logo

Welcome Guest! To enable all features please try to register or login.
[Trung Quốc l 2010] Aftershock | Đường Sơn đại địa chấn
Lữ Khách Offline
#1 Posted : Tuesday, November 2, 2010 9:26:21 PM(UTC)

Rank: Passenger Service

Medals: Huân chương Thuyền trưởng: Vì mỗi ngày thức dậy lúc 5h 'cho em măm' và những ngày cuối tuần cafe làm việc cho QVĐA của chúng taChân vịt vàng: Đóng góp thầm lặng của bạn đem lại nét đẹp sống động cho Quái vật Điện ảnh

Groups: Crew Officer, CTV, Moderator
Joined: 10/20/2010(UTC)
Posts: 8,002
Location: Lữ quán

Thanks: 4743 times
Was thanked: 2346 time(s) in 1715 post(s)
(c) sherry - 3/10

Aftershock




Tên phim gốc: Aftershock/ 唐山大地震
Tên tạm dịch: Dư chấn/ Đường Sơn đại địa chấn
Tên phát hành ra rạp: Đường Sơn đại địa chấn
Đạo diễn: Phùng Tiểu Cương
Kịch bản: Tô Tiểu Vệ
Nguyên tác: Trương Linh
Ngày phát hành: 22/7/2010 (Trung Quốc), 15/10/2010 (Việt Nam)
Thể loại: tâm lý, lịch sử
Xếp loại: chưa rõ
Thời lượng: 128 phút
Nước sản xuất: Trung Quốc
Hãng sản xuất:
*China Film Group
*Emperor Motion Pictures
*Huayi Brothers
*Media Asian Films

Các diễn viên chính:

*Từ Phàm – Lý Nguyên Ni
*Trương Tịnh Sơ – Phương Đăng
*Lý Thần – Phương Đạt
*Trương Tử Phong – Phương Đăng lúc nhỏ
*Trương Gia Tuấn – Phương Đạt lúc nhỏ
*Trương Quốc Cường – Phương Đại Cường
*Trần Đạo Minh – Ba nuôi Phương Đăng
*Trần Cấn – Mẹ nuôi Phương Đăng
*Lục Nghị - Bạn trai Phương Đăng

Nội dung chính:

Tháng 7 năm 1976, Đường Sơn, Trung Quốc.

Cô bé Phương Đăng bảy tuổi đang trải qua một buổi tối mùa hè yên ả cùng ba mẹ và em trai, không hay rằng chỉ vài giờ nữa mình sẽ mất ba, còn mẹ sẽ ra một quyết định ám ảnh cuộc đời em trong 32 năm tới.

Sáng sớm ngày 28/7/1976, thành phố Đường Sơn nằm ở miền bắc Trung Quốc bị san phẳng bởi một trận động đất mạnh 7,8 độ Richter.

Thảm họa cướp đi sinh mạng của hơn 240.000 cư dân, trong đó có ba của Phương Đăng. Giờ đây, người mẹ, Lý Nguyên Ni, phải đưa ra một quyết định. Hai con của bà đều bị vùi dưới phiến xi măng dày, cứu mạng bất cứ đứa nào sẽ đặt mạng sống của đứa kia vào nguy hiểm. Lý Nguyên Ni chỉ nghe thấy tiếng con trai từ đống đổ nát, và không còn thời gian, nên bà chọn bỏ mặc Phương Đăng, không biết rằng con gái mình còn đủ tỉnh táo để nhận ra ý nghĩa của quyết định đó đối với cô bé.

Nhưng Phương Đăng cuối cùng cũng sống sót và lớn lên cùng ba mẹ nuôi cho tới khi một trận động đất lớn khác diễn ra 32 năm sau đem cô trở về với gia đình đã lạc mất của mình.

Trang web chính thức: Tiếng Anh l Tiếng Trung
Trang IMDB: Click vào đây!

Trailer: Click vào đây!
1 user thanked Lữ Khách for this useful post.
sherry on 3/11/2011(UTC)
Gemini Offline
#2 Posted : Tuesday, April 19, 2011 6:40:46 PM(UTC)

Rank: V.I.P Passenger

Medals: Hoa tiêu - Những sói biển lẫy lừng: Sự tinh tế của bạn đã chắp cánh cho Trang tin Quái vật Điện ảnh

Groups: Member
Joined: 10/20/2010(UTC)
Posts: 1,080
Location: Quán nhậu

Thanks: 850 times
Was thanked: 1055 time(s) in 605 post(s)
Bộ phim Trung Quốc Aftershock làm lung lay những lề thói cũ


Trung Quốc không vừa lòng với việc đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Mỹ chỉ bằng cách thâu tóm hàng đống nợ quốc gia.

Hiện tại cường quốc toàn cầu này đang xuất khẩu một vài trong số những bộ phim nổi tiếng nhất của mình tới các rạp chiếu phim của Mỹ, nhờ vào công ty giải trí AMC. Hệ thống rạp AMC đang chiếu Aftershock (Đường Sơn đại địa chấn), bộ phim đạt doanh thu cao nhất trong lịch sử quốc gia châu Á này, và không chỉ tại những rạp chiếu phim nghệ thuật thuận tiện cho phụ đề truyền thống mà còn cả ở những cụm rạp đa hợp bên cạnh những bộ phim bom tấn Hollywood.


Aftershock đã đến với khán giả Mỹ thông qua hệ thống rạp AMC


Đây là một phần trong hợp đồng độc quyền giữa công ty giải trí AMC và công ty phân phối phim China Lion. Hợp đồng sẽ dẫn đến việc mỗi năm sẽ có tới 15 bộ phim Trung Quốc được phát hành tại các rạp chiếu phim ở Mỹ cùng ngày công chiếu ở nội địa – điều này đối lập với thông lệ phát hành các phim nước ngoài tại Mỹ hàng tháng trời sau khi phát hành tại quê nhà và/hoặc chiếu tại các liên hoan phim Mỹ.

