logo

Welcome Guest! To enable all features please try to register or login.
[Hàn Quốc | 2013] 3D Pororo | Đường đua mạo hiểm
dreaming_south Offline
#1 Posted : Monday, September 9, 2013 8:40:49 PM(UTC)

Rank: V.I.P Passenger

Medals: Huân chương Thuyền trưởng: Vì sự kiên trì đeo bám của em qua bao thăng trầmMỏ neo bạch kim: Vì đã đóng góp những bản dịch tuyệt vời cho Trang tin Quái vật Điện ảnh

Groups: Member
Joined: 1/21/2013(UTC)
Posts: 254
Location: Bien Hoa, Dong Nai

Thanks: 70 times
Was thanked: 213 time(s) in 158 post(s)
3D Pororo




Tên phim: 3D Pororo
Tên phim phát hành ở Việt Nam: Đường đua mạo hiểm
Ngày phát hành: 25/01/2013 (Trung Quốc)
Đạo diễn: Young Kyun Park
Kịch bản: Mychal Simka, Harry Glennon, Ross Mihalko, Ui Seok Cho
Thể loại: Hoạt hình
Xếp loại:
Thời lượng: 77 phút
Nước sản xuất: Hàn Quốc
Hãng sản xuất:
- Simka Entertainment
- BTV Kaku Children's Satellite TV
- China ACG Group Co.
- China Entertainment
- China Film Co.
- Ocon Studios

Các diễn viên chính:
Zhang Anqi ... Eddy
Wu Di... Crong
Su Jung Ham... Eddy
Zhan Jia... Pororo

Nội dung chính:
Bộ phim là câu chuyện về chú chim cánh cụt Pororo mơ ước được vô địch trong cuộc thi trượt tuyết. Ấp ủ ước mơ này, Pororo cùng các bạn của mình quyết định bay đến Northpia – xứ sở tuyết để tham gia cuộc thi. Cả nhóm đã cùng nhau chinh phục vô số khó khăn, vượt mặt các đối thủ cao to đáng gờm để giành lấy chiến thắng cuối cùng.



Trang web chính thức:
Trang IMDb: Click vào đây

Trailer: Click vào đây
Lữ Khách Offline
#2 Posted : Friday, November 1, 2013 9:26:49 AM(UTC)

Rank: Passenger Service

Medals: Huân chương Thuyền trưởng: Vì mỗi ngày thức dậy lúc 5h 'cho em măm' và những ngày cuối tuần cafe làm việc cho QVĐA của chúng taChân vịt vàng: Đóng góp thầm lặng của bạn đem lại nét đẹp sống động cho Quái vật Điện ảnh

Groups: Crew Officer, CTV, Moderator
Joined: 10/20/2010(UTC)
Posts: 8,387
Location: Lữ quán

Thanks: 4743 times
Was thanked: 2359 time(s) in 1728 post(s)
Phim hoạt hình của điện ảnh Hàn Quốc nhận được sự quan tâm của khán giả trên toàn thế giới



Hầu hết những người dân Hàn Quốc lớn lên trước thập niên 90 của thế kỷ 20 đều đã rất quen thuộc với các nhân vật hoạt hình như chuột Mickey hoặc thỏ Bunny hoặc những nhân vật xuất phát từ Nhật Bản như Astro Boy hay Anpanman.

Vào đầu những năm 2000, những nhân vật hoạt hình Hàn Quốc mới bắt đầu xuất hiện. Một trong số những nhân vật ấy, được khai sinh bởi công ty Hàn Quốc Iconix Entertainment, chính là chú chim cánh cụt Pororo. Chú chim cánh cụt này cũng vừa có buổi lễ kỷ niệm sinh nhật lần thứ 10 của mình tại Hội chợ Nhân vật và Bản quyền Seoul 2013 (diễn ra từ ngày 17 đến 21 tháng 7 năm 2013).


