chưa từng được khen ngợi Tonto trong The Lone Ranger càng gây ngạc nhiên thêm.

Lúc làm The Brave, toàn bộ danh tiếng của John Christopher Depp đều được dựng trên sự phản kháng. Dù là khi trở thành thần tượng trên tạp chí Teen Beat trong thời gian cuối thập niên 1980 do đóng vai cảnh sát phòng chống ma túy trong phim truyền hình 21 Jump Street, thì chính danh tiếng ngoài lề của Depp – trang hoàng lại phòng khách sạn mà không hỏi trước và làm tan nát con tim của những thiếu nữ mảnh mai mắt nai – đã khiến anh có mặt ở nhiều ấn phẩm vì tác phong không chuẩn mực.


Johnny Depp trong loạt phim truyền hình 21 Jump Street thập niên 1980


Danh tiếng này nổi lên như nấm sau mưa, vượt ra khỏi các thành tựu trên màn ảnh, một phần là vì thân hình xương xẩu của anh, nhưng phần nhiều là do anh “ngầu” – “ngầu” theo kiểu anh được dịp gặp và chơi đùa với một vài thần tượng của mình, như Keith Richards, Hunter S. Thompson và Marlon Brando, tạo nên những mối quan hệ huyền thoại chẳng hại gì với chính tiếng tăm đang nổi dần của anh.

The Brave cũng là một dịp như vậy, tái hợp Depp với bạn diễn trong Don Juan (1994) của anh là Brando. Và bằng cách dựa vào sự độc đáo thuyết phục được các tạp chí và các nhà tài trợ cho phim, anh có cơ hội khám phá và mở rộng truyền thuyết riêng của mình.

Depp, nay đã 50 tuổi, thi thoảng nhận mình là hậu duệ của người Cherokee, dù đôi khi chỉ là nhắc sơ, (hoặc có thể là người Creek như anh nói năm 2011) thông qua việc bà anh là người Kentucky. Và việc vào vai Raphel người thiểu số trong The Brave, có vẻ đã cho anh cơ hội thể hiện phần nhân thân đó của mình, dù là không còn tinh túy gì nữa. Chúng ta có thể không bao giờ nghi ngờ việc trong mắt Depp thì Raphael là anh hùng, nhưng có thể bắt đầu ngờ hoặc rằng việc nhân vật này uống rượu nhiều, đời sống khép kín và thân phận không rõ ràng được dựng nên như một kiểu thể hiện rút gọn của sự chịu đựng, phân biệt đối xử và bất công. Nhưng dù phim có hơi gượng ép, không khó nhận ra rằng tác phẩm ca tụng một người bản địa châu Mỹ sống ngoài vòng pháp luật này là một dự án tâm huyết của Depp.


Depp trong Dead Man


Điều tương tự cũng xảy ra với phim cao bồi nhỏ trắng đen Dead Man (1995) của Jim Jarmusch; vì phim này mà được biết Depp đã từ chối các vai chính trong Speed, Legends of the FallInterview With the Vampire. Sau khi bị bắn trúng một phát chí tử, nhân vật của anh, một kế toán đến từ Cleveland tên William Blake, được một người bản địa tên Nobody (Gary Farmer thủ vai) dẫn đến một vùng hoang sơ trong trí óc và câu chuyện ngụ ngôn thanh thoát của Jarmusch. Phần lớn tính thơ và hài hước nhẹ nhàng trong Dead Man đến từ nhân vật Nobody hậu Tonto của Farmer, nháy mắt đùa cợt với những bản thể hiện người châu Mỹ bản địa “hoang dã” trước nay trong điện ảnh.

Ẩn dưới những khúc nhạc gào rú của Neil Young và kiểu hài tỉnh rụi, Dead Man, giống như The Brave, được điểm tô với sự cẩn trọng, nếu không muốn nói là trân trọng, dành cho văn hóa Mỹ (và châu Mỹ bản địa) gốc. Nhưng, không giống như The Brave, Dead Man là một phim hay – có thể là phim hay nhất của cả Depp và Jarmusch – là dấu son nổi bật nhất trong danh sách những gì ủng hộ người châu Mỹ bản địa, đến khi The Lone Ranger ra rạp.