Aftershock sử dụng hai trận động đất có sức tàn phá ghê gớm – trận động đất năm 1976 tại Đường Sơn và trận động đất năm 2008 tại Tứ Xuyên đã lần lượt cướp đi sinh mạng của khoảng 250.000 và 70.000 người – để làm nền cho câu chuyện về một người mẹ trẻ buộc phải đứng trước quyết định kiểu “sự lựa chọn của Sophie” liên quan tới sự an nguy của hai đứa con cô.

Sau khi khởi chiếu tại vịnh San Fransico tháng trước, gần đây bộ phim đã mở rộng tới 23 phòng chiếu AMC tại tám thị trường Mỹ với lượng dân cư người Mỹ gốc Trung đáng kể - bao gồm hai địa điểm tại khu vực D.C Washington: AMC Hoffman Center 22 tại Alexandria, Va, và AMC Loews Georgetown 14 nằm trong khu vực.

Bộ phim bi tráng quy mô này đã thu về hơn 100 triệu USD tại quê nhà và sẽ là sự lựa chọn chính thức của Trung Quốc cho hạng mục Phim nước ngoài xuất sắc nhất tại Oscars 2010. Bộ phim được chiếu với nhạc nền tiếng Hoa gốc và phụ đề cả tiếng Anh và tiếng Trung.


Bộ phim dựng trên nền hai trận động đất lịch sử 1976 và 2008 này sẽ đại diện cho Trung Quốc tham gia tranh giải Phim nước ngoài xuất sắc nhất tại Oscar


Các bộ phim Trung Quốc thường tới Mỹ thông qua các rạp chiếu phim độc lập, như là hệ thống rạp Landmark. Bước tiên phong của AMC có thể thay đổi cách thức đó trong khi đồng thời mở rộng tầm ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa.

Ông Sean Phillips, nhà điều hành sản xuất của Yahoo Movies, gọi đây là một bước đi táo bạo và có tính toán của các bộ phim nước ngoài như Aftershock khi bỏ qua các rạp chiếu phim nghệ thuật.

“Đây là một thử nghiệm hoàn toàn khả thi cho AMC. Aftershock là một bộ phim đã có danh tiếng rất lớn và được thực hiện rất cẩn thận và có chất lượng,” ông Phillips cho biết. “Một số khán giả, kể cả những khán giả không phải người Trung Quốc, có lẽ sẽ có hứng thú với những bộ phim như thế này.”

AMC nắm giữ những nguồn lực mà những rạp chiếu phim độc lập quy mô nhỏ thường thiếu.

Ông Phillips cho rằng: “Họ nắm quyền kiểm soát cách thức quảng bá trailer trong hệ thống của họ. Nếu họ thực sự muốn dành một số bất động sản của mình cho việc quảng bá, họ có thể thực hiện điều đó.”

Chủ tịch bộ phận tổ chức chương trình của AMC Robert J. Lenihan tuyên bố trong một phát biểu rằng hợp đồng này giống với những thương vụ khác mà công ty thực hiện với Bollywood và các bộ phim tại Mỹ Latinh. Hệ thống rạp này không phản hồi lại lời nhắn từ The Washington Times yêu cầu nhận xét sâu hơn.

Bộ phim không được liệt kê trong danh sách của Box Office Mojo (trang web về doanh thu phòng vé) khiến khó có thể nói được Aftershock thành công tới mức nào. Một buổi chiếu vào chiều chủ nhật tại Georgetown có, ngoài một phóng viên báo Times, chỉ ba khán giả trong rạp.

Nhưng những khán giả ít ỏi này sau đó vẫn nói rằng họ rất thích bộ phim. Ông Michael Cullingford, 70 tuổi, và vợ ông, Suying, 55 tuổi, đã tới xem Aftershock theo như lời gợi ý của con gái họ. Bà Cullingford từng ở Trung Quốc khi trận động đất năm 1976 diễn ra tại Đường Sơn và đã tự mình trải nghiệm giai đoạn đó trong lịch sử Trung Quốc.

Đôi vợ chồng này cho biết đây là “một bộ phim rất hay” và thể hiện được sức mạnh của gia đình. Ông Cullingford cho biết thêm là sự miêu tả hình ảnh Trung Quốc trong phim là “rất chính xác, rất trung thực và thực tế.”

John Landers, 23 tuổi, từng ở Trung Quốc trong trận động đất Tứ Xuyên 2008, nghe nói về bộ phim thông qua một vài người bạn và đã rất mong đợi phim được phát hành. Anh cho biết anh thích bộ phim nhưng “đã kỳ vọng một bộ phim về thảm họa hơn là một phim tâm lý tình cảm, nhưng đằng nào tôi cũng thích phim tâm lý tình cảm hơn.”

Trang tổng hợp bình luận phim Rotten Tomatoes chỉ đăng hai bài điểm phim về Aftershock – cả hai đều rất tích cực. Tuy nhiên trong 287 người đăng ký sử dụng trên Rotten Tomatoes xếp hạng Aftershock thì 87% có những đánh giá tích cực.

Leonard Maltin, người chủ trì chương trình Maltin on Movies với ReelzChannel và là nhà phê bình lâu năm trên Enterntainment Tonight cho rằng khán giả Mỹ đã được thưởng thức phim điện ảnh Trung Quốc nhờ vào những tài năng Hồng Kông nổi tiếng như đạo diễn Ngô Vũ Sâm và các diễn viên Thành Long và Châu Nhuận Phát.


Đạo diễn Ngô Vũ Sâm, một trong những người tiên phong trong việc đưa điện ảnh Trung Quốc đến với khán giả Mỹ


Chiều hướng ngược lại cũng đúng khi xét đến ảnh hưởng của phương Tây tới các đạo diễn châu Á.

