logo

Welcome Guest! To enable all features please try to register or login.
[Mỹ | 2013] The Great Gatsby | Đại gia Gatsby
Lữ Khách Offline
#1 Posted : Saturday, December 15, 2012 7:40:50 AM(UTC)

Rank: Passenger Service

Medals: Huân chương Thuyền trưởng: Vì mỗi ngày thức dậy lúc 5h 'cho em măm' và những ngày cuối tuần cafe làm việc cho QVĐA của chúng taChân vịt vàng: Đóng góp thầm lặng của bạn đem lại nét đẹp sống động cho Quái vật Điện ảnh

Groups: Crew Officer, CTV, Moderator
Joined: 10/20/2010(UTC)
Posts: 8,040
Location: Lữ quán

Thanks: 4743 times
Was thanked: 2346 time(s) in 1715 post(s)
The Great Gatsby




Tên phim gốc: The Great Gatsby
Tên phát hành ở Việt Nam: Đại gia Gatsby
Đạo diễn: Baz Luhrmann
Nguyên tác: F. Scott Fitzgerald
Kịch bản: Baz Luhrmann, Craig Pearce
Ngày phát hành: 10/5/2013 (Mỹ)
Thể loại: Tâm lý – Lãng mạn
Xếp loại:
Thời lượng:
Nước sản xuất: Mỹ
Hãng sản xuất:
- Bazmark Films
- Red Wagon Productions
- Village Roadshow Pictures
Các diễn viên chính:
Leonardo DiCaprio ... Jay Gatsby
Tobey Maguire ... Nick Carraway
Isla Fisher ... Myrtle Wilson
Jason Clarke ... George Wilson
Carey Mulligan ... Daisy Buchanan
Joel Edgerton ... Tom Buchanan

Nội dung chính:
Nick Carraway, một người trung tây Hoa Kỳ hiện đang sống ở Long Island, thấy mình bị cuốn hút bởi lối sống xa hoa và quá khứ bí ẩn của người hàng xóm, Jay Gatsby. Anh bị kéo vào giới người của Gatsby, trở thành một nhân chứng cho nỗi ám ảnh và bi kịch.

Trang IMDb: Click vào đây
Trang web chính thức: Click vào đây

Trailer: Click vào đây
1 user thanked Lữ Khách for this useful post.
Yên Khuê on 12/17/2012(UTC)
Lữ Khách Offline
#2 Posted : Saturday, April 13, 2013 8:07:25 AM(UTC)

Rank: Passenger Service

Medals: Huân chương Thuyền trưởng: Vì mỗi ngày thức dậy lúc 5h 'cho em măm' và những ngày cuối tuần cafe làm việc cho QVĐA của chúng taChân vịt vàng: Đóng góp thầm lặng của bạn đem lại nét đẹp sống động cho Quái vật Điện ảnh

Groups: Crew Officer, CTV, Moderator
Joined: 10/20/2010(UTC)
Posts: 8,040
Location: Lữ quán

Thanks: 4743 times
Was thanked: 2346 time(s) in 1715 post(s)
The Great Gatsby dời sang hè 2013



Bộ phim 3D của đạo diễn Baz Luhrmann The Great Gatsby sẽ ra mắt ở Mỹ và Canada ngày 10/5/2013, và toàn thế giới vào tuần tiếp sau đó. Thoạt đầu phim được lên lịch ra rạp vào ngày Giáng sinh, nhưng Warner Bros. đã quyết định lùi ngày phát hành.

Bản chuyển thể cuốn tiểu thuyết kinh điển của F. Scott Fitzgerald năm 1925 có Leonardo DiCaprio, Tobey Maguire, Carey Mulligan, và Joel Edgerton đóng. Phim không muốn cạnh tranh với The Hobbit: An Unexpected Journey, Les Misérables, This is 40, Zero Dark Thirty, Django Unchained, và nhiều bom tấn khác của tháng 12.

“Khán giả đang rất trông đợi bản chuyển thể điện ảnh của Baz Luhrmann một trong những cuốn tiểu thuyết được yêu mến nhất mọi thời đại, và chúng tôi cảm thấy rằng bộ phim ngông cuồng và kịch tính này là cách tốt nhất để chúng tôi kích hoạt dàn phim hè 2013 của chúng tôi,” chủ tịch phát hành nội địa của Warner Bros. Dan Fellman nói trong thông cáo báo chí.

Lữ Khách Offline
#3 Posted : Saturday, April 13, 2013 8:10:56 AM(UTC)

Rank: Passenger Service

Medals: Huân chương Thuyền trưởng: Vì mỗi ngày thức dậy lúc 5h 'cho em măm' và những ngày cuối tuần cafe làm việc cho QVĐA của chúng taChân vịt vàng: Đóng góp thầm lặng của bạn đem lại nét đẹp sống động cho Quái vật Điện ảnh

Groups: Crew Officer, CTV, Moderator
Joined: 10/20/2010(UTC)
Posts: 8,040
Location: Lữ quán

Thanks: 4743 times
Was thanked: 2346 time(s) in 1715 post(s)
The Great Gatsby mở màn Liên hoan phim Cannes



The Great Gatsby, phim mới của Baz Luhrmann với Leonardo DiCaprio trong vai chính, sẽ được chiếu tại lễ khai mạc Liên hoan phim Cannes lần thứ 66.

Phim sẽ được chiếu dưới hình thức phim không tranh giải, theo sự lựa chọn chính thức của ban tổ chức, tại Phòng chiếu Lumiere trong tòa Lâu đài Liên hoan vào ngày 15/5.

Leonardo DiCaprio đóng chính trong bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết của F. Scott Fitzgerald. Bộ phim diễn ra tại bờ Đông nước Mỹ vào thập kỷ 1920, kể về cuộc đời và cuộc tình bi kịch của Jay Gatsby (DiCaprio đóng) theo lời kể của người bạn Nick Carraway (Tobey Maguire đóng). Carey Mulligan vào vai Daisy Buchanan; chồng cô do Joel Edgerton đóng. Kịch bản do Luhrmann và Craig Pearce viết.

“Được mở màn Cannes là một vinh dự rất lớn đối với đoàn làm phim," Luhrmann phát biểu. “Chúng tôi rất vui được trở lại đất nước và liên hoan luôn có một chỗ rất đặc biệt trong trái tim chúng tôi. Phim đầu tiên của tôi, Strictly Ballroom, cũng được chiếu ở đây cách đây 21 năm, nhưng cùng lúc đó F. Scott Fitzgerald đã viết một số đoạn tiểu thuyết nổi tiếng và cảm động nhất của cuốn sách cách đây không xa, trong một biệt thự ở St. Raphael.”

Gatsby sẽ là phim thứ hai của Luhrmann được mở màn Liên hoan phim Cannes, sau Moulin Rouge vào năm 2001.

Đây là lần thứ hai liên hoan sẽ mở màn với phim 3D, sau Up vào năm 2009.

Gatsby ra mắt ở Mỹ vào 10/5 và ở Pháp vào ngày công chiếu ở Cannes.

