logo

Welcome Guest! To enable all features please try to register or login.
[Mỹ | 2012] ParaNorman | Norman & Giác quan thứ 6
Nounou Offline
#1 Posted : Tuesday, July 24, 2012 12:00:29 PM(UTC)

Rank: Sailing Master

Medals: Huân chương Thuyền trưởng: Vì sự 'mê trai đẹp' vô đối dẫn dắt em làm việc đến điên khùngHuân chương Sao biển: Dành cho nhà quản lý trẻ trung xông xáo, la bàn sống cho mỗi tuyến hải trình

Groups: Crew Officer, Translator, Editor
Joined: 10/20/2010(UTC)
Posts: 991

Thanks: 1398 times
Was thanked: 1191 time(s) in 746 post(s)
ParaNorman



Tên phim: ParaNorman
Ngày phát hành: 17/8/2012 (Mỹ)
Đạo diễn: Chris Butler, Sam Fell
Kịch bản: Chris Butler
Thể loại: Hoạt hình – Phiêu lưu - Hài hước – Thần thoại - Kinh dị
Xếp loại:
Thời lượng: 93 phút
Nước sản xuất: Mỹ
Hãng sản xuất: Laika Entertainment

Các diễn viên lồng tiếng:
Anna Kendrick ... Courtney
Leslie Mann ... Sandra Babcock
Christopher Mintz-Plasse ... Alvin
John Goodman ... Mr. Prenderghast
Casey Affleck ... Mitch

Nội dung chính:

Một cậu bé có khả năng nói chuyện với người chết bị bạn bè xa lánh phải cùng với các hồn ma, xác sống và người lớn giải cứu thị trấn của mình khỏi một lời nguyền có từ hàng thế kỷ trước.

Trang web chính thức: Click vào đây
Trang IMDb: Click vào đây

Trailer: Click vào đây
1 user thanked Nounou for this useful post.
Yên Khuê on 7/24/2012(UTC)
Lữ Khách Offline
#2 Posted : Thursday, July 26, 2012 6:00:36 AM(UTC)

Rank: Passenger Service

Medals: Huân chương Thuyền trưởng: Vì mỗi ngày thức dậy lúc 5h 'cho em măm' và những ngày cuối tuần cafe làm việc cho QVĐA của chúng taChân vịt vàng: Đóng góp thầm lặng của bạn đem lại nét đẹp sống động cho Quái vật Điện ảnh

Groups: Crew Officer, CTV, Moderator
Joined: 10/20/2010(UTC)
Posts: 8,042
Location: Lữ quán

Thanks: 4743 times
Was thanked: 2346 time(s) in 1715 post(s)
Xu hướng thu 2012: Phim kinh dị dành cho trẻ em




Bây giờ bất cứ gì mà có yếu tố siêu nhiên thì cũng nóng, nóng. Với thây ma sống, quái vật, ma cà rồng và người sói làm tiền đáng kể người lớn lẫn bọn trẻ choai choai, không ngạc nhiên khi ta thấy hiệu ứng này xuống đến khán giả nhí. Rốt cuộc, bọn trẻ đang bị tấn công dồn dập bởi những hình ảnh và hàng hóa ăn theo của những thứ chúng không được xem, nhưng rất muốn xem, đặc biệt là khi bố mẹ hay anh chị lớn hơn của chúng mê muội những thứ đó. Những hãng phim và nhà làm phim khôn ngoan đã nhận ra rằng bộ phận khán giả nhỏ tuổi hơn cũng thích những câu chuyện ma quái dành riêng cho chúng vậy.


Phim truyền hình Goosebumps từng khiến bọn nhóc rùng mình từ những năm 90


Tất nhiên, “phim kinh dị thiếu nhi” không phải là ý tưởng mới. Goosebumps đã từng khiến bọn nhóc rùng mình từ những năm 90, còn những phim hoạt hình như Aaahh!!! Real Monsters, BeetlejuiceMonster Tails sung sướng sử dụng yếu tố kinh dị để gây cười. Hồi xưa, ta có phim truyền hình The Abbott and Costello, The Addams FamilyThe Munsters đem cái sợ đến cho bọn nhóc. Bọn nhóc tì lúc nào chả thích những câu chuyện ma quái, nhưng văn hóa của chúng ta thường định đoạt rằng vậy là không thích hợp rồi mới nhún vai, làm mới lại, và trả yếu tố thú vị siêu nhiên về cho bọn nhỏ.

Mùa thu năm nay, “phim kinh dị dành cho khán giả nhí” sống lại không chỉ trong một, mà là ba phim hoạt hình: ParaNorman, Hotel Transylvania, và Frankenweenie. Với nhiều người, những phim này có thể là nhập môn kinh dị đáng sợ. Nhưng với bọn nhóc tì, chúng sẽ còn muốn có thêm nhiều phim nữa. Không khó hình dung sẽ có một vài phần tiếp theo, cũng như cá tá phim bắt chước.

Nhưng mà thôi đừng có tính xa quá. Cùng điểm qua ParaNorman, Hotel TransylvaniaFrankenweenie trước đã. Xem như những phim này thành công liền tù tì nhau, Film.com quyết định phân tích xu hướng mùa phim thu năm nay. Từng phim đó có đặc điểm gì? Nhắm vào lứa tuổi nào? Phim nào sẽ lại là thành công của Tim Burton?

ParaNorman (phát hành ở Mỹ ngày 17/8)


Một cảnh trong phim ParaNorman

Câu chuyện: Norman (do Kodi Smit-McPhee lồng tiếng) nhìn thấy được người chết. Tất nhiên điều này khiến cậu không được bạn bè trang lứa ưa thích, cho đến khi cậu lãnh sứ mạng giải cứu thành phố trước cuộc xâm lăng của thây ma sống và một lời nguyền cổ xưa.

Phim do Chris Butler (tác phẩm đầu tay) và Sam Fell, đã chỉ đạo The Tale of Desperaux, và Flushed Away, đồng đạo diễn.

