logo

Welcome Guest! To enable all features please try to register or login.
[Hồng Kông | 2011] The Lost Bladesman | Quan Vân Trường
Gemini Offline
#1 Posted : Sunday, May 22, 2011 10:15:00 PM(UTC)

Rank: V.I.P Passenger

Medals: Hoa tiêu - Những sói biển lẫy lừng: Sự tinh tế của bạn đã chắp cánh cho Trang tin Quái vật Điện ảnh

Groups: Member
Joined: 10/20/2010(UTC)
Posts: 1,080
Location: Quán nhậu

Thanks: 850 times
Was thanked: 1055 time(s) in 605 post(s)
The Lost Bladesman





Tên phim gốc: 關雲長 / Quan Vân Trường
Tên tiếng Anh: The Lost Bladesman
Tên phát hành ra rạp: Quan Vân Trường
Đạo diễn: Mạch Triệu Huy, Trang Văn Cường
Kịch bản: Mạch Triệu Huy, Trang Văn Cường
Ngày phát hành: 28/4/2011 (Hồng Kông), 27/5/2011 (Việt Nam)
Thể loại: Hành động, cổ trang, lịch sử
Xếp loại: Chưa biết
Thời lượng: 107 phút
Nước sản xuất: Hồng Kông
Hãng sản xuất:
* Easternlight Films
* Pop Movies
* Shanghai Film Group
* Anhui Media Industry Group Co., Ltd.
* Star Union Skykee Film ans Media Advertisement Co., Ltd.

Các diễn viên chính:
Chân Tử Đan ... Quan Vân Trường
Khương Văn ... Tào Tháo
Phương Trung Tín ... Lưu Bị
Tôn Lệ ... Kỳ Lan (ái thiếp của Lưu Bị)


Nội dung chính:

Quan Vũ (Quan Vân Trường) là một nhân vật lịch sử được người Trung Quốc tôn sùng như một biểu tượng của lòng trung thành và công lý. Cho tới ngày nay, tượng Quan Công đã trở nên phổ biến ở các nhà hàng và cửa hiệu trong cộng đồng người Hoa trên toàn thế giới.

Trong The Lost Bladesman, Quan Vũ cố gắng trốn thoát sau khi tự nguyện trở thành tù binh của tướng địch Tào Tháo để có thể bảo vệ người vợ cũng bị cầm tù của vị chủ công ông phục vụ.

Trang Wiki | Trang Imdb

Trailer: Click vào đây!
Gemini Offline
#2 Posted : Sunday, May 22, 2011 10:22:55 PM(UTC)

Rank: V.I.P Passenger

Medals: Hoa tiêu - Những sói biển lẫy lừng: Sự tinh tế của bạn đã chắp cánh cho Trang tin Quái vật Điện ảnh

Groups: Member
Joined: 10/20/2010(UTC)
Posts: 1,080
Location: Quán nhậu

Thanks: 850 times
Was thanked: 1055 time(s) in 605 post(s)
The Lost Bladesman ra rạp ngày 28/4


Bộ phim hành động lịch sử The Lost Bladesman (Quan Vân Trường), do Chân Tử Đan và Khương Văn đóng vai chính, sẽ khởi chiếu ở các rạp Trung Quốc vào ngày 28/4, theo Sina đưa tin.


Poster đầu tiên của The Lost Bladesman với hình ảnh "Quan Vũ" Chân Tử Đan


Công ty sản xuất cũng phát hành áp phích thể hiện hình ảnh của Chân Tử Đan trong phim. Vì đã được thông tin rằng Chân Tử Đan sẽ đóng vai vị tướng nổi tiếng Quan Vũ, còn có tên gọi là Quan Vân Trường, nhiều khán giả hâm mộ đã nghi ngờ liệu trông anh có giống Quan Công không vì câu chuyện về nhân vật này rất nổi tiếng ở Trung Quốc, và tượng ảnh của ông có mặt ở nhiều đền chùa trên khắp đất nước.

“Tạo hình của Chân Tử Đan sẽ phù hợp với hình ảnh Quan Vũ mà phần lớn mọi người nhìn thấy,” theo lời hai đạo diễn của phim là Mạch Triệu Huy và Trang Văn Cường.

Chân Tử Đan cho biết anh hy vọng khán giả sẽ chấp nhận Quan Vũ của anh.

Đạo diễn Mạch Triệu Huy và Trang Văn Cường cùng với các diễn viên, bao gồm cả Tôn Lệ, đã tham gia buổi họp báo. Tôn Lệ đóng vai vợ của Lưu Bị - người anh kết nghĩa của Quan Vân Trường. Tôn Lệ và Quan Vân Trường có một chuyện tình bất hạnh trong phim.

Nam diễn viên Khương Văn vào vai vị thống lĩnh nổi tiếng Tào Tháo, một nhân vật quan trọng trong câu chuyện. Chuyện phim thuật lại cách Quan Vũ cố thoát khỏi Tào Tháo và trở về với nghĩa huynh Lưu Bị.


Khương Văn vai Tào Tháo trong phim


“Tất cả các nhà sản xuất của chúng tôi đều xem Khương Văn là diễn viên lý tưởng cho vai diễn này, và các biên kịch cũng viết nên kịch bản với hình ảnh của anh trong đầu,” trích lời đồng đạo diễn Mạch Triệu Huy nói trong cuộc họp báo.

“Nhưng chúng tôi không chắc Khương Văn có nhận lời tham gia hay không vì khi chúng tôi tiếp cận thì anh đang bận rộn với Let the Bullets Fly.”

Khương Văn đồng ý nhận vai sau vài lần thương lượng. “Khi Khương Văn xuất hiện ở phim trường, tôi đã tự nói với mình rằng đây không phải giấc mơ,” đạo diễn Trang Văn Cường nói thêm.

Tuy nhiên, Tào Tháo không phải là nhân vật chính của phim. The Lost Bladesman nói về Quan Vũ, vị tướng trung thành dưới quyền Lưu Bị, người đứng đầu nhà Thục Hán. Tào Tháo, đối thủ chính của Lưu Bị, rất coi trọng tài năng của Quan Vũ và cố thuyết phục ông về làm tùy tùng của mình.

