logo

Welcome Guest! To enable all features please try to register or login.
[Nhật Bản l 2010] Norwegian Wood | Rừng Na Uy
sherry Offline
#1 Posted : Saturday, December 18, 2010 3:38:11 PM(UTC)

Rank: V.I.P Passenger

Medals: Huân chương Thuyền trưởng: Vì sự cần mẫn và niềm say mê đặc biệt dành cho các Giải thưởng & LHP của emHoa tiêu - Những sói biển lẫy lừng: Sự tinh tế của bạn đã chắp cánh cho Trang tin Quái vật Điện ảnh

Groups: Member
Joined: 10/20/2010(UTC)
Posts: 809
Location: Hanoi

Thanks: 850 times
Was thanked: 653 time(s) in 548 post(s)
Norwegian Wood




Tên phim gốc: Norwegian Wood
Tên tạm dịch: Rừng Na-Uy
Tên phát hành ra rạp: Rừng Na-Uy
Đạo diễn: Trần Anh Hùng
Kịch bản: Trần Anh Hùng
Nguyên tác: Haruki Murakami
Ngày phát hành: 11/12/2010 (Nhật Bản), 31/12/2010 (Việt Nam)
Thể loại: Tâm lý, lãng mạn
Xếp loại: Chưa rõ
Thời lượng: 133 phút
Nước sản xuất: Nhật Bản
Hãng sản xuất:
* Asmik Ace Entertainment
* Fuji Television Network
* Toho Company

Các diễn viên chính:
* Rinko Kikuchi ...................Naoko
* Kenichi Matsuyama ...........Toru Watanabe
* Kiko Mizuhara ..................Midori
* Tetsuji Tamayama ............Nagasawa
* Kengo Kora .....................Kizuki
* Reika Kirishima .................Reiko Ishida

Nội dung chính:

“Tôi từng có một người con gái, hay nói đúng hơn, cô ấy đã từng có tôi.”

Giai điệu và cảm giác u sầu của ca khúc cổ điển của Beatles này có vẻ là “đòn chí mạng” đối với Toru Watanabe (Kenichi Matsumiya), người cũng không chắc chắn về việc anh ta nên nhìn nhận các mối quan hệ của mình như thế nào. Trong trái tim, một chàng sinh viên đại học Tokyo trẻ tuổi nghiêm túc và trầm tĩnh năm 1969, Wantanabe, đã dâng trọn tấm lòng cho mối tình đầu của mình, Naoko (Rinko Kikuchi), một cô gái trẻ xinh đẹp, sống nội tâm. Nhưng tình cảm đôi bên được xây dựng từ cái chết bi thương của người bạn thân nhất của họ nhiều năm về trước. Watanabe sống với ảnh hưởng của cái chết đó ở khắp mọi nơi, trong khi Naoko cảm thấy như một phần nào đó trong cô đã mãi mãi ra đi. Trong cái đêm sinh nhật lần thứ 20 của Naoko, cuối cùng họ đã “yêu” nhau. Tuy nhiên, sau đó không lâu, Naoko quyết định bỏ học và trở thành người sống ẩn dật. Đó cũng là lúc Midori (Kiko Mizuhara), một cô gái có tất cả mọi điều mà Naoko không có: cởi mở, hoạt bát, vô cùng tự tin, bước vào cuộc đời của Watanabe và anh phải lựa chọn giữa tương lai và quá khứ của mình.

Trang web chính thức: Tiếng Nhật l Tiếng Anh
Trang IMDb: Click vào đây!
Trailer: Click vào đây


My home {click}
Sujini Offline
#2 Posted : Tuesday, April 19, 2011 3:17:45 PM(UTC)

Rank: V.I.P Passenger

Medals: Hoa tiêu - Những sói biển lẫy lừng: Sự tinh tế của bạn đã chắp cánh cho Trang tin Quái vật Điện ảnh

Groups: Member
Joined: 10/20/2010(UTC)
Posts: 883
Location: Quán nhậu

Thanks: 916 times
Was thanked: 1032 time(s) in 544 post(s)
Murakami viết bài tiễn đưa tình dục khi tiếng đàn sitar của Beatles nhẹ nhàng quét qua




“Đừng bao giờ thấy tiếc cho bản thân,” Nagasawa, chàng lãng tử cao ngạo trong Rừng Na Uy nói, đây là phim đầu tiên làm từ tiểu thuyết ăn khách cùng tên năm 1987 của Haruki Murakami.

Đó là lời khuyên tốt dành cho người bạn đang khó chịu của anh là Watanabe, nhân vật chính trong phim, đang phải đối mặt với vụ tử tự của một người bạn thân, người bạn gái cảm xúc mong manh dễ vỡ của anh là Naoko, và cuộc tình tay ba không đoán trước.

Người hâm mộ cuốn tiểu thuyết đã được dịch sang 39 ngôn ngữ và bán được trên mười triệu bản chỉ riêng ở Nhật sẽ thấy vui khi phiên bản điện ảnh trung thành với nguyên tác, một phần là vì Murakami đồng ý giúp thảo nháp kịch bản.

Đạo diễn người Pháp gốc Việt Trần Anh Hùng, từng đoạt giải Máy quay vàng tại Liên hoan phim Cannes với Mùi đu đủ xanh năm 1993, đã bắt trọn khung cảnh tràn trề và lột tả hoàn hảo các nhân vật trong tiểu thuyết.

Bộ phim được hỗ trợ bởi bản thu âm của Jonny Greenwood thuộc nhóm Radiohead và bài hát của Can, the Doors và dĩ nhiên có của Beatles. Nếu không chịu được các ban nhạc rock độc lập bị dày vò, hãy để dành 1,800 yen (tương đương 21.50 USD) cho tác phẩm ly kỳ hơn của Murakami 1Q84.