Từ thuở ban đầu trong phim và các chương trình phát thanh thập niên 1930, Tonto đều được dựng nên một cách giản lược nhất, là đối trọng và là bạn đồng hành mà một nhân vật Ranger rất cô độc, và vì thế nên câm lặng như hến, có thể tương tác được. Trong loạt phim truyền hình từ năm 1949 đến 1957, nhân vật Tonto do Jay Silverheels, một người Canada gốc dân Mohawk, thể hiện đã nói những câu cụt lủn ngô nghê (“Ờ, đúng, người anh em”) đến mức được ghi nhớ vì lý do không mấy hay ho đó.


Depp trong The Lone Ranger cùng Armie Harmer


Nhân vật này có vẻ là lựa chọn trái khoáy cho người đã gắn kết danh tiếng của mình với hình ảnh người châu Mỹ bản địa, nhưng cũng hợp với một ngôi sao đã dựng nên sự nghiệp bằng cách vào vai những người ngoài vòng pháp luật và trái tính trái nết. Depp cho rằng Tonto của anh là kiểu người nổi loạn, ngược ngạo, thậm chí còn theo kiểu người bản địa có quyền lực. “Tôi muốn có thể mang đến chút hy vọng cho những đứa trẻ còn hoài nghi e ngại,” trích lời anh trong một bài báo trên tạp chí Rolling Stone.

Sẽ rất ấn tượng, thậm chí với một người nổi loạn có phong cách riêng như Depp, khi chỉ với một phim mà đảo lộn truyền thống lâu dài của Hollywood trong việc thể hiện người châu Mỹ bản địa đầy thù địch. Và với một Tonto đầu cắm đầy lông vũ, dựa trên bức họa I Am Crow của Kirby Sattler, Depp một lần nữa có thể chiếm trọn màn ảnh – như anh từng làm trong Pirates of the Caribbean / Cướp biển vùng Caribê – và thăm lại những gì thân quen đã khởi đầu trong Dead ManThe Brave.

Nhưng bản thân kết quả của nỗ lực đó, cũng như tất cả tác phẩm tuyệt nhất của Depp, chính là nhân vật.

Dịch: © Mai Khanh @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The New York Times
Lữ Khách Offline
#3 Posted : Friday, July 12, 2013 1:15:59 PM(UTC)

Rank: Passenger Service

Medals: Huân chương Thuyền trưởng: Vì mỗi ngày thức dậy lúc 5h 'cho em măm' và những ngày cuối tuần cafe làm việc cho QVĐA của chúng taChân vịt vàng: Đóng góp thầm lặng của bạn đem lại nét đẹp sống động cho Quái vật Điện ảnh

Groups: Crew Officer, CTV, Moderator
Joined: 10/20/2010(UTC)
Posts: 8,030
Location: Lữ quán

Thanks: 4743 times
Was thanked: 2346 time(s) in 1715 post(s)
[Bình luận phim] Kỵ sĩ cô độc: Cao bồi và bọn ngốc



Hây da, Silver – thật tiếc biết bao.

Đã hơn 50 năm từ lần xuất hiện cuối của anh trên truyền hình – tác giả đã rất cố gắng quên đi The Legend of the Lone Ranger năm 1981, và một phiên bản truyền hình thử nghiệm năm 2003 – giờ người bảo vệ đáng tin cậy của phụ nữ và đức hạnh nước Mỹ đã trở lại.

Lần nữa, anh có chiếc mặt nạ đen nhỏ. Lần nữa, Silver và chú tuấn mã và Tonto là bạn trung thành của anh. Lần nữa, anh xông vào muôn trùng khó khăn, đạn lên sẵn nòng để giải giới kẻ xấu và khiến các nàng há hốc “Anh chàng mặt nạ đó là ai thế?”

Mà thôi, ai thèm quan tâm đâu.

Vì dù có tất cả sự ồn ào, háo hức và kinh phí được biết là khoảng 250 triệu USD, không có chút sức sống nào ở đây cả. Không có niềm vui nào. Chỉ có vài đoạn quay rất đắt giá và khoảng ba phim khác nhau được ép vào chung chật hơn cả nàng vũ nữ mặc áo chẽn đi mượn không vừa.


Poster phim


Ví dụ, có kỹ thuật chuyện lồng trong chuyện, khi Tonto già (Johnny Depp được hóa trang nhìn như cao su) kể chuyện đời mình, hiển nhiên gồm một đoạn gặp Custer, hay ai đó giống vậy. (Cảm ơn cho mượn nhé Little Big Man.)

Có những tên cướp trơ tráo từ phim Once Upon a Time in the West tuyệt vời của Sergio Leone, không chỉ có nội dung về ông trùm đường sắt mà còn có hiệu ứng âm thanh cụ thể. (Nhạc phim thậm chí thi thoảng còn mang âm hưởng bản nhạc tài tình của Ennio Morricone.)