Let the Bullets Fly của Khương Văn là một bộ phim hành động hài, trong phim Khương Văn cùng diễn xuất với Châu Nhuận Phát và Cát Ưu, phim khởi chiếu vào ngày 16/12 và trở thành bộ phim bán chạy thứ ba ở phòng vé Trung Quốc mọi thời đại, chỉ xếp sau Avatar của James Cameron và Đường Sơn đại địa chấn của Phùng Tiểu Cương.

Phương Trung Tín vào vai Lưu Bị, và nữ diễn viên Tôn Lệ đóng vai một người phụ nữ trẻ tên Kỳ Lan, một nhân vật không xuất hiện trong truyện gốc.


Nữ diễn viên Tôn Lệ


Tôn Lệ cho biết nhân vật của cô giống như chất keo giữa các nhân vật nam chính trong phim.

Các tài liệu lịch sử cho thấy vào khoảng thế kỷ thứ ba, Quan Vũ, Tào Tháo và Lưu Bị thật sự tồn tại. Nhưng nhân vật Kỳ Lan của Tôn Lệ là một nhân vật hư cấu, theo Sina cho biết.

Tôn Lệ nói về vai diễn của mình trên Sina: “Kỳ Lan có mối quan hệ không thể lý giải với Quan Vũ. Cô ấy giống như chất keo kết dính giữa Quan Vũ, Tào Tháo và Lưu Bị.”

Cô cũng khen ngợi bạn diễn Chân Tử Đan trong vai Quan Vũ. “Mọi người đều nói về anh ấy như một ông vua kungfu. Nhưng tôi nghĩ anh ấy cũng làm tốt trong những cảnh không-phải-hành-động.” Hai người đã từng hợp tác trong bộ phim giả tưởng Họa Bì năm 2008.

Nhiều bộ phim điện ảnh và truyền hình đã được làm dựa trên các câu chuyện trong Tam quốc diễn nghĩa. Các tác phẩm gần đây nhất bao gồm phim điện ảnh Xích Bích II của Ngô Vũ Sâm và bộ phim truyền hình Tam quốc (phiên bản năm 2010).

Dịch: Trúc Phương @Quaivatdienanh.com
Nguồn: China.org.cn






The Lost Bladesman: Bộ phim mới tái hiện thời kỳ Tam quốc


Có thể thời kỳ Tam quốc (220-280) chỉ tồn tại trong 60 năm, nhưng đến khi nào các nhà biên kịch Trung Quốc còn quan tâm thì đề tài này gần như là vô tận.

Giờ đây một bộ phim hành động mới về các tướng lĩnh thời Tam quốc mang tên The Lost Bladesman (Quan Vân Trường) sẽ được khởi chiếu ở Trung Quốc từ 28/4, phim lấy ý tưởng từ câu chuyện của “thần chiến tranh” Quan Vũ, tập trung vào cuộc tẩu thoát của ông khỏi nanh vuốt của vị thống lĩnh nước Ngụy Tào Tháo để trở về với chủ công ở nước Thục là Lưu Bị.


Poster phim


Một bộ phim của nam giới

Do Chân Tử Đan – nam diễn viên đắt giá và nổi tiếng nhất Trung Quốc – đóng vai chính, cùng dàn diễn viên hạng A gồm đạo diễn/diễn viên Khương Văn và nữ diễn viên Tôn Lệ, đồng đạo diễn bởi Trang Văn Cường (Vô gian đạo) và Mạch Triệu Huy (Initial D, Thiết thính phong vân), The Lost Bladesman là một trong những bộ phim nóng hổi nhất của tháng này, và việc bộ phim được chiếu ra mắt ở Bắc Kinh gần như đã lập tức khuấy lên mối quan tâm về cốt truyện phim, tập trung vào những mối quan hệ cá nhân của Quan Vũ.

Do Chân Tử Đan thủ diễn, Quan Vũ thể hiện những kỹ năng võ nghệ thần kỳ trong The Lost Bladesman. “Tôi có kiến thức rất hạn hẹp về những câu chuyện trong Tam quốc chí,” Chân Tử Đan thừa nhận. “Thế nên tôi cứ mãi trăn trở xem mình nên thể hiện nhân vật này như thế nào. Cuối cùng, tôi quyết định tin vào các đạo diễn và làm đúng theo những gì họ bảo tôi.”

Quan Vũ là một nhân vật nổi tiếng ở Trung Quốc, và trong một chừng mực nào đó, ở cả khu vực Đông Á, ông nổi tiếng với gương mặt đỏ ửng và thân hình cao to. Tuy nhiên, trong phiên bản mới nhất này, Chân Tử Đan có gương mặt được tô màu vừa phải và thậm chí còn thấp hơn nam diễn viên đóng vai Lưu Bị.

Đạo diễn Trang giải thích rằng những đặc điểm này đã bị cường điệu hóa và bộ phim của ông muốn thể hiện khía cạnh con người của Quan Công.

Hơn nữa, những cảnh chiến đấu với đao, kiếm và các loại vũ khí bằng thép khác, đặc biệt là cây thanh long đao hình bán nguyệt huyền thoại của Quan Vũ, đều xuất hiện xuyên suốt bộ phim.

Với chủ yếu là các nam diễn viên và những cảnh hành động, The Lost Bladesman là một bộ phim của các đấng trượng phu và chỉ có một nhân vật nữ chính duy nhất, Kỳ Lan.

Nữ diễn viên Tôn Lệ bằng lòng với nét độc đáo này. “Sự thật là The Lost Bladesman là một bộ phim của nam giới, vậy nên tôi không để tâm chuyện mình là nữ diễn viên chính duy nhất và không có nhiều cảnh quay cho lắm,” cô nói.