Chú chim cánh cụt Pororo


Tháng 1 năm nay, Tổng thống mới đắc cử Park Geun Hye đã tham gia vào buổi chiếu thử bộ phim hoạt hình Pororo: The Racing Adventure (phát hành ở Việt Nam với tựa Pororo: Đường đua mạo hiểm) – đây là bộ phim hoạt hình chiếu rạp được sản xuất nhằm kỷ niệm hành trình mười năm của nhân vật nổi tiếng này. Trong bài phát biểu mở màn sự kiện, Tổng thống Park đã nhấn mạnh vai trò không ngừng gia tăng của các yếu tố văn hóa. “Xem Pororo, tôi đã có thể đặt niềm hi vọng to lớn vào sự khả thi của nền văn hóa Hàn Quốc”, bà nói. “Như tôi đã từng cam kết trong chiến dịch tranh cử tổng thống, chúng ta phải hỗ trợ một cách tích cực những ngành công nghiệp văn hóa, trong đó có cả công nghiệp sản xuất phim hoạt hình – với tư cách là một ngành chủ lực mới, một động lực mới của sự phát triển, và chúng ta đang thực sự làm điều đó.”

Ngày nay, nhân vật hoạt hình nổi tiếng nhất Hàn Quốc, không còn nghi ngờ gì nữa, chính là Pororo. Chú chim cánh cụt nhí Pororo là phim hoạt hình dài tập vẽ bằng máy tính được chiếu trên tivi từ năm 2003. Có thể chắc chắn về mức độ phổ biến của Pororo – không chỉ riêng đối với lứa tuổi nhi đồng mà còn với đại bộ phận khán giả nói chung – từ những cái tên thân mật mà người hâm mộ đã dành cho chú: “Tổng thống Pororo” hay “Thánh Poporo”. Cộng đồng những người hâm mộ nhân vật Pororo đã tăng lên nhanh chóng và mở rộng phạm vi ra khỏi lãnh thổ Hàn Quốc, bắt đầu bằng việc bộ phim được phát sóng ra mắt trên kênh truyền hình lớn TF1 của Pháp. Cho tới thời điểm hiện tại, Pororo đã được phát sóng trên 130 quốc gia.

Trong bài phát biểu tại lễ nhậm chức của mình vào ngày 25/5/2013, Tổng thống Park Geun Hye đã tuyên bố rằng “một nền kinh tế sáng tạo” sẽ trở thành hình mẫu phát triển mới của Hàn Quốc.


Các sản phẩm "ăn theo" Pororo


“Trong thế kỷ 21, văn hóa là sức mạnh. Có một vùng lãnh thổ, nơi mà trí tưởng tượng của một cá nhân trở thành nội hàm của sự sáng tạo,” bà phát biểu. “Khắp nơi trên thế giới, làn sóng Hàn được chào đón với một tầm ảnh hưởng khổng lồ; không chỉ mang lại niềm hạnh phúc và niềm vui mà còn truyền cho mỗi người dân Hàn Quốc một niềm kiêu hãnh vĩnh cửu.” Bà cũng nói rằng nền công nghiệp sáng tạo nên được hỗ trợ, và những ngành công nghiệp bên trong nó – hòa quyện văn hóa với tiến bộ khoa học kỹ thuật – cần phải được nuôi dưỡng. Để làm được điều ấy, chính phủ sẽ kích thích guồng máy của một ngành kinh tế sáng tạo và tạo ra nhiều việc làm.

Có thể thấy rằng các yếu tố văn hóa đã trở thành chìa khóa của công nghiệp Hàn Quốc.

Theo thống kê của Hãng thông tấn Nội dung sáng tạo Hàn Quốc – KOCCA, giá trị thương hiệu của Pororo là 85 tỉ won, và tổng giá trị các sản phẩm kinh tế liên quan đến nó đạt 5,7 nghìn tỉ won. Đã có tới khoảng 1.500 loại sản phẩm được sản xuất, từ đồ chơi và ấn phẩm cho tới các loại hình nghệ thuật biểu diễn và hợp đồng bảo hiểm. Chỉ tính riêng trong năm 2010, doanh thu của những mặt hàng này đã lên đến 50 tỉ won.