Trong khi đó, phần chính của phim là một câu chuyện khởi đầu bám khá sát gốc rễ từ loạt phim truyền hình về nhân vật này. John Reid là một Cảnh vệ Texas mới lên tạm nắm chức – và là người duy nhất sống sót sau một vụ mai phục của tên cướp Butch Cavendish. Được một chiến binh người châu Mỹ bản địa tên Tonto chăm sóc bình phục, anh mang mặt nạ và lên đường tìm công lý.

Và dù anh có mang mũ trắng theo đúng nghĩa đen – chà, thực ra không cần thiết. Đây là dạng cao bồi đứng đắn làm cho John Wayne nhìn như một đứa trẻ ngỗ nghịch hèn nhát.


Armie Harmer (trái) và Johnny Depp trong phim


Sau một chuỗi dài nhân vật chính khiếm khuyết, cũng tốt khi có ai đó có thể cùng Captain America và Superman dẫn đầu màn diễu hành Ngày độc lập 4/7. Nhưng khi phim ngừng mượn nguyên liệu từ các phim khác – khi phải quyết định mình thực sự là ai – thì The Lone Ranger(phát hành ở Việt Nam với tên Kỵ sĩ cô độc) lạc lối.

Liệu đây có phải là một phim cao bồi Viễn Tây đổi mới nghiêm túc? Chà, có hơi hơi – với góc nhìn hoàn toàn trái ngược, và cũng hạn hẹp như, những tiền bối cũ thập niên 1930, đây là loại phim mà trong đó người bản địa châu Mỹ là những nạn nhân cao quý đến khó tin còn “văn minh” luôn đi kèm với mỉa mai.

Liệu đây có là phim hài hiện đại? Chà, chắc cũng có vậy, với những đoạn hài quái về bọn thỏ sát nhân và Tonto chỉ làm mỗi việc tròn mắt nhìn tên nhẹ dạ trời đánh được cặp với mình. (Câu chuyện đùa hay nhất và quái dị nhất là Helena Bonham Carter vào vai một mệnh phụ có một cái chân giả bằng ngà với tác dụng phụ làm súng.)


Helena Bonham Carter trong phim


Liệu đây có phải là một phim được dựng quanh một màn diễn xuất kỳ quái hay thấy của Johnny Depp? Chà, chắc vậy, vì nam diễn viên này – đội một chú chim chết trên đầu – thay đổi qua lại giữa những màn cười cợt dễ dãi và việc huyên thuyên quanh bí ẩn về Wendigo.

Dĩ nhiên, anh người Comanche đây có lẽ chưa nghe đến Wendigo ở Texas – đó là một niềm tin phổ biến ở các bộ tộc sống tại Canada và các nơi lân cận. Nhưng rồi phim lại có một ban nhạc chơi bài hành khúc của John Phillip Sousa tại thời điểm 30 năm trước khi bài này được viết, nên ai thèm để tâm đến việc làm đúng lịch sử hay văn hóa làm gì?

Có lẽ chẳng ai sẽ đi xem The Lone Ranger.

Nhưng điều người hâm mộ có lẽ thật sự cần là được thấy một nhân vật chính không chỉ điển trai – Armie Hammer rõ là thế - mà còn anh hùng, thậm chí là truyền được cảm hứng. Là khám phá được một Tonto có mối quan hệ bình đẳng, trưởng thành, thực sự có qua có lại với nhân vật chính này.

Và còn là hồi hộp với các trường đoạn hành động có địa điểm rõ ràng và hợp lý, thay vì chỉ những cảnh gợi hứng (tồi) từ The General của Buster Keaton, mà lại còn thiếu đi bố cục tuyệt vời của Keaton hay dòng máu lạnh sẵn lòng liều mạng cho cảnh nguy hiểm.

Đó chính là điều khán giả cần – nhưng lại không có trong phim này. (Và Disney – đã trì hoãn việc trình chiếu đến hết mức – biết rõ điều này.) Thay vì vậy, thứ khán giả có được là tiếng ồn và sấm và sự ngớ ngẩn, cùng một số phần từ ba hoặc bốn phim khác, hay hơn.

Ý tác giả là, chẳng lạ gì khi Depp lại hóa trang. Cũng không ngạc nhiên mấy khi Hammer mang mặt nạ. Nếu là bạn chắc bạn cũng làm thế thôi nhỉ?

