logo

Welcome Guest! To enable all features please try to register or login.
[Mỹ | 2012] Brave | Công chúa tóc xù
Lữ Khách Offline
#1 Posted : Sunday, April 22, 2012 6:20:25 AM(UTC)

Rank: Passenger Service

Medals: Huân chương Thuyền trưởng: Vì mỗi ngày thức dậy lúc 5h 'cho em măm' và những ngày cuối tuần cafe làm việc cho QVĐA của chúng taChân vịt vàng: Đóng góp thầm lặng của bạn đem lại nét đẹp sống động cho Quái vật Điện ảnh

Groups: Crew Officer, CTV, Moderator
Joined: 10/20/2010(UTC)
Posts: 8,342
Location: Lữ quán

Thanks: 4743 times
Was thanked: 2357 time(s) in 1726 post(s)
Brave



Tên phim: Brave
Ngày phát hành: 6/7/2012 (Việt Nam)
Đạo diễn: Mark Andrews, Brenda Chapman
Kịch bản: Brenda Chapman, Irene Mecchi
Thể loại: Hành động - Phiêu lưu - Hoạt hình
Xếp loại: PG-13
Thời lượng:
Nước sản xuất: Mỹ
Hãng sản xuất:
- Pixar Animation Studios
- Walt Disney Pictures

Các diễn viên lồng tiếng:
Emma Thompson ... Nữ hoàng Elinor
Kelly Macdonald ... Công chúa Merida
Kevin McKidd ... Chúa tể MacGuffin

Nội dung chính:
Quyết định chọn con đường riêng cho mình trong cuộc sống, công chúa Meria coi thường tập tục khiến vương quốc rơi vào hỗn loạn. Được ban cho một điều ước, Merida phải dựa vào lòng can đảm và tài nghệ bắn cung của mình để xóa bỏ lời nguyền xấu xa.

Trang web chính thức: Click vào đây
Trang IMDb: Click vào đây

Trailer: Click vào đây
1 user thanked Lữ Khách for this useful post.
Yên Khuê on 4/23/2012(UTC)
Lữ Khách Offline
#2 Posted : Sunday, April 22, 2012 11:35:59 AM(UTC)

Rank: Passenger Service

Medals: Huân chương Thuyền trưởng: Vì mỗi ngày thức dậy lúc 5h 'cho em măm' và những ngày cuối tuần cafe làm việc cho QVĐA của chúng taChân vịt vàng: Đóng góp thầm lặng của bạn đem lại nét đẹp sống động cho Quái vật Điện ảnh

Groups: Crew Officer, CTV, Moderator
Joined: 10/20/2010(UTC)
Posts: 8,342
Location: Lữ quán

Thanks: 4743 times
Was thanked: 2357 time(s) in 1726 post(s)
Brave có thể thay đổi số phận phòng vé của Disney không?


Những tài năng sáng tạo của hãng phim Pixar, tác giả của Toy StoryThe Incredibles, và các cộng sự tại Disney đã đi đến tận vùng cao nguyên Scotland để làm phim mới nhất của mình, Brave. Nhưng sau sự thất bại thương mại của John Carter, họ đang phải chịu bao áp lực biến bộ phim mới nhất này thành một thành công phòng vé?

Dù đạo diễn Mark Andrews có muốn hay không thì sẽ có rất nhiều người đang mong đợi Brave ra mắt, và không chỉ để xem những chuỗi phim hoạt hình bắt mắt.

Bộ phim với giọng lồng tiếng của Billy Connolly, Emma Thompson và Kelly Macdonald của Boardwalk Empire, sẽ do Walt Disney Pictures phát hành, và vẫn còn phải chịu tiếng tăm xấu của bộ phim khoa học viễn tưởng John Carter sau khi phim này thất bại tại phòng vé toàn cầu.



Andrews cũng đã tham gia vào bộ phim đó trong cương vị đồng biên kịch, làm việc dưới quyền đạo diễn Andrew Stanton, cũng l2 một thành viên kỳ cựu của Pixar, người từng viết kịch bản và đạo diễn Finding NemoWALL-E.

“Tôi chỉ làm phim thế nên thành công thế nào không phải do tôi quyết định, mà là do thượng đế quyết định,” Andrews cho biết. “Tôi chỉ là nhà làm phim cứng đầu đưa ý tưởng và câu chuyện ra với thế giới.

Disney thừa nhận John Carter, dựa theo bộ tiểu thuyết của tác giả của truyện Tarzan, Edgar Rice Burroughs, sẽ lỗ 200 triệu USD.

“Ai cũng mong chờ thu về hàng tỉ tại phòng vé, và cuối cùng chúng tôi vẫn tin rằng John Carter là một bộ phim hay. Chúng tôi rất tự hào về nó,” Andrews nhấn mạnh.

Nhưng thất bại trong việc tạo thương hiệu cho John Carter để mở đường cho các phần tiếp theo, và các sản phẩm ăn theo khác sẽ còn là gánh nặng lớn trên vai các nhà sản xuất tại hãng.

“Việc John Carter không thu được lãi là một vấn đề rất lớn cho Disney,” chuyên gia phòng vé ở Anh, Charles Gant cho biết. “Và đây cũng là điều khó chịu đối với Pixar vì Andrew Stanton đã được thả rông cho làm gì thì làm vì anh ấy có tiếng tốt. Anh ấy được rất nhiều người cấp cao ở Disney ủng hộ.”

John Carter là một trong ba phim lớn nhất mùa hè này của Disney. Hai phim kia là The AvengersBrave.

“Thất bại này tạo thêm áp lực cho Disney. Họ đã bỏ lỡ John Carter và vì thế họ cần hai phim kia phải thành công còn hơn mong đợi,” Gant cho biết.

Brave là câu chuyện về một cô công chúa Scotland – do Macdonald lồng tiếng – với ước mơ được tự do, nhưng vẫn bị quản lý bởi bà mẹ yêu thương con nhưng phần nào cứng nhắc, do Thompson lồng tiếng.

