Arthur Christmas: Thật điên rồ nhưng đó mới là Giáng sinh
Với tất cả tinh thần diệu kỳ Giáng sinh đem đến cho loài người, mùa phim Giáng sinh cũng là mùa phim gia đình có lẽ lớn nhất trong năm.
Năm nay, tôi đón chờ mùa phim Giáng sinh không với tâm thế trông đợi một tác phẩm điện ảnh đột phá, mà với hy vọng sẽ có một tuyệt khúc hoan ca tình yêu gia đình trên màn ảnh rộng sưởi ấm tâm hồn mình. Và tôi đã chọn
Arthur Christmas.
Nếu chỉ được diễn tả bộ phim bằng ba từ, tôi sẽ chọn: điên rồ, khéo léo và hạnh phúc. Điên rồ trong những chuyến phát quà, khéo léo trong việc khai thác nhân vật, và ngập tràn hạnh phúc mùa ước nguyện.
Nội dung của
Arthur Christmas không mới. Chúng ta chỉ có một Ông già Noel, nhưng lại có đến hai tỉ (con số mà bộ phim đưa ra) người cần nhận quà trên toàn thế giới. Làm thế quái nào chỉ trong một đêm nhiệm vụ phát quà có thể được thực hiện? Hoặc giả mỗi nước (nếu không muốn nói là một thành phố) có một Ông già Noel riêng (chà, kể cũng thú vị khi tưởng tượng ra hình ảnh Ông già Noel đặc trưng của từng địa phương). Hoặc giả Ông già Noel có một lực lượng phụ tá rất hùng hậu để dốc lòng hoàn thành sứ mạng khổng lồ mỗi năm chỉ có một lần này.
Arthur Christmas khai thác khả năng thứ hai.
Để mang đến Giáng sinh yêu thương, cần cả một gia đình và hơn thế nữa Vâng, có thể nói lực lượng yêu tinh hỗ trợ cho Ông già Noel (bên cạnh hai đứa con trai Steve và Arthur) gây ấn tượng đáng nể, không chỉ ở số lượng. Qua rồi cái thời yêu tinh ngồi phân loại quà thủ công và cắm mặt vào bàn giấy như ngày xưa nhé (vẫn có người ngồi cắm mặt vào bàn, chúng ta sẽ bàn luận sau), bây giờ các yêu tinh đều được trang bị công nghệ tận răng. Bên cạnh nhóm ngồi cạnh máy tính làm công tác hướng dẫn (không khác gì các tổng đài) còn có một nhóm yêu tinh hiện trường chuyên phân phát quà vào từng nhà với bộ dụng cụ hành nghề đa dạng không kém 007 và tài đu dây ngang ngửa chàng điệp viên Ethan Hunt của Tom Cruise trong
Điệp vụ bất khả thi. Một điểm ấn tượng nữa chính là “văn phòng di động” của những người mang đến Giáng sinh, sẽ làm bạn nhớ đến tàu Axiom trong
Wall-E hoặc USS Enterprise của
Star Trek. Đồng thời, cùng với sự phát triển công nghệ, các em nhỏ bây giờ đã không còn được nhắc tới với những cái tên Charles, Jean hay Bobby mà bằng “khách hàng mã số XYZ”.
Câu chuyện chính bắt đầu khi một yêu tinh phát hiện vẫn còn một món quà chưa được phát sau chiến dịch Giáng sinh khi mà chỉ còn mấy tiếng nữa mặt trời sẽ đánh thức các em nhỏ dậy cùng niềm háo hức nhận quà. Người xem giật mình khi cậu con trai lớn Steve tính toán rồi đưa ra thông báo là món quà đó chỉ chiếm tỷ lệ rất rất rất nhỏ của những gì họ làm được hôm nay. Từ bao giờ Giáng sinh được đong đếm bằng những con số, bằng “chỉ tiêu” vậy??? Mà thực ra, từ bao giờ niềm vui Giáng sinh lại có thể cân đo đong đếm nhỉ?! Tuy nhiên, con số cũng không phải không có trọng lượng của nó. Không đồng tình với cách nghĩ của anh, Arthur chỉ ra rằng, con số một nhỏ nhoi trong hai tỉ đó có ý nghĩa là có một đứa trẻ sẽ bị tước mất niềm vui Giáng sinh và sẽ nghĩ mình là đứa trẻ duy nhất trên đời không được Ông già Noel quan tâm. Cảm giác đó rất đáng sợ!