Tiếp theo sự thành công phi thường của Pororo, một loạt các nhân vật hoạt hình khác đã được nhắm đến ngôi vị “người kế thừa” của Pororo.


Các nhân vật trong Robocar Poli


Đầu tiên, có Robocar Poli – “chiếc xe biến hình thành người máy siêu phàm để cứu giúp bạn bè và những người xung quanh khi họ gặp nguy hiểm”. Robocar Poli là chương trình truyền hình dành cho các bé chưa đi học được nhắc đến rộng rãi nhất tại Hàn Quốc trong năm 2011. Nhân vật này phổ biến tới độ, trên thực tế, nó đã được đặt cho biệt danh “Thủ tướng Pol”.

Sau Robocar Poli là Kioka, một cô bé tò mò với một trí tưởng tượng siêu phàm. Kioka được phát sóng không chỉ trên kênh truyền hình thông thường mà còn cả trên hệ thống truyền hình cáp và IPTV (truyền hình xem qua mạng internet).

Những gương mặt còn lại trong nhóm này gồm gồm: chú gấu Bắc cực rắc rối Backkom, chú khỉ hình cây xúc xích Cocomong, bé khỉ đột Doongdoong, hoàng tử ngoài hành tinh I-Kooo, và chiếc xe bus Tayo. Hãy nhớ rằng tất cả các nhân vật trên đều mới chỉ xuất hiện trong vòng mười năm trở lại đây.


Nhân vật Kioka


Hoạt hình Hàn Quốc trên toàn thế giới

Không chỉ được yêu thích tại quê nhà, phim hoạt hình Hàn Quốc còn nhận được những phản hồi rất tốt từ các liên hoan phim và hội chợ quốc tế. Từ năm 2008 ở Hàn Quốc, hoạt động xuất khẩu những bộ phim hoạt hình nhận được sự đánh giá tích cực từ phía các nhà phê bình tăng cả về số lượng và chất lượng, và thị trường xuất khẩu cũng vì thế phát triển đa dạng hơn.

Tại MIP Junior – buổi triển lãm toàn cầu những chương trình truyền hình thiếu nhi được tổ chức thường niên tại thành phố Cannes của Pháp, hoạt hình Hàn Quốc đã nhận được nhiều sự quan tâm hơn và mang về cho nước Hàn những giải thưởng danh giá. Năm 2010, Robocar Poli đã được trao tặng giải thưởng MIP Junior Licensing Challenge. Sau sự kiện đó, Robicar Poli đã được phát sóng trên kênh chính thức của 50 quốc gia trên toàn thế giới, trong đó có kênh Canal Plus của Pháp, YoYo TV của Đài Loan, Al Jazeera, CTC của Nga, TV Tokyo của Nhật, Nick Jr. của Israel và Disney Asia.

Cũng trong năm đó, Canimals được một ban giám khảo gồm các trẻ em từ 7 đến 10 tuổi lựa chọn là phim hoạt hình xuất sắc nhất. Công ty Hàn Quốc đã sáng tạo ra Canimals – Vooz, đã được biết đến rất lâu trước đó trên toàn thế giới bởi nhân vật Pucca nổi tiếng của họ. Công ty này giờ đây đang tiến hành một chiến dịch tiếp thị trên quy mô toàn cầu với mục đích không chỉ hướng đến thị trường châu Á mà còn bao gồm cả châu Âu và Bắc Mỹ.


Cannimals


The Airport Diary, nhận được một giải Grand Prix hạng mục Trẻ em bình chọn tại MIP Junior 2012, bắt đầu được phát sóng tại Trung Quốc vào cuối tháng 4/2013. Công ty sản xuất của bộ phim này tại Hàn Quốc, DPS, đã thành lập công ty PDL, liên doanh với Pinggo – đối tác của họ tại Trung Quốc. Và giờ đây, PDL đang bắt đầu cho phát sóng những chương trình truyền hình của hãng trên 150 kênh truyền hình khắp lãnh thổ Trung Quốc.