Macdonald – nổi tiếng lần đầu với Trainspotting (1996) – đã nhận vai diễn này sau khi Reese Witherspoon rút khỏi dự án vì không sắp xếp được lịch diễn. Đây là một trong nhiều rắc rối trong quá trình làm phim, sau khi đạo diễn và đồng biên kịch bản đầu Brenda Chapman bỏ dở dự án.

Nói về diễn viên chính của mình, Andrews cho biết cô là một diễn viên “tuyệt vời” và “giọng của cô có tính chất thiếu niên rất tuyệt.”



Và tất nhiên, diễn viên này sinh ra và lớn lên ở Scotland. Dàn diễn viên còn nhiều thành viên người Scotland khác, như Robbie Coltrane, Craig Ferguson và Kevin McKidd.

Nhưng khác với bộ phim hài đen tối Trainspotting diễn ra trong khu vực ngầm buôn bán ma túy ở Edinburgh, bộ phim này sẽ không có phụ đề cho khán giả Mỹ.

"Kevin McKidd lồng tiếng cho Chúa MacGuffin và MacGuffin trẻ tuổi – người nói với phương ngữ Doric,” Andrews cho biết, “và anh sẽ thường hỏi mẹ rằng từ này hay từ kia nói thế nào, và trong những đoạn đó chúng tôi sẽ để cho khán giả hiểu thì hiểu, không thì thôi, để tăng tính hài hước.”

Nếu từng nghe qua phương ngữ Doric của vùng đông bắc Scotland thì bạn sẽ có nhiều khả năng hiểu lời thoại trong phim hơn.

Những cảnh phim hoạt hình đồ họa vi tính Brave đưa ta qua những vùng đồi núi cao nguyên Scotland với chất lượng tuyệt đỉnh nhất – chất lượng mà ta mong đợi ở một hãng phim đã thu về hơn 25 giải Oscar.

Andrews nhấn mạnh rằng bí quyết thành công của Pixar nằm ở “nghiên cứu, nghiên cứu, nghiên cứu,” phương châm chính của tổng giám đốc nghệ thuật John Lasseter.

"Với Nemo, bạn phải xuống đáy biển, với Cars bạn phải hiểu về ô tô, và với Ratatouille chúng tôi đã đến Pháp tham quan,” anh giải thích về những thành công trước kia của hãng.

Kết quả là để chuẩn bị cho phim này, đoàn làm phim đã đến thăm Scotland trong vòng hai tháng.

“Chúng tôi đi khắp nơi, từ Edinburgh đến vùng cao nguyên, Quần đảo Skye, Lewis và Harris," Andrews nói. “Chúng tôi đi tắm trần ở các hồ, nằm xuống cỏ may, leo núi, dầm mưa. Thật tuyệt!”

Một trong những ngôi sao của bộ phim, Billy Connolly, đến từ vùng Aberdeenshire ở đông bắc Scotland.

“Billy cho chúng tôi rất nhiều thông tin,” đạo diễn nói. “Tôi cũng có gốc Scotland và tôi thường tổ chức các trò chơi vùng cao nguyên quê nhà trong bữa tiệc sinh nhật của mình.”

Những mối tình trước kia của Hollywood với Scotland đều tạo nên các thành phẩm đáng nhớ, dù không phải lúc nào cũng chính xác về mặt lịch sử.

Một số ví dụ gồm “giọng Scotland” kinh khủng trong Brigadoon, nhân vật cao bồi cô đơn của Liam Neeson trong Rob Roy và nhân vật William Wallace màu xanh mặc váy của Mel Gibson.

Andrews thừa nhận anh cũng thay đổi chút ít kiến trúc các lâu đài bằng đá và những mẫu vải kẻ ca-rô của các bộ tộc Scotland.

Nhưng anh cũng bảo vệ những quyết định này. “Tôi và Brenda Chapman rất yêu Scotland và cô ấy muốn có một thế giới thực sự kỳ diệu. Chúng tôi đã tranh luận nhiều về thời đại, nhưng đây là một Scotland giả tưởng vào khoảng từ thế kỷ thứ 8 tới thứ 12. Đó là bản chất thời gian mà chúng tôi muốn có.”

Bộ phim sẽ công chiếu lần đầu ở châu Âu tại Liên hoan phim quốc tế Edinburgh, và hãng du lịch Visit Scotland đã đổ ra 7 triệu bảng Anh cho một chiến dịch quảng bá liên quan tới Brave.

Dịch: © Xuân Hiền @Quaivatdienanh.com
Nguồn: BBC News
Lữ Khách Offline
#3 Posted : Wednesday, July 4, 2012 5:54:49 AM(UTC)

Rank: Passenger Service

Medals: Huân chương Thuyền trưởng: Vì mỗi ngày thức dậy lúc 5h 'cho em măm' và những ngày cuối tuần cafe làm việc cho QVĐA của chúng taChân vịt vàng: Đóng góp thầm lặng của bạn đem lại nét đẹp sống động cho Quái vật Điện ảnh

Groups: Crew Officer, CTV, Moderator
Joined: 10/20/2010(UTC)
Posts: 8,342
Location: Lữ quán

Thanks: 4743 times
Was thanked: 2357 time(s) in 1726 post(s)
Sự tiến hóa của một nàng công chúa Pixar cá tính


Dù ở dạng nào đi nữa – đồ chơi, quái vật, ô tô, chuột và các cậu bé – các nhân vật nam thường nằm ở trung tâm các bộ phim của Pixar. Nhưng giờ, lần đầu trong lịch sử 17 năm, Pixar sẽ làm phim với nhân vật chính là nữ. Hãng phim này đã dành năm năm để đưa Merida, một cô bé mạnh mẽ trong Brave (phát hành ở Việt Nam với tựa Công chúa tóc xù) lên màn ảnh. Họ đã mất nhiều thời gian thiết kế và đến năm đạo diễn để làm được thế.