Đây là phim hoạt hình stop-motion, một điều thú vị trong kỷ nguyên hoạt hình vi tính bây giờ. Do Laika, công ty đứng sau CoralineThe Corpse Bride sản xuất, ParaNorman lập tức có tiếng vì phong cách lạ thường. Phim bị nhầm lẫn là phim của Tim Burton/Henry Selick vì mang âm hưởng rất gần với tác phẩm của hai vị này. Ồ, và là phim 3D.

Phim tự hào có dàn diễn viên lồng tiếng nổi danh. cùng với McPhee là John Goodman, Anna Kendrick, Christopher Mintz-Plasse, Leslie Mann, Jeff Garlin, và Casey Affleck.

Với lịch phát hành ngay thời điểm giao mùa hè sang thu, ParaNorman chiếm vị trí thượng phong để thu hút khán giả nhí sắp đi học trở lại, biến câu chuyện về một cậu bé bị ghẻ lạnh thành một câu chuyện hoàn hảo cho tâm trạng của bọn nhóc.

ParaNorman thiên về thiếu nhi từ 10 trở lên. Khán giả nhỏ hơn có thể thấy nhiều hình ảnh đáng sợ, và câu chuyện quá kinh khiếp. Người lớn sẽ tìm thấy vô số phim kinh dị liên quan để giải trí.

Hotel Transylvania (phát hành ở Mỹ ngày 28/9)


Câu chuyện: Bá tước Dracula là chủ và điều hành Khách sạn Transylvania, nơi trú ẩn/nghỉ dưỡng cho quái vật khắp thế giới. Ông ta tìm cách giữ cho những kẻ có năng lực siêu nhiên này (nhất là con gái ông ta, Mavis) an toàn trước con người. Nhưng chốn tôn nghiêm của ông bị một du khách con người tên Jonathan xâm chiếm, anh chàng này lập tức phải lòng Mavis.

Đây là phim hoạt hình vi tính duy nhất trong số ba phim, nhưng cũng ở định dạng 3D.

Mặc dù hào nhoáng và thân thiện với trẻ em, Hotel Transylvania tự hào về giòng dõi lập dị. Phim do Gendry Tartakovsky, thiên tài hoạt hình đằng sau Samurai Jack, đạo diễn. Một trong số biên kịch là Robert Smigel của Saturday Night Live, Saturday TV FunhouseTriumph the Comic Dog.

Sony đã trình chiếu Hotel tại ConmicCon San Diego tạo ra những tin tức lấp lánh và nhiều bàn tán xôn xao. Nhưng liệu sự bàn tán xôn xao này có chuyển ra thế giới bên ngoài ComicCon không?

Hotel Transylvania có yếu tố hài hước, phong cách hoạt hình trìu mến và cốt chuyện nhẹ nhàng. Phim nhắm vào đám đông con nít, nên dễ bán rộng rãi, đại trà hơn.

Phim tự hào về dàn diễn viên nổi tiếng gồm Adam Sandler (Dracula), Andy Samberg (Jonathan), Selena Gomez (Mavis), Kevin James (Frankenstein), Jon Lovitz (Quasimodo), Cee Lo Green (Murray the Mummy), Steve Busemi (Wayne the Werewolf), David Spade (Griffin the Invisible Man), và Molly Shannon (Wanda the Werewolf).

Frankenweenie (phát hành ở Mỹ ngày 5/10)


Nhân vật Victor và chú chó yêu Sparky đã được cải tử hoàn sinh

Câu chuyện: Sau cái chết yểu của chú chó yêu, Sparky, Victor khai thác sức mạnh của khoa học để đem chú chó trở về với cuộc sống. Cậu tìm cách giấu chú chó được cải tử hoàn sinh này, nhưng Sparky cứ ra ngoài, và phá phách trong thành phố.

Phim là bản làm lại một phim ngắn hồi năm 1984 của Tim Burton do chính ông đạo diễn. Chỉ cái tên Burton thôi cũng thu hút cả đống người lớn lẫn trẻ mới lớn, đảm bảo cho phim thành công dù bọn nhóc có lảng ra.

Về mặt thị giác, phim này nổi bật nhất trong ba phim. Không chỉ là hoạt hình stop-motion, mà còn là phim đen trắng. Cũng 3D.

Nhiều diễn viên thường xuyên của Burton có trong dàn diễn viên lồng tiếng, gồm Winona Ryder, Catherine O’Hara, Martin Landau và Christopher Lee.

Frankenweenie hoàn toàn thiên về thiếu nhi trên 10 tuổi. Chuyện phim có thể hơi khó nuốt với bọn nhóc tì, nhưng phong cách thì trìu mến hơn là đáng sợ. Khán giả cũng sẽ hết sức mê mẩn vì Sparky mà không nhận ra chú chó này là chắp vá từ nhiều con chó đã chết khác.

Phim cũng có ngày phát hành tốt nhất trong cả ba: ngày 5/10, vừa đúng dịp Halloween. Tặng phẩm hiếm có này cũng không phải là một phim kinh dị xếp loại R.

Như với tất cả phim của Burton, Frankenweenie sẽ thu được vô khối tiền từ vật phẩm ăn theo. Những chiếc áo thun sắp diễu hành để quảng bá cho phim này.

Dịch: © Yên Khuê @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Film.com
Casper Offline
#3 Posted : Wednesday, August 15, 2012 12:17:10 AM(UTC)

Rank: Captain

Medals: Huân chương Sao biển: Dành cho Thuyền trưởng Dê Xồm - vì anh đã lèo lái con tàu này trong mọi hoàn cảnh! Yên Khuê

Groups: Administrator
Joined: 10/20/2010(UTC)
Posts: 1,601
Location: Hải Phòng

Thanks: 3136 times
Was thanked: 2010 time(s) in 805 post(s)
ParaNorman đưa hoạt hình 'stop motion' kinh điển tiến vào thế kỷ 21





OREGON có lẽ không phải là tiểu bang đầu tiên ở Mỹ được nhớ đến vì những đột phá trong nghệ thuật điện ảnh, nhưng trong nhiều năm qua ở ngoại ô Portland một nhóm nghệ sĩ đã sử dụng những công cụ và tầm nhìn mới để đưa một thể loại hoạt hình kinh điển, thể loại 'stop motion', tiến xa hơn vào thế kỷ 21.