Các nhân vật được xây dựng khá tốt, ngay cả người ít tham gia vào mạch chuyện là người vợ của Malcolm (Ông già Noel đương nhiệm trong phim) cũng có nét riêng. Không thể không nhắc đến Arthur – nhân vật chính. Khi anh vừa xuất hiện, tôi lập tức bật cười nghe giọng của James McAvoy cất lên. Dù biết trước nhân vật này do anh lồng tiếng, nhưng tôi vẫn không thể ngăn mình sửng sốt một chút. Vâng, trong tâm trí tôi giọng nói đó vẫn thuộc về Charles – hay Giáo sư X – của
X-Men: First Class, một người tự tin và có chút láu cá, nay chứng kiến giọng Scotland khó-cưỡng-lại-đó hòa cùng một Arthur có phần hậu đậu và hay lo lắng quả là một trải nghiệm thú vị. Arthur là người duy nhất trong đội ngũ lo quà nhớ tên các em cùng những tấm thiệp các em viết cho cha anh. Anh làm ở phòng nhận thư gửi đến, và anh trân trọng từng lá thư mình đã đọc, treo chúng lên cẩn thận và vui buồn cùng những cánh thư ngô nghê đó. Anh đo Giáng sinh bằng tình cảm được trao gửi qua thư và thiệp, và vì vậy, khi tưởng chừng không thể đưa quà đến cho em bé cuối cùng bị bỏ quên, anh đã nghẹn ngào thốt lên: “Làm sao con còn có thể viết cho các em là ‘Ông già Noel quan tâm các em’ nữa chứ?” Trong khoảnh khắc đó, tôi thấy bên cạnh vóc dáng gầy gầy của anh một cái bóng to lớn, mạnh mẽ và rất đẹp. Tôi luôn cho rằng những con người có tình cảm thật sự lớn lao như thế, dù hay nhạy cảm, là những con người thật sự mạnh mẽ. Chúng ta là những viên thủy tinh được gói trong lớp vỏ kim loại lạnh lùng sợ tổn thương, còn họ mới chính là những viên pha lê có lõi rắn không ngại xây xát, mang một sức mạnh tiềm tàng từ trái tim cháy lửa yêu thương!
Góc làm việc đầy màu sắc và ấm áp hạnh phúc của Arthur Bên cạnh Arthur, cô yêu tinh chuyên gói quà luôn tự hào mình chỉ cần dùng ba mảnh băng keo là có một món quà được gói ghém đẹp đẽ, cũng là một nhân vật khá hay và hẳn sẽ được nhiều người nhớ tới với tài gói chiếc xe siêu đẳng cùng tinh thần lạc quan.
Steve cũng là một nhân vật đáng được nhắc tới. Giáng sinh với Steve là một nhiệm vụ cần vượt qua, là con số mấy tỉ cần đạt đến; niềm vui của anh là khi thấy toàn bộ số quà đã được phân phát đúng giờ một cách êm đẹp. Nói đúng ra, anh chính là người đã mang đến Noel cho các em nhỏ, dù không hẳn với tinh thần đúng của Giáng sinh. Anh không cần phải thấy nụ cười của người nhận, cái anh cần thấy là con số khách hàng chưa được nhận quà trở về số 0. Tôi thấy phảng phất ở Steve hình bóng chúng ta khi đã lớn với công việc, trách nhiệm và nụ cười lúc thành công, còn thấy ở Arthur chúng ta khi bé (và cả trong giấc mơ của chúng ta khi đã lớn) với nụ cười hạnh phúc khi từ tốn viết thư trả lời cho bọn trẻ. Trong suốt bộ phim, thực ra cảm giác tôi dành cho Steve là chút tội nghiệp. Tội nghiệp cho anh ít hưởng được niềm hạnh phúc thực sự của Giáng sinh, tội nghiệp cho cái thất vọng của anh ở đầu phim, tội nghiệp cho cả bộ quần áo đi phát quà của anh ở cuối phim nữa (quả không nhịn được cười khi thấy bộ đồ này). Nhưng cũng không cần phải lo cho anh nhiều, đây là phim Giáng sinh mà, anh sẽ sớm được những gì anh xứng đáng thôi.