Watanabe và Naoko trong Rừng Na Uy [Ảnh: Koichi Kuroda/Asmik Ace Entertainment Inc. qua Bloomberg]


Vai Naoko do Rinko Kikuchi, từng được đề cử Oscar cho vai diễn người thanh niên câm điếc trong phim Babel năm 2006, thủ diễn. Phim này cũng khiến cô trở thành lựa chọn hiển nhiên cho vai người bạn gái của Watanabe, thường thì thầm những cụm từ không hoàn chỉnh khi cô tự vấn tình yêu của mình dành cho người bạn thời thơ ấu đã mất.

Những sinh viên cấp tiến

Khi những sinh viên cấp tiến thả niềm đam mê trên những con đường ở Tokyo năm 1969, Watanabe, một kiểu nhân vật phản anh hùng điển hình của Murakami, lại chọn đọc sách của F. Scott Fitzgerald, Truman Capote, John Updike và Raymond Chandler.

“Không phải mình thích cô đơn,” anh nói với một bạn cùng lớp. “Mình chỉ không muốn kết bạn bằng cách thay đổi bản thân.”

Không khí buồn tinh tế của phim bị phá vỡ với sự xuất hiện của cô gái lang thang Midori thích kể lại những giấc mơ ái ân cho Wanatabe nghe. Do diễn viên mới Kiko Mizuhara thủ diễn, cô gợi nhớ đến vai diễn cùng tên trong phim Amelie của Audrey Tautao với cùng kiểu tóc ngắn, môi đỏ mọng và nụ cười có nét đáng sợ.

Tìm kiếm người đồng cảm sau cái chết của cha, cô hỏi Watanabe trong làn nước mắt: “Anh sẽ dẫn em đi xem tranh khiêu dâm chứ? Thứ thật sự phá cách ấy?” Ai có thể nói không?

Tuy nhiên, tình dục không phải là trò đùa trong phim này. Nó chiếm lĩnh toàn bộ và làm rối trí nhiều nhân vật, và không ai trong số họ tận hưởng niềm vui thú vô tội. Đạo diễn Trần không ngại mà lảng tránh việc lột tả cuộc đấu tranh này theo cách trần trụi nhất, đối nghịch với tình cảm yêu thương vững bền của họ.


Watanabe và Midori trong Rừng Na Uy [Ảnh: Koichi Kuroda/Asmik Ace Entertainment Inc, thông qua Bloomberg]


Đổi người tình

“Tôi không thể không làm,” nhân vật Hatsumi con nhà gia giáo giải thích về với Nagasawa dù anh có tính đổi người yêu như thay áo.

Đạo diễn Trần Anh Hùng quay lại với cách quay phim từ tốn trong Mùi đu đủ xanh, sau khi rẽ sang thể loại bạo lực không cần thiết với Anh đến trong cơn mưa năm 2008. Chỉ đạo quay phim Lý Bình Tân bắt trọn ánh nắng luồn qua cây buổi bình minh, và những cảnh quay đẹp lúc Watanabe và Midori trò chuyện bên hiên lúc mưa rào rơi lộp độp. Có nhiều mưa và tuyết.

Người coi sóc Naoko là Reiko đã có màn biểu diễn hát ca khúc cùng tên của Beatles trong căn nhà gỗ trên đồi vùng ngoại ô Kyoto, và bài nhạc gốc (của Beatles) tô điểm thêm cho phần giới thiệu đoàn làm phim.

Hướng âm thanh được kiểm soát, với tiếng đàn êm dịu chầm chậm thành hình đến lúc bùng phát âm thanh rì rầm. Tiếng khóc la cuối cùng cũng dịu xuống, và chỉ còn ta thấy đầy hy vọng.

“Thậm chí người không có sức mạnh và không hoàn hảo như em có lúc cũng thấy được sống tuyệt như thế nào,” Reiko nói với Watanabe.

Có lẽ không từng trải qua đau khổ thì không thể trưởng thành. Nhưng một lúc nào đó, vậy là đủ rồi.

Dịch: © Mai Khanh @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Bloomberg
Sujini Offline
#3 Posted : Tuesday, April 19, 2011 3:22:40 PM(UTC)

Rank: V.I.P Passenger

Medals: Hoa tiêu - Những sói biển lẫy lừng: Sự tinh tế của bạn đã chắp cánh cho Trang tin Quái vật Điện ảnh

Groups: Member
Joined: 10/20/2010(UTC)
Posts: 883
Location: Quán nhậu

Thanks: 916 times
Was thanked: 1032 time(s) in 544 post(s)
Người đàn ông đã thuyết phục được Murikami làm phim





Đạo diễn Trần Anh Hùng


Haruki Murakami nổi tiếng là một nhà văn kín kẽ và đến nay đã từ chối mọi lời đề nghị chuyển bất kỳ tiểu thuyết nào của ông thành phim. Nhà làm phim người Việt Nam Trần Anh Hùng nhớ lại quá trình chông gai thuyết phục Murakami đồng tình với lời thỉnh cầu được làm Rừng Na Uy của anh.

“Đó là một quá trình dài,” anh nói. “Tôi gặp Murakami lần đầu năm 2004. Ông cho tôi ấn tượng tốt và là người rất tử tế, nhưng khá nghiêm túc và trầm lặng. Chúng tôi gặp nhau vài lần nhưng bước đầu tiên trong buổi gặp gỡ ban đầu đó là xem liệu ông có cho phép chúng tôi chuyển thể không. Ông rõ ràng là muốn xem bản thảo đầu tiên rồi sau đó mới quyết định bật đèn xanh hay không.”