Các họa sĩ ở Laika xây dựng và tô điểm tất cả bối cảnh phim [Ảnh: Reed Harkness/Focus Features]


Các nghệ sĩ đó thuộc hãng Laika, một xưởng hoạt hình ở Hillsboro tận lực với hoạt hình stop motion vào thời buổi nhiều hãng hoạt hình khác tập trung vào hoạt hình vi tính. Cách tiếp cận của Laika không liên can đến máy tính; các họa sĩ và thiết kế vẫn sáng tạo từng nhân vật bằng tay. Rồi họ sử dụng những công nghệ tiên tiến như máy in 3D để đưa nhân vật vào cuộc sống một cách thuyết phục hơn.

Laika hình thành từ Vinton Studios, một công ty ở Portland do nhà hoạt hình Will Vinton thành lập có lẽ được nhớ đến nhiều nhất vì các quảng cáo California Raisins xuất hiện lần đầu vào thập niên 1980. Trái nho khô nhảy múa xuất hiện trên màn ảnh ở dạng đất sét nặn, nhưng các nhân vật của Laika ban đầu chỉ được nặn bằng đất sét. Sau đó chúng được phủ các chất liệu tạo màu, tạo bóng và tạo bọt. Bạn có thể thấy tác phẩm thủ công này là con ma, xác sống, và những đứa trẻ tóc tai dựng đứng trong bộ phim thứ nhì của công ty, ParaNorman, ra mắt vào ngày 17/8 (phát hành ở Việt Nam với tựa Norman & Giác quan thứ 6).


Các họa sĩ và nhà tạo hình sáng tạo từng nhân vật một bằng tay. Trong ảnh là Brad Schiff, giám sát hình họa [Ảnh: Reed Harkness/Focus Features]


Sự thay hình đổi dạng của công ty bắt đầu từ năm 2003, khi Philip H. Knight, một nhà sáng lập của Nike, mua lại hãng phim nơi con trai ông là Travis Knight làm họa sĩ hoạt hình. Cái tên được đổi thành Laika, để vinh danh động vật đầu tiên đi lên quỹ đạo, và hãng được chia thành hai bộ phận: Laika, chuyên làm phim dài (có đối tác phát hành là Focus Features), và Laika/gia đình, chuyên về quảng cáo và các sản phẩm làm thuê khác. (Nhóm tạo nên phân ban stop-motion trong A Very Harold & Kumar 3D Christmas, chẳng hạn.)

“Tôi muốn chúng ta kể những câu chuyện đầy cảm xúc, chủ đề có tính thách thức, kích thích suy nghĩ, và lạ thường, nhưng tôi muốn chúng ta làm điều đó theo cách mới,” Travis Knight, chủ tịch, giám đốc điều hành và họa sĩ hoạt hình chính của các dự án phim của Laika, nói qua điện thoại từ Portland. “Chúng tôi có thể mở ra tiềm năng của hoạt hình stop motion bằng cách bám lấy tác giả gây ra cái chết của nó: máy vi tính. Có vẻ giống như những thợ dệt theo phong trào Luddite* bám lấy cái khung cửi vậy.”


Sử dụng những công nghệ tiên tiến như máy in 3D để đưa nhân vật vào cuộc sống thuyết phục hơn [Ảnh: Focus Features]


Để phát triển phim điện ảnh, công ty chuyển một số lượng đáng kể họa sĩ sang hoạt hình. Henry Selick, nhà làm phim hoạt hình và đạo diễn của The Nightmare Before ChristmasJames and the Giant Peach, là một trong những nhân sự tuyển mộ quan trọng đầu tiên. Ông được yêu cầu trông nom một dự án phim hoạt hình vi tính ngắn trong lúc công ty vẫn còn đang quyết định theo đuổi thể loại phim điện ảnh dài nào. Bộ phim ngắn, Moongirl (2005), có sự u tối, kỳ quái quen thuộc của Selick. Ông cũng đem lại một ý tưởng phim dài mà ông đã phát triển, một chuyển thể tiểu thuyết của Neil Gaiman Coraline, kể về một cô bé chán cha mẹ và đi vào một thế giới thay thế, lý tưởng hơn với người mẹ có vẻ đáng yêu hơn.

Qua điện thoại từ vùng Vịnh San Francisco, Selick nói rằng khi ông “hoài thai” Coraline ông đã nghĩ rằng làm hoạt hình stop motion là phù hợp nhất nhưng cứ thử nghiệm với những kỹ thuật khác trước.

“Có một thời gian ngắn phim được cân nhắc làm phim người thật đóng,” ông nói. “Và rồi, vì đây là câu chuyện về hai thế giới, chúng tôi nghĩ đến việc sử dụng giải pháp của Wizard of Oz: một thế giới hoạt hình vi tính, một thế giới bằng ‘stop motion’.” Cuối cùng phim sử dụng ‘stop motion’, với các yếu tố vi tính tạo ra.


Công ty tạo cú đột phá đầu tiên Coraline (2009), phim hoạt hình stop-motion đầu tiên quay 3D [Ảnh: Focus Features]


Chung cuộc Coraline (2009) là phim hoạt hình stop-motion đầu tiên quay 3D, sử dụng một hệ thống do đạo diễn quay phim, Pete Kozachik, phát triển. Và cũng là phim hoạt hình đầu tiên kiểu này thể hiện biểu cảm gương mặt được tạo bởi máy tạo mẫu nhanh (rapid prototyping machine), một máy in 3D tạo ra vật thể thay vì in ra giấy.