Ghi chú: Phim có chứa yếu tố bạo lực.

The Lone Ranger (PG-13) Disney (149 phút)
Do Gore Verbinski đạo diễn. Với các diễn viên Johnny Depp, Armie Hammer.

Đánh giá: ★ ½

Dịch: © Mai Khanh @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The Star-Ledger
Lữ Khách Offline
#4 Posted : Thursday, July 18, 2013 8:31:53 AM(UTC)

Rank: Passenger Service

Medals: Huân chương Thuyền trưởng: Vì mỗi ngày thức dậy lúc 5h 'cho em măm' và những ngày cuối tuần cafe làm việc cho QVĐA của chúng taChân vịt vàng: Đóng góp thầm lặng của bạn đem lại nét đẹp sống động cho Quái vật Điện ảnh

Groups: Crew Officer, CTV, Moderator
Joined: 10/20/2010(UTC)
Posts: 8,030
Location: Lữ quán

Thanks: 4743 times
Was thanked: 2346 time(s) in 1715 post(s)
The Lone Ranger điển hình cho tất cả các vấn đề với phim bom tấn Hollywood


George Lucas và Steven Spielberg gần đây tham gia một hội nghị, và đưa ra lời dự đoán rằng ngành điện ảnh sẽ chịu một sự sụp đổ khi cả hệ thống trở nên quá ám ảnh với khái niệm phim bom tấn.

Muốn tìm hiểu thêm về khả năng đó, Vulture tìm đến nhà sản xuất phim Lynda Obst, tác giả cuốn sách Sleepless in Hollywood: Tales From the New Abnormal in the Movie Business. Trong cuộc nói chuyện, nhà sản xuất này đồng ý với hai vị đạo diễn, và cho rằng, “Giờ đây, nếu trong cùng một mùa có bốn phim bom tấn thất bại, đó gần như là một thảm họa.”

The Lone Ranger (phát hành ở Việt Nam với tựa Kỵ sĩ cô độc) hay phim được một số khán giả đặt cho biệt danh Cướp biển vùng Ca-ri-bê 4.5: Sparrow ở miền Viễn Tây trông có vẻ giống một phim bom tấn như thế (với ngân sách được đồn đại là lên tới 215-250 triệu USD) và cũng vừa phải nhận thất bại tại phòng vé trong dịp cuối tuần vừa qua. Phim này cũng gần như là một ví dụ điển hình của tất cả những gì tồi tề về hệ thống phim bom tấn của Hollywood. Ngoài việc là một phim cực kỳ đắt đỏ, The Lone Ranger chứng minh căn bệnh ám ảnh với những loạt phim nhiều phần của ngành điện ảnh, sự lười nhác tạo ra những câu chuyện mới, sự lợi dụng những pha bạo lực không máu và sự kém kiềm chế thời lượng phim. Đây không hề chỉ là các vấn đề nhỏ, và cũng không có gì cho thấy rằng những vấn đề này có thể nhanh chóng biến mất.


Johnny Depp trong The Lone Ranger


Vấn đề loạt phim nhiều phần

Tháng 11 năm ngoái, sau khi có tin Disney mua Lucasfilm và sẽ làm một bộ ba Star Wars mới, Kyle Buchanan của Vulture đã dự đoán rằng chúng ta đang bước vào một giai đoạn mới của ngành điện ảnh, và sẽ chỉ xem đi xem lại mãi một vài loạt phim được làm đi làm lại. Như Obst viết trong sách của cô, các hãng phim cần sự “hiểu biết trước” – hay những tựa phim đủ quen thuộc với khán giả để có khả năng bán vé cả ở Mỹ và nước ngoài. Bất kể đó là những loạt phim cũ như Star Wars hay những phim mới thành công bất ngờ mà hãng phim đó có thể biến thành một loạt phim nhiều tập tới khi ý tưởng trở nên chán ngắt (hay loạt phim Hangover), thì trò chơi phim nhiều phần về căn bản vẫn chỉ có thế.

Mỗi hãng phim có các loạt phim đại diện riêng: Disney ngày nay gần như là một bộ máy các loạt phim, gồm những loạt phim Star Wars, phim Marvel, Muppets, và thương hiệu Pixar; Paramount thì có Star TrekMission: Impossible; Fox có Ice Age, Planet of the Apes, và phim X-Men; Warner Bros. có Batman, Superman, và Lord of the Rings; Universal có BourneFast and Furious; Sony có Spider-Man.