Brave diễn ra ở Scotland thời Trung cổ, và là bộ phim gần nhất với một câu chuyện cổ tích mà Pixar từng làm. Bộ phim kể về một nàng công chúa mạnh mẽ và bướng bỉnh, Merida. Cô bé thích được tự lập và bắn cung hơn là lấy chồng và hoàn thành nhiệm vụ hoàng gia như mẹ cô, Nữ hoàng Elinor, mong muốn. Nhân vật và câu chuyện được tạo ra bởi Brenda Chapman, đạo diễn đầu tiên của bộ phim. Bà đã có một buổi phỏng vấn về những điểm hấp dẫn của nhân vật nữ chính đầu tiên của Pixar.

“Trong những năm gần đây, truyện cổ tích bị mang tiếng xấu, nhất là với nữ giới,” bà nói. “Vì thế, tôi muốn đổi ngược tình thế. Merida không buồn vì cô là công chúa hay là con gái. Cô hiểu vai trò của mình. Cô chỉ muốn sống theo cách của mình chứ không phải của mẹ.”



Bà cũng có hình ảnh rõ ràng về ngoại hình của nhân vật. “Tôi muốn một cô gái thực sự, không phải là người không ai có thể trở thành, với mình dây, chân tay và eo bé tẹo. Tôi muốn một cô gái khỏe khoắn. Tôi cũng muốn cô có chút gì đó hoang dã, vì thế cô có mái tóc đó, để nhấn mạnh sự tự do trong cô. Quan trọng hơn hết, tôi muốn cho các khán giả nữ một nhân vật không khiến họ cảm thấy tự ti.”

Ủng hộ Chapman trong những thiết kế này còn có đạo diễn thiết kế sản xuất Steve Pilcher và Mark Andrews, đạo diễn thứ hai của bộ phim, đảm nhận 18 tháng cuối cùng của quá trình làm phim.

Phác thảo nhân vật qua chải tóc



Trong hình này, Merida miễn cưỡng để cho mẹ chải tóc, do Matt Nolte, đạo diễn mỹ thuật nhân vật, vẽ. Khi đặt các họa sĩ vẽ nhân vật, ông yêu cầu họ đưa phong cách riêng của mình vào hình ảnh. “Khi vẽ cô ấy, họ không nên lo lắng về việc trông giống người khác. Tôi muốn họ vẽ theo cảm hứng và theo việc cô ấy làm. Việc này đưa một sự khách quan vào thiết kế và có thể hiện ra những ý tưởng mới.”

Thiết kế có vẻ như hoạt hình này được dùng để nhấn mạnh tính cách của Merida: tính cách bướng bỉnh, sự hờn dỗi trẻ con với mẹ và sự căng thẳng giữa hai người, cơn khát phiêu lưu mà mẹ cô muốn kiềm chế. Sau đó, các họa sĩ sẽ tu chỉnh lại hình ảnh cô bé và những điểm cụ thể trong ngoại hình khi kịch bản được phát triển nhiều hơn.

Hình bắn cung cả người



Pilcher sau đó vẽ hình này, cho thấy cả người của Merida, với phong thái khỏe khoắn và năng động.

“Từ kịch bản, tôi thấy bộ phim sẽ nhìn nhận câu chuyện giả tưởng một cách nghiêm túc,” ông cho biết. Vì thế, thiết kế người của Merida “phải ngộ nghĩnh nhưng cũng phải có nét đứng đắn và thân hình người thật.” Ông không muốn làm hình ảnh cô bé trở nên quá cường điệu một cách phi thực. “Phải có một sự hòa đồng giữa hai thái cực.”

Với hình ảnh này, ông muốn vẽ lên một Merida độc lập, một nữ anh hùng cá tính.

Các họa sĩ cho cô bé đôi chân khỏe khoắn nhưng trong phim, chúng không hay xuất hiện vì Merida phần lớn thời gian mặc một bộ váy dài.

Mái tóc



Trong hình vẽ này của Nolte, tóc của Merida bắt đầu hình thành. Một số điểm về mái tóc của cô luôn được định sẵn: nó luôn màu đỏ và có phần rối. Hình mẫu này biến mái tóc thành gần giống mái tóc trong phim hơn, nhưng mái tóc cuối cùng cũng được Andrews sửa lại khi bắt tay vào đạo diễn.

“Trước khi tôi vào cuộc, họ đã nghiên cứu từ trước và quyết định về mái tóc của nhân vật. Lúc đó tôi hỏi xem những bức phác họa trước về mái tóc của cô, vì tôi cảm thấy cần phải chỉnh sửa một chút để mái tóc xoăn trông thật hơn trên màn ảnh,” Andrews phát biểu.

Đội ngũ họa sĩ cho Andrews thấy những khung hình tóc của Merida, từng sợi tóc được vẽ thẳng rồi nhóm đồ họa sẽ uốn cong thành sóng. Nhưng với Andrews, mái tóc như thế quá gọn gàng. Trên máy tính có một chức năng là “làm rối”.

“Nó khiến các sóng tóc trở nên rối hơn, khiến mái tóc trông thạt hơn.”

Bối cảnh: màu mắt chứ không phải màu đối lập



Trong hình này của họa sĩ Pilcher, Merida ở trong một hang băng. Thiết kế này xuất hiện sau những hình ảnh khác và được sử dụng để khám phá môi trường quanh nhân vật.

“Chúng tôi muốn nghĩ về những màu sắc có thể được sử dụng quanh cô, và khiến mái tóc trở nên nổi bật hơn.”

Pilcher cũng thử nghiệm với những thay đổi trong màu da của Merida, và khi trong hang băng, má cô bé trở nên hồng đỏ hơn.

“Với màu mắt, điều hiển nhiên nhất là chọn màu đối lập, đó là xanh lá. Nhưng tóc đỏ mắt xanh lá đã được làm quá nhiều, vì thế mắt cô bé màu xanh da trời.”

Chapman đã từng làm việc với Pilcher, cũng đã thảo luận với ông những ý tưởng của bà về ngoại hình của Merida. “Tôi muốn một đôi mắt to, không to đến nỗi chúng quá gần nhau nhưng đủ to và phù hợp với khuôn mặt tròn. Tôi muốn người ta nhìn thấy nhân vật và hiểu rõ đâu là một cô gái.”