“Và, hãy đối mặt với chuyện đó. Các bộ phim Hollywood đã tạo ra một mức độ ảnh hưởng nhất định tới các nhà làm phim trên toàn thế giới. Chắc chắn là đã có sự xuất hiện của hiện tượng giao thoa,” ông Martin phát biểu. “Liệu điều đó có đang tạo ra một hình thức làm phim được chấp thuận trên toàn cầu không, tôi không biết.”

Có một điều chắc chắn hơn nhiều rằng thời buổi hiện nay rất khó khăn cho các bộ phim không phải là làm lại hoặc khởi động lại.

“Đáng buồn là lượng khán giả cho các bộ phim nước ngoài không tăng lên. Nó đang thu hẹp lại trong một vài năm gần đây,” ông Marting cho biết, ông chú ý thêm về những ngoại lệ như bộ phim từng đoạt giải Oscar hợp tác giữa Anh và Ấn Độ Slumdog Millionaire (Triệu phú khu ổ chuột).

Doug Jones, người cộng tác tổ chức chương trình của Liên hoan phim Los Angeles, nói rằng ông băn khoăn liệu AMC có đủ khả năng đảo ngược thói quen xem phim nước ngoài tại Mỹ hay không. Rất nhiều cộng đồng tôn giáo hoặc sắc tộc đã quyết định hình thức phân phối của riêng mình để xem các bộ phim từ quê nhà, ông Jones cho biết, cho dù là qua buổi chiếu phim tư nhân hay tải về từ trên mạng.

Ông cho rằng: “Việc đi tới rạp chiếu phim để xem một bộ phim Trung Quốc đã mất đi từ vài năm nay.”

Ông Jones gọi việc các công ty điện ảnh Trung Quốc tìm cách thâm nhập vào các rạp chiếu phim của Mỹ là một bước đi khôn ngoan, ông cho rằng một cách để cộng đồng quốc tế có thể học hỏi về một nền văn hóa nhất định là thông qua các bộ phim xuất khẩu của nó.

“Theo nghĩa đó, một bộ phim như thế này có thể đem lại một cơ hội lớn để hiểu được những khán giả Trung Quốc tới rạp điển hình của bạn đang nghĩ gì,” ông phát biểu. “Họ hưởng ứng điều gì?”

Hợp đồng phim mới này có thể là một cách khác để Trung Quốc mở rộng những mối quan tâm về nền văn hóa của đất nước này ra thế giới bên ngoài. Năm nay bộ phim bom tấn làm lại từ The Karate Kid được quay Trung Quốc, cho thấy được vẻ đẹp tự nhiên và thể hiện những truyền thống văn hóa của đất nước này một cách tích cực.


Phiên bản làm lại của The Karate Kid, góp phần quảng bá văn hóa Trung Quốc ra thế giới


Ông Joseph Lee, một giáo sư lịch sử thuộc Đại học Pace, nói rằng chính phủ Trung Quốc đã khuyến khích sự phát triển các ngành của đất nước này trong những năm gần đây để “toàn cầu hóa nền văn hóa của họ”.

Ông Lee cho rằng: “Chính phủ muốn khuếch trương sức mạnh mềm văn hóa của họ,” mặc dù theo như ý kiến của ông thì việc này có thể có tác dụng ngược lại.

“Những người đứng đầu các ngành văn hóa đó lợi dụng sự cho phép này để làm việc cá nhân,” ông nói, thực hiện những hoạt động nghệ thuật không phải lúc nào cũng thống nhất với những nghị trình có tính ủng hộ chính phủ.

Ông Lee cảm thấy tính chất phê bình của After shock về nền chính trị đương thời của Trung Quốc “gây ấn tượng”, mặc dù một số người khác thấy vài phần trong nội dung phim có vấn đề. Bộ phim không khai thác sự thiếu sót trong cơ sở hạ tầng của chính quyền Mao Trạch Đông vào thời gian xảy ra trận động đất năm 1976 và cũng không đề cập đến việc chính phủ Trung Quốc đã từ chối chấp nhận trợ giúp từ nước ngoài vào thời gian đó.

Ông Lee cho rằng những đạo diễn như Ngô Vũ Sâm, người đã làm việc trong hệ thống của Hollywood để thực hiện những bộ phim như Face/Off hay Broken Arrow sẵn sàng đưa những gì mình học được về quê hương. Năm ngoái đạo diễn Ngô đã phát hành một bộ phim cổ trang kiếm hiệp hoành tráng Xích Bích mà ông làm tại Trung Quốc đại lục cho các khán giả Mỹ, mặc dù không giống như Aftershock hầu như bộ phim chỉ chiếu ở các rạp chiếu phim nghệ thuật Mỹ.

Đạo diễn Ngô “đang cố gắng huấn luyện người Trung Quốc sử dụng công nghệ đồ họa vi tính tân tiến nhất để thực hiện những cảnh chiến trận đầy ấn tượng” như đang được thực hiện tại Mỹ, ông Lee cho rằng: “Điều đó khiến khán giả Mỹ dễ dàng chấp nhận những bộ phim Trung Quốc hay và chất lượng hơn.”

Dịch: © Vân Húc @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The Washington Times
Gemini Offline
#3 Posted : Tuesday, April 19, 2011 6:45:27 PM(UTC)

Rank: V.I.P Passenger

Medals: Hoa tiêu - Những sói biển lẫy lừng: Sự tinh tế của bạn đã chắp cánh cho Trang tin Quái vật Điện ảnh

Groups: Member
Joined: 10/20/2010(UTC)
Posts: 1,080
Location: Quán nhậu

Thanks: 850 times
Was thanked: 1055 time(s) in 605 post(s)
Aftershock - Đường Sơn đại địa chấn


Đường Sơn đại địa chấn đã trở thành quán quân phòng vé mọi thời đại của Trung Quốc chỉ 18 ngày sau khi phát hành, khẳng định vị trí của Phùng Tiểu Cương với tư cách nhà làm phim thương mại hàng đầu đất nước, không chỉ lão luyện trong việc thực hiện những bộ phim hài thành công mà cũng tự tin không kém với những bộ phim bi tráng trải rộng lấy đề tài từ thảm họa.