Đây sẽ là lần đầu DiCaprio trở lại liên hoan này sau khi cho ra mắt phim tài liệu do chính anh sản xuất, The 11th Hour ở đây vào năm 2007.

Casper Offline
#4 Posted : Wednesday, May 29, 2013 11:15:21 AM(UTC)

Rank: Captain

Medals: Huân chương Sao biển: Dành cho Thuyền trưởng Dê Xồm - vì anh đã lèo lái con tàu này trong mọi hoàn cảnh! Yên Khuê

Groups: Administrator
Joined: 10/20/2010(UTC)
Posts: 1,601
Location: Hải Phòng

Thanks: 3136 times
Was thanked: 2010 time(s) in 805 post(s)
11 điều bạn chưa biết về The Great Gatsby



F. Scott Fitzgerald luôn muốn tiểu thuyết The Great Gatsby của ông trở thành một “thành tựu nghệ thuật có nhận thức.”

Ngày nay, tiểu thuyết này chính là thành tựu như thế.

Tiểu thuyết Mỹ kinh điển này là tác phẩm bắt buộc trong tất cả các lớp học Ngữ văn ở các trường học nói tiếng Anh. Tuy nhiên, từng có một thời không ai muốn đọc về Gatsby và Daisy, người tình đã mất của anh.

Trong khi chờ đợi sự ra mắt của bộ phim chuyển thể của Baz Luhrmann (phát hành ở Việt Nam với tựa Đại gia Gatsby), ta có thể đọc lại tác phẩm gốc. Trước 182 trang tiểu thuyết là phần giới thiệu dài 22 trang của Charles Scribner III.



Chắc hẳn bạn đã từng bỏ qua phần giới thiệu này, đọc cho xong cuốn sách để nghiền ngẫm về ý nghĩa của hình ảnh ánh đèn xanh ở cuối bến tàu và đôi mắt luôn quan sát của bác sĩ T. J. Eckleberg.

Nếu bạn đọc lại sách trước khi phim phát hành, chúng tôi đề nghị bạn đọc cả phần giới thiệu của Scribner nữa.

Phần giới thiệu chia sẻ nhiều chi tiết về bản thảo ban đầu của cuốn tiểu thuyết của Fitzgerald, quá trình lâu dài và khó nhọc mà ông trải qua để viết nó – quyết định tên tiểu thuyết là một trong những công việc khó khắn nhất – và thất bại ngay tức thì của cuốn sách.

Có thể nói, Gatsby đơn giản là đi trước thời đại.

11. Cuốn tiểu thuyết chịu nhiều ảnh hưởng từ vở kịch không thành công của Fitzgerald The Vegetable: or from President to Postman



Fitzgerald đã mất một năm rưỡi viết vở kịch hài này – một tác phẩm châm biếm về Giấc mơ Mỹ và chế nhạo chính quyền Tổng thống Harding. Ông từng hy vọng vở kịch sẽ biến mình thành một nhà biên kịch Broadway nổi tiếng.

Nhà văn trẻ này bắt đầu viết Gatsby sau khi bản thảo đầu tiên của Vegetable hoàn thành trong khi đi lại từ Long Island, vùng Great Neck đến thành phố New York để diễn tập.

Vegetable có một đêm mở màn thảm họa vào mùa thu năm 1923 ở thành phố Atlantic, New Jersey.

10. Bối cảnh ban đầu của Gatsby là ở vùng Trung Tây nước Mỹ – không phải ở New York – vào khoảng năm 1885



Ý tưởng ban đầu là có một “yếu tố Công giáo” trong tiểu thuyết.

Ngày nay, câu chuyện diễn ra vào mùa hè năm 1922 – trong suốt thời hoàng kim của nhạc jazz - ở cả Long Island lẫn thành phố New York.

9. Có một câu chuyện ngắn về thời thơ ấu của Gatsby



Trong bản thảo Gatsby đầu tiên của Fitzgerald, ông viết về một cậu bé theo Công giáo trưởng thành ở vùng Trung Tây nước Mỹ.

Theo Fitzgerald, câu chuyện này mô tả thời thơ ấu của Gatsby ở đoạn mở đầu, tuy nhiên, phần này bị lược bỏ khỏi tiểu thuyết xuất bản.

Thay vì vậy, mẩu chuyện ngắn được xuất bản trước The Great Gatsby gần một năm vào tháng 6 năm 1925 dưới tên Absolution.

8. Ernest Hemingway ghét trang bìa nổi tiếng hiện giờ của cuốn tiểu thuyết



Ông mô tả đó là “trang bìa xấu nhất mà ông từng thấy.”

7. Fitzgerald từng do dự về tựa The Great Gatsby (Đại gia Gatsby)…



Thay vì thế, ông đã nghĩ ra những tựa sau: Among the Ash-Heaps and Millionaires (tạm dịch: Giữa đống tro tàn và những kẻ triệu phú), Trimalchio in West Egg (tạm dịch: Trimalchio ở West Egg), Gold-Hatted Gatsby (tạm dịch: Gatsby mũ vàng), The High-Bouncing Lover (tạm dịch: Người tình bay cao), On the Road to West Egg (tạm dịch: Trên đường tới West Egg) và đơn giản là Gatsby.

6. …quá do dự đến nỗi ba tuần trước khi cuốn tiểu thuyết xuất bản vào ngày 20/4/1925, Fitzgerald đã yêu cầu đổi tựa thành Under the Red, White, and Blue (tạm dịch: Dưới lá cờ đỏ, trắng, xanh)



Tuy nhiên, đã quá muộn để thay đổi, và tựa vẫn là The Great Gatsby.

5. Có một bản in phiên bản The Great Gatsby ban đầu với tựa Trimalchio in West Egg



Trimalchio là một nhân vật hư cấu trong tiểu thuyết Satyricon xuất bản năm 1664, người đã trở nên giàu có và thành công nhờ làm việc chăm chỉ.

4. The Great Gatsby là một thất bại về mặt thương mại khi phát hành



Trong khi Fitzgerald hy vọng tác phẩm tâm đắc nhất của ông có thể bán 75.000 bản vào năm 1925, lần xuất bản đầu tiên bán được hơn 20.000 bản – chỉ đủ để hoàn trả nhà xuất bản Scribners.

3. Những đánh giá ban đầu xem cuốn sách là thứ vứt đi



Không phải tất cả những đánh giá đều có cùng ý kiến nhưng có một số bài bình luận đã chê Gatsby một cách thậm tệ.

“…Bài bình đầu tiên ra mắt ở New York, chỉ hai ngày sau khi xuất bản, có tựa Tác phẩm đáng bỏ đi nhất của F. Scott Fitzgerald. Nhà phê bình của Brooklyn Eagle khẳng định cô không thể tìm thấy ‘chút dấu hiệu gì của phép màu, cuộc sống, sự châm biếm, lãng mạn hay thần bí trong The Great Gatsby và kết luận rằng ‘cậu bé’ [chỉ Fitzgerald] chỉ đang ‘chơi bời’.”

2. Fitzgerald cho rằng doanh thu nghèo nàn là vì tựa cuốn tiểu thuyết



Lúc đó ông tuyên bố rằng cuốn sách không có các nhân vật nữ để thu hút độc giả nữ đang kiểm soát thị trường tiểu thuyết.