Dịch: © Xuân Hiền @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The New York Times
Lữ Khách Offline
#4 Posted : Thursday, July 5, 2012 8:32:33 AM(UTC)

Rank: Passenger Service

Medals: Huân chương Thuyền trưởng: Vì mỗi ngày thức dậy lúc 5h 'cho em măm' và những ngày cuối tuần cafe làm việc cho QVĐA của chúng taChân vịt vàng: Đóng góp thầm lặng của bạn đem lại nét đẹp sống động cho Quái vật Điện ảnh

Groups: Crew Officer, CTV, Moderator
Joined: 10/20/2010(UTC)
Posts: 8,342
Location: Lữ quán

Thanks: 4743 times
Was thanked: 2357 time(s) in 1726 post(s)
Công chúa tóc xù



Lấy bối cảnh vùng cao nguyên Scotland xa xưa, bộ phim hoạt hình mới nhất của Pixar Brave (phát hành ở Việt Nam với tựa Công chúa tóc xù) theo chân nhân vật Merida (do nữ diễn viên của loạt phim truyền hình Boardwalk Empire Kelly Macdonald lồng tiếng), cũng như những đàn chị Disney của mình, một cô công chúa tuổi mới lớn.



Merida không yêu gì hơn là được cưỡi chú ngựa Angus và bắn cung với độ chính xác cao cỡ Katniss của The Hunger Games hay anh chàng Robin Hood. Cô nàng hiếu động và dữ dội này không gò mình trong cuộc sống khuôn khổ của một nàng công chúa. Đây cũng chính là mấu chốt khiến nàng phải đấu tranh không ngừng với người mẹ thương con nhưng có phần độc đoán, hoàng hậu Elinor (Emma Thompson), vừa đóng vai trò bà mẹ trong hậu trường vừa như một bà giáo nghiêm khắc.

Merida muốn làm chủ vận mệnh của mình, nhưng Elinor không có chung quan điểm. Hoàng hậu thậm chí còn sắp xếp cho Merida gặp gỡ các chàng trai đang theo đuổi để chọn vị hôn phu - những anh chàng vụng về đến từ các thị tộc đối địch do Robbie Coltrane, Kevin McKidd và Craig Ferguson lồng tiếng - một ngày hội cho tất cả mọi người ngoại trừ chính nàng công chúa. Sau khi làm bẽ mặt những vị hôn phu tương lai trong lễ hội kén rể, Merida chạy trốn vào rừng. Tại đây nàng khám phá ra tàn tích của một bãi đá cổ kiểu Stonehenge và chạm trán với những sinh vật huyền bí, trong đó có một phù thủy già đưa ra cho nàng một điều ước thay đổi người mẹ để từ đó thay đổi số phận bản thân. Trớ trêu thay, Merida trở về nhà để thấy những hậu quả đầy sửng sốt do điều ước này gây ra và nàng phải nỗ lực nhằm vãn hồi quyết định liều lĩnh sai lầm của mình.



Brave là một tác phẩm vượt trội về mặt kỹ thuật. Nếu bạn từng nghĩ Disney đã thật xuất sắc về đồ họa hoạt hình với mái tóc của người đẹp tóc mây Rapunzel trong Tangled thì hãy chờ xem Pixar làm gì với mái tóc đỏ bông xù tự nhiên của Merida. Từng chi tiết và chuyển động của những lọn tóc quăn bất trị của cô nàng sống động đến không ngờ. Pixar còn không ngừng hoàn thiện trong khắc họa bố cục và các hiệu ứng đầy mạnh mẽ. Brave là một trải nghiệm thị giác lộng lẫy, và công nghệ 3D đưa bạn đắm chìm vào thế giới thần thoại của Scotland xa xưa và vùng cao nguyên mờ ảo khói sương. Phần nhạc nền của Patrick Doyle và những bài hát tiếng Gaelic bản xứ qua giọng hát Julie Fowlis cũng đầy sức sống và mê hoặc.

Sự hài hước vui nhộn của bộ phim đến từ những ứng xử cục mịch, thô lỗ, ồn ào của những người thân đậm chất Scotland trong gia đình Merida, đặc biệt là người cha to xác, lẩm cẩm của nàng - đức vua Fergus (Billy Connolly) - và ba cậu em sinh ba dễ thương, tinh nghịch với mái tóc đỏ như lửa giống hệt chị. Bạn hãy cứ tưởng tượng nàng công chúa Rapunzel của Tangled được nuôi dạy trong môi trường Viking của How to Train Your Dragon (Bí kíp luyện rồng) là ra liền.



Brave sáng suốt bỏ qua những mối quan hệ nhàm chán mẹ ghẻ / con chồng, cha / con gái và hoàng tử / công chúa để đào sâu mối dây liên kết tình cảm phức tạp hơn giữa một người mẹ cứng rắn và cô con gái không kém phần ương ngạnh. Và dẫu cho đã là sự lựa chọn thông minh, Brave vẫn chưa chạm tới được ngưỡng cao hơn là một câu chuyện công chúa truyền thống của Disney. Lối kể chuyện như vẹt thật đáng ngạc nhiên với một hãng phim thành công với câu thần chú câu chuyện là tất cả, xoay quanh nền tảng "nữ quyền" thông thường và sự trừng phạt tất yếu. Đơn giản là phim không có nhiều đột phá, cũng không có đủ sự hài hước lôi cuốn để khỏa lấp cho những thiếu sót trong lối kể chuyện.

Là một kiệt tác kỹ thuật, nhưng cuối cùng Brave chỉ là nỗ lực ít ỏi của một hãng phim được biết đến nhờ sự đột phá táo bạo với những xuất phẩm kinh điển thời hiện đại như Up, Toy StoryFinding Nemo. Người ta tự hỏi phải chăng Pixar đã bước sang một giai đoạn mới và (trời ơi!) họ sẽ làm ra những tác phẩm tầm tầm, không phải phim hạng nhất, cũng như các phim hoạt hình của Disney ra đời trong thập niên 1960 - 1980. Brave sẽ là một thành công tất yếu; tới bất kỳ một cửa hàng của Disney, bạn sẽ thấy bao nhiêu đứa trẻ đã biết Merida là ai và háo hức chờ xem Công chúa tóc xù. Ấy vậy mà, chỉ mới đây thôi khán giả mọi lứa tuổi còn bị phim hoạt hình của Pixar mê hoặc. Khán giả trưởng thành sẽ đánh giá cao những chất liệu nghệ thuật làm nên Brave, nhưng chắc chắn sẽ khao khát một Pixar đỉnh cao đã đánh cắp trái tim họ.