Tình yêu thầm kín


Khía cạnh tình cảm vừa được hư cấu thêm để thể hiện mặt “con người” của Quan Vũ, với Kỳ Lan (Tôn Lệ đóng), cô gái cùng quê mà Quan Công ngưỡng mộ từ trước khi nổi danh, cô được gả cho Lưu Bị nhưng rồi lại bị Tào Tháo bắt giữ, sau đó Tào Tháo lại bắt chính Quan Vũ khi ông giải thoát cho cô. Một số nhà phê bình nghi ngờ liệu mạch truyện phụ như thế có cần thiết hay không, trong khi đó đạo diễn Trang lại khẳng định ngược lại. “Quan Công là một vị anh hùng điển trai đầy sức hút. Làm sao một đấng nam nhi như ông lại không có mối tình nào? Chúng tôi chỉ thể hiện một vị anh hùng chân chính,” đạo diễn nói trong cuộc họp báo hôm thứ hai 18/4.

“Quan hệ giữa Quan Vũ và Kỳ Lan rất đơn giản: Quan Vũ thầm yêu Kỳ Lan nhưng cô lại không yêu ông, mặc dù ông rất ‘hoàn hảo’. Quan Vũ đặt lòng trung thành và tình huynh đệ lên trên mọi thứ, thế nên ông giữ khoảng cách và kiềm chế cảm xúc của mình. Đây hoàn toàn là một bức chân dung mới và táo bạo về Quan Công,” Tôn Lệ nói.


Tôn Lệ trong vai Kỳ Lan


Quan hệ giữa Quan Vũ và Tào Tháo

Khương Văn đóng vai Tào Tháo, anh được hầu hết mọi người xem là diễn viên hoàn hảo nhất để thể hiện vai này, vì Khương Văn nổi tiếng với tham vọng và cá tính kiêu hãnh, giống hệt như vị thống lĩnh của thế kỷ thứ ba. Diễn xuất của Khương Văn đã không gây thất vọng và lời thoại của anh được bàn tán rất nhiều sau khi phim được chiếu.

“Lưu Bị đã lỗi thời rồi, giờ đến thời của ta,” Tào Tháo bày tỏ sự tự tin của mình trước Trương Liêu. Sau đó Quan Vũ bị một nhóm dân làng hiểu lầm là kẻ giết người và Tào Tháo thay mặt ông hóa giải hiểu lầm. “Bản chất ngươi đã là anh hùng, hãy để ta làm kẻ xấu xa,” lời Tào Tháo nói với Quan Vũ, đề nghị cho ông tiền tài, của cải và thậm chí chấp thuận cho ông quay về với Lưu Bị để giành được thiện cảm của ông.

Theo đạo diễn Trang, ông không có ý vẽ nên “một hình ảnh khác” về Tào Tháo nhưng chỉ đơn thuần tạo ra một bức chân dung “hợp lý”. Ông tin rằng bản chất Tào Tháo là một kẻ thực dụng và vị lợi có thể làm bất cứ chuyện gì ông ta nghĩ là tốt nhất. Quy tắc của ông có thể thay đổi tùy vào tình huống, trong khi Quan Vũ là một người kiên trì đeo bám nguyên tắc và niềm tin của mình. Mâu thuẫn vẫn tồn tại ở trọng tâm mối quan hệ kịch tính của hai người.

Có một giả thiết lịch sử nổi tiếng – và chỉ là phỏng đoán - rằng Tào Tháo ngưỡng mộ tài năng phi thường và võ công của Quan Vũ nên cố ép buộc ông theo phe mình, trong khi đó Quan Vũ lại nhất mực không làm ra chuyện phản bộ chủ công Lưu Bị. The Lost Bladesman nêu bật trạng thái thích-ghét giữa hai người và thậm chí còn gợi ý đến một mối quan hệ tình cảm đồng giới. Chắc chắn đây là một góc độ mới của công thức Tam quốc nhàm chán mà khán giả Trung Quốc đã được nhồi nhét từ lâu.

Dịch: © Trúc Phương @ Quaivatdienanh.com
Nguồn: Global Times
Gemini Offline
#3 Posted : Sunday, May 22, 2011 10:25:35 PM(UTC)

Rank: V.I.P Passenger

Medals: Hoa tiêu - Những sói biển lẫy lừng: Sự tinh tế của bạn đã chắp cánh cho Trang tin Quái vật Điện ảnh

Groups: Member
Joined: 10/20/2010(UTC)
Posts: 1,080
Location: Quán nhậu

Thanks: 850 times
Was thanked: 1055 time(s) in 605 post(s)
Chân Tử Đan đảm đương nhân vật danh tướng thời Tam Quốc


Ngôi sao hành động Chân Tử Đan đã kết hợp cùng hai nhà làm phim đứng sau bộ phim hình sự ly kỳ đình đám của Hồng Kông Vô gian đạo để thực hiện một tác phẩm mà họ gọi là “đời thường hóa” một biểu tượng từ thời truyền kỳ Tam Quốc.

Những trận đấu trí và đấu quân sự hoành tráng từ thời Tam Quốc đã tạo cảm hứng cho cuốn tiểu thuyết Trung Quốc kinh điển Tam Quốc diễn nghĩa và vô số những tác phẩm chuyển thể điện ảnh và truyền hình khác.

Trong những tác phẩm tầm cỡ gần đây có bộ phim gồm hai phần Xích Bích của đạo diễn Ngô Vũ Sâm với vai diễn chính thuộc về nam diễn viên từng đoạt giải thưởng Cannes Lương Triều Vỹ và bộ phim năm 2008 Tam Quốc: Rồng tái sinh của Lý Nhân Cảng với sự tham gia của Lưu Đức Hoa, Hồng Kim Bảo và Maggie Q.

Vậy làm sao để có thể tạo nên sự mới mẻ khi chuyển thể phim từ những tư liệu cũ? Với The Lost Bladesman (Quan Vân Trường), bộ phim được phát hành trên toàn châu Á vào 28/4, đồng đạo diễn cũng là đồng tác giả Mạch Triệu Huy và Trang Văn Cường đã mang lại một cái nhìn cận cảnh về vị tướng quân Quan Vũ và cố gắng sáng tạo một nhân vật thực tế hơn từ cách thể hiện của Chân Tử Đan.


Ngôi sao Hồng Kông Chân Tử Đan tham dự buổi chiếu thử bộ phim mới nhất của anh Quan Vân Trường vào ngày thứ sáu 22/4/2011 tại Hồng Kông [Ảnh: Kin Cheung/AP]


Quan Vũ là một nhân vật lịch sử được người Trung Quốc tôn sùng như một biểu tượng của lòng trung thành và công lý. Cho tới ngày nay, tượng Quan Công đã trở nên phổ biến ở các nhà hàng và cửa hiệu trong cộng đồng người Hoa trên toàn thế giới.