Các máy này đã được sử dụng trong tạo mẫu công nghiệp để tạo mẫu đồ chơi. Nhưng hai nhà làm hoạt hình Martin Meunier và Brian McLean phối hợp với Selick đã điều chỉnh công nghệ này, phát triển một loạt biểu cảm gương mặt bằng máy tính, rồi in ra để được ghép vào đầu của mô hình. Kỹ thuật này làm thay đổi cách nhìn về hoạt hình stop motion. Để so sánh: nhân vật Jack Skellington trong The Nightmare Before Christmas có 800 biểu cảm nét mặt trong khi Coraline có hơn 200.000 biểu cảm nét mặt. Những nhà sản xuất phim hoạt hình stop-motion khác đã bám lấy công nghệ này, trong đó có Aardman Animations với phim The Pirates! Band of Misfits vừa rồi.

Ứng dụng mới của tạo mẫu nhanh tiếp tục với ParaNorman, do Chris Butler và Sam Fell đạo diễn. Butler đã từng làm Coraline trong vai trò giám sát kịch bản đồ họa và gia nhập Laika mới được sáu tháng. Nhưng khi anh trưng ra kịch bản ParaNorman, nói về cuộc phiêu lưu của một cậu bé Norman có khả năng giao tiếp với người chết, “sáu tháng đã biến thành sáu năm rưỡi,” anh nói trong một cuộc phỏng vấn ở New York.


Các máy tạo mẫu nhanh có thể in ra những phiên bản màu các vẻ mặt [Ảnh: Scott Spiker/Focus Features]


Butler và Fell đã nói về việc thiết kế của các nhân vật trong phim là chưa từng được thấy. Họ sử dụng Heidi Smith, một nhà thiết kế vừa tốt nghiệp đã được thuê ngay nhưng đã có cả đời say mê xử lý nhân vật.

“Mọi thứ cô ấy vẽ ra không dễ dàng phù hợp với ngành truyền thông,” Fell nói. “Cô không biết người ta nên vẽ gì, và chúng tôi cũng không bảo cô, thế nên cô ấy vẽ những thứ điên rồ này đây mà hậu quả là đã khiến cả hãng phải xốc tới.” Một nhân vật, ông Prenderghast (John Goodman lồng tiếng), được miêu tả là một ông già gầy nhom, yếu đuối nhưng lại được vẽ thành “một quái vật đàn ông khổng lồ vai rộng mà cặp giò khẳng khiu,” Butler nhớ lại. Hình ảnh đó đòi hỏi công việc tạo hình chính xác.


Xem qua quy trình tạo mẫu nhanh đang vận hành, máy in ra khuôn mặt ba chiều [Ảnh: Scott Spiker/Focus Features]


Bộ phận tạo mẫu nhanh có một sự đột phá: nghĩ cách tô màu gương mặt các nhân vật bằng máy tính computer rồi dùng máy in màu 3D in ra. Trước đó gương mặt nhân vật phải tô bằng tay, giới hạn số lượng chi tiết có thể thêm thắt vào. Kết quả là các nhân vật sống động hơn, mà các nhà làm phim hy vọng sẽ lôi kéo khán giả vào câu chuyện sâu hơn. “Suy cho cùng đây là chuyện đưa khán giả kết nối với chuyến đi tàu lượn cao tốc của nhân vật đang diễn tiến,” Brian McLean, trưởng bộ phận tạo mẫu nhanh của Laika, nói. “Và người ta kết nối với điều đó thông qua lời thoại và vẻ mặt.”

Mùa thu năm ngoái Laika mua tác quyền làm phim quyển tiểu thuyết Wildwood, tiểu thuyết đầu tay dành cho thiếu nhi của Colin Meloy, ca sĩ chính ban nhạc Decemberists. Cũng đang trên bệ phóng là chuyển thể màn ảnh rộng tiểu thuyết kỳ ảo Goblins của Philip Reeve. Mặc dù Knight để ngỏ với các phong cách hoạt hình khác, rõ ràng anh là người hâm mộ ‘stop motion’.


Một cảnh trong phim ParaNorman


“Khi bạn xem một phim hoạt hình stop-motion,” anh nói, “bạn không phải xem một đám số một và số không [điểm tạo hình bằng máy tính – ND]. Bạn xem và cảm nhận bàn tay của người nghệ sĩ trên tác phẩm. Và điều đó cho loại hình nghệ thuật này một phẩm chất không hề giống với bất cứ thứ gì khác.”

Dịch: © Hoàng Hà @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The New York Times


* Phong trào đập phá máy dệt để chống đối Cách mạng Công nghiệp ở Anh vào đầu thế kỷ 19 – ND


Dreams see us through to forever
Casper ♥ Yên Khuê ~ Balloon House of Dreams
Casper Offline
#4 Posted : Friday, August 17, 2012 10:26:36 PM(UTC)

Rank: Captain

Medals: Huân chương Sao biển: Dành cho Thuyền trưởng Dê Xồm - vì anh đã lèo lái con tàu này trong mọi hoàn cảnh! Yên Khuê

Groups: Administrator
Joined: 10/20/2010(UTC)
Posts: 1,601
Location: Hải Phòng

Thanks: 3136 times
Was thanked: 2010 time(s) in 805 post(s)
[Bình luận phim] Norman & Giác quan thứ 6


Bộ phim kinh dị này là một trong những phim hoạt hình hay nhất năm 2012.

Phim do Laika, hãng phim làm Coraline, sản xuất và do Sam Fell và Chris Butler đạo diễn. ParaNorman không chỉ đơn thuần là một bộ phim kinh dị, mà cũng còn nhiều yếu tố hấp dẫn khác. Bộ phim kể về Norman (Kodi Smit-McPhee lồng tiếng), một cậu bé thích phim kinh dị và có khả năng nhìn thấy và nói chuyện với những hồn ma trong thị trấn nơi cậu sống, Blithe Hollow. Nơi này cũng là nơi xảy ra nhiều cuộc săn và thiêu sống phù thủy cách đây 300 năm.