Đánh giá: 7/10 điểm

Dịch: © Hoàng Hà @Quaivatdienanh.com
Nguồn: IGN
Casper Offline
#5 Posted : Thursday, July 5, 2012 11:40:12 PM(UTC)

Rank: Captain

Medals: Huân chương Sao biển: Dành cho Thuyền trưởng Dê Xồm - vì anh đã lèo lái con tàu này trong mọi hoàn cảnh! Yên Khuê

Groups: Administrator
Joined: 10/20/2010(UTC)
Posts: 1,601
Location: Hải Phòng

Thanks: 3136 times
Was thanked: 2010 time(s) in 805 post(s)
3D hay không 3D: Hãy chọn vé đúng để xem Công chúa tóc xù



Bắt đầu từ khi ông già Carl Fredericksen ịn những quả bóng đầy sắc màu lộng lẫy ấy lên bầu trời và bồng bềnh bay tới Thác Thiên Đường trong Up, phim của Pixar đã vận dụng 3D một cách xuất sắc.

Theo cách họ luôn xây dựng phim cho công nghệ này, với các nhân vật hoạt hình và màu sắc tươi sáng và sẵn sàng bật lên không, nhưng tiếng tăm của hãng phim về tính hoàn hảo ấy xem ra nhờ cậy rất nhiều đến định dạng 3D, thậm chí khi rất, rất nhiều phim khác chỉ đơn giản là cộng thêm phụ phí 3D rồi xoa tay mãn nguyện (qua chuyên mục này chúng ta đã nhiều lần thấy những phim như vậy rồi, bạn hẳn còn nhớ).



Thế thì Brave (phát hành ở Việt Nam với tựa Công chúa tóc xù) có tiếp tục vận thắng 3D này không? Liệu nhân vật nữ chính Merida, với cung tên và mái tóc đỏ xù dựng đứng, có nổi bật trong không gian ba chiều, đến độ xứng đáng cho bạn trả tiền cặp kính 3D của bạn lẫn của bọn nhóc nhà bạn không? Chuyên mục 3D hay không 3D của Cinema Blend - do Quái vật Điện ảnh dịch và giới thiệu cùng bạn đọc Việt Nam - lại có mặt để gúp khán giả tìm ra câu trả lời.

Tính phù hợp

Trở lại điều đã nói về hồ sơ đầy hào quang của Pixar -- thật khó mà tưởng tượng có gì thích hợp với 3D hơn Brave, không chỉ là một phim hoạt hình (mà phàm đã là phim hoạt hình thì luôn trông đẹp hơn ở định dạng 3D), mà còn là phim từ một hãng đã làm phim hoạt hình 3D đẹp hơn bất cứ ai. Mọi cơ hội để Merida nhắm thẳng mũi tên của cô vào khán giả đều chắc cú.

Điểm: 5/5



Kế hoạch và công sức

Có vẻ như không rõ chút nào về việc những người ở Pixar dành bao nhiêu tâm trí cho hiệu ứng 3D. Họ cứ tới tới với nỗ lực cùng cực đặt vào việc phát triển câu chuyện, hay là loại công nghệ cho những thứ đột phá như mái tóc của Merida, chứ còn 3D xem ra lúc nào cũng ít được họ để ý đến -- và tác giả bài viết này thực sự muốn trách họ. Và trong khi có nhiều khía cạnh của Brave tạo cảm giác được chăm chút cẩn thận để tận dụng 3D, cũng có nhiều khía cạnh khác lại tạo cảm giác là chuyện đã rồi.

Điểm: 3/5

Trước màn ảnh

Đây là yếu tố mà tác giả bài viết thì muốn gọi là khía cạnh thú vị của 3D, còn có lẽ bạn đọc cho đó là chiêu thức cường điệu. Đó là khi có thứ gì từ màn ảnh bật vào mặt khán giả, ra "trước" khung màn ảnh -- quái vật hoặc gươm giáo hoặc bất cứ thứ gì có thể vọt ra và hù dọa bạn. Và Brave vừa là một phim Pixar cực kỳ choáng ngợp lẫn là một phim đầy ắp hành động, tạo nên vô khối cơ hội cho hiệu ứng trước màn ảnh. Chẳng hạn, trong cảnh Highland Games ở đầu phim, những khúc gỗ bị tung lên và bóng lăn, với cả đám đàn ông Scotland lực lưỡng hùng hục đuổi theo. Thật thú vị phải nhảy nhổm lên khỏi ghế, và không bị phân tâm từ những màn xảo thuật trên màn ảnh khi họ sử dụng hiệu ứng trước màn ảnh.

Điểm: 5/5



Sâu trong màn ảnh

Ngược lại, sâu trong màn ảnh là về hiệu ứng chiều sâu của 3D -- như thể nhìn xuyên qua một khung cửa sổ vào một thế giới rộng lớn vượt quá tầm mắt của bạn. Thật không may, mặc dù bối cảnh của Brave là miền cao nguyên tráng lệ của Scotland, phim lại không có nhiều cảnh viễn và đại cảnh chiến đấu, và thay vào đó là gắn chặt vào những khu rừng rậm và lâu đài nơi Merida và gia đình sinh sống. Lẽ ra phải có độ sâu hơn ở đây, mà chúng ta sẽ bàn đến trong mục tiếp theo, nhưng việc thiếu một chiều trong hiệu ứng 3D này là thất vọng đáng kể.