Trong Quan Vân Trường, Quan Vũ cố gắng trốn thoát sau khi tự nguyện trở thành tù binh của tướng địch Tào Tháo để có thể bảo vệ người vợ cũng bị cầm tù của vị chủ công ông phục vụ. Nhưng Quan Vũ của Chân Tử Đan không chỉ là một vị anh hùng – theo lời các đạo diễn phát biểu với hãng tin AP bên lề buổi chiếu thử của bộ phim tại Hồng Kông vào thứ sáu 22/4.

“Quan điểm của chúng tôi là xây dựng một Quan Vũ "đời" hơn. Những phiên bản chuyển thể trước tập trung vào sự thật lịch sử và trang phục cổ trang. Khởi điểm của chúng tôi là bản chất con người.” – Trang Văn Cường, người đồng sáng tác kịch bản của Vô gian đạo cùng với Mạch Triệu Huy cho biết. Bộ phim hình sự ly kỳ năm 2002 do Mạch Triệu Huy và Lưu Vĩ Cường đồng đạo diễn, sau này đã được làm lại thành tác phẩm The Departed của Martin Scorsese và giúp vị đạo diễn này giành giải thường Oscar Đạo diễn xuất sắc nhất đầu tiên của ông.

Diễn xuất của Chân Tử Đan “đưa Quan Vũ trở thành một con người bình thường,” Trang Văn Cường cho biết. “Quan Vũ mà chúng ta thấy trong quá khứ giống với một vị thần nhiều hơn. Ông ấy quá thần thánh tới mức thậm chí không đụng tới phụ nữ. Câu chuyện của chúng tôi được xây dựng từ đời thường của Quan Vũ.”


Quan Vũ trong tác phẩm mới này sẽ trở nên gần gũi với đời thực hơn


Chân Tử Đan, đồng thời cũng là biên đạo võ thuật của bộ phim, nói rằng Quan Vũ là một nhân vật truyền kỳ tới mức anh rất hạnh phúc vì được đảm nhận vai diễn này.

“Việc tôi có thể đóng vai Quan Vân Trường là một bước đột phá,” Chân Tử Đan phát biểu với AP, sử dụng tên tự của Quan Vũ. “Nếu bạn khắc họa ông ấy theo kiểu này, người ta sẽ phàn nàn. Nếu bạn thể hiện ông ấy theo kiểu kia, người ta cũng sẽ phàn nàn. Rất khó để có thể đáp ứng được kỳ vọng của mọi người.”

Nhưng Trang Văn Cường cho biết ông rất ấn tượng với sự tiến bộ trong khả năng diễn xuất của Chân Tử Đan.

Vị đồng đạo diễn này phát biểu trong buổi họp báo khi chiếu ra mắt: “Tôi nghĩ lần này lần là diễn xuất tốt nhất trong các bộ phim của anh ấy.”

Bên cạnh Chân Tử Đan - giờ đây đã trở thành một trong những ngôi sao hành động danh giá nhất sau thành công gần đây của hai bộ phim tiểu sử võ thuật Diệp VấnDiệp Vấn 2 - danh tiếng của Quan Vân Trường cũng được tăng lên bởi sự tham gia của nam diễn viên Trung Quốc kỳ cựu Khương Văn trong vai Tào Tháo. Tiếng tăm của Khương Văn đã tăng lên trong những năm gần đây với những thành công trong vai trò đạo diễn mà gần đây nhất là bộ phim trào phúng chính trị Let the Bullets Fly (Nhượng đạn tử phi).

“Mọi người đều biết anh ấy là một diễn viên xuất sắc thế nào. Được nhắc đến bên cạnh anh ấy, có thể diễn xuất cùng anh ấy là một bước tiến lớn với tôi,” Chân Tử Đan nói.

“Khả năng diễn xuất của Khương Văn thật không chê vào đâu được. Sau khi hợp tác với anh ấy lần này, tôi có ấn tượng rằng anh ấy gần như là một báu vật quốc gia,” đạo diễn Mạch phát biểu.

Dịch: © Vân Húc @Quaivatdienanh.com
Nguồn: AP
Gemini Offline
#4 Posted : Sunday, May 22, 2011 10:30:26 PM(UTC)

Rank: V.I.P Passenger

Medals: Hoa tiêu - Những sói biển lẫy lừng: Sự tinh tế của bạn đã chắp cánh cho Trang tin Quái vật Điện ảnh

Groups: Member
Joined: 10/20/2010(UTC)
Posts: 1,080
Location: Quán nhậu

Thanks: 850 times
Was thanked: 1055 time(s) in 605 post(s)
Chân Tử Đan: Không ngừng cố gắng hoàn thiện bản thân


Chân Tử Đan không trở thành nam diễn viên danh giá hàng đầu Hồng Kông chỉ trong một đêm. Siêu sao võ thuật này đã cởi mở về những đấu tranh, xung đột và thành công của mình.

Mọi chuyện có vẻ không tốt đẹp cho lắm trong thế giới điện ảnh võ thuật Trung Quốc. Hồng Kim Bảo ngày càng béo hơn, Lý Liên Kiệt cứ khiến thế giới bối rối khi từ giã sự nghiệp điện ảnh võ thuật, Thành Long đang bán dầu gội đầu và Lý Tiểu Long thì vẫn qua đời. Nhưng thật nhẹ nhõm đối với nhiều người, tất cả những điều đó đã không còn là vấn đề kể từ khi một anh chàng tên Chân Tử Đan bị nhầm lẫn một cách rộng rãi trong nhận thức của công chúng với một người hoàn toàn khác gọi là Ip Man (Diệp Vấn) (không có quan hệ gì với Iron Man – Người sắt), người này có lẽ được biết đến nhiều hơn với vai trò là sư phụ Vịnh Xuân quyền của Lý Tiểu Long. “Diệp Vấn đã thay đổi tất cả.” – Chân Tử Đan nói về vai diễn chính trong bộ phim tiểu sử cổ trang rất được hoan nghênh năm 2008.