Song, Daisy Buchanan xuất hiện trong vai trò người tình của nhân vật chính và được mô tả trên trang bìa nổi tiếng của cuốn tiểu thuyết.

1. Fitzgerald qua đời trước khi kiệt tác của ông trở nên thành công



Khi nhà văn qua đời vào năm 1940, vẫn còn những cuốn Gatsby tồn kho trên kệ.

Phải mất hơn một thập kỷ để câu chuyện tìm được một nhóm người ủng hộ trong một thế hệ mới. Trước năm 1959, cuốn tiểu thuyết bán được ở mức 50.000 cuốn trong một năm.

Có ý kiến là cuốn tiểu thuyết có được độc giả sau khi Nhà xuất bản Quân đội Mỹ phân phát miễn phí cuốn sách này cho quân đội Mỹ trong suốt Thế chiến thứ II.

Dịch: © Minh Phát @ Quaivatdienanh.com
Nguồn: Business Insider


Dreams see us through to forever
Casper ♥ Yên Khuê ~ Balloon House of Dreams
Casper Offline
#5 Posted : Wednesday, May 29, 2013 11:24:08 AM(UTC)

Rank: Captain

Medals: Huân chương Sao biển: Dành cho Thuyền trưởng Dê Xồm - vì anh đã lèo lái con tàu này trong mọi hoàn cảnh! Yên Khuê

Groups: Administrator
Joined: 10/20/2010(UTC)
Posts: 1,601
Location: Hải Phòng

Thanks: 3136 times
Was thanked: 2010 time(s) in 805 post(s)
Người giàu có khác: họ lên phim 3D



Với Avatar, 3D chinh phục thế giới.

Với The Great Gatsby, có lẽ cuối cùng 3D đã chín muồi.

Một thử thách táo bạo cho bản thân và khán thính giả, Baz Luhrmann - đạo diễn người Úc với các tác phẩm như AustraliaMoulin Rouge! - đang có kế hoạch phát hành phiên bản gồm nhiều ngôi sao với kinh phí lớn của cuốn tiểu thuyết được nhiều người ái mộ của F. Scott Fitzgerald về Thời đại nhạc Jazz vào Giáng sinh tới.

Trong phim Leonardo DiCaprio vào vai Jay Gatsby, Carey Mulligan trong vai Daisy Buchanan và Tobey Maguire là người kể chuyện, Nick Carraway.

Dưới định dạng 3-D

Phim của Luhrmann sẽ ra mắt sau Avatar, một siêu phẩm khoa học viễn tưởng do James Cameron đạo diễn, trở thành thành công lớn nhất trong lịch sử điện ảnh, với 2,8 tỉ đôla doanh thu trên toàn thế giới, ba năm. Avatar chứng minh rằng thế hệ công nghệ 3D mới có thể khiến khán giả đắm chìm trong thế giới tưởng tượng như thật, một hành tinh giả tưởng Pandora.

Nhưng The Great Gatsby, do Luhrmann chuyển thể kịch bản với cộng sự lâu năm Craig Pearce, sẽ cho biết liệu 3D có thể thực sự phục vụ diễn viên khi họ vùng vẫy trong câu chuyện phức tạp được xếp đặt gọn ghẽ trong thế giới tự nhiên.

Nếu The Great Gatsby thành công, nó có thể mở cánh cửa cho một thế hệ phim điện ảnh sắc sảo mới, sẽ đáp ứng chất lượng quang cảnh của những phim hoạt hình (Happy Feet Two), phim hành động (Underworld: Awakening) và những câu chuyện phiêu lưu tinh vi (Hugo, The Adventures of Tintin) hiện đang phủ kín lịch trình ra mắt phim 3D của Hollywood.


Từ trái qua, Tobey Maguire, Leonardo DiCaprio, Carey Mulligan và Joel Edgerton trong phần mô phỏng định dạng
The Great Gatsby của Baz Luhrmann


Điều này cũng có thể bù đắp điều còn thiếu trong mùa giải Oscar – sức nóng của một bộ phim có thể phá vỡ rào cản đầy dứt khoát, như Gone With the Wind, phim xuất sắc nhất với đủ màu sắc lần đầu tiên, hay The Lord of the Rings: The Return of the King, nếu như người giành giải Oscar đầu tiên bị thu hút bởi hiệu ứng tưởng tượng và sắp đặt của nó.

“‘Hiệu ứng đăc biệt’ trong phim này đang chứng kiến những diễn viên xuất sắc ở đỉnh cao sự nghiệp đấu đá nhau,” Luhrmann giải thích trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại.

Ông cho biết sử dụng 3D không nhằm tạo ra những viễn cảnh rùng rợn hoặc những đe dọa đến với người xem, thay vào đó là tìm ra một sự quen thuộc mới trong điện ảnh. Ông đặc biệt đề cập đến một cảnh đỉnh điểm trong đó người chồng của Daisy, Tom Buchanan (do Joel Edgerton thủ vai), chạm trán với Gatsby của DiCaprio trong một phòng của khác sạn Plaza, tất cả dưới định dạng ba chiều.

“Làm thế nào bạn khiến nó như thể bạn ở trong căn phòng?” ông hỏi.

Luhrmann sẽ phải chiến thắng sự mâu thuẫn trong tư tưởng của khán giả, những người đã hoàn toàn chấp nhận công nghệ 3D, đặc biệt là ở Bắc Mỹ. Tuy có sự thành công của Avatar, 3D vẫn có chút thất bại với những thử nghiệm danh tiếng như Pirates of the Caribbean: On Stranger TidesGreen Lantern, và các xưởng phim phải làm việc chăm chỉ để thuyết phục người xem rằng có một lý do thực sự cho điều này hơn là khát vọng thu về lợi nhuận cao hơn của Hollywood. (Tintin Hugo đã thành công với phiên bản 3D.)

Hệ quả là, khán giả gia tăng chọn lựa 3D, mặc dù người xem nước ngoài – nơi hiện nay các bộ phim có thể thu về 70% lợi nhuân của mình – ngày càng thích công nghệ này bởi với họ nó mới hơn.

Luhrmann nói rằng ý tưởng quay Gatsby, phim ông sẽ ra mắt với công ty Warner Brothers và Village Roadshow, đến với ông từ một thập kỷ trước. Ông đã hoàn thành Moulin Rouge!, một sự phối hợp rực rỡ của văn hóa nhạc kịch, và đã du lịch từ châu Á sang châu Âu bằng đường sắt xuyên Siberi với, mà ông biêu tả là, “vài chai rượu đỏ Úc” và tai nghe.

Trong máy nghe, Luhrmann nói, có hai cuốn sách ghi âm. Một là The Great Gatsby. Sau khi nghe một hoặc hai ngày, ông bắt đầu băn khoăn vì sao cuốn tiểu thuyết của Fitzgerald, mà ông nói ông thấy “sâu sắc” tuột khỏi mắt các nhà làm phim, hết người này đến người khác.