Kioka đã thắng giải Phim hoạt hình xuất sắc nhất tại Liên hoan truyền hình Thượng Hải 2012; một hợp đồng bán quyền phát sóng bộ phim này trên quy mô toàn cầu sau đó đã được ký kết với nhà phát hành chính của Pháp AWOL. Trong tuần phát sóng đầu tiên trên kênh truyền hình quốc gia Úc ABC, bộ phim đã trở thành chương trình truyền hình trẻ em được đón xem nhiều nhất, và xếp thứ tư trong danh sách các chương trình được đón xem nhiều nhất trên toàn hệ thống. Tháng 8 năm đó, Kioka trở thành chương trình được đón xem nhiều nhất trên toàn hệ thống này. Những hợp đồng khác đã được ký kết với trên 20 kênh truyền hình lớn trên toàn thế giới.

Bộ phim Tickety Toc đã đạt được thỏa thuận để được phát sóng trên kênh truyền hình của khoảng 170 quốc gia. Vào tháng 4/2012, phim được phát sóng tại Anh thông qua kênh Nick Jr. Cho tới thời điểm hiện tại, phim đã được chiếu ở 35 quốc gia, trong đó có Mỹ, Úc và các nước châu Âu. Tại Mỹ và toàn lãnh thổ Anh, Tickety Toc trở thành bộ phim được đón xem nhiều nhất trên kênh Nick Jr.; phiên bản lồng tiếng Pháp của phim là chương trình được xem nhiều nhất trên kênh Disney Junior của Canada.


Tickety Toc


Việc sản xuất phim hoạt hình đòi hỏi rất nhiều vốn và nhân lực, cho nên một bộ phim sẽ không thể “sống” lâu dài nếu không sinh lời. Một nhân vật hoạt hình nổi tiếng có thể trở thành nền tảng phát triển của cả một công ty bằng những ngành kinh doanh ăn theo nhân vật và những biện pháp tiếp thị hiệu quả.

Khi đồ chơi Robocar Poli được tung ra thị trường, nhu cầu của người tiêu dùng đã nhanh chóng vượt quá sức cung ứng của nhà sản xuất. Những ông bố bà mẹ háo hức sẵn sàng trả một số tiền lớn để mua được những món đồ chơi này cho con cái họ. Sau khi Robocar Poli được phát sóng trên kênh truyền hình thiếu nhi Pháp có tên Piwi Plus, đồ chơi Robocar Poli tại chuỗi cửa hàng Toys “R”Us trên toàn nước Pháp đã được bán hết; đưa Robocar Poli vào danh sách sản phẩm cho trẻ em trước tuổi đến trường bán chạy nhất trong nửa đầu năm 2013.

Keita Sato từ công ty Dream Come True (DCT) – đơn vị sở hữu bản quyền phát sóng chương trình tại Nhật, phát hiện ra chương trình này khi ông đi ngang qua một cửa hàng bán sản phẩm ăn theo các nhân vật trong chuyến nghiên cứu thị trường tại Hàn Quốc. Bị thu hút bởi chất lượng sản phẩm cũng như sức hút của các nhân vật, ông đi đến quyết định xúc tiến việc đưa những nhân vật này trở thành nội dung chủ lực của công ty mình. Hàng loạt sản phẩm đã được ra mắt tại Hàn Quốc bắt đầu được phân phối tại Nhật Bản; những cuộc đàm phán đang được tiến hành với khoảng 10 đơn vị khai thác bản quyền khác của Nhật. DCT đang tiêp tục quảng bá cho nhân vật Robocar Poli trên truyền hình truyền thống Nhật Bản và hệ thống truyền hình cáp, cũng như thông qua nhiều tập của những bộ truyện tranh chuyển thể từ phim hoạt hình.