Chân Tử Đan và Hồng Kim Bảo [Ảnh: Time Out Hongkong]


Phóng viên có mặt để trò chuyện với Chân Tử Đan về vai diễn mới nhất của anh trong The Lost Bladesman (Quan Vân Trường) – bộ phim do Mạch Triệu Huy và Trang Văn Cường đạo diễn - kể lại câu chuyện huyền thoại về Quan Vũ của thời Tam Quốc. Nhưng cuộc trò chuyện không tránh khỏi việc trở đi trở lại với Diệp Vấn. Và lại một lần nữa, bởi vì Chân Tử Đan rất sẵn sàng thừa nhận, mọi chuyện xảy ra như hôm nay đều là nhờ vào bộ phim đó. Không lâu sau, sự xuất hiện của phần tiếp theo của Diệp Vấn khẳng định một thắng lợi phòng vé rõ rệt nhất từ trước đến nay so với tất cả các phim khác. Cuối cùng phần tiếp theo nổi tiếng đó đã thu về hơn 43 triệu đôla Hồng Kông trong nước và trở thành bộ phim Hoa ngữ có doanh thu cao nhất tại Hồng Kông.

“Đó là bộ phim có ảnh hưởng nhất mà tôi từng đóng. Không chỉ kết quả phòng vé rất tốt mà phim còn tạo ra một hiện tượng xã hội. Nhân vật Diệp Vấn trở thành cái tên của mọi nhà,” nam diễn viên 47 tuổi cho biết. “Tôi nghĩ đó là một điều may mắn. Đó là phần thưởng lớn nhất mà một diễn viên có thể đòi hỏi, bởi vì không phải ai, trong toàn bộ sự nghiệp của mình, có thể gặp và diễn thành công một vai diễn như thế. Giống như thể Sylvester Stallone; mọi người thường nhắc tới anh ấy với tư cách là Rocky hay Rambo, và Lý Liên Kiệt là Hoàng Phi Hồng – người ta nhớ điều đó. Bạn biết đấy, tôi có Diệp Vấn và tôi đã mất rất nhiều, rất nhiều năm để đạt được vai diễn này.” Và như để cố gắng tỏ ra hơi bối rối về sự thay đổi thần kỳ của vận mệnh sau hơn 20 năm trong nghề, anh trầm ngâm nói thêm: “Và bằng cách nào đó điều này đã xảy ra.”

Chân Tử Đan có thể không phải là người duy nhất trên thế giới tin rằng ngôi sao hành động xuất thân từ võ sĩ này một ngày nào đó sẽ trở thành nam diễn viên danh giá hàng đầu của ngành điện ảnh Hồng Kông. Thực ra chúng ta có thể đánh liều giả định rằng khoảng năm người đã tin tưởng trông đợi việc anh trở thành siêu sao từ khi anh còn nhỏ. Nam diễn viên người Quảng Đông sinh năm 1963 này đã lớn lên ở Hồng Kông từ năm 2-11 tuổi cho tới khi gia đình anh chuyển tới Boston, Massachusetts. Những ký ức sớm nhất anh có được liên quan tới võ thuật quay trở về thời gian khi mẹ anh – bậc thầy võ thuật nổi tiếng Mạch Bảo Thiền, người đã thành lập Viện nghiên cứu võ thuật Trung Quốc tại Boston năm 1975 – lôi anh ra khỏi giường vào lúc 5 giờ 30 mỗi sáng và ép anh phải luyện tập một giờ hoặc hơn trước khi tới trường.


Chân Tử Đan có một nền tảng võ thuật phong phú từ khi còn nhỏ [Ảnh: Time Out Hongkong]


“Bạn biết đấy khi bạn lớn lên, khi bạn còn đang là một cậu bé, có rất nhiều sự nổi loạn chống lại những gì cha mẹ dạy bạn,” anh cho biết, nhớ lại nền tảng kỹ năng võ thuật đa diện của mình. “Nên tôi trốn khỏi trường của mẹ và đến các ngôi trường khác để học võ thuật. Có vẻ như bằng cách nào đó, việc này đã khiến tôi trở thành tôi của ngày nay bởi vì tôi đã học rất nhiều trường phái võ thuật khác nhau. Bên cạnh việc học từ mẹ và các giáo viên ở trường của bà, tôi đã học karate, taekwondo, đấm bốc và các hình thức võ thuật khác. Tôi nghĩ việc này có liên quan tới tính cách của tôi – tôi rất tò mò hồi còn là một đứa trẻ.”

Là một đấu sĩ giỏi là một chuyện; là một nhân vật được sáng tạo trên màn ảnh rộng lại là một chuyện khá khác biệt. Nên ngay cả sau lúc Chân Tử Đan, ở tuổi thiếu niên, được gửi tới Trung Quốc để đào tạo cùng Đội Võ thuật Bắc Kinh danh giá trong hai năm, cơ hội đầu tiên của anh trong việc trở thành một ngôi sao võ thuật chỉ thực sự đến khi anh được giới thiệu với đạo diễn/biên đạo võ thuật nổi tiếng Viên Hòa Bình, lúc đó đang tìm kiếm một diễn viên mới cho các phim võ thuật của ông. Chân Tử Đan không hề hạn chế lời khen dành cho con người đã đưa anh đến với điện ảnh: “Viên Hoà Bình là một trong những đạo diễn hành động xuất sắc nhất trong vòng 40 năm qua.”

Sau khi khởi nghiệp với vai chính trong bộ phim năm 1984 của đạo diễn Viên Hòa Bình Drunken Tai Chi (Tiếu Thái Cực), sự nghiệp của Chân Tử Đan đã đưa anh từ Hồng Kông tới Hollywood và quay trở lại trong hai thập kỷ sau đó. Hầu hết mọi người không biết rằng duyên phận giữa nam diễn viên này và bước ngoặt đưa anh trở thành ngôi sao với hình ảnh Diệp Vấn đã bắt đầu ngay từ năm 1996. Anh nhớ lại: “Khi đạo diễn Lưu Trấn Vĩ – một cộng sự thân cận của Vương Gia Vệ - và một số đạo diễn khác thành lập một công ty lúc bấy giờ, đạo diễn Lưu đã mời tôi đóng vai Diệp Vấn. Thực ra tôi đã ký hợp đồng đóng vai Diệp Vấn và còn nhận tiền đặt cọc nữa. Và Châu Nhuận Phát dự kiến sẽ đóng vai Lý Tiểu Long. Nhưng sau đó công ty tan rã và bộ phim không bao giờ được đưa vào sản xuất.”