Chàng Steve “công nghệ cao” của phim
Dù theo mô-típ cũ nhưng không có nghĩa Arthur Christmas không tìm được điểm thú vị riêng cho câu chuyện. Theo tinh thần trước nay thì Ông già Noel sẽ đột nhập vào nhà bạn (không hỏi ý kiến chủ nhà, tất nhiên) và để lại quà. Chà, nếu ông không có phép tàng hình hoặc một dạng siêu năng lực nào đó thì hẳn là hệ thống an ninh của loài người chúng ta có vấn đề. Tuy vậy, đừng lo, chúng ta không hồn nhiên ngu ngơ đến thế trong phim này. Có dấu hiệu lạ trên trời, trên đường kìa, chúng ta chú ý và có hành động ngay. Tính cảnh giác sẵn sàng đối phó điều bất trắc được nâng lên tầm toàn cầu chứ chả chơi đâu!
Phần hình ảnh trong phim được làm rất tốt. Nét lung linh rực rỡ của Giáng sinh được khắc họa sống động trong phim với gam màu tươi sáng. Và dù khán giả có thể hơi e ngại về độ sáng khi xem ở định dạng 3D vì bối cảnh phim diễn ra vào ban đêm, mối lo đó sẽ được xóa đi nhờ ánh sáng của mớ đèn trang trí Giáng sinh (quả thật ta đã tiêu tốn khá nhiều năng lượng cho việc thắp sáng trong mùa cuối năm này). Hiệu ứng 3D được chăm chút kỹ lưỡng trong suốt cả phim, mang người xem vào miền Bắc cực lạnh giá hay những thành phố sáng choang, đồng thời cũng ném nhiều thứ vào mặt khán giả. Tôi vẫn còn nhớ như in cảnh nhân vật chính lao vào tôi trong khoảng gần cuối phim với khuôn mặt hoảng hốt, thú vị ra phết!
Arthur và cô yêu tinh Bryony trong hành trình mang đến niềm vui Giáng sinh trọn vẹn Nhịp phim nhanh, đúng với tinh thần hối hả của đội ngũ phát quà trong phim. Các tình tiết hài dí dỏm, nhẹ nhàng phù hợp với cả người lớn lẫn trẻ em. Phim tuy có phần hơi phóng đại ấn tượng của quy trình phát quà công nghệ cao nhưng nếu xét toàn cảnh vẫn là một tác phẩm biết tiết chế và không lạm dụng các chiêu giật gân. À không hẳn, giật gân thì không, chứ chiêu trò làm khán giả khoái chí thì không phải không có. Một trong số đó khiến tôi thích thú là cảnh hai cô cậu yêu tinh hôn nhau với tư thế y chang như bức ảnh
The Kiss nổi tiếng ở Quảng trường Thời đại.
Nếu những phim Giáng sinh ưa thích khác của tôi làm tôi liên tưởng đến mình thời hiện tại với những lo âu nhất định và niềm khao khát hạnh phúc lứa đôi, thì
Arthur Christmas thật đã làm được một điều khác biệt: khiến tôi trở về làm một đứa trẻ thực thụ trong mùa ước nguyện này. Tôi còn nhớ rõ (những) khoảnh khắc tôi nhận ra mình đã cười hồn nhiên như trẻ con khi xem phim. Vâng, chả phải chúng ta đều, vô tình hay hữu ý, trở thành trẻ em trong ngày lễ này hay sao? Chúng ta làm một vài điều điên rồ để rồi nhận ra cuộc sống vẫn kỳ diệu như khi xưa ta bé ta tin, và đều mơ về những món quà ta khao khát, dù chẳng phải được đặt dưới gốc cây thông trong nhà nữa.
Tôi hy vọng những ai chọn xem
Arthur Christmas năm nay sẽ có những giây phút rất-Giáng-sinh cùng ông già Noel của riêng mình (và cặp kính 3D đúng chất), để rồi khi đứng dậy rời khỏi rạp sẽ nhận ra mình đang hòa ca
Santa Claus is coming to town… cùng tiếng nhạc cuối phim. Phần mình, tôi chắc chắn sẽ còn đi xem lại, vì “quá liều” niềm vui và tiếng cười đâu phải là một điều tệ hại, phải không?
© Mai Khanh @Quaivatdienanh.com