Điểm:2/5

Độ sáng

Cứ ngỡ chúng ta đã qua được vấn đề này với 3D lâu rồi, với việc rốt cuộc các nhà làm phim đã bù đắp cho việc đeo kính 3D tức thị là đeo kính râm trong rạp chiếu phim, và họ phải tăng cường độ sáng một cách tương ứng. Rồi Brave ra rạp, bộ phim hoạt hình 3D đầu tiên mà thật tình là tác giả bài viết này không thấy được gì vì cái công nghệ 3D. Cứ cho là tại rạp chiếu đi -- mà tác giả nghe nói người khác thấy độ sáng trong phim Brave cũng ổn -- nhưng nếu điều đó xảy ra với tác giả bài viết này, nó cũng có thể xảy ra với bạn vậy. Phần lớn phim Brave diễn ra vào ban đêm hoặc trong rừng rậm âm u, và độ mờ ảo của 3D có thể làm cho cảnh phim khó lòng thấy được. Tác giả bài viết chưa từng xem phim nào mà vấn đề độ sáng hoàn toàn là thảm họa thế này, đến độ thực tình đã phá hỏng một số phần của bộ phim.

Điểm: 0/5



Thử bỏ kính

Trong nỗ lực tuyệt vọng nhằm cố nhìn cho được cái gì đang diễn ra trên màn ảnh, tác giả bài viết đã bỏ kính ra trong khá nhiều thời gian xem Brave, và kết quả cũng không hay ho gì cho cam. Khi bạn gỡ kính ra trong lúc xem một phim 3D bạn sẽ nhận thấy hình ảnh nhòe hơn; càng nhòe bao nhiêu thì hiệu ứng 3D càng rõ hơn khi mang kính trở lại. Brave không có vẻ phẳng lì, và có một số khoảnh khắc nhòe đi thấy rõ, nhưng về tổng quát xem ra các nhà làm phim không lợi dụng được hiệu ứng 3D nhiều như họ đã có thể.

Điểm: 2/5

Sức khỏe của khán giả

Ở hạng mục này chúng ta thường nói đến cảm giác buồn nôn mà bạn có thể có từ việc xem những cảnh hành động trong một phim 3D kém, khiến bạn không tự định hướng được. Nhưng với Brave, có khả năng là bạn bị giới hạn tầm nhìn, cố thấy cho được thực ra đang có chuyện gì trên màn ảnh. Cũng không đến mức phải nôn ra bắp rang, nhưng 3D trong Brave quả là có lúc rất khó chịu, chắc chắn không phải là thứ hiệu ứng mà nhà làm phim nhắm tới.

Điểm: 3/5



Kết luận: Đây là một điểm số quá thấp trong khi phim hoạt hình lúc nào cũng đẹp ở định dạng 3D kia mà. Hy vọng các gia đình nào kéo nhau đi xem Brave cuối tuần này có thể tiết kiệm chút ít tiền. Đúng là thời buổi bây giờ đôi khi khó tìm được suất chiếu 2D, nhưng với Brave thì đáng bõ công tìm suất 2D đó -- không chỉ là việc tiết kiệm mà thực sự bạn còn nhìn thấy rõ hơn khi xem phim, một kinh nghiệm mà tác giả bài viết này đã phải nếm trải vì một phim 3D tệ hại nhất mà Pixar đem lại cho khán giả.

Dịch: © Xuân Phong @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Cinema Blend


Dreams see us through to forever
Casper ♥ Yên Khuê ~ Balloon House of Dreams
Casper Offline
#6 Posted : Thursday, July 12, 2012 11:31:30 PM(UTC)

Rank: Captain

Medals: Huân chương Sao biển: Dành cho Thuyền trưởng Dê Xồm - vì anh đã lèo lái con tàu này trong mọi hoàn cảnh! Yên Khuê

Groups: Administrator
Joined: 10/20/2010(UTC)
Posts: 1,601
Location: Hải Phòng

Thanks: 3136 times
Was thanked: 2010 time(s) in 805 post(s)
Phải chăng Pixar có vấn đề về rập khuôn?



Theo nhiều phương diện, việc tung ra Brave đem lại cảm giác như thể đây chính xác là điều người hâm mộ khao khát bao lâu nay.



Theo sau hai phim mở rộng những thế giới quen thuộc — Toy Story 3 năm 2010 và Cars 2 năm 2011 — đây là cơ hội đầu tiên để một hãng phim vốn nổi tiếng có những nhân vật độc đáo này đưa ra một dàn nhân vật mới toanh kể từ sau Up của 2009 và cũng là lần đầu tiên phim Pixar có nhân vật nữ chính. Thế tại sao, chính xác là, Brave khiến tác giả bài viết này băn khoăn đến vậy?

Brave lấy bối cảnh Scotland thời cổ với những cuộc thi thố để giành lấy trái tim người đẹp, ông bố ngờ nghệch mà thương con và, tất nhiên, những phép thuật đem lại hậu quả khôn lường.



Lần đầu tiên xem trailer Brave, tác giả thấy mình sửng cồ với những gì xem được; từ trong thâm tâm lên tiếng oán trách rằng bộ phim này thể hiện một Scotland lãng mạn hóa chưa bao giờ tồn tại, một Scotland được nhào nặn hết sức rập khuôn. “Pixar lẽ ra phải biết chứ,” tiếng lòng của tác giả tiếp tục gào thét. “Chẳng lẽ toàn bộ cách làm của họ là phá vỡ sự rập khuôn để rồi sáng tạo ra những nhân vật tròn trịa?” Ngay sau suy nghĩ đó, tác giả nhớ Ratatouille đã lý tưởng hóa bối cảnh Paris, trung thành với sự thật như Disneyland, còn Cars 2 đáng tiếc sáo mòn về ô tô. Pixar đã làm như vậy bao năm nay rồi, vậy mà tác giả thậm chí không nhận ra.