Buru & Forest Friends


Được lên sóng tại Hàn Quốc từ năm 2011, Buru & Forest Friends có tỷ suất người xem trung bình là 233% - đạt đỉnh cao 45% khi phát sóng trên kênh truyền hình quốc gia Đan Mạch DRTV. Nếu lưu tâm đến tầm ảnh hưởng của kênh truyền hình dành cho trẻ em DRTV đối với trẻ em Đan Mạch nói riêng và Đan Mạch nói chung, có thể thấy điều này đáng được coi là một lời khen ngợi. Nắm bắt được những mặt thuận lợi của cư dân bản xứ, chương trình đã liên kết với Lego – hãng sản xuất đồ chơi Đan Mạch đang phủ sóng toàn thế giới để sử dụng nhân vật vào một dự án sản xuất đồ chơi, và những cuộc thương lượng khác cũng đã được tổ chức với một nhà xuất bản lớn của Thụy Điển có tên Egmont để tiến hành một ấn bản.

Trẻ em có thể trải nghiệm thế giới của phim hoạt hình Hàn Quốc thông qua kính 3D, những bộ phim 4D và những công viên nhân vật hoạt hình. Mỗi năm có khoảng 600.000 người đến thăm bảy công viên Pororo – công viên mới nhất trong số này được khai trương vào tháng 8/2012. Những công viên theo mô hình này là nguồn thu nhập ổn định cho doanh nghiệp; chúng được mở ra ở rất nhiều nơi, hướng tới nhiều đối tượng khác nhau, từ quy mô nhỏ như quán nước dành cho trẻ em cho tới công viên đa nhân vật.

Seoul Land – công viên giải trí đầu tiên tại Hàn Quốc, đã chuyển sang hình thức công viên nhân vật hoạt hình, bước đầu tập trung phát triển hình ảnh Vroomiz, Canimals và Pucca. Hiện nay công viên đã phát triển thêm Robot Arpo, Tickety Toc và The Airport Diary.


The Airport Diary


Công viên Tickety Toc đầu tiên đã được khai trương tại Cheonan trong tháng 5; một tháng sau đó, Công viên trò chơi Robocar Poli cũng được khai trương. Sự thường xuyên và đặc biệt của những vở nhạc kịch tổ chức bởi những công viên này đã trở thành sự kiện phổ biến của nhiều gia đình. Trong chỉ một thập kỷ, có thể thấy những công viên hoạt hình Hàn Quốc đã được mở ra ở rất nhiều nơi trên thế giới và những buổi biểu diễn các vở nhạc kịch Hàn Quốc đã được phát triển thành các chuyến lưu diễn toàn thế giới.

Hoạt hình Hàn Quốc sẽ phải đối mặt với nhiều thử thách

Không giống như K-pop vốn phụ thuộc vào mức độ phổ biến của những ngôi sao thần tượng, hay như phim truyền hình yêu cầu một tầm hiểu biết nhất định về văn hóa, phim hoạt hình hàn Quốc có thể nhận được trực tiếp sự đánh giá cao của toàn thế giới nhờ vào sự vui nhộn, cốt truyện mang tính toàn cầu, và tất nhiên, những nhân vật dễ thương và đáng yêu.

Không những thế, những nhà sản xuất phim truyền hình Hàn Quốc còn tìm ra một thị trường tiềm năng cho phim hoạt hình với đối tượng chính là các bé chưa đến tuổi đi học. Tuy nhiên các sản phẩm này cũng chỉ chiếm một phần bởi hoạt hình Mỹ và Nhật vốn đã thống lĩnh thị trường này.

Hãng sản xuất phim hoạt hình của Tây Ban Nha BRB Internacional đã quyết định đầu tư vào Backkon sau khi xem một đoạn video giới thiệu dài một phút trên internet. RG Animation, công ty Hàn Quốc sản xuất phim này, trước đó đang phải trải qua những khó khăn trong công việc kinh doanh. Nhờ vào nhân vật Backkon, công ty đã được vực dậy và tiếp tục phát triển. Chi tiết có thể khác nhau, nhưng phần lớn các hãng hoạt hình Hàn Quốc đều bắt đầu là những công ty nhỏ nhưng dần phát triển dựa vào những sản phẩm hoạt hình của mình.


Larva


Phim dành cho các bé mẫu giáo dưới 6 tuổi không còn là thị trường duy nhất của phim hoạt hình Hàn Quốc mà hơn thế nữa, hoạt hình Hàn Quốc đã bắt đầu bước theo sự phát triển của thiết bị di động.