Luhrmann đã xem bản năm 1974 do Jack Clayton đạo diễn, trong đó Robert Redford vào vai chính. Redford “là điều tuyệt nhất trên thế giới,” ông nhớ lại. Nhưng bộ phim, theo lời ông, không thực sự cho thấy “Gatsby là ai.”

Năm 1949 Alan Ladd vào vai Gatsby, một người nghèo trở nên giàu có, trong bản do Elliott Nugent đạo diễn.

Năm 1949 Alan Ladd vào vai Gatsby, tên lưu manh xuất chúng, trong bản do Elliott Nugent đạo diễn. Nhận xét về phim này trên The New York Times, Bosley Crowther cho rằng vấn đề của phim là “kịch bản yếu,” đạo diễn có vẻ “hoàn toàn giả tạo và cứng đơ,” và bản làm lại của Ladd “có kiểu nhân vật thường thấy mà ông luôn diễn.”

Luhrmann đã không thành công trong việc tìm kiếm kịch bản của bản phim Gatsby đầu tiên, một phim câm do Herbert Brenon đạo diễn, với Warner Baxter thủ vai Gatsby. Phim được ra mắt vào năm 1926, chỉ một năm sau khi tiểu thuyết được xuất bản lần đầu tiên.

Motion Picture News đã rất ấn tượng. “Đó là một câu chuyện sắc sảo, được kể với ánh sáng và bóng tối hoàn hảo,” được viết bởi người đánh giá, Laurence Reid.

Tuy nhiên, việc khai mở tiềm năng của bộ phim trong một cuốn sách nhỏ với những đề tài - việc gia tăng địa vị xã hội, tội buôn lậu thời Mỹ cấm rượu bia, hôn nhân không chung thủy, và chủ nghĩa tự nhận thức bản thân của gần một thế kỷ trước – bị hạn chế trong một kịch bản cô đọng nhưng mang tính nhạc kịch xa lạ, được để lại cho Luhrmann. (Cũng có một bản nhạc kịch vào năm 1999, do Đoàn nhạc thính phòng trung ương thực hiện và được phối bởi John Harbison.)

Cameron, người đã thực hiện Avatar, có một bài thuyết phục Luhrmann rằng 3D có thể giúp ông tìm thấy thứ còn thiếu trong Gatsby. Để thẩm định tiềm năng của diễn viên với 3D mà không sử dụng mánh khóe là những chuỗi điệu bộ đương đại, Luhrmann đã tìm đến sự giúp đỡ ở phiên bản 3D Dial M for Murder của Alfred Hitchcock, từ năm 1954. Điều này không dễ dàng. Ông chỉ tìm thấy hai chiếc máy chiếu, một tại New York, một ở Burbank, Calif., vẫn còn chiếu phim này.


Leonardo DiCaprio, bên trái, cùng với Baz Luhrmann tại phim trường
The Great Gatsby, ra mắt theo kế hoạch vào tháng 12


Cảm giác trải qua bộ phim cùng với Ray Milland, Grace Kelly và Robert Cummings đã dẫn đến thỏa thuận – cho cả ông và DiCaprio và toàn đoàn, những người cũng đã học tác phẩm này của Hitchcock. “Nó như một vở kịch,” Luhrmann nói.

Michael Lewis, giám đốc điều hành nhà cung cấp công nghệ 3D RealD, nói, “Đây là bước cuối cùng trong quá trình trưởng thành của công nghệ này.” Lewis phát biểu trong Hội chợ tiêu dùng điện tử tại Las Vegas tuần trước.

Những nhà làm phim khác đang tiếp tục với những bộ phim hoàn thiện dưới định dạng ba chiều, nhưng có thể ít hơn được ủng hộ, đem đến sự náo nhiệt đã từng bao phủ lấy Avatar tại thời điểm ra mắt vào tháng 12/ 2009.

Steven Soderbergh suýt nữa đã quay Contagion dưới định dạng 3D, nhưng rút lại khi thử nghiệm cho thấy những khó khăn trong việc lấy cận cảnh và những cảnh tinh vi khác. Titanic của Cameron, một phim nhiều hành động lớn hơn Gatsby, sẽ được tái phát hành dưới định dạng 3D vào tháng 4.

RealD, phối hợp với Nhà hát hoàng gia trong phiên bản 3D của Carmen, sẽ tiếp tục với Madama Butterfly trong vài tháng tới, Lewis nói.

Sự yêu thích nở rộ dành cho 3D đã “ổn định ở một nơi cực kỳ, cực kỳ tốt,” Dan Fellman, giám đốc phân phối nội địa của Warner, cho biết. Fellman nói ông đã bắt đầu bị cuốn hút bởi tính tiềm năng trong phim của Luhrmann – bộ phim được quay tại Úc, với kinh phí khoảng 125 triệu đôla trước khi chính phủ cắt giảm – sau khi xem những cảnh được ông gọi là một sự tiến tới gần như “tiềm thức” với công nghệ này.

“Bạn bị chìm đắm trong phong cách sống của Gatsby,” Fellman nói. “Bạn ở trong thế giới của anh, chuyển từ phòng này tới phòng khác.”

(Nhà sản xuất của Gatsby, cùng với người quen của Luhrmann Catherine Martin và Catherine Knapman, bao gồm cả Douglas Wick và Lucy Fisher, sở hữu hãng Red Wagon Productions đã thực hiện bộ phim phiêu lưu Stuart Little đầy chất công nghệ.)

Một số sẽ sợ hãi, Luhrmann hiểu, rằng ông đang xâm phạm một cuốn tiểu thuyết thiêng liêng. Trên tất cả, ông là một đạo diễn, người vào năm 1996 đã mời DiCaprio và Claire Danes vào bản mô phỏng theo phong cách MTV tác phẩm của Shakespeare, Romeo + Juliet.

“Mọi người thường có ý kiến mạnh mẽ và trái ngược nhau khi bạn đề cập đến 3D, hoặc The Great Gatsby, hoặc Baz Luhrmann,” ông nói.

Nhưng Fitzgerald, ông quả quyết, hẳn sẽ bằng lòng.

“Ông là một người hiện đại,” Luhrmann nói. “Ông chịu ảnh hưởng bởi điện ảnh rất nhiều.”

Dịch: © Chi Nguyễn @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The New York Times


Dreams see us through to forever
Casper ♥ Yên Khuê ~ Balloon House of Dreams
Lữ Khách Offline
#6 Posted : Wednesday, June 26, 2013 12:12:08 PM(UTC)

Rank: Passenger Service

Medals: Huân chương Thuyền trưởng: Vì mỗi ngày thức dậy lúc 5h 'cho em măm' và những ngày cuối tuần cafe làm việc cho QVĐA của chúng taChân vịt vàng: Đóng góp thầm lặng của bạn đem lại nét đẹp sống động cho Quái vật Điện ảnh

Groups: Crew Officer, CTV, Moderator
Joined: 10/20/2010(UTC)
Posts: 8,040
Location: Lữ quán

Thanks: 4743 times
Was thanked: 2346 time(s) in 1715 post(s)
3D hay không 3D: Hãy chọn vé đúng để xem Đại gia Gatsby



Làm sao The Great Gatsby (phát hành ở Việt Nam với tựa Đại gia Gatsby) lại là bộ phim 3D đầu tiên của Baz Luhrmann chứ?