Nếu nói rằng phim Pixar chẳng có gì ngoài sức hấp dẫn phổ quát và tư duy đi trước trong xuất phẩm của họ thì có vẻ kỳ cục. Hai phần đầu của Toy StoryMonsters Inc., những phim được cho là làm nên danh tiếng cho Pixar và đứng vững chãi trong cái ngành nghề tìm cách thoát khỏi sự rập khuôn. Những phim này dạy chúng ta rằng cao bồi có thể nhát gan, phi hành gia được cho là ngốc hơn là khoác lác, và quái vật dưới gầm giường chỉ làm công việc của chúng thôi mà (và cũng dễ thương phết khi bạn hiểu chúng). Ba phim này — cùng với Finding Nemo tiếp sau đó — làm nên thương hiệu Pixar, và vì thế không có gì ngạc nhiên khi chúng ta đi đến chỗ kỳ vọng mức độ cao hơn nào đó về lòng khoan dung và sự thấu hiểu từ mọi thứ đến từ vườn ươm nghệ thuật biểu diễn của họ.


Nhân vật Frozone trong The Incredibles có người vợ da đen hấp dẫn dù không thấy rõ trên phim


Tuy nhiên, khi Pixar phát triển thì số lượng chỉ trích mà họ phải đối mặt vì quay lại với văn hóa rập khuôn không được chào đón ở những phim gần đây cũng tăng lên. Ví dụ, The Incredibles dấy lên những lời phàn nàn không chỉ về việc nhân vật Frozone hoàn thành vai trò “cứu rỗi hài u tối” hơi bị quá tốt, mà còn vì sự hiện diện của nhân vật người vợ siêu phàm bị phê phán là đầy tràn sáo rỗng về phụ nữ da đen hấp dẫn mặc dù không thực sự được nhìn thấy trên phim. Những hoài nghi tương tự về phân biệt chủng tộc nổi lên với Cars 2 (cho rằng việc sử dụng răng trong thiết kế nhân vật của bộ phim này chịu ảnh hưởng bởi mô-típ phân biệt chủng tộc). Toy Story 3 bị kết tội cả về phân biệt giới tính lẫn kỳ thị đồng tính trong việc thể hiện Barbie và Ken (“Kết hợp một người đồng tính với một người ghét đàn bà, trò đùa về Ken ám chỉ rằng điều tồi tệ nhất với một cậu con trai có thể hoặc là một đứa con gái hoặc là một người đồng tính,” bị đả kích kịch liệt trên tạp chí Ms.). Wall-E nhận những bình luận tương tự về ám ảnh giới tính thể hiện trong nhiệm vụ được giao cho rôbô “nam” và rôbô “nữ”.

Những chỉ trích này càng khắc nghiệt hơn cái ý niệm cho rằng Brave Ratatouille thể hiện ý tưởng lỗi thời, phi thực tế về bối cảnh; suy cho cùng, cái tội đó có dây mơ rễ má lâu dài xuyên suốt thể loại hoạt hình và cách kể chuyện nói chung, nhất là những câu chuyện cổ tích lấy bối cảnh thôn dã nào đó. Và cho đến giờ, có lẽ là ngẫu nhiên tốt lành nên ngay cả những ví dụ về kỳ thị chủng tộc và giới tính trong Cars 2, The IncrediblesToy Story 3 được cảm nhận một cách tương đối… nếu không nói chính xác là vô hại. Có lẽ đây là sức mạnh của thương hiệu đáng tin cậy Pixar, nhưng ai thực sự tin rằng có ý đồ kỳ thị thực sự đằng sau biểu hiện khó hiểu của Ken, hoặc thiết kế răng hô hở hoác trong Cars 2 nói lên không gì khác hơn là nỗ lực tạo cho chiếc xe một tính cách khác biệt thấy rõ? Bất chấp chứng cứ này, vẫn có một sức quyến rũ để tin rằng những biểu hiện của một sự rập khuôn như thế là vô tình, phần nào đó, rằng các họa sĩ hoạt hình và biên kịch ở Pixar không “cố ý”.


Con người trở nên béo phì trên phi thuyền Axiom


Cái câu bào chữa “chỉ là sự trùng hợp vô tình!” trở nên quá là không đáng tin khi câu chuyện cứ xoay quanh sự rập khuôn. Lấy ví dụ, thể hiện sự béo phì trong Wall-E, có gì đó mà tạp chí Slate đã phản ứng khi phim này ra mắt năm 2008: “Wall-E là một phim có tính cách tân và hình ảnh ngoạn mục, nhưng ‘sự châm biếm’ mà phim này vẽ ra thật là cách nghĩ giản đơn,” Daniel Engber viết. “Phim đưa ra phép tương tự giữa béo phì với thảm họa môi trường, đẩy đến ý niệm rằng văn hóa phương Tây bệnh hoạn cả con người lẫn hành tinh với cùng một chứng bệnh vì giàu có… Nhưng ẩn dụ này chỉ hiệu quả nếu bạn tin vào những huyền thoại tương tự về quá cân: Con người nhu nhược, lười nhác và ngu ngốc. Chắc chắn, đó là cách Pixar miêu tả tương lai của nhân loại.” Sự củng cố cho kiểu rập khuôn đó không thể được phẩy tay cho qua bằng sự trùng hợp vô tình; đây là thứ cần thiết cho sự phát triển kịch bản.

(Một số người nghĩ rằng Pixar có vấn đề với việc thể hiện sự béo phì nói chung; trong bài báo trên tờ Children’s Literature Association Quarterly có tựa đề "Fat and the Land: Size Stereotyping in Pixar’s Up" (tạm dịch: Béo phì và xứ sở: Kích cỡ rập khuôn trong phim Up của Pixar), Kate Flynn lập luận rằng bộ phim Up năm 2009 đi theo một xu hướng tương tự như Wall-E, nhưng ở mức độ nhỏ hơn. Cô giải thích, “Nhân vật Russell vẫn cộng hưởng một cách thể hiện có vấn đề kéo dài về ‘cậu bé béo phì’. Hãy nghiên cứu khẳng định của Pixar rằng hình dáng là ‘cốt cách của nhân vật’. Nhân vật Ellie được vẽ với vóc dáng "mình dây". Trong thời lượng ngắn ngủi của nhân vật này trên màn ảnh, Ellie khởi xướng mọi hoạt động với Carl. Kịch bản nói rằng cô rất năng động: cô ‘lái tàu’, ‘đứng dạng chân’, và lập đi lập lại từ ‘thề đi’ ở những nơi bất ngờ. Ngược lại, khi lần đầu tiên Carl xuất hiện lúc còn là cậu bé, mặt mũi, thân hình tròn ủng. Trong khi hành động của Ellie bất thần và bất ngờ thì Carl lật bật vất vả.”)


