50/50 - Trung thực nhưng không bi lụy
Xem phim những năm gần đây, tôi nhận ra có những thể loại mình không thể chịu nổi! Chẳng hạn phim đánh nhau ầm ầm vô nghĩa, phim lên gân với những xì căng đan đình đám, hay phim lãng mạn giằng xé tả tơi (nghĩa đen lẫn nghĩa bóng)! Phim nói về ung thư (và các bệnh nan y khác) thuộc loại tôi rất ghét!!!
Ai cũng biết ung thư là nỗi đau khổ không chỉ cho người mắc bệnh mà còn cho người thân và bạn bè của họ. Với một đề tài nhạy cảm như vậy, đại đa số các phim nói về bệnh nan y chứa đựng khả năng sáng tạo điện ảnh vào bậc kém nhất và được làm ra chỉ cốt lấy nước mắt của khán giả một cách dễ dàng nhất, trốn đằng sau cái mác “nhân văn”! (Bởi vậy, theo tôi, thấy phim nào có mác “nhân văn” là phải đeo kính vào soi cho kỹ kẻo xem xong lại phải ấm ức kiềm chế từ ngữ mình thực sự muốn thốt ra!)
Tôi đi xem 50/50 một phần vì Joseph Gordon-Levitt, một phần vì hài lòng khi biết kinh phí của phim khá thấp. Nhưng lý do chính là vì 50/50 được quảng cáo là một phim hài về ung thư – và người viết kịch bản, Will Reiser, đã từng trải qua bệnh ung thư và sống sót. Tôi đã rất tò mò muốn biết làm sao có thể dựng một phim về ung thư hài hước mà không thiếu đi sự tôn trọng những người mắc căn bệnh bất hạnh này.
Đánh giá tóm tắt về 50/50: hài hước nhưng không bất kính, trung thực nhưng không bi lụy.
Phần lớn thành công của 50/50 đến từ quá trình miêu tả căn bệnh và những khó khăn Adam, nhân vật chính của phim, cũng như những người bên cạnh anh phải trải qua trong khi phải trị liệu bằng hóa trị, phương pháp khá hiệu quả nhưng lại khiến bệnh nhân mất sức đề kháng và yếu đi rõ rệt. Khi chịu hóa trị, người bệnh sẽ rụng tóc, xanh xao và mệt mỏi kiệt sức, và phim đã phản ánh những điều này rất trung thực (trước đây nhiều phim đã khiến tôi cứ tưởng người mắc bệnh ung thư vẫn sẽ có thể đẹp như người mẫu (!) tung tăng dạo chơi phố trong những bộ quần áo hàng hiệu mới nhất chứ?!?) Trong thời gian trị liệu, không chỉ Adam mà người yêu, bạn, và mẹ anh cũng phải trải qua đủ mọi khó khăn để giúp đỡ một người bệnh, và chịu đựng một người bệnh mà không để chính bản thân mình phát điên.
Trong 50/50, không có ai hoàn hảo và cũng không có ai là người “xấu”. Cô bạn gái của Adam tuy vẫn đi tung tăng với người khác trong khi anh bị bệnh, nhưng cô cũng đã cố gắng làm những điều mình có thể – trong phạm vi vị kỷ của cô – để giúp đỡ Adam, và câu nói của cô, “Anh không thể biết được những ngày qua đã khó khăn như thế nào với em” là một trong những câu thoại tôi nhớ nhất. Ngược lại người bạn thân của Adam, Kyle, luôn sẵn sàng giúp đỡ và ủng hộ Adam, có khi lợi dụng bệnh tình của anh để có cơ hội hẹn hò với cô gái làm việc ở tiệm sách nóng bỏng. Chính bản thân Adam là người rất bình thường với một cuộc sống nhàm chán như ai, và khi bị bệnh, anh mới nhận ra có những điều rất đơn sơ mà anh chưa từng làm – chẳng hạn như chuyện lái xe. Cao trào của phim chính là cảnh Adam đòi lái xe – tuy từ trước đến nay anh không hề sở hữu xe và không có bằng lái – và gào lên một mình trong xe khi đã đuổi Kyle xuống lề đường. Adam không hay than phiền, nhưng chỉ riêng khát vọng được làm một điều quá tầm thường mà anh tưởng như sẽ không còn có cơ hội thực hiện đã nói lên hết tất cả những tuyệt vọng mà một người ở vào hoàn cảnh như Adam phải đối diện. Hay như phân đoạn Adam sắp lên bàn mổ và bác sĩ sắp gây mê, vì biết nếu ca mổ không thành công anh sẽ hết cơ hội sống, anh đã nói với Kyle, “Gặp lại mày sau. Có thể thôi.” Cảm giác ngủ đi mãi mãi và không thức dậy được để nói lời chia tay với người thân của mình, đối với anh, có lẽ còn đáng sợ hơn chính bản thân cái chết.
Bên cạnh quá trình trị liệu của Adam là hai câu chuyện nhỏ về hai người “bạn” mà anh gặp trong khi điều trị. Họ không biết bao giờ sẽ chết, nhưng họ vẫn tiếp tục sống trong hy vọng, và người thân của họ vẫn ở bên họ, thương yêu họ. Chỉ riêng điều đó đã khiến những ngày không chắc chắn của họ đáng sống, dù chỉ là thêm một ngày nữa.
Ngoài bạn bè và gia đình của Adam, anh còn được tiếp sức bởi một cô sinh viên tâm lý học đang viết luận án tiến sĩ – vì chưa tốt nghiệp nên cô còn lúng túng, hay nói những điều khiến anh bực mình, nhưng cũng chính vì thế, cô có thể dần dần cảm thông với Adam như một người bạn, một con người bình thường chứ không phải là nhà tâm lý học đối với bệnh nhân. Cô cũng có những chuyện buồn phiền trong đời tư của mình, và khi cô chia sẻ những chuyện đó với Adam, anh mới mở lòng ra và tìm đến sự giúp đỡ tinh thần của cô một cách thật lòng.
Phim hài hước nhưng không quá lố, các đoạn hội thoại khá tự nhiên và không có những câu châm ngôn triết lý dạy đời. Chỉ duy có cái kết là đúng kiểu Mỹ, đại khái trai (không) xinh với gái đẹp thì dĩ nhiên là phải nhào vào nhau dù điều đó hoàn toàn không cần thiết và sẽ hợp lý hơn nếu nó không xảy ra. Phim còn hô hào “Phải có hai người để chiến thắng điều hy hữu” (“It takes a pair to beat the odds” ) nhằm đề cao tình bạn giữa Kyle và Adam, và tuy rằng tình bạn này là một phần đáng kể của phim, những mối quan hệ khác trong phim cũng được nhấn mạnh đồng đều. Nên tôi ngờ rằng cái câu “It takes a pair to beat the odds” đó chỉ nhằm lăng-xê Joseph Gordon-Levitt và Seth Rogen.
Còn 50/50 nghĩa là gì, xin để những ai chưa xem phim tự khám phá.
© Hạnh Nguyên @Quaivatdienanh.com
Dreams see us through to forever Casper ♥ Yên Khuê ~ Balloon House of Dreams