Norman và người bạn duy nhất là Neil

Norman hiểu và giao tiếp tốt hơn với người chết, gồm bà nội cậu (Elaine Stritch lồng tiếng), và không giỏi nói chuyện với những người còn sống trong gia đình (Jeff Garlin, Leslie Mann và Anna Kendrick lồng tiếng bố mẹ và chị gái của cậu bé). Ở trường, Norman thường bị Alvin (Christopher Mintz-Plasse lồng tiếng) bắt nạt và người bạn duy nhất của cậu là Neil (Tucker Albrizzi lồng tiếng) mập mạp trẻ con.

Sau khi người chú của Norman, Prenderghast (John Goodman lồng tiếng) cho biết truyền thuyết về lời nguyền phù thủy trong thị trấn là có thật và sắp thành hiện thực, chính Norman phải cứu lấy Blithe Hollow thoát khỏi hồn ma đầy hận thù của mụ phù thủy và giúp những người dân ở đây thoát khỏi những quan điểm nhỏ nhen của mình.


Vừa ngọt ngào vừa có chút đợm buồn, ParaNorman không thiếu những cảnh hài hước nhưng cuối cùng vẫn là một câu chuyện cảm động về sự giận dữ và mối đe dọa của lối nghĩ hạn hẹp. ParaNorman cũng có nhiều đoạn gợi nhớ nhiều xu hướng thường thấy trong phim kinh dị hạng B và đề cập nhiều tới vấn đề thường ít thấy trong phim thiếu nhi: cái chết. Bộ phim không coi nhẹ khả năng hiểu biết của người xem và tin rằng khán giả thông minh sẽ tự hiểu khiếu hài hước của kịch bản.

Với gam màu của mùa thu và phong cách quay phim sắc nét, ParaNorman có thể được cho là một trong những phim đẹp nhất trong năm. Kỹ xảo 3D được sử dụng đúng cách và nhằm mục đích tạo không khí hơn là để ma quỷ nhảy ra làm người xem hoảng sợ. Dù đẹp, kịch bản vẫn có giá trị riêng và các nhân vật khiến bạn phải quan tâm tới họ.

Dàn diễn viên lồng tiếng, gồm Casey Affleck, Bernard Hill, Jodelle Ferland vàTempsett Bledsoe – đều hợp vai, và Smit-McPhee xuất sắc trong vai chính.

Dịch: © Xuân Hiền @Quaivatdienanh.com
Nguồn: IGN


Dreams see us through to forever
Casper ♥ Yên Khuê ~ Balloon House of Dreams
Casper Offline
#5 Posted : Saturday, August 18, 2012 1:09:54 AM(UTC)

Rank: Captain

Medals: Huân chương Sao biển: Dành cho Thuyền trưởng Dê Xồm - vì anh đã lèo lái con tàu này trong mọi hoàn cảnh! Yên Khuê

Groups: Administrator
Joined: 10/20/2010(UTC)
Posts: 1,601
Location: Hải Phòng

Thanks: 3136 times
Was thanked: 2010 time(s) in 805 post(s)
3D hay không 3D: Hãy chọn vé đúng để xem Norman & Giác quan thứ 6



Năm 2009 Laika Studios ra mắt phim hoạt hình stop-motion đầu tiên của hãng, Coraline, và không chỉ chứng tỏ được hoạt hình stop-motion lộng lẫy và giàu tính tưởng tượng đến mức kinh ngạc, mà còn là một trong những luận cứ tốt nhất lúc đó về việc 3D là cách để xem phim này. Kể từ đó chúng ta đã xem hàng tá phim hoạt hình 3D, và một số phim hoạt hình stop-motion nữa, nhưng không mấy phim sử dụng 3D được như Coraline, đưa khán giả chìm đắm vào thế giới của bộ phim mà vẫn để cho chúng ta phải kinh ngạc trước những tạo tác thủ công này chưa từng có bao giờ đẹp đến thế.



Giờ đây Laika trở lại với tác phẩm điện ảnh thứ nhì, ParaNorman (phát hành ở Việt Nam với tựa Norman & Giác quan thứ 6), cũng đã nhận được những bình luận ca ngợi. Nhưng liệu lần này 3D có lại choáng ngợp không? Có phải 3D vẫn là cách duy nhất để trải nghiệm thực thụ bộ phim? Để giúp bạn có câu trả lời, Quái vật Điện ảnh xin giới thiệu bài viết mới nhất trên chuyên mục 3D hay không 3D trên Cinema Blend, xem xét những yếu tố then chốt của một trải nghiệm phim 3D để bạn có thể tự định đoạt nên mua vé gì. Trước khi xem ParaNorman tuần này -- và rất nên xem, hãy xem bài bình luận phim ở trên -- và đảm bảo là đã đọc kỹ hướng dẫn này.

Tính phù hợp

Phim hoạt hình luôn phù hợp với 3D hơn -- ở mức cho phép bạn thực sự làm cho mọi cảnh đều nổi lên -- và với hoạt hình stop-motion thì còn phù hợp hơn gấp đôi, ở dạng hoạt hình này chiều thứ ba của thế giới thực sự bật lên. Thế giới của ParaNorman đầy hình ảnh tuyệt đẹp và vui nhộn để chơi đùa trong đó, và bạn biết những chuyên gia hoàn hảo ở Laika háo hức để cho chiều không gian thứ ba đó cho phép khán giả sục sạo khắp bối cảnh phim được nhiều như họ. ParaNorman hoàn toàn không có tính siêu thực đã khiến Coraline sáng chói đến thế ở định dạng 3D, nhưng cái nhìn thế giới thực một cách đẹp đẽ của bộ phim cũng rất hoàn hảo với định dạng này.

Điểm: 5/5

Kế hoạch và công sức


Dựng cảnh cho phim ParaNorman [Ảnh: LAIKA, inc.]