Nhà đạo diễn người Úc đã định nghĩa sự cường điệu với phim Moulin Rouge! và thể hiện sự sẵn sàng để chơi đùa với những tác phẩm kinh điển trong Romeo + Juliet; ông ấy dường như đúng là người sẽ nắm lấy công nghệ mới của định dạng 3D để tạo ra những điều mới mẻ cho một câu chuyện quen thuộc, và giờ đây ông đã làm chính xác điều đó với The Great Gatsby. Nếu bạn sắp chuyển thể tiểu thuyết kinh điển của F. Scott Fitzgerald và đưa thêm hip-hop và nhạc Lana del Rey vào phần nhạc phim, tại sao lại không cho nó vào định dạng 3D luôn thể?

Nhưng khi bạn xem The Great Gatsby dịp cuối tuần này, bạn sẽ có thể lựa chọn liệu mình có muốn trả phần phụ phí cho 3D hay không – và đó là chỗ của chúng tôi. Bài mới nhất của mục 3D hay không 3D sẽ xem xét từng bước một những hiệu ứng 3D của bộ phim, để giúp bạn biết bạn có nên đeo lên chiếc kính 3D vào cuối tuần này hay không.

Tính phù hợp



À, còn tùy thuộc chúng ta đang nói đến cái gì. Quyển tiểu thuyết kinh điển The Great Gatsby có phải là cuốn đầu tiên bạn nghĩ đến khi tưởng tượng về những quyển sách phải trở thành phim 3D không? Tuyệt đối không. Có phải Baz Luhrmann là đạo diễn dường như được sinh ra đã mang sẵn cặp kính 3D không? Dứt khoát là có. Và mặc dù hầu hết chúng ta ước rằng công nghệ 3D đã xuất hiện khi Lurhmann làm phim Moulin Rouge!, cảnh phim bữa tiệc hoang dại của Gatsby hơn hẳn những cảnh đối thoại lặng lẽ và khiến bộ phim phù hợp một cách khá tự nhiên với định dạng này.

Điểm: 4/5

Kế hoạch & công sức



Kể cả trước khi chính thức thực hiện bộ phim, Luhrmann đã xem xét làm nó ở định dạng 3D, ngay khi quay những cảnh thử với DiCaprio và Maguire để xem những chiếc máy quay 3D hoạt động thế nào. Ông quay bộ phim sử dụng máy quay 3D Red Epic, và ông và hãng phim thậm chí hoãn lại ngày phát hành để họ có thể làm hiệu ứng 3D thậm chí hoàn hảo hơn. Cứ nói những gì bạn muốn về lựa chọn dùng 3D, nhưng một khi đã tận tâm làm, Luhrmann chắc chắn mình làm đúng.

Điểm: 5/5

Trước màn ảnh



Đây là một bộ phim tâm lý thời đại về một chuyện tình bất hạnh – có bao nhiêu cơ hội những vật thể 3D bay ra ngoài màn ảnh về phía bạn? Và câu trả lời là, rất nhiều. The Great Gatsby gần như chắc chắn có túi hoa giấy lớn nhất lịch sử điện ảnh, với hai cảnh tiệc tùng khác nhau hoàn toàn bị phủ đấy thứ này, và tất cả chúng bồng bềnh xaung quanh bạn liên tục. Trên hết thảy những thừ đó là những bông hoa tuyết, sương mù bao phủ Long Island Sound, những nút bần rượu champagne - bạn cứ kể thêm vài thứ nữa, bay ra và bay thẳng vào bạn. Điều lạ là, hiệu ứng "xồ ra" này không "kêu" bằng những bộ phim khác dùng chung kỹ xảo. Lurhrman rõ ràng muốn bạn cảm nhận 3D theo cách của riêng bạn, nhưng ông không nỗ lực hết mình.

Điểm: 4/5

Sâu trong màn ảnh



Như trong tất cả các phim khác của Baz Luhrmann, có rất nhiều thứ nhồi nhét vào từng khung hình của The Great Gatsby, từ những đám đông khổng lồ tại bữa tiệc của Gatsby trong các biệt thự của Long Island Sound với khung cảnh đồ họa vi tính mở rộng của thành phố New York những năm 1920. Hiệu ứng 3D chỉ làm tăng độ sâu của nó, và cho bạn cơ hội để nhận thấy những bộ trang phục tuyệt đẹp hoặc nhân vật nam kỳ lạ ở hậu cảnh mà lẽ ra đã bị lướt qua. Bằng với điểm số mục “trước màn ảnh”, tuy nhiên, hiệu ứng ở đây không hiệu quả một cách lạ lùng. Bạn cảm thấy độ sâu thêm vào của hiệu ứng 3D, nhưng bạn không cảm thấy nó tận cùng như bạn có thể cảm thấy trong các bộ phim khác. Giả sử Luhrmann đã cạn kiệt với gần như tất cả các hiệu ứng khác của bộ phim, không hoàn toàn tận dụng lợi thế của định dạng này là một sự lựa chọn kỳ lạ.

Điểm: 4/5

Độ sáng



Có thể nói rằng đây là bộ phim 3D đầu tiên sáng quá chăng? Như bạn chắc chắn đã nhìn thấy trong trailer, The Great Gatsby tắm trong mọi màu sắc dưới ánh mặt trời, và giữa bối cảnh với đồ trang sức trên trang phục luôn có ánh sáng khắp nơi. Quay bằng máy quay 3D chắc chắn chỉ giúp đảm bảo rằng mọi thứ vừa đủ sáng để việc đeo kính 3D lên không làm mờ ảo đi chút nào.

Điểm: 5/5

Thử bỏ kính



Đây là lúc bạn thực sự có thể nhìn thấy kết quả của những gì tác giả bài viết đã nói trước đó, về việc hiệu ứng 3D của phim đáng chú ý như thế nào, nhưng không ấn tượng mạnh mẽ như bạn chờ đợi. Khi bạn bỏ kính của bạn ra ở giữa của một cảnh phim – ví dụ, một trong những bữa tiệc đông đúc của Gatsby - bạn sẽ nhận thấy có sự mờ ảo xung quanh các nhân vật. Càng nhòe, càng nhiều hiệu ứng 3D bạn sẽ thấy khi đeo kính trở lại. Gatsby hoàn toàn không có nhiều sự nhòe hình ảnh, rõ ràng là một sự lựa chọn có ý thức, nhưng điều này giúp bạn tổng hợp lý do vì sao hiệu ứng 3D trong phim này không hề nổi bật như lẽ ra là phải thế.