Carl và Ellie khi còn là những cô cậu bé trong Up


Monsters Inc.Toy Story không chừng còn đặt chuẩn quá cao về phương diện sở thích của Pixar, hay thậm chí là nhận thức về, sự rập khuôn. Đúng vậy, các phim này hả hê cấu véo kỳ vọng về nhân vật dựa trên những chuẩn mực văn hóa và ngoại hình, mà trong từng phim, đó là cốt lõi của toàn bộ câu chuyện. Không có “Nếu quái vật không là quái vật thì sao?” thì không có Monsters, Inc.; tương tự, không có Woody đối lập với những gì bạn trông đợi từ một gã cao bồi, thì Toy Story sẽ thành… ờ, Small Soldiers. Tác giả không biết liệu Pixar thực ra có sở thích nào trong việc liên tục chống lại những tư tưởng đang thịnh hành trong nền văn hóa đại chúng và xã hội nói chung hay không. Tác giả hồ nghi rằng công ty này muốn làm cả hai: cách tân vừa đủ để có sản phẩm vĩ đại tiếp theo, nhưng không quá đáng đến mức bị xa lánh vì thiếu những điều quen thuộc với khán giả mục tiêu. Nhưng ở trung tâm mọi việc hãng phim này làm là vấn đề về liệu câu chuyện có được phục vụ tốt nhất bởi hành động đang được nói đến này không. “Câu chuyện là tất cả” là một khẩu hiệu phi chính thức của Pixar — không chỉ được nhắc đi nhắc lại trong các cuộc phỏng vấn với nhân viên của Pixar mà còn là kim chỉ nam theo đúng nghĩa đen trong toàn bộ văn phòng đóng tại Emeryville, California của hãng này — nhưng, cũng như “Pixar Story Rules” cho thấy, không có gì ở đó cho thấy có nhu cầu phá vỡ bất cứ thông lệ nào khác hơn là lối kể chuyện đoán trước được.

Phim của Pixar không ngừng hoài niệm, chật vật với việc có nên xáo trộn và phủ định hay cứ toàn tâm bám chặt điều này. Về phía khả năng đầu, bạn có Monsters, Inc., Ratatouille và các phim Toy Story, tất cả đều xoay quanh ý niệm rằng nhân vật phải vượt lên trên những kinh nghiệm. Còn ở cực đối lập, The IncrediblesCars đều quay lại với “những giá trị truyền thống”. Wall-E cũng làm điều tương tự, ngoại trừ những ý niệm như “đừng ăn quá nhiều và hãy nghĩ tới việc luyện tập”. Carl trong Up tìm lại được niềm vui sống và phiêu lưu mà ông đã đánh mất sau khi vợ qua đời, điều này giống như nhân vật Marlin trong Finding Nemo.


Carl và Marlin tìm lại niềm vui sống và phiêu lưu đánh mất sau khi vợ qua đời


The Incredibles thực sự là một ví dụ hay cho nỗi lo về sự rập khuôn. Hãy xét một cách khách quan, dường như đây là một phim bảo thủ một cách đáng ngạc nhiên trong câu chuyện kể và chủ đề chung; không những phim này dạy chúng ta rằng, này, mọi người không có gì đặc biệt, chỉ có con người này đặc biệt, nhưng những nhân vật nữ trong phim có tính cách truyền thống một cách đáng buồn. Mặc dù Bob thu hồi được đôi găng tay siêu nhân và Dash hiểu rằng đôi khi bạn phải lùi lại để cho con người nhỏ mọn đó cảm thấy yên chí về bản thân họ, Helen băn khoăn về tính bền vững của gia đình còn Violet lại có đủ tự tin để đảm bảo rằng có có thể mặc quần áo sặc sỡ hơn — sơ mi màu hồng, tất nhiên, vì cô là con gái — và nói chuyện với trai đẹp ở trường. Phim này hớn hở đề cao những giá trị gia đình rập khuôn theo một cách xem ra đáng báo động, nhưng hiệu quả. The Incredibles không phải là câu chuyện về sự tiến hóa hay thay đổi, mà các nhân vật sống đúng với mình và tái khám phá sức mạnh mà điều đó mang lại. Suy cho cùng, siêu nhân ủng hộ duy trì hiện trạng.

Thật rối rắm và đi ngược lại với quá khứ của họ — có lúc đã chỉ ra rằng quan điểm sai lầm đang quay lại khi, thỉnh thoảng ước gì mọi việc vẫn như cũ — không nghi ngờ gì nữa sẽ thấm nhuần và làm đảo lộn cả Pixar lẫn những nhà phê bình hãng phim này trong những năm sắp tới. Cũng như phim của Pixar có thể huých vào những ý tưởng quen thuộc và lỗi thời mà xã hội đấu tranh để thay đổi, hãng này sẽ bám lấy những ý tưởng khác — có khi vô tình, có khi hoàn toàn chủ ý — nếu phục vụ được bất kỳ kịch bản nào có trong tay. Đôi khi, Pixar sẽ cố làm cả hai việc cùng lúc: Hãy xem Brave với vai nữ chính vượt lên những khuôn sáo về nàng công chúa thụ động, e lệ. Chung cuộc, quan hệ của Pixar với sự râp khuôn văn hóa là phức tạp và đa chiều như phim của họ… có thể có và cũng có thể không làm cho những thứ như thế này dễ nuốt:



Dịch: © Yên Khuê @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Time


Dreams see us through to forever
Casper ♥ Yên Khuê ~ Balloon House of Dreams
Users browsing this topic
Guest (2)
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.

SoClean Theme By Jaben Cargman (Tiny Gecko)
Powered by YAF | YAF © 2003-2010, Yet Another Forum.NET
This page was generated in 0.000 seconds.