Công sức đổ vào việc làm một phim hoạt hình stop-motion nhiều không thể tưởng, chế tạo thủ công từng nhân vật và từng cảnh một, sử dụng công nghệ tiên tiến nhất để "hô biến" cho tất cả hiện ra, và quay cả bộ phim từng khung hình một. Với những họa sĩ hoạt hình và dựng cảnh làm việc trong môi trường 3D này, họ biết chính xác phim trông ra sao ở định dạng 3D -- và thực tế ho sử dụng công nghệ dựa vào mắt mình để tự chế máy quay 3D riêng. Đúng vậy, thay vì sử dụng máy quay 3D thông thường, họ đã quay bộ phim này bằng một máy quay kỹ thuật số ống kính rời, và đặt trên một thiết bị sao cho máy quay có thể bắt lia lịa từng khung hình một từ vị trí "mắt trái", rồi nhích qua một chút và quay từ vị trí "mắt phải". Như thế hiệu quả tương đương như máy quay 3D quay từ hai góc tạo nên hình ảnh 3D -- nhưng phù hợp một cách cách tân, sững sờ với quy trình làm phim hoạt hình stop-motion.

Điểm: 5/5

Trước màn ảnh

Vì mọi thứ bạn thấy trong ParaNorman là thật ở mức độ nào đó -- đúng vậy, kể cả những con ma bay bồng bềnh khắp màn ảnh -- phim này khó đạt được hiệu ứng "trước màn ảnh", tức hiệu ứng làm cho thứ này thứ nọ vọt ra khỏi màn ảnh bay về phía bạn. Nhưng một số lúc thì phim cũng bám sát nút được hiệu ứng này, nhất là trong những cảnh hành động có vật này vật nọ bay lung tung (lại phải nói nữa, sự cách tân trong thể loại hoạt hình stop-motion ở phim này là tuyệt vời). Với những bộ xương thây ma sống vung quật tán loạn, một chiếc xe bay vọt ở những khúc cua chữ chi trên gành núi, và một mụ phù thủy từ trên trời cao ếm bùa phép xuống, Có một số khoảnh khắc "nảy vọt" huy hoàng trong ParaNorman. Thực tế lẽ ra phim còn có thể cường điệu hơn nữa bằng hiệu ứng này, với xuất thân kinh dị của phim, nhưng cũng có rất nhiều thích thú.

Điểm: 4/5

Sâu trong màn ảnh



Thế giới của ParaNorman sâu, rõ rồi, vì nó thực -- đó là một hành lang âm u rùng rợn mà Norman bước đi, đó là một thính phòng trường học thật, dẫu tất cả đều ở quy mô tí ti. Nhưng không phải là không xác định, và điểm "sâu trong màn ảnh" thường tốt nhất với những phim nào tạo ra được cảm giác những đồng ruộng trải dài mênh mông, hay những đoàn quân khổng lồ, hay một đại lộ bất tận ở Manhattan. Thế nên mặc dù độ sâu của ParaNorman rất hiệu quả, nhất là khi đặt các nhân vật trong một không gian giới hạn, nó lại không gây được ấn tượng bằng phim hoạt hình CGI. ParaNorman mất điểm vì thế quả có bất công, nhưng đó là luật.

Điểm: 4/5

Độ sáng

Là một phim về xác sống và phù thủy và những lời nguyền ứng nghiệm khi mặt trời khuất bóng, ParaNorman hầu hết diễn ra vào ban đêm, nhưng hoàn toàn tránh được vấn đề mà rất nhiều phim 3D mắc phải khi không bù đắp việc mọi thứ trông mờ hơn khi mang cặp kính 3D. Độ sáng trong ParaNorman là hoàn hảo, cho phép mọi thứ đổ bóng và âm u khi cần, nhưng làm bật lên màu sắc hoàn toàn đúng lúc, nhất là đoạn cuối cùng bốc lửa. Laika suy nghĩ chu đáo mọi điều khi làm phim này, và giữ cho màn ảnh sáng sủa không hề là vấn đề.

Điểm: 5/5

Thử bỏ kính


Một xác sống rơi vào lòng cậu bạn vui vẻ lạc quan Neil (Tucker Albrizzi)
của Norman trong một pha rượt đuổi
[Ảnh: LAIKA, Focus Features]

Nếu đang xem 3D mà gỡ kính ra và nhận thấy màn ảnh trông nhòe đi -- nguyên tắc chung là càng thấy nhòe thì hình ảnh sẽ càng "nổi" khi mang kính trở lại. Những người am hiểu 3D cho biết có những hiệu ứng 3D tinh tế mà chúng ta không thể kiểm tra theo kiểu này -- nhưng đây là một kiểm tra phù hợp về công sức nỗ lực dành cho 3D, nhất là khi bạn nghi ngờ mình bị bịp. Độ nhòe trong ParaNorman biến thiên, như bất kỳ phim nào cũng thế, và dứt khoát là có một số cảnh đối thoại thì hình ảnh không nhòe đi tí nào. Nhưng áp dụng lời của chuyên gia trên vào đây, phẩm chất 3D và số cảnh nhòe đi khác -- ParaNorman đủ vượt qua được phép thử này để chứng minh là phim đáng tiền.

Điểm: 4/5

Sức khỏe khán giả

Phim 3D kém phẩm chất khiến bạn buồn nôn, như thể không định vị được mình ở chiều nào trong phim cả. ParaNorman không có chuyện này -- khả năng phát ốm duy nhất cho bạn là bị mê man với thiết kế hiệu quả của những xác sống chết đã lâu.

Điểm: 5/5



Kết luận: Tác giả đã bắt đầu nghĩ mình có thể chỉ ra vì sao 3D của ParaNorman là tốt nhưng chưa tới chuẩn mực mê ly của Coraline, nhưng 3D của ParaNorman nhìn chung là khá "đỉnh". Nhưng vẫn không nhất thiết phải mua vé 3D -- xem 2D cũng thấy hay đẹp y như vậy, một người bạn của tác giả bài viết này xem bản 2D đã nói thế -- nhưng nếu bạn muốn thưởng thức kỹ hơn bộ phim hoạt hình stop-motion lộng lẫy này thì bản 3D sẽ không làm bạn thất vọng.