Điểm: 2/5

Sức khỏe của khán giả



Nếu bất cứ điều gì trong The Great Gatsby khiến bạn phát bệnh, nó sẽ không liên quan đến định dạng 3D. Luhrmann ưa thích những cảnh quay xoay tròn và cắt cảnh nhanh, và rất nhiều cảnh trong phim cố tình làm bạn mất phương hướng. Nhưng hãy công nhận sự thật – hiệu ứng 3D đặc biệt được dùng không phải để làm tăng cảm giác buồn nôn trong bạn. Đó có thể là một lý do chính vì sao hiệu ứng độ sâu không được như lẽ ra là phải thế. Nên trong khi những đợt oanh tạc ánh sáng lấp lánh có thể làm cho bạn cảm thấy hơi choáng váng, không nên đổ lỗi cho hiệu ứng 3D.

Điểm: 5/5


Bảng điểm

Tính phù hợp 4
Kế hoạch và công sức 5
Trước màn ảnh 4
Sâu trong màn ảnh 4
Độ sáng 5
Thử bỏ kính 2
Sức khỏe của khán giả 5
Tổng điểm 29 (trên tối đa 35 điểm)

Kết luận: Nếu bạn xem The Great Gatsby ở định dạng 3D, bạn có thể thấy mình rất bối rối - tại sao tất cả cảnh quay hoa giấy đều bắn ra ngoài màn hình? Kéo gần thành cận cảnh một thứ gì dường như không quan trọng để làm gì? Định dang 3D, mặc dù gần như không ấn tượng mạnh mẽ hoặc có ảnh hưởng lớn như nó có thể đạt đến, thì vẫn là một yếu tố quan trọng theo cách bộ phim được thực hiện. Và nếu bạn đang quan tâm đến Luhrmann với tư cách đạo diễn và những màn biểu diễn hoành tráng điên cuồng mà ông ấy có thể mơ đến, bạn nên xem phim này theo cách ông đã dự tính. Trong The Great Gatsby không có bất kỳ điều gì có thể làm thay đổi mãi mãi cách bạn xem phim 3D như phim Hugo đã làm được, nhưng nếu bạn chọn làm người tuyên truyền cho thương hiệu về sự cường điệu của Luhrmann, tại sao không trả thêm một ít


Dịch: © Hoài Nam @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Cinema Blend
Lữ Khách Offline
#7 Posted : Thursday, June 27, 2013 1:41:47 PM(UTC)

Rank: Passenger Service

Medals: Huân chương Thuyền trưởng: Vì mỗi ngày thức dậy lúc 5h 'cho em măm' và những ngày cuối tuần cafe làm việc cho QVĐA của chúng taChân vịt vàng: Đóng góp thầm lặng của bạn đem lại nét đẹp sống động cho Quái vật Điện ảnh

Groups: Crew Officer, CTV, Moderator
Joined: 10/20/2010(UTC)
Posts: 8,040
Location: Lữ quán

Thanks: 4743 times
Was thanked: 2346 time(s) in 1715 post(s)
Great Gatsby chia rẽ giới phê bình: Baz Luhrmann có phải là một đạo diễn giỏi?


Giống Moulin Rouge!Romeo + Juliet trước đó, The Great Gatsby (phát hành ở Việt Nam với tựa Đại gia Gatsby) vượt quá ngưỡng phô trương hào nhoáng bình thường, tạo hai luồng ý kiến từ phía khán giả: một là yêu thích, hai là xem thường. Một đạo diễn quá phân cực như thế liệu có phải là đạo diễn giỏi?

Khi có tin Baz Luhrmann sẽ đạo diễn một bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết The Great Gatsby của F. Scott Fitzgerald, giới bình luận phim, cư dân mạng cùng cả thế giới đều rùng mình. À không, cũng có người hét lên vì sung sướng. Mà cũng có người cảm thấy buồn nôn với ý tưởng này. Và cũng có người làm cả một bộ lịch đếm ngược tới này công chiếu.


Đạo diễn Baz Lurhmann trên trường quay The Great Gatsby


Có rất ít đạo diễn có thể gây nên những phản ứng đối lập như thế từ khán giả. Chỉ cần nhắc tới Luhrmann hay những phim trước của ông như Strictly Ballroom (1992), Romeo + Juliet (1996), Moulin Rouge! (2001), và Australia (2008) là bạn nghe cả những tiếng kêo ngao ngán và những lời hưởng ứng. Hai đội quân xung đột này giờ đây lâm vào trận chiến máu lửa nhất từ trước tới nay, khi một bộ phim "siêu-phong cách", đậm chất Luhrmann về mọi mặt, chuyển thể từ tác phẩm văn học kinh điển được cho là báu vật Mỹ, lên màn ảnh rộng trong vẻ 3D huy hoàng khoa trương: The Great Gatsby.

Nhưng cái gì trong “phong cách Baz” kia khiến khán giả trở nên đối đầu? Khi một đạo diễn khiến cho số người ghét bỏ cũng nhiều như số người hâm mộ, ông ta có còn được công nhận là một đạo diễn giỏi không?

Ngay cả trước khi Gatsby được công chiếu, danh tiếng của Luhrmann đã đến trước, khiến nhiều khán giả đưa ra những lời nhận xét về phim dù chưa hề xem phim. Bất kỳ ai từng xem Moulin Rouge! hay Romeo + Juliet đã quen với sở thích vẽ lên những hình ảnh tráng lệ, khả năng thiên bẩm tạo ra sự phô trương, và xu hướng khoe những màn trình diễn xa hoa của đạo diễn này, ngay cả khi có thể ông phải đánh đổi chất lượng câu chuyện để có những yếu tố đó. Khi trailer đầu tiên của Gatsby được công bố, cây bút Jen Chaney của tờ The Washington Post đã viết, "tùy quan điểm của bạn về ông Luhrmann, bạn có thể tự quyết xem cách tiếp cận làm phim này là báng bổ tác giả F. Scott Fitzgerald hay đơn giản là ông đang trở lại với phong cách của các phim như Moulin Rouge!, Romeo + Juliet Strictly Ballroom.”


Cảnh trong phim Moulin Rouge!


Nicole Kidman và Ewan McGregor cất tiếng hát một bản tình ca của Paul McCartney và Whiney Houston khi đứng trên đỉnh một cấu trúc hình con voi ở thành phố Paris lúc chuyển giao thế kỷ, với pháo hoa đồ họa vi tính nổ vang trên đầu họ trong phim Moulin Rouge! là một cảnh quyết định khán giả có quan điểm thế nào về Luhrmann: thiên tài hay tâm thần. Đưa cảnh gặp nhau của Romeo và Juliet đến thế giới hiện đại, cạnh một bể cá nhiệt đới tại "Bãi biển Verona" khiến khán giả phải công nhận điều này "thật sáng tạo!" hay "thật ngu xuẩn!"

Các bộ phim này rất có phong cách. Chúng quá phong cách. Chúng rất "Baz". "Khi nghĩ đến Baz Luhrmann và phong cách của ông, thật khó để không có ý kiến mạnh mẽ," Scott Meslow, biên tập mục giải trí tờ The Week, nói. "Nói theo cách khác, ông không phải là kiểu đạo diễn bạn thuê chỉ để làm một bộ phim nhạt nhẽo nào đó."