Nhà văn thích thứ ông thấy, nhưng vẫn chưa sẵn lòng thả tay kiểm soát tác phẩm của mình hoàn toàn. “Ông đã đồng tình với kịch bản. Ông là dạng người thật sự cẩn thận và bảo vệ tác phẩm tác phẩm của mình, tôi thật sự kính phục ông vì chuyện đó,” đạo diễn Trần nói. Đến giờ người đạo diễn này vẫn chưa biết đích xác tại sao Murakami quyết định rằng anh là người nên làm việc này. “Tôi không biết ông thấy gì, có thể ông thấy có điểm chung giữa tác phẩm của mình và của tôi. Tôi không biết nữa.”

Nhà làm phim 47 tuổi này sinh ở miền Trung Việt nam và chuyển sang Pháp sống lúc 12 tuổi sau khi chính quyền Sài Gòn sụp đổ và chiến tranh Việt Nam năm 1975. Năm 1993 với tác phẩm Mùi đu đủ xanh, đoạt hai giải tại Cannes và được đề cử giải Oscar cho hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất. Phim thứ hai của anh, Xích lô, do Tony Leung đóng chính và đoạt giải cao nhất ở Liên hoan phim Venice trước khi anh làm Mùa hè chiếu thẳng đứng năm 2000.

Ba phim này đã được hợp lại và gọi là “bộ ba Việt Nam” của anh. Một yếu tố chung giữa chúng là vợ của đạo diễn Trần, nữ diễn viên Trần Nữ Yên Khê, đều xuất hiện trong phim. Anh ít thành công hơn với phim thứ tư, một tác phẩm tâm lý ly kỳ đen tối Anh đến trong cơn mưa do Josh Hartnett (trong vai thám tử tư) và Elias Koteas đóng chính.

Chuyển thể tiểu thuyết luôn là công việc khó khăn vì một trong những nhiệm vụ chính của bất cứ nhà làm phim nào là quyết định nên lược bỏ cái gì trong cuốn sách. Trần Anh Hùng nói: “Bạn cần trung thành với tác phẩm vì bạn đang họa lại tác phẩm của người khác nhưng cùng lúc đó, vì chúng ta đang đi từ loại hình nghệ thuật này sang loại hình khác, phải có phản lại tác phẩm. Điều đó không tránh khỏi và cũng tự nhiên thôi.”

Ông cũng chấp nhận là khó mà làm vừa lòng mọi người vì nhiều khán giả đến xem phim với ý tưởng riêng về câu chuyện trong đầu và đã hình dung câu chuyện khác với người đạo diễn. Ông giải thích: “Tôi nghĩ người ta nên xem bộ phim là một lời đề xuất hoặc cái nhìn về quyển sách. Khi chuyển thể một cuốn sách, thực chất không phải bạn chuyển thể câu chuyện trong đó, mà là chuyển thể cảm giác của bạn khi đọc sách. Việc này có thể được chia ra đủ thứ nhánh và việc bạn phải làm là mang vào phim thứ làm bạn xúc động mạnh khi đọc quyển sách và thứ này có thể không giống với góc nhìn của những người khác.”

Phim có sắc thái u sầu. Cảm giác bức bối được nhấn mạnh hơn góc độ hài hước của quyển tiểu thuyết, nhưng sắc thái ảm đạm này đồng điệu với câu chuyện tự vẫn nặng nề. Câu hỏi được đưa ra là Murakami cảm thấy thế nào với việc đạo diễn Trần làm với các nhân vật khi mang từ trang sách ra màn ảnh.

Trần Anh Hùng trả lời: “Chúng tôi chưa bao giờ thảo luận về các nhân vật, điều này tốt vì khi tôi đang làm phim tôi không bao giờ thảo luận bất cứ thứ gì với ai – phải giữ bí mật, và phải giữ đó như là bí mật của mình. Không ai nói về cảm xúc của mình trước khi bắt đầu họa tranh, điều diễn ra là nghệ sĩ có cảm hứng và khi tác phẩm đang thành hình bạn không bao giờ nói về nó. Tôi nghĩ không ai có thể biểu đạt cảm xúc trước khi hoàn thành tác phẩm, chỉ có thể biết cảm xúc của mình sau khi làm xong mà thôi. Có thể sau đó bạn hiểu thứ đã từng có khởi đầu là một cảm xúc mờ ảo và sự thôi thúc.”

© Mai Khanh @ Quaivatdienanh.com
Nguồn: The National

Sujini Offline
#4 Posted : Tuesday, April 19, 2011 3:34:58 PM(UTC)

Rank: V.I.P Passenger

Medals: Hoa tiêu - Những sói biển lẫy lừng: Sự tinh tế của bạn đã chắp cánh cho Trang tin Quái vật Điện ảnh

Groups: Member
Joined: 10/20/2010(UTC)
Posts: 883
Location: Quán nhậu

Thanks: 916 times
Was thanked: 1032 time(s) in 544 post(s)
Thế giới của Haruki Murakami cuối cùng đã tiến tới màn bạc




Vốn bị các đạo diễn điện ảnh lảng tránh, nay ba bản chuyển thể những tác phẩm bán chạy nhất của Haruki Murakami sẽ có mặt tại các rạp mùa thu 2010 này. Báng bổ hay đơn giản chỉ là kinh doanh?


Tất cả những đứa con của chúa trời đều có thể nhảy được dựng ở một khu người Hàn tại Los Angeles


Có một khu vực mà không đạo diễn lớn nào của Nhật Bản nào dám tiến tới: chuyển thể tác phẩm của Haruki Murakami.

Mặc dù một điều tra về nền công nghiệp điện ảnh Nhật Bản cho thấy 80% phim Nhật là tác phẩm chuyển thể - từ những bộ truyện tranh nổi tiếng hoặc những tiểu thuyết đoạt giải - một trong những tác giả trong nước có tác phẩm bán chạy nhất trong 25 năm trở lại đây lại hoàn toàn bị lờ đi.