Những tranh cãi của công chúng xung quanh sự phát triển đồng thời của bộ phim Diệp Vấn của Chân Tử Đan và The Grandmasters (Nhất đại tông sư) của Vương Gia Vệ - một tác phẩm được mong đợi từ lâu cùng làm về nhân vật biểu tượng của Vịnh Xuân này - theo như thói quen thông thường của giới đạo diễn phim nghệ thuật, đã bị trì hoãn trong giai đoạn xây dựng và sản xuất suốt nhiều năm liền – tất cả đều đã được tường thuật rất chi tiết; nhưng vẫn khá thú vị khi được nghe từ chính Chân Tử Đan. “Một vài năm sau khi dự án của Lưu Trấn Vĩ thất bại, Vương Gia Vệ tuyên bố rằng ông ấy muốn làm phim về Diệp Vấn,” anh cho biết: “Nhưng tất nhiên trong rất nhiều năm ông ấy không hề bắt tay vào làm bộ phim. Rồi tôi nhận được một cú điện thoại từ nhà sản xuất kỳ cựu Hoàng Bách Minh và ông ấy yêu cầu tôi vào vai Diệp Vấn. Họ đã đạt được bản quyền từ phía gia đình họ Diệp.”


Chân Tử Đan từng gặp rất nhiều áp lực khi vào vai Diệp Vấn [Ảnh: Time Out Hongkong]


Anh tiếp tục: “Khi tôi tuyên bố rằng tôi muốn đóng Diệp Vấn, có rất nhiều tranh cãi. Có nhiều nghi ngờ, nói xấu, thậm chí từ phía những người của Vương Gia Vệ. Họ nói một cách mỉa mai rằng ‘À, làm sao mà anh có thể sánh với chúng tôi? Chúng ta không ở cùng đẳng cấp, anh biết đấy? Anh không bao giờ có thể thành công. Có thể anh giỏi chiến đầu nhưng đó sẽ không bao giờ là một bộ phim thành công. Và anh không bao giờ sánh được với Lương Triều Vỹ để vào vai Diệp Vấn.’ Bạn biết đấy, áp lực kiểu này có rất nhiều.”

“Nhưng tất nhiên, tôi và đạo diễn Diệp Vĩ Tín, chúng tôi vẫn tiếp tục tin tưởng vào sứ mệnh của mình. Chúng tôi thực hiện Diệp Vấn và bộ phim được phát hành và cực kỳ thành công. Và sau đó Diệp Vấn 2 thực sự đã khẳng định thành công đó.” Tới lúc này, Chân Tử Đan hầu như không thể che giấu nổi nụ cười thỏa mãn của mình. “Tất nhiên sau đó họ không nói gì nữa,” anh tạm thời bỏ đi hình tượng điềm tĩnh tuyệt đối của mình mà phá lên cười nhiệt tình lần đầu tiên trong buổi phỏng vấn. “Nên đôi lúc, chỉ đơn giản đừng bao giờ nói không thể, bạn biết chứ? Có lẽ tôi đã được chỉ định đóng vai diễn này ngay từ đầu. Từ năm 1996 tới nay, tôi đã đi một vòng lớn. Cuối cùng tôi đã vào vai Diệp Vấn và Diệp Vấn đã thành công như thế.”

Bạn có thể nói sự thôi thúc bản thân liên tục hoàn thiện giữ tầm quan trọng cỡ nào đối với Chân Tử Đan chỉ thông qua việc lắng nghe anh thật kỹ: anh dùng từ “thành công” 19 lần trong cuộc trò chuyện 45 phút, đã nhắc lại tới bốn lần ước muốn được “đột phá” trong thế giới điện ảnh võ thuật. Phát biểu với sự hứng khởi rõ rệt bất cứ khi nào anh nói về tham vọng kép của mình – “trở thành một nam diễn viên xuất sắc hơn trong mỗi bộ phim” và “nâng cao tiêu chuẩn của phim võ thuật” – Chân Tử Đan trông sẽ giống như một người mới vào nghề quá tích cực hy vọng vào việc khai phá con đường sự nghiệp nếu bạn tình cờ nghe được cuộc trò chuyện của chúng tôi mà không biết ai là người đang nói. Tuy nhiên cuối cùng khó mà ngạc nhiên được khi giới báo chí Hồng Kông trao tặng cho anh biệt danh “Người mạnh nhất vũ trụ”.

Chân Tử Đan thốt lên mấy tiếng “ha ha” khô khốc khi phóng viên đề cập đến biệt danh vinh quang cỡ này của anh trước khi nói thêm: “Tôi không thật sự…” Anh ngừng lại một chút: “Bạn biết đấy, đó chỉ là một mánh quảng cáo. Tôi cố gắng hết sức trong từng lĩnh vực của mình: diễn xuất, đạo diễn. Và tôi luôn cố gắng đột phá, cố gắng tiến bộ. Mỗi ngày tôi thức dậy và tự nhủ, 'Ồ, là một người sáng tạo, một nghệ sĩ, có phải mình đang lặp lại những gì mình từng làm trước đây? Nếu vậy thì mình gặp vấn đề rồi.' Tất cả những năm vừa qua, tôi chưa bao giờ thực sự ngừng cố gắng trở nên tốt hơn. Mọi người đều yêu mến Diệp Vấn – nếu bạn xem tôi có thể thực hiện 10 hay 20 Diệp Vấn nữa nhưng tôi không làm thế. Bởi vì tôi cảm thấy là một diễn viên, trách nhiệm của tôi là trả ơn khán giả; sau Diệp Vấn tôi đảm nhận các vai khác nhau.”