Bộ phim làm theo định hướng Titanic của Phùng Tiểu Cương được trình chiếu tại Toronto trên một màn hình thông thường, điều này rất có khả năng đã không thể hiện được sự đánh giá đúng đắn dành cho những cảnh mở màn dài 20 phút tái hiện lại trận động đất thảm hoạ năm 1976 tại Đường Sơn - trận động đất đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 240.000 dân cư thành phố này (trong một số bài báo con số còn cao hơn rất nhiều) - ban đầu được quay và trình chiếu ở quê nhà tại các rạp của IMAX.


Đường Sơn đại địa chấn phá vỡ kỷ lục phòng vé mọi thời đại của Trung Quốc


Ca ngợi những giá trị gia đình truyền thống và sử dụng nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh của Trung Quốc làm bối cảnh, với một kịch bản trải dài, bao trùm không dưới 32 năm và vẫn cần thêm một trận động đất nghiêm trọng khác vào năm 2008 trước khi đạt tới kết thúc có hậu, không thể có khả năng bộ phim sẽ chiếm được cảm tình một cách tự nhiên, không chỉ của khán giả nội địa mà còn cả cộng đồng người Hoa trên toàn thế giới.

Phương Cường (Trương Quốc Cường) là một tài xế xe tải hạnh phúc với một người vợ đằm thắm và hai đứa con sinh đôi đáng yêu, một cậu bé và một cô bé, cho tới cái đêm định mệnh khi hai vợ chồng anh cùng đi dạo và cuối cùng hai người đã quan hệ ở băng ghế sau xe tải của Phương Cường trong khi những đứa trẻ được để lại ngủ trong căn hộ.

Đột ngột, cả thành phố bùng cháy và tan thành đống đổ nát trong một phân cảnh sử dụng đồ họa vi tính ngoạn mục, tuy không sánh được với những hiệu ứng Hollywood tiên tiến nhất, nhưng vẫn đủ để khán giả run rẩy sợ hãi. Khi mặt đất bình yên trở lại, người cha đã nằm chết, hai đứa trẻ bị đè dưới một tấm xi măng và người mẹ tuyệt vọng phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan như trong phim Sophie’s Choice . Một trong hai đứa trẻ sinh đôi có thể được cứu và điều đó tùy thuộc vào quyết định của cô. Cuối cùng cô thốt ra tiếng thầm thì “thằng bé”, đành bỏ mặc cô bé cho cái chết và từ thời điểm đó tình tiết câu chuyện bị chia tách làm đôi.

Một mặt, người mẹ luôn bị dày vò về điều khủng khiếp cô đã phải làm, đã dành cả phần đời của mình cho cậu con trai Phương Đạt, cậu bé đã mất một cánh tay trong trận động đất và lớn lên trở thành một thanh niên hiếu động, độc lập nhưng không thật siêng năng.

Mặt khác, cô bé Phương Đăng thức dậy bên cạnh thi thể của người cha, thoát khỏi nơi đó mà không bị thương một cách kỳ diệu, không hề có chút ký ức trực tiếp nào (hoặc là do cô bé cho là như thế, mặc dù sự lựa chọn của người mẹ vẫn sẽ mãi mãi vang vọng bên tai cô), hầu như câm lặng và cuối cùng đuợc một cặp vợ chồng nhận nuôi (Trần Đạo Minh và Trần Cấn). Họ đã chứng tỏ mình là những bậc cha mẹ nuôi rất tận tâm bất chấp những phản ứng gần như là tự kỷ ban đầu của cô bé.

Khi diễn biến câu chuyện chuyển tiếp một cách trôi chảy qua các năm, đầu tiên là 1986, rồi tới 1995 và cuối cùng tới trận động đất năm 2008, Phương Đạt (giờ là do Lý Thần diễn) trở thành một nhân viên đại lý du lịch thành đạt, đi xe BMW, lập gia đình, có một cậu con trai mà anh tin tưởng giao cho mẹ mình chăm sóc bất chấp sự phản đối đầy nước mắt của người vợ. Trong khi đó Phương Đăng (Trương Tịnh Sơ), ưu tú trong học tập, cô học ngành dược, có thai, từ chối việc bỏ đi đứa con rồi trở thành một người mẹ độc thân và dạy tiếng Anh, cuối cùng cô kết hôn với một người Canada và chuyển tới Vancouver.



Từ Phàm trong vai người mẹ đau khổ mất chồng và con sau trận động đất ở Đường Sơn


Lý Nguyên Ni, với nỗi sợ rằng linh hồn của những người thân đã mất sẽ không thể tìm thấy bà khi họ trở lại, đã từ chối rời khỏi nơi ở khiêm tốn của mình, bà trở thành một người thợ may mãi mãi bị ám ảnh bởi những ký ức đau thương đã từng phải trải qua. Cuối cùng được đoàn tụ nhờ vào một phép màu khác trong đống đổ nát của một trận động đất khác, họ ngã vào vòng tay nhau, rơi những giọt nước mắt vừa hạnh phúc vừa tiếc nuối.

Được quay bởi một trong những nhà quay phim điện ảnh xuất sắc nhất Trung Quốc, Lữ Lạc (với các phim Xích Bích , Ông trùm Thượng Hải ), những hình ảnh trong bộ phim này cũng không hề kém phần ngoạn mục. Không cần phải nói, phần hình ảnh đã được đầu tư rất nhiều – từ những cảnh chỉ hơn một phút cho tới những cảnh quay quy mô lớn và các chứng chỉ kỹ thuật khác đều rất hoàn hảo.