Nhưng ngoài những tựa phim vốn đã rất quen thuộc kia, các hãng phim vẫn chịu áp lực phải đi tìm những loạt phim mới. Vì thế, họ có thể bám lấy bất cứ ý tưởng gì mà khán giả có thể đã nghe qua (như Battleship!), nhất là khi cái tên đó liên quan tới người thật, hay phim hoạt hình, hay siêu anh hùng. Disney từng thử qua cách làm phim này với John Carter và thất bại thảm hại.


John Carter


Ngoài vấn đề chất lượng (giới phê bình có nhiều ý kiến trái chiều) John Carter hoàn toàn bị khán giả tẩy chay. Điều này có thể vì ít người quan tâm tới một nhân vật từ một loạt tiểu thuyết khoa học viễn tưởng phiêu lưu xuất bản đầu thế kỷ 20. Năm trước đó, Seth Rogen đóng chính trong phim The Green Hornet của đạo diễn Michel Gondry, một người hùng cổ điển khác, và cũng là một nhân vật khán giả chẳng mấy quan tâm. Trong giữa thập kỷ 90, phim về hai nhân vật truyện tranh xuất bản trên báo và kịch truyền thanh, The Phantom và The Shadow, cũng thất bại không kém. Tuy vậy, các hãng phim vẫn đào lên bất cứ cái tên nào có thể được khán giả nhận ra trước khi xem phim để biến thành một loạt phim mới. Vì thế loại phim như thế này sẽ vẫn sẽ tiếp tục tồn tại. (Kể cả khi The Lone Ranger thất bại, Hollywood cũng từng chứng minh không biết rút kinh nghiệm từ thất bại trước.)

Vấn đề xuất thân nhân vật

Vấn đề này liên quan tới vấn đề thứ nhất. Đừng nhìn tựa phim kia mà bị lừa. The Lone Ranger kể về nhân vật phụ Tonto gần như nhiều hơn về nhân vật chính trong tựa phim. Đây là lựa chọn dễ hiểu, vì tên da đỏ đó được Johnny Depp đóng trong trang phục và phong cách đậm chất Jack Sparrow. Bạn không phí tiền thuê Johnny Depp chỉ để nhét anh ta vào góc màn hình.

Vì thế, bộ phim phải kể không chỉ một, mà là hai, câu chuyện về xuất xứ của nhân vật. Chúng ta được biết người thực thi pháp luật John Reid (Armie Hammer đóng) trở thành kẻ báo thù giấu mặt kia như thế nào, và tại sao Tonto lại sơn mặt, mang một con chim chết trên đầu và trở thành kẻ lang thang bị người cùng bộ tộc xa lánh.


Armie Hammer (trái) và Johnny Depp trong The Lone Ranger


The Lone Ranger dành nhiều thời gian gần như đánh dấu từng mục trong danh sách dài về những yêu cầu đối với câu chuyện về xuất thân của nhân vật, và không lại nhiều thời gian cho ý chính của phim. Nhưng khi đang muốn biến bộ phim thành một loạt phim nhiều phần, câu chuyện về xuất xứ, về sự khởi đầu này cần được kể, nhất là với những nhân vật còn xa lạ với khán giả như trong phim The Lone Ranger. Vì thế, bộ phim như mang một trách nhiệm nặng nề và một tình huống éo le – họ phải khởi động một loạt phim mới từ đoạn giữa của câu chuyện. Họ cần cho khán giả một câu chuyện hấp dẫn trước đã, rồi nếu khán giả đủ thích thú để mong ước có phần hai thì lúc bấy giờ mới nên kể những câu chuyện trong quá khứ, chứ không nên ném một đống thông tin ra trong ngay phần phim đầu tiên.

Vấn đề phân loại

Nhiệm vụ chính của một phim bom tấn hiện đại là tạo là lợi nhuận cao nhất có thể để mở đường cho các phần tiếp theo. Theo Obst, “Nếu phim của bạn mang về 200 triệu USD và bạn không thể biến nó thành phim nhiều phần thì đó là của bỏ đi.” Vì thế, để đảm bảo tính “nhiều phần” của một bộ phim, đủ hấp dẫn với tất cả các lứa tuổi, phim phải được phân loại PG hoặc PG-13. Bạn có tìm được phim bom tấn hè nào mà được phân loại R không?