Mọi người cũng không hề kiêng nể khi đưa ra quan điểm của mình về phim của Luhrmann. Khi bình luận bộ phim, Eric Kohn viết, "Phát hành với định dạng 3D phô trương, với phần nhạc phim mang âm hưởng đương đại do Jay-Z thiết lập và quay với một máy quay tăng độ ảo tôn lên mọi góc cạnh của khung cảnh xa hoa, The Great Gatsby đã tạo tiêu chuẩn mới cho những bựa tiệc thị giác Hollywood đương đại. Dù phim thiếu chất lượng vật chất, nhưng có một điều không thể nhầm lẫn: Gatsby là một phát súng xịt trông rất lunh linh."


Cảnh trong phim The Great Gatsby


Kohn cho rằng nỗ lực mới nhất của đạo diễn này chỉ là một màn phô bày lố lăng khác, lấy phong cách đánh đổi nội dung cốt lõi, một tội lỗi hiện diện trong tất cả các tác phẩm Luhrmann từ Romeo đến Rouge , thẳng tiến đến Gatsby. Kohn cho rằng, khi nói tới lỗi lạm dụng hiệu ứng và kỹ xảo để thay thế cảm xúc và nội dung, Luhrmann còn phạm tội đó một cách nghiêm trọng hơn cả Michael Bay, một đối tượng khác hay “ăn gạch” của nhà phê bình phim này. "Nói về Transformers, tôi không thấy bị xúc phạm khi phim hoạt hình tôi từng xem bị biến thành cuốn sách cho trẻ em khổng lồ bằng khi xem cách Baz đã bóp méo Gatsby,” Kohn nói với The Daily Beast.

Trong khi tật xấu của Luhrmann có thể là việc lấy sự khoa trương bù cho chất lượng, một nhóm người hâm mộ ông lại cho rằng đó lại là ưu điểm. "Michael Bay bị ghét bỏ giống hệt như Luhrmann, nhưng Bay không có được những người bảo vệ hăng hái như Luhrmann," Meslow nói. Thật vậy, một cuộc bầu chọn của khán giả Anh vào năm 2010 đã tôn vinh Moulin Rouge! là phim hay nhất của thập kỷ, và bộ phim lọt vào bảng xếp hạng tương tự của tờ Entertainment Weekly Time. Đây là cùng một bộ phim mà David Edelstein, sau đó viết cho Slate Magazine, gọi là "một nét thẩm mỹ có vẻ hào phóng (mua vé một lần mà được hưởng tận hàng ngàn cảnh cao trào), nhưng cuối cùng lại không thể mang lại dù chỉ một khoảnh khắc cảm xúc chân thật. Bạn gần như không thể nhìn thấy rõ các nhân vật, vì chỉ thấy hình ảnh Luhrmann đang gào lên, ‘Hãy yêu tôi!’”

"Những bộ phim của ông ấy trơ tráo, có nhiều yếu tố không hợp thời đại," Rex Roberts, phó tổng biên tập tờ Film International, nói. "Ông vẽ vời một cách thái quá. Gatsby chính là một bộ phim như thế. Nhưng nếu bỏ qua những yếu tố đó, thì phim cũng khá thú vị."

Vậy những yếu tố đó là gì? Đó là một The Great Gatsby theo phong cách Baz Luhrmann, chứ không phải tác phẩm của F. Scott Fitzgerald, và với một số khán giả, thế là không chấp nhận được. Bộ phim có hình ảnh Carey Mulligan trong vai Daisy Buchanan nhợt nhạt lơ lửng trong đám mây đồ họa vi tính, với lời văn của Fitzgerald được viết hẳn ra trên màn hình 3D. Khán giả được đưa vào thế giới xa hoa này khi máy quay bay suốt chiều cao của tòa Empire State như trò chơi tàu lượn ở công viên Universal. Khi Leonardo DiCaprio xuất hiện trong vai Jay Gatsby, anh có làn da rám nắng nâu vàng, ăn mặc thật bảnh bao và tuyệt vời, và là Leonardo DiCaprio hoàn hảo trong giấc mơ của bạn tới mức pháo hoa phải nổ bung sau lưng anh.


Leonardo DiCaprio hoàn hảo tới mức pháo hoa phải nổ bung sau lưng anh


Marlow Stern của tờ The Daily Beast viết, "The Great Gatsby của Luhrmann giống như Cecil B. DeMille đang dùng chất kích thích… như Dạ tiệc của Viện Thời trang New York pha trộn với Cirque du Soleil pha trộn với Lễ khai mạc Thế vận hội Bắc Kinh." Chỉ cần liếc qua Rotten Tomatoes (với điểm 43%) và Metacritic (60%) sẽ cho thấy bữa tiệc Luhrmann đang tổ chức ở West Egg cũng chia rẽ giới phê bình không khác gì những tác phẩm khác của ông.

Kể cả những bài phê bình khen ngợi bộ phim cũng có những lời khuyến cáo khán giả phải cẩn thận và hiểu rõ bờ vực Luhrmann họ sắp nhảy xuống khi mua vé và đeo kính 3D cao sâu thế nào. "Bạn có thể tìm thấy lỗi trong hầu như tất cả các cảnh phim The Great Gatsby của Luhrmann – nhưng bất chấp những điều đó, cái hồn của Fitzgerald (và sự xa hoa của thời đại ông mô tả và sinh sống) vẫn hiện diện," David Edelstein viết cho tạp chí New York. Mỗi đạo diễn luôn cần tạo thương hiệu cho mình với dấu ấn riêng trong phim. Nhưng ta ít khi thấy dấu ấn nào phù phiếm, khoa trương, chói mắt, và lòe loẹt như của Luhrmann.

Một phong cách độc đáo. Nhưng thế có phải điều xấu không?

"Khi chúng ta xem một bộ phim, chúng ta muốn xem một thứ có khả năng thách thức người xem, hay kích thích hoặc làm lay động chúng ta," Kohn nói. "Đối với một số người, chỉ cần một trải nghiệm thị giác là đủ. Xem Moulin Rouge! thì thấy đó là một bộ phim đẹp đẽ, nhưng là một trải nghiệm rất thoáng qua. Khi nhớ lại tôi thường nhớ đến những cảnh đơn lẻ, nhưng tôi không nhớ những cảnh đó tác động tới lý trí và cảm xúc của tôi như thế nào."


Cảnh trong phim Romeo + Juliet


Meslow không đồng ý với quan điểm đó. "Ông ấy rất phong cách và điều đó thật sự giúp vỗ mạnh vào cảm xúc của bạn," ông nói. "Cái tôi ngưỡng mộ ở Romeo + Juliet là sự bay bổng trong phim giúp bạn có được những cảm giác mối tình đầu lâng lâng thời trung học vốn có trong câu chuyện."

Vì những ý kiến trái chiều về Luhrmann, Gatsby, và giá trị của tất cả sự hào nhoáng của ông, đi theo con đường vòng quanh không dẫn đến câu trả lời xác đáng nào, có lẽ sự chia rẽ đó nên được tán dương. Bất kể Luhrmann là có thực sự tài ba hay không, quan trọng hơn cả, ông là người khởi đầu những cuộc đối thoại văn hóa. Gatsby, khác tất cả các phim khác trong năm nay, là một sự kiện. Mọi người đều bối rối. Mọi người bị lóa mắt. Mọi người đùa bỡn về nó, giận dữ về nó, chê bai nó; tóm lại là khán giả đang bàn tán sôi nổi về nó.