Phùng Tiểu Cương đã khôn ngoan tránh xa khỏi mọi vấn đề gây tranh cãi, truyền đạt những giá trị vững chắc mà không ai dám phê phán và chuyển đổi một cách trôi chảy từ giai đoạn này sang giai đoạn khác, dẫn dắt một dàn diễn viên đầy tận tụy, thật lòng, đã không được khai thác tối đa trong vai diễn của họ. Tuy nhiên vẫn đáng kể riêng ra ở đây diễn xuất cứng cỏi của Trương Tịnh Sơ trong vai một người phụ nữ trẻ không để niềm tin của bản thân bị lung lay; Trần Đạo minh trong vai người cha nuôi đầy tình thương và lo âu cùng với Từ Phàm (vợ của đạo diễn) trong vai diễn chính một người mẹ mà cả cuộc đời là sự sám hối về cái khoảnh khắc định mệnh khi cô đã hy sinh một đứa con của mình để cứu lấy mạng sống đứa kia.

Đạo diễn: Phùng Tiểu Cương
Nước sản xuất: Trung Quốc 2010
Thời lượng: 128 phút
Công ty sản xuất: Tập đoàn giải trí Hoa Nghị huynh đệ
Chỉ đạo sản xuất: Vương Trung Lỗi, Trần Quốc Phú
Nhà sản xuất: Vương Trung Quân, Gio Yanhong, Hàn Tam Bình
Phân phối quốc tế: Hoa Nghị huynh đệ
Biên kịch: Tô Tiểu Vệ
Quay phim: Lữ Lạc
Thiết kế sản xuất: Hoắc Đình Tiêu
Biên tập: Tiểu Dương
Âm nhạc: Vương Lê Quang
Dàn diễn viên chính: Từ Phàm, Trương Tịnh Sơ, Lý Thần, Trần Đạo Minh, Trần Cấn, Trương Quốc Cường

Dịch: © Vân Húc @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Screen Daily
Gemini Offline
#4 Posted : Tuesday, April 19, 2011 6:48:14 PM(UTC)

Rank: V.I.P Passenger

Medals: Hoa tiêu - Những sói biển lẫy lừng: Sự tinh tế của bạn đã chắp cánh cho Trang tin Quái vật Điện ảnh

Groups: Member
Joined: 10/20/2010(UTC)
Posts: 1,080
Location: Quán nhậu

Thanks: 850 times
Was thanked: 1055 time(s) in 605 post(s)
Động đất và dư chấn của những nỗi đau



Gọi Đường Sơn đại địa chấn (Aftershock) là một bộ phim bi tráng không thực sự thể hiện sự đánh giá đúng đắn với bộ phim này.

Ngay sau khi bộ phim của Phùng Tiểu Cương vừa mới bắt đầu, một người phụ nữ có chồng vừa mới tử nạn trong trận động đất có sức tàn phá khủng khiếp năm 1976 ở Đường Sơn đã ngước lên trời mà gào thét: “Trời ơi! Anh ngốc này!” Và mọi chuyện xuống dốc kể từ đây. Trước cả khi bạn ý thức được, cô đã phải đứng trước một sự lựa chọn sống còn liên quan đến hoàn cảnh của hai đứa con cô bị mắc kẹt dưới một tấm bê tông.

Những cảnh này, trong đó có một phân đoạn mô tả rất hiệu quả trận động đất đã cướp đi sinh mạng của khoảng 240.000 người được giải quyết rất nhanh gọn. Nhưng nỗi đau chỉ vừa mới bắt đầu. Vẫn còn đó sự việc nhận con nuôi, việc mang thai ngoài ý muốn, căn bệnh giai đoạn cuối, hai cuộc phẫu thuật cắt bỏ chi, ba cuộc đoàn tụ đầy xúc động, bốn lần bỏ rơi và hơn ba mươi năm của những chịu đựng, tội lỗi và oán giận tột cùng cho tới khi một kết thúc mang tính cứu vãn dường như quá tốt để trở thành sự thật được đem lại bởi trận động đất năm 2008 ở Tứ Xuyên.


Hình ảnh Từ Phàm cõng nhân vật của Trương Tịnh Sơ lúc nhỏ trong Aftershock [Ảnh: New York Times]


Ngạc nhiên là trong khi bạn nhận thức được rằng Aftershock lấy đi nước mắt của khán giả một cách dữ dội, mãnh liệt nhưng việc đó không nhất thiết đem lại cảm giác lạm dụng, bạn có thể thoải mái để bản thân mình hòa nhịp cùng bộ phim. Và rất nhiều khán giả tới rạp Trung Quốc đã làm như thế: Aftershock (tên gốc dịch là Đường Sơn đại địa chấn ) là bộ phim nội địa đạt doanh thu cao nhất trong lịch sử Trung Quốc, doanh thu 100 triệu USD kể từ khi bộ phim phát hành vào tháng 7 đã đưa bộ phim lên đứng trước Kiến quốc đại nghiệp (The Founding of a Republic) mặc dù vẫn xếp sau Avatar.

Phùng Tiểu Cương, đạo diễn của bộ phim hành động lãng mạn Thiên hạ vô tặc (A World Without Thieves) và bộ phim hài lãng mạn Phi thành vật nhiễu (If You Are The One) (xếp thứ ba trong bảng xếp hạng phòng vé), từng được gọi là Spielberg của Trung Quốc. Trong Aftershock sự so sánh này có lý khi liên quan đến phạm vi vượt ra ngoài thành công thương mại. Bằng cách nào đó ông đã làm dịu bớt những cường điệu tồi tệ nhất trong kịch bản của Tô Tiểu Vệ. Tuy rằng đây có thể không phải là một bộ phim sắc bén, nhưng Aftershock hiếm khi ủy mị - ngoại lệ là diễn xuất của Từ Phàm, vợ đạo diễn Phùng, trong vai một người mẹ phải đằng đẵng chịu đựng khổ đau – và đôi khi khá cảm động. (Khán giả phương Tây vẫn sẽ cảm thấy một số quan niệm về tội lỗi gia đình là hơi phóng đại nhưng là do họ không quen với sự hiếu thảo được thừa nhận và chính sách một con.)