Chuỗi hoạt hình hài kịch dài 90 giây Larva hướng đến một đối tượng khán giả rộng lớn hơn đối tượng chủ yếu trước đây là khán giả phim hoạt hình. Thay bằng việc tự giới hạn mình trong khuôn khổ của một chiếc tivi, khán giả có thể tiếp cận phim này ở bất cứ đâu thuận tiện: trên xe bus, tàu điện hay trong thang máy. Phim không có thoại mà kể chuyện dựa nhiều vào yếu tố biểu cảm và ngôn ngữ cơ thể; nhờ vậy mà nó có thể tiếp cận dễ dàng khán giả ở nhiều độ tuổi và tầng lớp, vượt qua ranh giới lãnh thổ quốc gia.

Trong khi bản điện ảnh của các bộ phim hoạt hình dài tập phổ biến trên tivi đang mang người xem truyền hình đến với các rạp chiếu phim, thì những bộ phim hoạt hình ngắn đang mở ra một chân trời mới.


Leafie, A Hen Into the Wild


Dựa trên cuốn tiểu thuyết dành cho thiếu nhi nổi tiếng, Leafie, A Hen into the Wild đã xác lập một kỷ lục mới về phim hoạt hình chiếu rạp Hàn Quốc bằng việc thu hút hơn 2 triệu lượt khán giả. Bộ phim này còn đồng thời được trao giải Phim hoạt hình xuất sắc nhất tại Lễ trao giải phim châu Á Thái Bình Dương lần thứ 5 và giải thưởng Phim gia đình xuất sắc nhất tại Liên hoan phim quốc tế Sitges. Là tác phẩm hợp tác của xưởng sản xuất phim hoạt hình Odoltogi và công ty phim người thật đóng Myung Film, đây là ví dụ đầu tiên về sự hợp tác thành công của các đơn vị sản xuất phim hoạt hình đơn lẻ. Bộ phim cũng đồng thời là sự ra mắt đầu ấn tượng của đạo diễn Oh Seong Yub. Hiện tại đạo diễn Oh Seong Yun đang tiếp tục với một dự án phim hoạt hình dài mới, Underdog.

Một người tiên phong trẻ tuổi khác trong làng phim hoạt hình Hàn Quốc là đạo diễn Yeon Sang Ho, người đứng sau bộ phim The King of Pigs năm 2011. Nhà báo Meggie Lee của tờ The Hollywood Reporter đã viết về bộ phim như sau: “Xấu xí, tàn nhẫn, và đầy khiêu khích trong việc xây dựng hình ảnh đại diện cho giống loài con người mất nhân cách, lời chế nhạo của anh ta về sự bất bình đẳng giữa các giai cấp trong xã hội đốt cháy người xem giống như axít.” Bộ phim giành được ba giải thưởng tại Liên hoan phim quốc tế Busan lần thứ 16 và được mời tới tham dự chương trình Directors’ Fortnight tại Liên hoan phim Cannes lần thứ 65. Bộ phim thứ hai của Yeon Sang Ho, The Fake (2013), đã được chọn chiếu mở màn Liên hoan phim quốc tế Toronto lần thứ 38. Bộ phim sẽ được công chiếu vào cuối năm nay.

Một trong số những lựa chọn chính cho các đạo diễn của dòng phim hoạt hình chiếu rạp là hợp tác quốc tế trong việc sản xuất phim. Công ty Redover của Hàn Quốc đã hợp tác với Công ty giải trí ToonBox của Canada để sản xuất phim hoạt hình Nut Job, dự kiến sẽ ra mắt vào năm 2014. Chi phí sản xuất dành cho phim hài hành động này là con số cao kỷ lục cho một bộ phim hoạt hình Hàn Quốc, tổng số tiền đầu tư vào khoảng 2,3 tỉ won. Phim sẽ được phân phối tới hơn 3000 rạp ở Bắc Mỹ. Việc quảng bá cho bộ phim trên màn ảnh rộng sẽ bắt đầu bằng việc chiếu phim tại Liên hoan phim Toronto vào tháng 9 và Hội chợ phim Mỹ vào tháng 11.