Chân Tử Đan trong hình tượng Quan Vũ [Ảnh: Time Out Hongkong]


Là ngôi sao hành động đáng tín nhiệm hiện nay của nền điện ảnh, Chân Tử Đan đã tham gia vào một cơ số các dự ánh nổi bật trong vài năm vừa qua, trong đó có Swordmen (Võ hiệp) của đạo diễn Trần Khả Tân, phiên bản làm lại của bộ phim võ thuật kinh điển năm 1967 The One-Armed Swordsman (Độc tý đao) của đạo diễn Trương Triệt và The Monkey King (Đại náo thiên cung) bản 3D của Trịnh Bảo Thụy trong đó Tôn Ngộ Không của anh sẽ tranh đấu cùng Ngọc Hoàng Đại Đế của Châu Nhuận Phát. Tuy nhiên trước khi một trong số những bộ phim này xuất hiện trên màn ảnh, trước tiên anh sẽ vào vai chính Quan Vũ trong The Lost Bladesman một vai diễn đã khiến anh cực kỳ bối rối. “Trong Tam Quốc Chí - cuốn sách lịch sử có thật - có rất ít miêu tả về nhân vật này,” anh cho biết. “Trong những phim điện ảnh trước về Tam Quốc như Xích Bích của đạo diễn Ngô Vũ Sâm, tâm điểm cũng không phải là Quan Vũ. Mọi người đều có hình dung về Quan Vũ bởi vì trong cuộc sống thường ngày chúng tôi cầu nguyện trước tượng ông ấy, chúng tôi thờ cúng ông ấy và lập đền thờ cho ông ấy.”

Chân Tử Đan thành thực thừa nhận anh không biết nhiều về lịch sử Tam Quốc trước khi đảm nhận vai diễn này. “Hai phần ba bộ phim – tôi sẽ thành thực với bạn – tôi không biết mình đang làm gì,” anh cho biết. “Tôi không có khái niệm gì về việc liệu tôi có đang diễn xuất hoàn chỉnh hay không, bởi vì không ai thực sự biết con người của Quan Vũ.” Tuy nhiên anh đã thành công với bộ râu trứ danh của Quan Vũ. “Đầu tiên tôi rất khó diễn lời thoại của mình,” anh cho biết. “Bởi vì một khi bộ râu được gắn vào vùng môi, nó cứ rơi xuống nếu miệng bạn cử động. Tôi phải mất một hoặc hai tuần để thích ứng với nó.”

Bản thân bộ phim, đạo diễn bởi Mạch Triệu Huy và Trang Văn Cường - từng nổi danh với ba phần phim Vô gian đạo Overheard (Thiết thính phong vân) - xoay quanh lòng trung thành huyền thoại của vị tướng này với chủ công đồng thời là người anh em kết nghĩa của ông là Lưu Bị, diễn tả khoảng thời gian của ông trong doanh trại của viên tướng địch thủ Tào Tháo cũng như chuyến đi bất chấp sinh tử của ông để trở về dưới trướng Lưu Bị. “Bộ phim như kiểu một phiên bản cổ trang của Vô gian đạo.” – Chân Tử Đan nói về trận đấu trí giữa Quan Vũ và Tào Tháo. Mặc dù phần cao trào của “Qua năm ải chém sáu tướng” dễ dàng trở thành tiêu điểm hành động của bộ phim mới nhưng chính những cuộc đấu khẩu với nam diễn viên Trung Quốc nổi danh Khương Văn, người đóng vai Tào Tháo mới nên là phần thu hút nhất.

Lưu ý tới sự chuyển đổi tinh tế từ một diễn viên hành động trở thành một nam diễn viên hàng đầu toàn diện, Chân Tử Đan cảm thấy kỳ vọng của khán giả khác so với trước kia: “Trong quá khứ tất cả những gì bạn cần cho một diễn viên hành động là đóng tốt những cảnh hành động và không có quá nhiều diễn xuất. Nhưng ngày nay bạn không thể trở thành một nam diễn viên hành động thành công nếu bạn không thuyết phục được khán giả với diễn xuất tốt.” Cũng như những gì anh làm cho hai bộ phim gần đây SwordsmenThe Monkey King, Chân Tử Đan cũng giữ vai trò biên đạo võ thuật cho The Lost Bladesman. “Nhưng tất nhiên, hành động sẽ luôn là một phần trong yếu tố mang tính thương mại nhất của tôi. Khi bạn xem một bộ phim của Chân Tử Đan bạn muốn có thật nhiều cảnh hành động hấp dẫn, đúng không? Tôi muốn đảm bảo rằng những cảnh đó phải chân thực hết mức có thể,” anh nói. Ít nhất chân thực như bộ râu đạo cụ của anh, chúng ta cứ giả định thế.

Dịch: © Vân Húc @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Time Out Hong Kong
Gemini Offline
#5 Posted : Monday, May 23, 2011 1:19:26 PM(UTC)

Rank: V.I.P Passenger

Medals: Hoa tiêu - Những sói biển lẫy lừng: Sự tinh tế của bạn đã chắp cánh cho Trang tin Quái vật Điện ảnh

Groups: Member
Joined: 10/20/2010(UTC)
Posts: 1,080
Location: Quán nhậu

Thanks: 850 times
Was thanked: 1055 time(s) in 605 post(s)
Quan Vân Trường chiến đấu ở thế kỷ 21


Vị danh tướng Trung Hoa xuất hiện trên màn bạc trong những cảnh chiến đấu ấn tượng và ly kỳ.

Nếu có một nhân vật lịch sử mà danh tiếng của ông vẫn vững vàng qua khảo nghiệm của thời gian và vượt qua mọi biên giới quốc gia, thì đó chính là Quan Vũ, hay thường gọi là “Quan Công”.

Trong hơn một nghìn năm, Quan Vũ được tôn kính như một vị tướng chính trực và can đảm của câu chuyện kinh điển thời cổ Tam quốc diễn nghĩa.

Danh tiếng của ông đã vượt qua mọi thời đại và ngày nay ông được phong là “Thần Chiến tranh” và là thần bảo hộ cho những người kết nghĩa anh em.