“Giống như việc kinh doanh mạo hiểm, điều này quá liều lĩnh. Những tác phẩm này quá quen thuộc với phần đông khán giả Nhật Bản, hầu hết cũng là những người yêu sách,” một nhân viên quảng cáo (yêu cầu được giấu tên) tại Toho Inc cho biết.


Một cảnh trong Cuộc tấn công tiệm bánh lần thứ hai, phỏng theo tiểu thuyết ngắn năm 1985 của Murakami


Tất cả những đứa con của chúa đều khiêu vũ, đặc biệt tại Los Angeles


Nhưng mùa thu đông này, chiếc hộp của Pandora sẽ mở ra, dù chỉ lưng chừng - mang bến ba bộ phim khác thường dựa trên những câu chuyện của Haruki Murakami.

Bộ phim đầu tiên được ra mắt là Tất cả những đứa con của chúa trời đều có thể nhảy, một câu truyện khơi gợi về cuộc truy tìm của một chàng trai cố gắng kiếm cha mình.

Đạo diễn phim này là Robert Logevall, làm việc tại Los Angeles, và Tất cả những đứa con của chúa trời đều có thể nhảy đánh dấu sự ra mắt trong lĩnh vực điện ảnh của ông. “Với lần đầu tiên làm đạo diễn điện ảnh, ý tưởng đối đầu với Murakami không phải là một bước tiến sáng suốt,” Logevall, người đã có một sự nghiệp truyền hình và thiết kế sản xuất hoàn hảo trước khi đảm nhận dự án này, cho biết.

“Rất khó khi sử dụng những tác phẩm nhiều tầng nghĩa và đẹp thế này sản xuất phim của mình, nhất là khi đó là tác phẩm đầu tay của bạn,” ông nói.

Logevall quả khôn ngoan khi không cố gắng quá nhiều – thay vì đưa mình và đoàn làm phim đến Tokyo nơi là bối cảnh của câu chuyện, ông đã tập hợp một dàn diễn viên Mỹ trong đó có nữ diễn viên Trần Trùng nổi tiếng, Sonia Kinski (con gái Natasha) và Jason Lew, ông đã từng diễn xuất trên sân khấu và hiện đang dạy viết kịch bản tại Đại học New York.

Trừ vai chính diện chủ đạo, tên của các nhân vật đều được chuyển thành tên Mỹ, và câu chuyện mở ra tại một khu Hàn Quốc, Los Angeles.

“Bằng cách đưa bộ phim và dàn diễn viên ra khỏi phạm vi Nhật Bản tôi thấy tự do hơn và ít áp lực hơn một chút trong việc bắt kịp tiêu chuẩn cao như thế này,” Logevall cho biết.

Kết quả là một phiên bản được quay tuyệt vời, đầy xúc cảm của Tất cả những đứa con của chúa trời đều có thể nhảy và doanh thu phòng vé có một khởi đầu hoàn hảo kể từ khi bộ phim được phát hành vào 30/10 tại Nhật Bản.


Rinko Kikuchi và Kenichi Matsuyama trong Rừng Na Uy


Tôi từng có một cô gái

Bộ phim được mong ngóng xôn xao Rừng Na Uy mở màn vào 11/12 – có thể xem là tác phẩm được nhiều người biết đến nhất của Murakami, từ lần phát hành đầu tiên vào năm 1987, đã được tuyên bố là đã đá chệch hướng nền văn học Nhật Bản mãi mãi.

Hai triệu bản in đã được bán trong sáu tháng đầu tiên và Murakami sau đó đã phát biểu trong một cuộc phỏng vấn rằng ngay khi ông gửi bản thảo, ông cùng vợ mình đã trốn khỏi đất nước để thoát khỏi sự công kích của truyền thông.

Rừng Na Uy cũng là một trong số những tác phẩm đầu tiên của Murakami trở thành tác phẩm bán chạy nhất ở nước ngoài, và những bản tin truyền hình Nhật Bản đã cho thấy những người yêu văn học từ Lisbon đến Vancouver đã nghiền ngẫm những trang sách trong các tiệm cà phê buồn thích hợp.

Còn ai là người chỉ đạo câu chuyện đầy cảm xúc, bi thảm, nặng tình dục này tốt hơn đạo diễn Việt Nam Trần Anh Hùng, người đã tạo tên tuổi cuả mình với Mùi đu đủ xanh đầy cảm giác thanh nhã, trước khi thay đổi đa dạng với những tác phẩm nhiều tham vọng và đầy bạo lực như Xích lô.

Bộ phim gần đây nhất của Trần Anh Hùng là I Come With the Rain, hợp tác cùng ca sĩ nhạc pop tuổi trẻ tài cao người Nhật Takuya Kimura của SMAP hai năm trước, và có lời đồn cho rằng ông đã muốn thử làm mới bằng việc hợp tác với một dàn diễn viên và nhân viên Nhật Bản.

Không giống như Logevall, Trần Anh Hùng quay Rừng Na Uy tại Nhật Bản, và chắc chắn rằng lời thoại và cốt truyện đúng như tiểu thuyết gốc.

Trần Anh Hùng cũng tuyển lựa dàn diễn viên của mình cẩn trọng tỉ mỉ, chọn nam diễn viên yêu thích của nền công nghiệp điện ảnh Nhật Bản Kenichi Matsuyama vào vai chính Watanabe. Vai diễn người yêu Naoko của Watanabe khó, biểu cảm đặc biệt tinh tế, được trao cho Rinko Kikuchi - gần đây là nữ diễn viên Nhật Bản được yêu thích nhất trên toàn cảnh phim quốc tế kể từ sự thể hiện gây ngạc nhiên của cô trong Babel (2006).