The King of Pigs


Tương lai của hoạt hình Hàn Quốc

Nếu như bạn xem danh sách đoàn làm phim chạy ở cuối mỗi bộ phim Hollywood, bạn sẽ sớm nhận ra rằng con số những họa sĩ đồ họa vi tính, thiết kế chuyển động cũng như những người làm công tác nghiên cứu là người Hàn Quốc đã tham gia vào Hollywood và ngành công nghiệp hoạt hình Hollywood đang có chiều hướng tăng lên. Hàng trăm họa sĩ Hàn Quốc hiện đang làm cho các xưởng sản xuất lớn ở Hollywood như Disney, Pixar và Dreamworks. Tại đây, họ đang góp phần tạo nên một vài trong số những bộ phim hoạt hình nổi tiếng trên toàn thế giới.

Hai cái tên đại diện cho những con người này là Peter Sohn, người đã đạo diễn bộ phim hoạt hình ngắn của Pixar có tên Partly Cloudy (2009) và là người đặt nền móng cho nhân vật cậu bé Russell trong bộ phim Up (2009); Jennifer Yuh – đạo diễn bộ phim Kungfu Panda 2 (2011).

Trong năm 2012, năm nghệ sĩ Hàn Quốc làm việc cho hãng Pixar đã ghé thăm Lễ hội truyện tranh và hoạt hình quốc tế Seoul (SICAF) và đã chia sẻ những bí mật trong quy trình sản xuất phim của hãng đồng thời quảng bá cho bộ phim mới nhất của họ - Brave (2012). Đối với họ, bây giờ đã là quá bình thường khi thấy những họa sĩ sinh ra và lớn lên tại Hàn Quốc tìm việc tại những xưởng làm phim của Hollywood.


Jennifer Yuh cùng gấu Po trong Kungfu Panda


Người Hàn tại Hollywood có thể được chia thành hai nhóm: nhóm đầu tiên gồm những người đang theo đuổi tham vọng của mình trong môi trường tốt nhất đối với họ, nhóm còn lại là những người muốn quay trở về Hàn Quốc và mở xưởng riêng của mình. Cả hai nhóm này đều tiếp sức cho thế hệ các họa sĩ hoạt hình tương lai của Hàn Quốc.

Nếu như phải đưa ra dự đoán về tương lai của hoạt hình Hàn Quốc, có lẽ trước hết hãy cùng điểm lại một số người sắp nổi. Theo như bản báo cáo của Cơ quan Giáo dục và Thống kê năm 2010, được KOCCA thực hiện từ tháng 12/2010 cho tới tháng 3/2011, có khoảng 1.736 đơn vị đào tạo thường xuyên và 121 đơn vị đào tạo không thường xuyên các ngành có liên quan đến hoạt họa. Những đơn vị đào tạo thường xuyên có phạm vi từ các trường phổ thông với các chương trình đào tạo đặc biệt về hoạt họa cho tới các trường đại học.

Gần đây hơn, có 71 trường cao đẳng và đại học nằm trong danh sách của Liên hoan các trường đại học về hoạt họa và hoạt hình lần thứ 6.

Hãy cùng nhau xem lại diện mạo của bốn trường lớn có lịch sử lâu đời đã đào tạo ra những tài năng vượt trội của nền hoạt hình Hàn Quốc.

  • Trường phổ thông hoạt họa Hàn Quốc
Được thành lập như một trường phổ thông tự chủ tài chính vào năm 2000, ngôi trường này đã phân chia thành bốn khoa: sáng tác truyện tranh, hoạt họa, đạo diễn phim và lập trình trò chơi vi tính. Mỗi lớp học có khoảng 25 học sinh, rất nhiều người trong số họ đã có những sản phẩm đoạt được các giải thưởng trong nước cũng như tại các liên hoan phim quốc tế như Liên hoan Hoạt hình quốc tế Ottawa. Phần lớn học sinh sau khi tốt nghiệp tiếp tục học trong nước hoặc du học.