Phần lớn thời gian, những phim phân loại R thường là những phim hài thô tục như This Is the End hay Ted của năm ngoái. Nhưng trong The Lone Ranger, một phim được cho là phim gia đình với phân loại PG-13, có những hiện tượng sau xảy ra: một người đàn ông ăn sống tim một người khác (không thể hiện trên hình), một bộ tộc người da đỏ Mỹ bị tàn sát, một nhóm cảnh sát Texas bị bắn chết trong tiếng súng ầm ĩ, hai người đàn ông bị một miếng gỗ lớn đè nát đầu. Tất cả những điều này xảy ra nhưng không thấy một giọt máu nào. Bộ phim cho ta thấy chết chóc và các cảnh bạo lực nhưng phủi phắt những hậu quả của những cảnh này.


World War Z


Điều này có thể gợi nhớ tới cảnh hủy diệt cả một thành phố trong Man of Steel / Người đàn ông thép hay cảnh thây ma ăn thịt người trong World War Z / Thế chiến Z. Về phần Lone Ranger, đó cũng là một điều những bài bình luận tiêu cực đề cập đến nhiều. Điều này cho thấy Lone Ranger, như bao phim bom tấn hè khác, đang vừa muốn có được cảnh bạo lực nhưng lại không muốn bị gắn mác phân loại cao, một điều thật sự khó đạt được.

Vấn đề thời lượng

Phim bom tấn hiện đại cũng gặp một căn bệnh nữa là thời lượng quá dài. Thời lượng điển hình cho một bộ phim mùa thu hoặc mùa Giáng sinh là ít nhất hai giờ. Năm ngoái, Les Misérables / Những người khốn khổ, Django Unchained / Hành trình Django, The Hobbit / Người Hobbit, Lincoln, và Zero Dark Thirty / 30 phút sau nửa đêm đều có thời lượng từ hai tiếng rưỡi tới ba tiếng. Phim bom tấn mùa hè cũng đang dần bắt kịp “mốt” mới này. The Lone Ranger có thời lượng hai tiếng rưỡi. Star Trek Into Darkness / Star Trek chìm trong bóng tối, Iron Man 3Fast and Furious 6 đều kéo dài hơn hai tiếng trong khi Man of Steel cũng dài hai tiếng rưỡi. Phim doanh thu cao nhất của năm ngoái The Avengers / Biệt đội siêu anh hùngThe Dark Knight Rises / Kỵ sĩ bóng đêm trỗi dậy, cũng kéo dài 2 giờ 23 phút và 2 giờ 45 phút. Phim The Pirates of the Caribbean / Cướp biển vùng Caribê— đều là những phim mùa hè với cùng đạo diễn, nhà sản xuất và diễn viên chính với The Lone Ranger — trung bình cũng dài khoảng hai tới ba giờ đồng hồ.


Johnny Depp trong The Pirates of the Caribbean


Phim dài không phải vấn đề. Roger Ebert từng nói, “Phim hay thì không phim nào đủ dài, phim chán thì bao lâu cũng không đủ ngắn.” Nhưng thật khó chấp nhận rằng phim bom tấn hè, dù mang tính giải trí cao, lại cứ phải dài gần bằng những phim nhiều “thịt” hơn của mùa Oscar. Phải chăng các hãng phim cho rằng, vì ngày nay người ta đến rạp ít hơn thì phim phải dài hơn để đáng đồng tiền bỏ ra? Thật khó tưởng tượng có ai sẽ bước ra khỏi phòng chiếu The Lone Ranger và cho rằng, “phim không hề quá dài hay quá ngắn, thật vừa đủ!”

The Lone Ranger được dự tính sẽ thu về 45 triệu USD trong dịp cuối tuần dài năm ngày quanh Quốc khánh Mỹ 4/7. (Phim kinh dị của Ethan Hawke, The Purge chỉ thu về ít hơn con số này 10 triệu USD trong một dịp cuối tuần không nghỉ lễ.) Phim bị giới phê bình chê bai, với điểm 24% trên Rotten Tomatoes và 37% trên Metacritic, và phim từng phải hoãn quay để chỉnh sửa lại ngân sách cho thấp hơn. Thật khó để không cảm thấy thương hại cho bộ phim chết tiệt này. Đây là một sản phẩm của một hệ thống sẽ không đi đến đâu. Hollywood đã tạo ra The Lone Ranger, chứ bộ phim này không tạo ra Hollywood.

Dịch: © Xuân Hiền @ Quaivatdienanh.com
Nguồn: Vulture.com
Users browsing this topic
Guest
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.

SoClean Theme By Jaben Cargman (Tiny Gecko)
Powered by YAF | YAF © 2003-2010, Yet Another Forum.NET
This page was generated in 0.259 seconds.