Bộ đôi đằng sau Cuộc tấn công tiệm bánh lần thứ hai, nhà sản xuất Lucas Akoskin và đạo diễn kiêm biên kịch Carlos Cuaron


Đánh cắp bánh mỳ

Không phải tất cả các tác phẩm của Murakami đều mang nặng cảm xúc, một vài trong số đó dễ chuyển thể lên phim hơn những tác phẩm khác.

“Về cá nhân, tôi sẽ không cố gắng làm phim từ Biên niên kí chim vặn dây cót hoặc Xứ sở diệu kỳ tàn bạo và nơi tận cùng thế giới. Những tác phẩm này… chỉ là quá nhiều!” Carlos Cuaron, một trong những nhà làm phim Mexico nổi tiếng nhất sau khi hợp tác cùng anh mình Alfonso trong Y Tu Mama Tambien năm 2001, cho biết.

Cuaron hợp tác cùng với nhà sản xuất Lucas Akoskin để thực hiện một phim ngắn dựa trên một tác phẩm của Murakami, và sự lựa chọn của họ là Cuộc tấn công tiệm bánh lần thứ hai vô nghĩa, hài hước u ám. Những nhà phê bình Nhật Bản thường miêu tả nó như một bức hoạ đương đại, được nấu chảy và dội vào những trang sách.

Cũng giống như Logevall, Cuaron cuối cùng đã quyết định đưa kịch bản ra khỏi Nhật Bản (mặc dù ông đã thực hiện vài cuộc lựa chọn địa điểm lớn tại Tokyo) và những nhân vật Nhật Bản, và đưa tất cả những điều này đến một thị trấn nhỏ gần biên giới Mexico tại Texas.


Đạo diễn Robert Logevall của Tất cả những đứa con của chúa trời đều có thể nhảy


Dù nó vậy, nhưng ông không định hạn chế giá trị sản xuất hay dàn diễn viên: hai vai chính Kirsten Dunst và Brian Gerghaty (từ phim Hurt Locker) đảm nhận và bản thân Akoskin cũng đảm nhận một vai diễn trọng tâm khác.

“Phim ngắn, nhưng sẽ chú ý tỉ mỉ đến từng chi tiết giống như tác phẩm của Murakami!” Cuaron cho biết. Trên thực tế, câu chuyện gắn bó đầy ám ảnh với những khoảnh khắc, món ăn, âm nhạc nhất định trong quá khứ của một người – được diễn lại với sự quan tâm trìu mến, cũng như sự tỉ mỉ tạo nên không khí. Đó đích thực là Murakami, và Cuaron hoàn thiện nó.

“Với tôi, những tác phẩm của Murakami mang tính toàn cầu, nhưng cũng rất Nhật Bản. Điều này khiến cho dự án trở nên rất hấp dẫn với tôi – Tôi đặt câu chuyện trong bối cảnh Mỹ nhưng sắc thái của những cuộc đối thoại, hoàn cảnh…theo cách nào đó vẫn rất Tokyo.”

Một cảnh then chốt là một cặp đôi mới cưới (đó mới là tuần thứ ba) hứa hàn gắn mối quan hệ đã rạn nứt bằng một cuộc nạp các-bon nghiêm túc.

“Liệu một cặp đôi người Mỹ có thể nghĩ đến điều như thế này? Tôi không nghĩ vậy!” Cuaron cười.


Đạo diễn Trần Anh Hùng


Dấu hiệu của nhiều điều nữa sẽ đến?

Cả Cuaron và Logevall rõ ràng say mê những tác phẩm của Murakami và Trần Anh Hùng đã tự nhận là một người hâm mộ văn học Murakami/Nhật Bản từ thời niên thiếu. “Tôi đã nghĩ hết, rằng những tác phẩm của Murakami gây thách thức cho việc chuyển thể, nhưng nó không nằm trong phạm vi bất khả thi,” Cuaron cho biết.

“Điều tuyệt vời ở đây là thế giới của ông luôn rộng mở với những cách hiểu cá nhân, và tôi nghĩ rằng đó là bởi ông rất quen thuộc với văn học Mỹ.”

Carlos Cuaron (bản thân cũng là người có địa vị cao trong nền văn học Anh) cho biết ông nắm bắt được cái chất của F. Scott Fitzgerald và William Faulker trong những văn bản của Murakami và có thể kết nối chúng khá tốt.

Logevall cũng nói những tác phẩm văn xuôi của Murakami mời gọi các cách diễn dịch khác nhau, điều này đã khiến cho những nhà làm phim có thể dễ dàng triển khai theo những khả năng khác nhau.

Giờ khối băng cuối cùng cũng bị phá vỡ, hy vọng khán giả Nhật Bản có thể trông đợi vào nhiều hơn nữa những phim phỏng theo tác phẩm của Murakami, được quay tại sân nhà hoặc phía bên kia đại dương.


Dịch: © Chi Nguyễn @Quaivatdienanh.com
Nguồn: CNN
Sujini Offline
#5 Posted : Tuesday, April 19, 2011 3:37:51 PM(UTC)

Rank: V.I.P Passenger

Medals: Hoa tiêu - Những sói biển lẫy lừng: Sự tinh tế của bạn đã chắp cánh cho Trang tin Quái vật Điện ảnh

Groups: Member
Joined: 10/20/2010(UTC)
Posts: 883
Location: Quán nhậu

Thanks: 916 times
Was thanked: 1032 time(s) in 544 post(s)
Rừng Na Uy: Đạo diễn Trần Anh Hùng vượt qua rào cản ngôn ngữ




Chuyển thể một cuốn tiểu thuyết bán chạy như Rừng Na Uy thành tác phẩm điện ảnh có thể là một phần việc khó nhằn đối với bất kỳ đạo diễn nào, lại còn nỗ lực thực hiện bộ phim với thứ ngôn ngữ mình không nói được.