Nếu như diễn biến của tác phẩm - không kể những trận động đất làm khung - cần thiết là một bộ phim bi tráng nội địa này bắt đầu trở nên dài dòng, một phần là bởi vì Aftershock (giống như rất nhiều bộ phim điện ảnh ngân sách lớn đương thời của Trung Quốc) dường như cảm thấy có nhiệm vụ phải bao hàm trong bản thân tác phẩm, ở mức độ hình tượng, những nỗi kinh hoàng và những chiến thắng trong lịch sử Trung Quốc bốn thập kỷ vừa qua, từ Cách mạng văn hóa tới những kỳ tích kinh tế. Khi chúng ta được nghe tại kết phim rằng Đường Sơn đã vươn lên như một chú phượng hoàng từ trong đám tro tàn, thì điều đó được hiểu rằng không chỉ có Đường Sơn đang ở trong bối cảnh đó. Trong suốt bộ phim, máy quay đã lùi lại để cho chúng ta thấy những cảnh quan thành phố mới mẻ và rực rỡ hoặc hàng hàng cần trục; những định kiến truyền thống đối với con gái hoặc người bị khuyết tật về thể chất được đưa vào kịch bản với mục đích giáo dục.



Aftershock không chỉ đơn thuần thể hiện sự tàn phá của thiên tai


Cũng như việc một số thứ phải được thêm vào thì cũng có một số thứ khác cần phải bị loại ra. Chính phủ và chế độ quan liêu vắng mặt một cách khó hiểu trong Aftershock, một bộ phim mà rốt cuộc là về những hậu quả tức khắc và kéo dài của một thảm họa tự nhiên. Khoảnh khắc chính trị công khai duy nhất là một cảnh lệch lạc, nằm ngoài nội dung của phim, chiếu hình ảnh cuộc biểu tình của quần chúng tại quảng trường Thiên An Môn khi Mao Trạch Đông mất. Tuy nhiên có sự xuất hiện của lễ kỷ niệm hoành tráng của Quân đội Giải phóng Nhân dân, những người đã hành quân trong những đội ngũ chỉnh tề để tới giải cứu các nạn nhân Đường Sơn. Nhân vật đáng ngưỡng mộ trọn vẹn duy nhất trong phim là người cha nuôi - một sĩ quan quân đội tốt bụng, do nam diễn viên xuất sắc Trần Đạo Minh (phim Anh hùng) thể hiện.

Đạo diễn Phùng đã thể hiện sự táo bạo đáng kể khi bàn luận về điều kiện làm việc cho các nhà làm phim Trung Quốc tại quê hương. Tờ China Daily Anh ngữ cho biết rằng tại một cuộc hội thảo tại Liên hoan phim Quốc tế Thượng Hải vào tháng 6 ông từng nói: “Bởi vì sự kiểm duyệt tại Trung Quốc mà các nhà sản xuất địa phương hiếm khi thu hút được khán giả nước ngoài.”

Thật dễ dàng nhận thấy những hậu quả của áp lực đó trong Aftershock và cũng có thể đoán được ở những khoảnh khắc đạo diễn Phùng cố gắng truyền đạt một thông điệp khác, như hình ảnh nổi bật trong kịch bản của một chiếc cặp sách in hình quảng trường Thiên An Môn, hay việc – mà không có bất cứ sự nhận xét nào trong phim – trong một thời gian dài sau trận động đất năm 1976 không ai tới để giúp đỡ.

Cũng có những khoảnh khắc thể hiện những chi tiết tinh tế của đạo diễn Phùng: hai đứa trẻ, trước trận động đất, cùng đu đưa trước một chiếc quạt đang quay; cảnh người sĩ quan tới thăm cô con gái nuôi của mình ở trường đại học và mở ra chiếc vali đựng thức ăn mang từ quê nhà; nỗi đắng cay đột ngột của một người phụ nữ lớn tuổi: “Nó cao lắm” khi nhớ lại cậu con trai đã chết trong một tòa nhà đổ nát.

Aftershock, bộ phim Trung Quốc được đề cử cho giải Phim nước ngoài xuất sắc nhất của Oscar 2010, đang được phát hành rộng rãi trên nước Mỹ. Nhưng bộ phim vẫn chỉ giới hạn ở 20 rạp chiếu trong những khu vực có đông dân cư người châu Á, điều này có thể khiến sự dự đoán của đạo diễn Phùng về sức hấp dẫn của tác phẩm của ông đáng để thảo luận.

Aftershock - Đường Sơn đại địa chấn

Đạo diễn: Phùng Tiểu Cương
Kịch bản: Từ Tiểu Vệ; dựa trên cuốn tiểu thuyết của Trương Linh
Chỉ đạo hình ảnh: Lữ Lạc
Biên tập: Tiểu Dương
Thiết kế sản xuất: Hoắc Đình Tiêu
Âm nhạc: Vương Lê Quang
Sản xuất: Vương Trung Quân, Gio Yanhong và Hàn Tam Bình
Phát hành: China Lion Film Distribution.
Độ dài: 2 giờ 10 phút
Tác phẩm không được xếp loại
Các diễn viên: Trương Tịnh Sơ (Phương Đăng); Trần Đạo Minh (ông Vương/cha nuôi), Lý Thần (Phương Đạt), Từ Phàm (người mẹ), Trần Cấn (người mẹ nuôi), và Trương Quốc Cường (Phương Cường)


Dịch: © Vân Húc @Quaivatdienanh.com
Nguồn: New York Times
Gemini Offline
#5 Posted : Tuesday, April 19, 2011 6:53:28 PM(UTC)