Dịch: Yên Khuê @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Cinema Blend


Dreams see us through to forever
Casper ♥ Yên Khuê ~ Balloon House of Dreams
Lữ Khách Offline
#6 Posted : Saturday, September 15, 2012 9:41:38 AM(UTC)

Rank: Passenger Service

Medals: Huân chương Thuyền trưởng: Vì mỗi ngày thức dậy lúc 5h 'cho em măm' và những ngày cuối tuần cafe làm việc cho QVĐA của chúng taChân vịt vàng: Đóng góp thầm lặng của bạn đem lại nét đẹp sống động cho Quái vật Điện ảnh

Groups: Crew Officer, CTV, Moderator
Joined: 10/20/2010(UTC)
Posts: 8,042
Location: Lữ quán

Thanks: 4743 times
Was thanked: 2346 time(s) in 1715 post(s)
ParaNorman: chỉ giải thoát thật sự khi dũng cảm đối mặt với nỗi sợ



"There's nothing wrong with being scared, Norman, as long as you don't let it change who you are." (tạm dịch: “Sợ chẳng có gì là sai cả, Norman à, miễn là cháu đừng để nó làm thay đổi con người mình.”) Câu dặn dò từ người bà đã mất của Norman nên, và cần, được toàn bộ người dân trong thị trấn Blithe Hollow ghi nhớ để không bao giờ tái phạm những lỗi lầm dẫn đến bi kịch của vùng đất này. Và có lẽ không chỉ có họ mới cần khắc ghi câu nói đó.

Đến từ Laika, công ty đã tạo bước đột phá năm 2009 bằng Coraline – bộ phim đầu tiên áp dụng 3D cho hoạt hình stop-motion, ParaNorman / Norman & Giác quan thứ 6 đã khiến nhiều người mong đợi. Trong đó có cả tôi, vì Coraline là bộ phim hoạt hình đầu tiên làm tôi vừa thích thú vừa thực sự thấy đáng sợ.

Lần đầu xem trailer, tôi vô tình không thấy dòng giới thiệu có nhắc đến Coraline nên từng không muốn đi xem phim này. Với tôi lúc đó, đây chỉ là một phim theo dòng chảy “biến kinh dị thành đáng yêu” hiện nay kể về một cậu bé bị kỳ thị trở thành người hùng cứu nơi mình sống khỏi xác sống thông thường. Đúng, vẫn có những đứa trẻ, vẫn có sự kỳ thị, vẫn có xác sống, nhưng tôi không ngờ được đây lại còn là một câu chuyện về nỗi sợ và sai lầm chết người, sự giận dữ và nỗi đau hóa thù hận, tình bạn và tình cảm gia đình được thuật lại một cách mê hoặc, trong đó sự kinh dị và hài hước được kết hợp khéo léo mà không bị hòa tan vào nhau.

Phim hoạt hình cho trẻ em thường tránh đề cập đến cái chết, đặc biệt là cái chết của trẻ em. Nhưng ParaNorman không như thế. Cái chết được đề cập một cách khá chân thực trong phim làm nhiều lúc tôi phải quay lưng lại xem ở những hàng ghế sau các em thiếu nhi phản ứng như thế nào. Nhưng cũng kỳ lạ thay, không biết vì các em xem cùng rạp với tôi trưởng thành trước tuổi, hay vì sự hài hước trong trẻo thuần túy được cài vào khéo léo đến mức mà tôi chỉ thấy các em cười khanh khách mắt chăm chú nhìn lên màn ảnh, chỉ thốt lên “ghê quá” khi Norman sau khi giằng quyển sách khỏi tay người chú đã mất của hình bị cái xác này đè lên người và liếm vào mặt.

Khán giả nhỏ tuổi có được một bộ phim về sự dũng cảm, tình bạn, và gia đình đáng nhớ, nhưng những khán giả lớn hơn còn nhận được nhiều hơn thế. Có những chi tiết nhỏ nhặt nhưng làm người xem phải đau đáu suy nghĩ khi đã về đến nhà.


Tình bạn đẹp giữa Neil và Norman


Lời nguyền trong phim là phép ẩn dụ về vòng xoáy “kẻ bắt nạt nào cũng từng là người bị bắt nạt”, một vòng xoáy được vận hành bằng nỗi sợ. Chính nỗi sợ những gì khác thường đã biến người dân Blithe Hollow trở nên xa cách, móc mỉa, hiếp đáp, và làm những điều tồi tệ hơn nữa với những con người khác biệt, để rồi chính họ phải nhận lấy lời nguyền ám ảnh suốt 300 năm từ nạn nhân của mình. Cũng chính nỗi sợ đã tước đi khả năng nhớ ánh sáng đẹp tươi khi còn sống của nhân vật bị hại này, để lại chỉ toàn những gì đau thương đã biến thành phẫn nộ, giam cầm một linh hồn đáng thương trong bóng tối thù hận. “Tha thứ” giờ đây là một khái niệm xa xỉ, và người ta khó mà trách được nhân vật.

Khi xem ParaNorman, tôi không đừng nghĩ đến câu John Blake đã nói với Bruce trong The Dark Knight Rises về sự giận dữ thấm tận vào xương tủy không thể nói quên là quên.

Mãi đến khi có một người khác có hoàn cảnh tương tự, Norman, dám mang vết thương lòng nặng nề của nhân vật xa xưa kia ra ánh sáng thì sự giải thoát thật sự mới xuất hiện. Hình ảnh linh hồn này dựa vào vai Norman mà nhắm mắt thật an lành quả làm người ta không thể không xúc động.