Đạo diễn Trần Anh Hùng (bên phải) cùng hai nữ diễn viên Rinko Kikuchi (giữa) và Kiko Mizuhara trong một buổi họp báo


Đó là thách thức mà đạo diễn người Pháp gốc Việt Trần Anh Hùng đã đối mặt khi đưa câu chuyện về tình yêu và sự mất mát của Haruki Murakami lên màn ảnh 23 năm sau khi quyển sách này đã làm say mê hàng triệu độc giả Nhật Bản và nâng tên tuổi của nhà văn lên tầm quốc tế.

Nhưng Trần Anh Hùng, người đã đạt giải thưởng cao quý nhất tại Liên hoan phim Venice cho bộ phim năm 1995 Xích lô, nói rằng lựa chọn thực hiện Rừng Na Uy ở ngoài Nhật Bản hay bằng ngôn ngữ khác chưa bao giờ được đưa ra.

Đầu tiên, đạo diễn Trần viết kịch bản bằng tiếng Pháp, sau đó dịch sang tiếng Anh và cuối cùng là tiếng Nhật, và dựa vào sự giúp đỡ từ nhà sản xuất của anh trong việc giao thiệp với các diễn viên.

“Murakami rất cởi mở và nói rằng tôi có thể chuyển thể cuốn tiểu thuyết bằng bất kỳ ngôn ngữ nào tôi muốn và tại bất kỳ nơi nào trên trái đất,” đạo diễn Trần phát biểu với Reuters trong một cuộc phỏng vấn trước khi bộ phim phát hành vào ngày 11/12 tại Nhật Bản.

“Nhưng tôi nói rằng tôi muốn ghi lại trên phim những gương mặt Nhật Bản, bởi điều đã thu hút tôi trong cuốn tiểu thuyết chính là chất Nhật Bản,” anh nói.

Tuy nhiên, lúc đầu Murakami không sẵn lòng cho phép chuyển thể cuốn tiểu thuyết sang màn ảnh rộng, và Trần Anh Hùng cùng nhà sản xuất Shinji Ogawa phải mất bốn năm để có được sự chấp thuận của ông sau một loạt các cuộc gặp gỡ và thảo luận về kịch bản.

Rừng Na Uy, ra mắt tại liên hoan phim Venice vào tháng 9 vừa rồi, là bộ phim đầu tiên chuyển thể từ một tác phẩm chính của Murakami, song đạo diễn Trần cho biết anh không hề cảm thấy bất kỳ áp lực nào dù số đông người hâm mộ nhà văn này đã đặt kỳ vọng cao.

“Sách là sách còn phim là phim. Áp lực duy nhất là làm sao để thực hiện một bộ phim hay,” anh nói.

Lấy bối cảnh những năm cuối thập niên 1960 trên nền các cuộc biểu tình tại các trường đại học, Rừng Na Uy xoay quanh chàng sinh viên đại học Toru Watanabe (Kenichi Matsuyama) và mối tình đầu của anh, Naoko – cũng là bạn gái cũ của người bạn thân nhất của Watanabe, Kizuki, anh này vừa tự tử.

Khi Naoko (Rinko Kikuchi), vẫn còn quẫn trí sau sự ra đi của Kizuki, bỏ học nửa chừng và vào một khu điều dưỡng, Watanabe cũng thấy mình bị cuốn hút bởi Midori (Kiko Mizuhara), người có tính cách hoạt bát hoàn toàn trái ngược với Naoko mang vết thương tâm hồn.

Đạo diễn Trần cho biết quyết định chọn Kikuchi, người từng được đề cử giải Oscar dành cho Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất năm 2006 với Babel, vào vai Naoko, có ảnh hưởng lớn đối với bộ phim, đó là anh đã sắp xếp tất cả các diễn viên khác theo Kikuchi và nhân vật của cô.

Trần Anh Hùng từng nói rằng anh trở thành đạo diễn vì “Tôi yêu điện ảnh, đơn giản là thế,” tuy nhiên anh xem việc làm phim là một cuộc hành trình dài đòi hỏi sự can đảm để vượt qua những thời điểm khó khăn.

Song anh cũng nói một chút may mắn cũng chẳng hại gì.

Đạo diễn Trần đã viết trong kịch bản rằng cảnh mấu chốt – cuộc hội ngộ giữa Watanabe và Naoko – diễn ra trong tuyết, nhưng khi đoàn làm phim tới hiện trường trước hôm quay phim một ngày, chẳng có chút tuyết nào cả, chỉ có cỏ vàng và những ngọn đồi nâu.

Tuy nhiên, tối hôm đó, dự báo thời tiết cho biết tuyết rơi, và chắc chắn rằng họ được chào đón bằng một trận bão tuyết.

“Sáng hôm sau, chúng tôi có cảnh tuyết cực kỳ tráng lệ để quay phim,” anh nói. “Thật kỳ diệu. Đó là những điều khiến tôi xúc động nhất.”

Rừng Na Uy là một tác phẩm của Asmik Ace Entertainment và Fuji Television Network, được phân phối tại Nhật Bản bởi Toho.

Dịch: © Xuân Hoa @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Reuters
Sujini Offline
#6 Posted : Tuesday, April 19, 2011 3:40:57 PM(UTC)

Rank: V.I.P Passenger

Medals: Hoa tiêu - Những sói biển lẫy lừng: Sự tinh tế của bạn đã chắp cánh cho Trang tin Quái vật Điện ảnh

Groups: Member
Joined: 10/20/2010(UTC)
Posts: 883
Location: Quán nhậu

Thanks: 916 times
Was thanked: 1032 time(s) in 544 post(s)
Rừng Na Uy - tác phẩm của niềm đam mê




Khi tiểu thuyết gia Nhật Bản Haruki Murakami xuất bản Rừng Na Uy năm 1987, có rất ít dấu hiệu cho thấy câu chuyện sẽ tiến xa đến đâu. Quay nhanh tới 23 năm sau, và không chỉ có mười triệu bản bán được ở Nhật Bản, đưa tác phẩm trở thành một trong những tiểu thuyết bán chạy nhất nước, câu chuyện còn được hàng triệu độc giả nước ngoài đón nhận qua 36 ngôn ngữ. Bây giờ, Rừng Na Uy, xuất phẩm điện ảnh, đã tấn công màn ảnh rộng.