Rank: V.I.P Passenger

Medals: Hoa tiêu - Những sói biển lẫy lừng: Sự tinh tế của bạn đã chắp cánh cho Trang tin Quái vật Điện ảnh

Groups: Member
Joined: 10/20/2010(UTC)
Posts: 1,080
Location: Quán nhậu

Thanks: 850 times
Was thanked: 1055 time(s) in 605 post(s)
Phùng Tiểu Cương – Người tạo nên những làn sóng chấn động


Lúc 3 giờ 42 phút sáng ngày 28/7/1976, một cơn động đất 7,8 độ Richter tấn công thành phố công nghiệp Đường Sơn phía bắc Trung Quốc. Chính phủ công bố số thương vong là 240.000 người, dù nhiều người tin rằng con số thật sự còn cao gấp ba lần như thế.

Trong bộ phim mới Aftershock (Đường Sơn đại địa chấn), đạo diễn Trung Quốc Phùng Tiểu Cương đã tái tạo nỗi kinh hoàng của những phút giây thảm họa đó: những tòa nhà thấp tầng vỡ vụn, những khu căn hộ sụp đổ hất văng thi thể vào không trung, một nhà máy quốc doanh trở thành gạch vụn, những đứa trẻ mắc kẹt dưới từng tảng bê tông. Phùng Tiểu Cương đã mời nhóm làm hiệu ứng đặc biệt từ Hàn Quốc và Pháp, cũng như công ty Weta Workshop của New Zealand – nổi danh từ Lord of the Rings – đến để mang nỗi kinh hoàng thật chi tiết lên màn bạc.


Aftershock báo hiệu cho một kỷ nguyên phim bom tấn mới ở Trung Quốc


Đã khiến khán giả rơi nước mắt trong buổi chiếu ra mắt, bộ phim được công chiếu vào ngày 22/7 tại hơn 4.000 rạp ở Trung Quốc – một con số không thể ngờ đến. Phim tạo nên kỷ lục doanh thu ngày chiếu khai mạc với 5,3 triệu USD, suýt soát giành ngôi của Avatar, bộ phim có doanh thu thành công nhất mọi thời đại ở Trung Quốc. Các chuyên gia dự đoán Aftershock sẽ trở thành bộ phim Trung Quốc đầu tiên đạt doanh thu hơn 74 triệu USD trong nước. Thật sự, Aftershock có thể báo hiệu cho một kỷ nguyên phim bom tấn mới ở Trung Quốc, thị trường có doanh thu phòng vé tăng gấp đôi trong năm vừa qua và hàng trăm rạp chiếu bóng mới ra đời. Bộ phim cũng đưa tên tuổi Phùng Tiểu Cương đi qua một chặng đường dài, trở thành nhà làm phim quan trọng nhất của đất nước.

Là một đạo diễn, Phùng Tiểu Cương đã trở nên một sức quyến rũ mạnh mẽ - một hiện tượng dị thường trong ngành giải trí Trung Quốc, nơi các ngôi sao điện ảnh thường là người làm nên hoặc phá hỏng một bộ phim. Từ sau bộ phim đầu tiên ra mắt năm 1994, Gone Forever With My Love (Vĩnh thất ngã ái), ông đã thực hiện hàng tá phim điện ảnh, mỗi phim đều phá kỷ lục ở Trung Quốc. Hai năm trước, bộ phim tình cảm hài If You Are the One (Phi thành vật nhiễu – tạm dịch: Nếu em là duy nhất) đã phá vỡ kỷ lục trước đó khi thu về hơn 51,7 triệu USD, biến Phùng Tiểu Cương thành nhà làm phim Trung Quốc đầu tiên có tổng doanh thu trong sự nghiệp lên đến một tỉ nhân dân tệ (147,6 triệu USD). “Người sống ở Trung Quốc sẽ đến xem phim của Phùng Tiểu Cương vì đó là phim do Phùng Tiểu Cương làm,” trích lời chuyên gia điện ảnh Trung Quốc của trường đại học Bắc California, Stanley Rosen. “Ông là một thương hiệu và có tên tuổi được công nhận. Người ta biết một bộ phim do Phùng Tiểu Cương làm sẽ được mô tả tốt và gây xúc động.”

Điều đó giúp Phùng Tiểu Cương, 52 tuổi, được so sánh với Steven Spielberg, một trong những đạo diễn ông yêu thích nhất. Đề cập đến cái tên Speilberg khiến vị đạo diễn nghiện thuốc lá này cười thích thú, để lộ cả bộ răng lổm chổm ố màu khói thuốc. Từ bên dưới chiếc mũ bóng chày đặc trưng của mình, Phùng Tiểu Cương ngẩng đầu lên, khiến ánh sáng rọi lên những mảng sắc tố không đồng đều trên khuôn mặt ông – kết quả của căn bệnh bạch bì. “Phim của Spielberg có trái tim,” ông nói. “Người ta đến xem phim của ông vì các câu chuyện của ông khiến họ cảm thấy một điều gì đó.”

Phim của Phùng Tiểu Cương cũng tương tự như vậy. Ông Albert Lee, CEO của hãng Motion Pictrues Hồng Kông đồng thời là nhà sản xuất của Aftershock, tin rằng “Phùng Tiểu Cương có khả năng độc nhất vô nhị có thể đồng cảm với khán giả Trung Quốc dòng phim trào lưu.” Từ rất sớm trong sự nghiệp đạo diễn của mình, ông đã lấy được lòng khán giả với các phim hài như Party A, Party BBe There or Be Square, đây là những dự án nhỏ khám phá cuộc sống của những người dân bình thường trong đất nước Trung Quốc đô thị thay đổi nhanh chóng. Trong vài năm trước, ông tạo nên tên tuổi với những phim bom tấn quy mô lớn như bộ phim cổ trang Trung Quốc lấy cảm hứng từ Hamlet, Dạ yến (The Banquet), phim chiến tranh The Assembly (Hiệu lệnh tập kết) và If You Are the One – bộ phim về một anh chàng Bắc Kinh mới giàu lên đi tìm kiếm tình yêu.