Cảnh một buổi học tại Cao đẳng Công nghiệp văn hóa Chungkang


  • Cao đẳng Công nghiệp văn hóa Chungkang
chuyên ngành đào tạo về hoạt hình ở đây bao gồm tất cả mọi thứ từ công nghệ 2D truyền thống tới đồ họa 3D, kỹ xảo đặc biệt CGI, âm thanh 3D và hoạt hình thời gian thực công nghệ cao. Sinh viên làm việc trên những bộ phim ngắn do bản thân tự dàn dựng hay những sản phẩm thương mại, bao gồm cả những dự án pha trộn giữa công nghiệp và học thuật tốt nhất Hàn Quốc. Những sản phẩm của sinh viên thường được lựa chọn vởi các liên hoan phim quốc tế nổi tiếng, và những người đã tốt nghiệp sẽ được làm việc trong rất nhiều công ty sản xuất hoạt hình trong toàn bộ nền công nghiệp hoạt hình Hàn Quốc.

  • Đại học Mỹ thuật quốc gia Hàn Quốc (K-ARTS)
Ngôi trường được thành lập để giải quyết vấn đề về sự giới hạn của truyện tranh Hàn Quốc và hoạt hình khung chuyển động truyền thống, đào tạo ra những tài năng vượt trội cho nghệ thuật hoạt hình của thế kỷ 21, và tạo ra những nội dung độc nhất trong môi trường mới mẻ và thay đổi liên tục của các rạp chiếu phim và các ngành đa phương tiện. Từ năm 2010, trường thành lập một dự án trao đổi quốc tế liên kết với Đại học Mỹ thuật Tokyo. Đại học truyền thông Trung Quốc cũng tham gia vào dự án này năm 2012.

  • Học viện Nghệ thuật điện ảnh Hàn Quốc
Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc (KOFIC) điều hành học viện này, với mục tiêu đào tạo ra những tài năng chuyên môn cho ngành công nghiệp phim và hoạt hình Hàn Quốc. Khóa Đạo diễn phim hoạt hình được bắt đầu vào năm 1999 với 12 sinh viên. Năm 2006, một khóa học nghiên cứu về đặc trưng của quá trình sản xuất phim hoạt hình dành cho những sinh viên đã tốt nghiệp tại trường được bắt đầu với những chương trình kéo dài một năm hai tháng. Rất nhiều sản phẩm của học viện đã được giới thiệu tại các liên hoan phim trong nước và nước ngoài như Liên hoan phim Busan và Liên hoan phim hoạt hình quốc tế Annecy, bao gồm The Story of Mr. Sorry (2008), What Is Not Romance (2009) – đã giành được giải thưởng lớn trong Liên hoan phim hoạt hình và hoạt họa quốc tế Seoul lần thứ 14, The House (2010) và The Dearest (2011).

Ngày nay, hoạt hình Hàn Quốc đang trưng bày những nhân vật và sản phẩm của họ tại tất cả các hội chợ, triển lãm và liên hoan phim. Mọi người đều thích được chụp ảnh cạnh những diễn viên trong trang phục hóa trang thành các nhân vật. Chuột Mickey và Anpanman – cả hai nhân vật sinh ra vào thế kỷ 20 – vẫn còn giữ nguyên sức quyến rũ. Vậy tương lai của những nhân vật hoạt hình Hàn Quốc được sinh ra vào thế kỷ 21 sẽ như thế nào? Bạn có thể thấy những nhân vật ấy bên cạnh các gia đình của thế kỷ 22, thậm chí là 23? Tất nhiên là những nhân vật mới sẽ ra đời, nhưng bạn không thể nào quên đi những nhân vật đã cùng mình trải qua thời niên thiếu.

Dịch: © Anh Phan @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Korea.net
Users browsing this topic
Guest
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.

SoClean Theme By Jaben Cargman (Tiny Gecko)
Powered by YAF | YAF © 2003-2010, Yet Another Forum.NET
This page was generated in 0.335 seconds.