Kenichi Matsuyama vai Toru trong phim Rừng Na Uy, được đạo diễn Trần Anh Hùng chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Haruki Murakami


Hướng đến việc ra mắt phim vào ngày 11/12/2010, Nhật Bản dường như chuẩn bị bùng nổ một cơn sốt Rừng Na Uy trên toàn quốc. Nhà bán lẻ Uniqlo vừa công bố một dòng áo phông mới Rừng Na Uy mang những cảnh chọn lọc từ phim. Chính quyền địa phương quận Kamikawa, Hyogo – nơi quay ngoại cảnh cho một số cảnh kịch tính nhất của phim – đang mở những tuyến xe buýt đường ngắn đến nơi quay phim với nỗ lực thu lợi nhuận tiềm năng từ sự bùng nổ du lịch liên quan đến Murakami.

Không mấy ai cảm thấy nhẹ nhõm với việc ra mắt bộ phim như Trần Anh Hùng, đạo diễn người Pháp gốc Việt được cho là xứng đáng đoạt giải Oscar chỉ riêng với sự kiên nhẫn.

Ngoài những thử thách thông thường đối với một nhà làm phim – từ tìm kiếm dàn diễn viên có sự ăn ý hoàn hảo đến việc đảm bảo nguồn tài chính thường hay gặp khó khăn – Trần Anh Hùng đã phải giải quyết nhiều hơn khối lượng khó khăn thông thường.

Đầu tiên, không chỉ vì người đạo diễn đã tốn mất bốn năm hết lòng thuyết phục và thảo luận kiên nhẫn với Murakami để được phép thực hiện bộ phim, mà còn vì sau đó Trần Anh Hùng chọn thực hiện tác phẩm với dàn diễn viên ưu tú của Nhật Bản bằng tiếng Nhật, một ngôn ngữ ông không biết.

“Lần đầu tiên tôi đọc quyển sách này là năm 1984 và tôi đã xúc động sâu sắc,” đạo diễn Trần hồi tưởng. “Đó là câu chuyện về mối tình đầu – một tình yêu bạn đánh mất gần như ngay sau khi trải nghiệm nó.

“Khi tôi đọc tác phẩm, tôi đã có trực giác rằng có thể làm một bộ phim dựa trên nó. Điều đó trở thành một việc tôi thực sự muốn làm. Đó là một thử thách, nhưng một khi bạn bắt đầu một dự án, bạn phải thực hiện nó.”

May thay cho khán giả, đạo diễn vẫn kiên trì và vượt qua mọi trở ngại, và kết quả là một bộ phim, không giống với một phim tiếng Nhật thông thường, bây giờ đang chuẩn bị khởi chiếu tại 36 quốc gia trên thế giới. Phim được trình chiếu tại Liên hoan phim Quốc tế Dubai với phụ đề tiếng Anh và tiếng Ả rập.

Một câu chuyện về tình yêu đầu, sự mất mát và tình dục, Rừng Na Uy lấy bối cảnh Tokyo cuối thập niên 1960 dựa trên nền tảng là sự băn khoăn của người sinh viên và xoay quanh cuộc sống của nhân vật chính, một sinh viên đại học tên là Toru Watanabe.

Naoko, tình yêu đầu của anh, tình cờ cũng là người yêu cũ yếu đuối của người bạn thân thời thơ ấu vừa tự tử của Toru.

Đấu tranh để chấp nhận cái chết của người yêu, Naoko nghỉ học ở trường cao đẳng và trốn đến một vùng núi hẻo lánh để hồi phục, và chính trong thời gian cô vắng mặt Toru đã gặp Midori hoạt bát – một cô gái đối lập với Naoko đang rối loạn.

Xem Rừng Na Uy, rõ ràng là hình ảnh đẹp và sự thân mật mãnh liệt trong những tác phẩm trước của Trần Anh Hùng – như The Scent of Green Papaya – một lần nữa hiện diện trong bộ phim mới và nhận được sự hoan nghênh nhiệt liệt khi ra mắt tại Liên hoan phim Venice.

Từ sự căng thẳng được tạo ra bằng âm thanh của gió thổi qua bãi cỏ trong một cuộc đối thoại bên sườn núi đến sự lúng túng và ánh sáng tự nhiên trong những cảnh thân mật, Rừng Na Uy gây ấn tượng về thị giác như thể nó thực sự tồn tại.



Phim Rừng Na Uy


Phát biểu tại Câu lạc bộ Báo chí nước ngoài Nhật Bản ở Tokyo trước khi công chiếu, Trần Anh Hùng – ăn mặc bình thường và nhìn trẻ hơn tuổi 47 của ông – đã mô tả những thử thách của việc chuyển thể một tác phẩm nội tâm như vậy thành một bộ phim sau bốn năm kiên trì trao đổi với tiểu thuyết gia.

“Khi bạn đọc một quyển sách của Murakami, ông có một phong cách viết đặc biệt, rất riêng biệt,” ông nói, và thêm: “Có một sự gần gũi thực sự với câu chuyện. Đó là điều tôi muốn truyền tải lên màn ảnh. Sự gần gũi này, cách cảm nhận bí ẩn này – là điều tôi muốn mang đến cho bộ phim chuyển thể từ tác phẩm.”