Đạo diễn Phùng Tiểu Cương dự buổi chiếu ra mắt phim Aftershock bản IMAX [Ảnh: Newsweek]


Chủ đề về chính cuộc đời của Phùng Tiểu Cương đã phá vỡ sự định kiến, là câu chuyện rất được yêu thích ở Trung Hoa đương đại. Được mẹ ông – một y tá đã ly hôn – nuôi lớn ở Bắc Kinh, Phùng Tiểu Cương tốt nghiệp trung học cùng năm trận động đất Đường Sơn xảy ra, và sau đó ông nhập ngũ, nơi đó ông dựng cảnh cho các vở kịch quân đội. Trong những năm 1980 tự do hơn, ông bước chân vào lĩnh vực viết kịch bản, làm nên tên tuổi cho mình trong ngành truyền hình những năm đầu thập niên 1990. Dự án lớn đầu tiên của ông là bộ phim truyền hình dài tập quay ở Mỹ Beijingers in New York (tạm dịch: Người Bắc Kinh ở New York), phim giành được tình cảm của khán giả Trung Quốc bằng những hình ảnh của cuộc sống ở nước ngoài và thông điệp đạo đức mạnh mẽ: đừng mong chờ gì khác ngoài sự bất hạnh nếu bạn rời Trung Quốc để đến với phương Tây suy đồi.

Ban đầu Phùng Tiểu Cương lên kế hoạch cho Aftershock dựa trên một hồi ký về trận động đất ở Tứ Xuyên năm 2008, lấy đi 87.000 mạng người. Ông đã nghĩ là thật khinh suất khi nhắc nhớ người ta về tấn bi kịch này. Nhưng vì những nỗ lực giảm nhẹ nỗi đau đã trở thành điểm tập hợp đất nước Trung Quốc thống nhất cũng như chủ nghĩa yêu nước, ông thay đổi quan điểm của mình. Nhà tài trợ bộ phim là John Chong, CEO của Media Asia Group, cho biết: “Đó là lý do ông ấy là một huyền thoại. Ông nói với tôi rằng ông có thể kể lại câu chuyện về chiến thắng của chủ nghĩa nhân đạo và gia đình.” Bộ phim kể về cuộc sống của gia đình nhà họ Phương – một người mẹ góa chồng, cậu con trai sau này trở thành một doanh nhân giàu có, và cô con gái họ tin rằng đã chết ở Đường Sơn. Cả hai anh em cuối cùng trở thành những người tình nguyện cứu người trong trận động đất Tứ Xuyên và tình cờ nhận lại nhau.

Trong khi bộ phim rất có tác động và được chế tác tốt, các nhà sản xuất cũng không trông mong tìm kiếm lượng khán giả không phải người Hoa. Thật sự, phần lớn cái hay của bộ phim đến từ sự miêu tả lịch sử tinh tế. Trong một cảnh động đất, một bức tường đang rung lắc làm rớt theo khung hình Mao Trạch Đông – loại mà mỗi gia đình và mỗi văn phòng đều đã từng trưng như hình thờ - khi nó sụp đổ, và biến mất trong đống đổ nát.


Dạ yến phá kỷ lục doanh thu phòng vé nội địa năm 2006 nhưng gần như bị phớt lờ ở nước ngoài


Trước đây, Phùng Tiểu Cương đã từng nỗ lực để thành công ở nước ngoài. Bộ phim hài năm 2001 Big Shot’s Funeral (tạm dịch: Đám tang của quan lớn), một đoạn điệp khúc của đất nước Trung Quốc lan tràn chủ nghĩa tiêu dùng, do nam diễn viên Hollywood Donald Sutherland đóng vai chính, đã lập nên kỷ lục ở đại lục nhưng rất ít được chú ý ở Mỹ. Năm 2006, The Banquet, một bộ phim cổ trang hoành tráng, một lần nữa phá kỷ lục phòng vé nội địa nhưng gần như bị phớt lờ ở nước ngoài. Chủ tịch Vương Trung Lỗi của tập đoàn Hoa Nghị huynh đệ, đơn vị sản xuất Aftershock, cho biết, “Phùng Tiểu Cương đã từng nói mỗi đạo diễn đều mong phim của mình có lượng khán giả rộng rãi. Nhưng thật là một gánh nặng khi cứ giữ ý nghĩ muốn khán giả Mỹ hay Hồng Kông hiểu được bộ phim. Thế nên cách đây vài năm ông ấy cảm thấy mình chỉ nên tập trung vào khán giả Trung Quốc, và đó là lý do giúp ông thành công tại phòng vé.”

Nhưng Phùng Tiểu Cương rất có hy vọng rằng sức hấp dẫn của ông cuối cùng cũng sẽ lan rộng. “Ngành phim ảnh Trung Quốc đang tăng trưởng từ 30 đến 40% mỗi năm,” ông nói. “Có lẽ nhờ vào các bộ phim Trung Quốc mà thế giới có thể hiểu hơn về đất nước Trung Hoa. Với các bộ phim của tôi, bạn có thể thấy cuộc sống ở Trung Quốc trông như thế nào trong 20 năm trước.” Mong là ông sẽ tiếp tục kể những câu chuyện vang dội về Trung Quốc; và người khác có thể cùng đồng hành, cùng khóc, cùng cười.

Dịch: © Trúc Phương @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Newsweek
Users browsing this topic
Guest
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.

SoClean Theme By Jaben Cargman (Tiny Gecko)
Powered by YAF | YAF © 2003-2010, Yet Another Forum.NET
This page was generated in 0.299 seconds.