Ở thời hiện đại, có những đền miếu được xây dựng để tôn thờ vị tướng lịch sử này ở các quốc gia như Việt Nam, Đài Loan, Nhật Bản, Hồng Kông, Singapore, Malaysia, Trung Quốc và Macao.

Với gánh nặng tâm lý như thế, Chân Tử Đan quyết định nhận vai Quan Vũ trong The Lost Bladesman (phát hành ở Việt nam với tựa đề: Quan Vân Trường). Không nghi ngờ gì, anh đã phải trải qua nhiều ngày cân nhắc làm sao để thể hiện hình ảnh Quan Công vĩ đại này.


Chân Tử Đan trong vai Quan Vũ


Với độ dài 107 phút, nhận định công bằng dành cho bộ phim sẽ là “một bản miêu tả trên trung bình về một chiến binh Trung Hoa” là biểu tượng của ba tôn giáo lớn nhất Trung Quốc – Lão giáo, Phật giáo và Khổng giáo.

Sau Diệp VấnDiệp Vấn 2, nhiều người háo hức chờ xem Chân Tử Đan sẽ nổi trội trong các vai diễn khác như thế nào. Và rồi, The Lost Bladesman là một điểm sáng khác trong sự nghiệp của anh. Anh đã vẽ nên bức chân dung đáng ca ngợi về Quan Vũ, người anh em trung thành của chủ công Lưu Bị.

Nếu muốn đưa lên màn ảnh toàn bộ câu chuyện về Quan Vũ thì thời lượng phim sẽ không thể chịu được, vậy nên các đạo diễn/biên kịch Mạch Triệu Huy và Trang Văn Cường quyết định thu hẹp lại vào cuộc hành trình có tài liệu dẫn chứng miêu tả sự kiện “vượt năm ải, chém sáu tướng”.

Mạch Triệu Huy và Trang Văn Cường đã tạo nên tiếng tăm từ loạt phim Vô gian đạo (Internal Affairs) năm 2002. Nếu bạn chỉ vừa xem The Lost Bladesman và bị ấn tượng với những cảnh hành động, thì bạn sẽ phải nhớ đến Chân Tử Đan, người tham gia với vai trò chỉ đạo hành động.

Phim cũng có những khoảnh khắc suy tư đầy ý nghĩa nêu bật một số phong cảnh đồng quê hấp dẫn nhất của Trung Quốc.

Ngay cả phần âm nhạc cũng rất tuyệt. Đó là vì Henry Lai, người chịu trách nhiệm cho bộ phim rất thành công Echoes of the Rainbow (Tuế nguyệt thần thâu), đã thêm vào phim cảm xúc cá nhân của ông.

Cảnh chiến đấu ngoạn mục nhất chính là cảnh đấu kiếm giữa Quan Vũ và một đối thủ rất mạnh dọc theo một con hẻm nhỏ.

Quan Vũ sử dụng loại binh khí yêu thích nhất của ông là cây thanh long đao để đỡ nhát đâm từ cây trường thương của đối thủ trong một chuỗi động tác phức tạp. Những người say mê binh khí Trung Quốc có thể thấy quen thuộc với thanh long đao được biết là nặng khoảng hơn 18kg.

Cách Quan Vũ tướng quân vung đao, như đã được mô tả đại trà, là kéo lê cạnh đao dọc theo mặt đất khi đang phi nước đại trên lưng ngựa và sau đó vung đao theo hình vòng cung chí tử vào quân địch đang ngáng đường ông.

The Lost Bladesman có vô số cảnh chiến đấu đáng chú ý với những động tác múa kiếm và động tác chân phức tạp và tinh vi có thể được những người đang tập wushu quen thuộc với binh khí Trung Hoa yêu thích.



Một cảnh chiến đấu của Quan Công


Người diễn viên đã giúp nâng cao thanh thế của bộ phim này theo một chừng mực nào đó chính là Khương Văn, trong vai Tào Tháo, một trong những vị thống lĩnh quan trọng của thời nhà Hán muốn vượt mặt các đối thủ là Lưu Bị và Viên Thiệu.

Khương Văn làm nên tên tuổi khi diễn xuất trong bộ phim Cao lương đỏ (Red Sorghum) của Trương Nghệ Mưu năm 1986 cùng với Củng Lợi. Ở Trung Quốc, ông nổi tiếng là một đạo diễn/diễn viên phim điện ảnh và phim truyền hình. Vai diễn Tào Tháo của ông đã đem đến cho bộ phim sức sống cần thiết.

Với một nữ diễn viên Trung Quốc đại lục khác là Tôn Lệ trong vai Kỳ Lan, ái thiếp của Lưu Bị và là người Quan Vũ đem lòng yêu thương, The Lost Bladesman đã có được cảm giác lãng mạn vốn hỗ trợ cho câu chuyện Tam quốc từ bấy lâu nay.

Tình yêu thoáng qua chưa trọn vẹn giữa Quan Vũ và Kỳ Lan đã làm nhẹ bớt khía cạnh cứng rắn, sắc nhọn của The Lost Bladesman – bộ phim chắc chắn được xem là “phim của nam giới”.

Những cảnh chiến đấu ấn tượng và ly kỳ chiếm ít nhất một nửa thời lượng phim, đáng chú ý với tính phức tạp và được biên đạo tựa như nhạc kịch.

Chân Tử Đan xứng đáng được tuyên dương với danh hiệu mà chắc chắn sẽ dẫn anh đến với một ngày tươi sáng hơn nữa trong sự nghiệp. Anh có sở trường đóng những vai có cá tính nổi bật mà các diễn viên khác có thể sẽ gặp khó khăn khi thể hiện ra những nét mặt của vai đó.

The Lost Bladesman là một bộ phim giải trí tuyệt vời. Khán giả người Hoa chắc chắn sẽ yêu thích phim hơn do ảnh hưởng của Quan Vũ đối với lối sống của cộng đồng này suốt nhiều thế kỷ qua.

Dịch: © Trúc Phương @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Free Malaysia Today
Users browsing this topic
Guest
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.

SoClean Theme By Jaben Cargman (Tiny Gecko)
Powered by YAF | YAF © 2003-2010, Yet Another Forum.NET
This page was generated in 0.000 seconds.