Trần Anh Hùng là người đầu tiên thừa nhận ban đầu đúng là nói thì dễ hơn làm. Kịch bản là khó khăn tiếp theo. “Tôi đã mất sáu tháng để viết 11 trang đầu tiên. Sau đó tôi phải ngừng hai tháng vì tôi không thể tiếp tục. Rồi tôi viết phần còn lại trong 21 ngày vì nhà sản xuất thúc giục tôi.”

Kịch bản đầu tiên do đạo diễn Trần viết bằng tiếng Pháp, sau đó được dịch sang tiếng Anh và trở thành cơ sở cho những cuộc thảo luận với Murakami – người được ông liên lạc lần đầu với lời đề nghị làm phim vào năm 2004 – trước khi cuối cùng được dịch sang tiếng Nhật.

Bất chấp rào cản ngôn ngữ, Trần Anh Hùng cương quyết rằng việc làm phim bằng một ngôn ngữ ông không hiểu không giới hạn khả năng nhận định của ông với tư cách một đạo diễn.

Việc kết hợp sự linh hoạt sáng tạo không thể nghi ngờ (Trần Anh Hùng đã viết lại một số cảnh trong khi làm phim) và năng lực của nhà sản xuất người Nhật đáng tin cậy của ông, Shinji Ogawa, cũng đã chứng minh là vô giá.

“Khi bạn không hiểu một ngôn ngữ và bạn xem một bộ phim, bạn vẫn biết phim có hay hay không,” ông nói. “Tôi cũng vậy. Khi tôi không hiểu ngôn ngữ này, tôi vẫn có thể nhìn thấy tác phẩm có tốt hay không. Và nếu phim hay, tôi luôn đặt những câu hỏi để thấy được nó còn có thể tốt hơn không hoặc để nhìn thấy liệu tôi có thể thay đổi được gì không.”

Trong dàn ngôi sao nổi tiếng người Nhật có Kenichi Matsuyama, mang đến một sự thể hiện hoàn hảo nhân vật Toru, và Kiko Mizuhara, một người mẫu thời trang tuổi thiếu niên, khởi nghiệp diễn xuất với vai Midori.

Nhưng Rinko Kikuchi – nữ diễn viên Nhật đầu tiên trong 50 năm gần đây được đề cử giải Oscar cho vai diễn một cô gái câm điếc trong phim Babel – là một trong những diễn viên thực sự nổi bật với màn hóa thân đặc sắc vào cô gái mong manh Naoko.

Nói về quyết tâm giành được vai Naoko, Rinko Kikuchi kể lại cô đã gửi một cuộn băng về diễn xuất của cô đến một Trần Anh Hùng có vẻ lãnh đạm để thuyết phục ông rằng cô là sự lựa chọn đúng đắn cho nhân vật.

“Tôi thực sự muốn được tham gia tác phẩm này và một vài lần tôi đã cố gắng tham gia thử vai, nhưng có vẻ như ông ấy không hứng thú chút nào,” cô cho biết. “Vì vậy thay vào đó tôi đã hỏi liệu tôi có thể gửi một cuộn băng cho ông được không – và sau khi xem nó, ông đã đồng ý gặp tôi ngày hôm sau.”

“Trong cuộn băng có một cảnh từ tiểu thuyết có Naoko và một cái giếng. Tôi đã rất ấn tượng với cảnh này khi đọc tác phẩm lần đầu tiên năm 18 tuổi.”

“Lúc đó Naoko bằng tuổi tôi và tôi thực sự có những cảm xúc mãnh liệt khi đọc cuốn sách – và cũng chính những cảm xúc đó là điều tôi muốn đặt vào vai diễn này.”

Mặc dù một số nhà phê bình đã đặt vấn đề về quyết định của Trần Anh Hùng bỏ qua một vài tình tiết hài hước trong nguyên tác cũng như quyết định làm bộ phim dài hơn hai tiếng, nhưng không mấy ai có thể phủ nhận rằng bộ phim là một bữa tiệc hình ảnh được thực hiện một cách tuyệt vời.



Đạo diễn Trần Anh Hùng


Đáp lại điều này, Trần Anh Hùng giải thích: “Có rất nhiều hình ảnh đẹp, trên truyền hình và quảng cáo, nhưng với tôi, điều quan trọng là có được những hình ảnh chân thực. Nếu chỉ đẹp thì không đủ. Hình ảnh phải phù hợp với tình cảm hay câu chuyện đang diễn ra.”

“Chúng tôi đã quyết định quay phim với độ phân giải cao thay vì phim 35mm vì độ phân giải cao giúp các cảnh phim chân thực hơn so với việc bị hạt khi quay bằng phim.”

Vài giây sau khi phát biểu điều này, Trần Anh Hùng nhanh chóng ngắt lời người phiên dịch của ông để đính chính sự chuyển tải khó hiểu của cô liên quan đến “sự phân nhánh thi vị của vẻ đẹp”.

Hành động có vẻ vô thưởng vô phạt này – thậm chí, có lẽ còn hơn cả những lời bình luận của ông – cho ta một chút về chủ nghĩa cầu toàn đặc trưng, sự nguyên tắc và tìm kiếm sự thật của vị đạo diễn, như có thể thấy trong phim mới của ông.

Và nếu tác phẩm thuyết phục thành công khán giả trên thế giới như mong đợi, những người yêu phim nước ngoài có thể hy vọng cơn sốt Rừng Na Uy (vâng, bao gồm cả áo phông) sẽ trở nên cuồng nhiệt không chỉ ở Nhật Bản.

Dịch: © Trúc Linh @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The National
Users browsing this topic
Guest
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.

SoClean Theme By Jaben Cargman (Tiny Gecko)
Powered by YAF | YAF © 2003-2010, Yet Another Forum.NET
This page was generated in 0.337 seconds.