Ngoài những chủ đề chính, phim còn mang đến sự mỉa mai khéo léo về không ít vấn đề khác đang xuất hiện trong thời đại ngày nay. Một trong số đó là cảnh cha của Norman thấy máy ảnh hỏng thì than phiền rằng giờ ông ta chẳng có cách nào lưu giữ lại khoảnh khắc cậu diễn kịch trong khi mẹ câu say mê ngồi thưởng thức vở kịch. Đơn giản thôi, nhưng cũng khiến người xem giật mình nhớ lại từ khi nào mà các thiết bị công nghệ này biến một bộ phận trong chúng ta quên thưởng thức những gì trước mắt bằng chính đôi mắt, đôi tai và tâm hồn mình.


Norman ngay cả khi đánh răng cũng thể hiện được niềm đam mê xác sống của cậu bé


Nhân vật chính Norman không chỉ đáng nhớ vì lòng dũng cảm và khả năng đặc biệt, mà còn vì đam mê của cậu với xác sống. Hình ảnh xác sống xuất hiện từ cách trang trí căn phòng đến những vật dụng cậu dùng hàng ngày và những phim cậu xem. Cậu thích những thứ kinh dị siêu nhiên đó, nhưng cũng chính khả năng siêu nhiên của mình đã khiến cậu bị mọi người xa lánh và bắt nạt, ngoài Neil.

Neil là một nhân vật bạn thân đáng chú ý. Cậu cũng bị các học sinh khác chọc ghẹo vì mập, nhưng chính sự hồn nhiên của cậu đã phần nào xoa dịu được Norman trong lúc cả hai cùng bị bắt nạt. Ít ra với tôi, Neil chính là hiện thân của những sự tích cực chúng ta hằng ao ước: không ngại khó, dũng cảm, hài hước, và tình yêu thú vật trong trẻo. Cảnh cậu chơi cùng chú chó đã mất dù không thể nhìn thấy nó là một trong những cảnh khó quên.

Tôi thật sự thích gia đình của Norman. Họ có thể không hiểu cậu, không tin cậu có khả năng siêu nhiên lúc đầu, nhưng đến khi cần thiết, họ vẫn hành động vì lợi ích và sự an toàn của Norman. Tôi thích người mẹ dịu dàng ân cần của cậu, thấy thú vị với người chị đỏng đảnh nhưng thương em của cậu, nhưng ấn tượng nhất vẫn là cha cậu. Khi cậu buồn bã than với mẹ rằng làm cha thì không nên sợ con mình, mẹ cậu đã cho cậu biết ông không sợ cậu, mà sợ những gì xảy đến với cậu. Và chỉ một câu nói “Vì sao lại phải là con?” của ông khi thấy cậu gánh vác trách nhiệm quá nặng nề đã làm tôi thương ông quá đỗi.


Gia đình của Norman


Có lẽ không thể không nhắc đến dàn xác sống trong phim. Tôi từng nghĩ họ hoặc là nhóm nhân vật phản diện của phim hoặc sát cánh cùng cậu chống một thế lực phản diện khác, nhưng thì ra họ còn đóng vai trò quan trọng hơn như thế. Khác với những xác sống vô hồn khát não thường thấy, ở họ người xem chỉ nhìn thấy một nét buồn và bất lực phảng phất. Họ cũng là những người đi tìm sự giải thoát, đi tìm sự chuộc lỗi. Tội nghiệp hơn nữa là họ đã gặp phải những hậu nhân đáng gờm của mình, những người gặp xác sống không chạy tán loạn mà xúm vào tẩn cho một trận ra trò.

Tuy không đạt được mức quyến rũ đầy mê hoặc của Coraline (tôi còn nhớ mình đã từng mê mẩn khu vườn trong Coraline đến thế nào) nhưng ParaNorman vẫn đáng được khen ngợi về mặt hình ảnh. Những khung hình gọn ghẽ, màu sắc phù hợp với diễn tiến câu chuyện, đã giúp bộ phim hoàn thành tốt nhiệm vụ kể chuyện của mình. Ấn tượng nhất với tôi vẫn là những đoạn ở nghĩa địa và đoạn đối đầu cuối phim. Mạnh mẽ, táo bạo, và đầy cảm xúc, như chính bản thân câu chuyện này.

Jon Brion đã trở thành tên nhà soạn nhạc phim thứ ba mà tôi buộc mình phải ghi nhớ, sau Daft Punk và Hans Zimmer. Có lẽ vẫn còn một chặng đường đáng kể để Jon trở thành “phù thủy nhạc phim” như Hans hay tạo ra những giai điệu làm lu mờ cả phần hình ảnh ấn tượng trong Tron: Legacy như Daft Punk, nhưng anh đã khiến người ta phải nhớ đến tên mình. Những giai điệu da diết như được chính ánh chiều tà gảy lên hay dồn dập như chính nhịp tim của nhân vật vào những đoạn cao trào đã khiến tôi phải tròn mắt trong suốt thời gian xem phim. Đến khi những dòng "credits" khép lại câu chuyện điện ảnh này, anh vẫn bắt tôi phải ngồi lại ghế vì Oh, and One More Thing.

Vẫn còn một vài yếu tố chưa tròn vẹn, nhưng ParaNorman đã mang đến cho tôi, và nhiều khán giả khác, một tác phẩm đáng nhớ về nhiều phương diện. Nỗi chán chường khi thấy Pixar đang dần không giữ được phong độ của mình nay đã được ParaNorman xóa bớt. Giai điệu da diết của Norman’s Walk chắc chắn sẽ còn đọng lại rất lâu trong tôi, cũng như câu nói của Norman: “Đôi khi chúng ta dành quá nhiều thời gian để nhớ những kẻ làm tổn thương mình mà quên mất những ai yêu thương mình.”


© Mai Khanh @Quaivatdienanh.com
Users browsing this topic
Guest
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.

SoClean Theme By Jaben Cargman (Tiny Gecko)
Powered by YAF | YAF © 2003-2010, Yet Another Forum.NET
This page was generated in 0.407 seconds.