"Luhrmann có thể là một nạn nhân của sự thành công của chính mình trong công việc quảng bá," Meslow nói, sau đó khẳng định một cách táo bạo rằng những bài báo đầy căng thẳng tranh cãi về nhạc phim, quyết định chọn diễn viên, và từng giây của mỗi đoạn phim giới thiệu, đều củng cố tiếng tăm Đạo diễn gây tranh cãi nhiều nhất tại Hollywood của ông. "Ông dường như đón nhận một cách thoải mái sự thật rằng ông là một đạo diễn có khả năng tạo nên sự phân cực. Rõ ràng ông quyết định rằng đó chính là chỗ thích hợp cho mình."

Chỗ thích hợp đó chính là một góc hẹp đầy sự xa hoa, ồn ào, và ngẫu hứng.

Dịch: © Hoài Nam @Quaivatdienanh.com
Biên tập: Xuân Hiền @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The Daily Beast
Lữ Khách Offline
#8 Posted : Sunday, June 30, 2013 2:53:57 PM(UTC)

Rank: Passenger Service

Medals: Huân chương Thuyền trưởng: Vì mỗi ngày thức dậy lúc 5h 'cho em măm' và những ngày cuối tuần cafe làm việc cho QVĐA của chúng taChân vịt vàng: Đóng góp thầm lặng của bạn đem lại nét đẹp sống động cho Quái vật Điện ảnh

Groups: Crew Officer, CTV, Moderator
Joined: 10/20/2010(UTC)
Posts: 8,040
Location: Lữ quán

Thanks: 4743 times
Was thanked: 2346 time(s) in 1715 post(s)
Trước khi vào rạp: 10 điều cần biết về The Great Gatsby của Baz Luhrmann


[spoiler]Tiểu thuyết The Great Gatsby của F. Scott Fitzgerald không có lịch sử được chuyển thể thành phim điện ảnh thành công.

Nhiều độc giả nghiên cứu tác phẩm này có thể cho rằng đây là một tiểu thuyết không thể chuyển thể. Tuy vậy, đạo diễn Baz Luhrmann vẫn đánh một canh bạc, và sắp tới, bộ phim chuyển thể từ một trong những tiểu thuyết Mỹ vĩ đại nhất sẽ ra rạp.

Được kể qua quan điểm của Nick Carraway (Tobey Maguire đóng), câu chuyện kể về Jay Gatsby (Leonardo DiCaprio đóng), một triệu phú nổi tiếng với những bữa tiệc đình đám tại khu biệt thự của mình ở West Egg. Carraway, sống trong một ngôi nhà nhỏ bên cạnh nhà Gatsby, sớm tỏ ra hiếu kỳ về người hàng xóm của mình, và muốn biết hết tất cả về anh.



Phim trước kia của Luhrmann gồm Moulin RougeRomeo + Juliet, vì thế khán giả đã sớm mong đợi một cách thể hiện độc đáo cho câu chuyện về tình yêu, sự phản bội và thịnh vượng trong những năm 1920 này.

Trước khi vào rạp, đây là những điều bạn cần biết về bộ phim (sẽ phát hành ở Việt Nam với tựa Đại gia Gatsby):

1. Đừng mong đợi phim trung thành với tiểu thuyết

Phiên bản Gatsby này không hẳn là bản chuyển thể, mà giống một bản mô tả hơn. Kịch bản không thay đổi bản thân câu chuyện; Luhrmann vẫn làm phim về những diễn biến trong tiểu thuyết của Fitzgerald. Tuy vậy, bộ phim có những nét rất hiện đại (như âm nhạc) và có những thay đổi về các tuyến nhân vật khác xa với tiểu thuyết gốc. Hãy nhớ rằng: đây không phải năm 1920 của sách lịch sử, mà là năm 1920 của Luhrmann.

2. Phim đẹp mắt

Luhrmann luôn thích những cuộc trình diễn hình ảnh hào nhoáng trong phim của ông, và Gatsby cũng không phải là ngoại lệ. Bộ phim đầy màu sắc, từ màu màu vàng rực của chiếc ô tô của Gatsby đến màu xanh lục của ánh đèn từ nơi đỗ du thuyền của Tom và Daisy Buchanan. Rồi có những buổi tiệc – những cuộc ăn chơi hàng tuần của Jay Gatsby, nơi hàng nghìn người trong thành phố đổ đến biệt thự của anh để tham gia. Luhrmann chất lên những bữa tiệc này những bộ trang phục lung linh và ánh đèn nhập nhòa. Một điều nữa cũng nên chú ý: nhà của Gatsby và vợ chồng Buchanan cũng xa hoa không kém những lời mô tả trong tiểu thuyết của Fitzgerald.



3. Bộ phim nhiều khi hiểu các phép ẩn dụ của Fitgerald rất theo nghĩa đen

Tức là, còn có những lúc lời văn còn được viết hẳn ra trên màn hình. Ban đầu trông cũng hay hay nhưng đến cuối phim thì cách thể hiện này bắt đầu khiến ta cảm thấy mệt mỏi. Nhiều lúc khác, đạo diễn như lấy từng phép ẩn dụ đó đập vào mặt khán giả. Tức là phim có hết cảnh này sang cảnh khác chỉ có đôi mắt của T. J. Eckleburg “quan sát” tỉ mỉ tất cả mọi người, hay hình ảnh DiCaprio lấy tay với tới ánh đèn xanh ngoài vịnh.

4. Diễn viên xuất sắc

Leo có thể không phải lựa chọn đầu tiên của tất cả mọi người để đóng vai Gatsby, nhưng đã không làm mọi người thất vọng. Cũng xuất sắc nữa là Joel Edgerton, Carey Mulligan, và Tobey Maguire. Edgerton tuyệt vời trong vai Tom Buchanan kiêu ngạo; Mulligan pha trộn thành công sự duyên dáng mong manh nhưng cũng kiêu căng của Daisy; và Maguire vào vai Nick Carraway với sự hiếu kỳ năng động được mô tả trong tiểu thuyết.


Leonardo DiCaprio và Carey Mulligan trong vai Gatsby và Daisy Buchanan


5. Đúng thế, trong phim có nhạc rap

Điều này hơi liên quan tới ý số 1. Nếu khái niệm nhạc Jay-Z trong thập niên 1920 khiến bạn cảm thấy buồn nôn, thì bạn có thể tiết kiệm cho mình tiền vé. Nếu bạn thấy điều này không thành vấn đề, thì có thể bạn sẽ cho rằng…

6. Nhạc phim thật tuyệt

Luhrmann đã thu thập được một nhóm nghệ sĩ khá tài ba để làm nhạc phim, gồm nhóm Florence + the Machine, the xx, Jack White, và tất nhiên, Jay-Z (cũng là nhà sản xuất âm nhạc chính của phim). Âm nhạc là tấm nền tuyệt vời cho bộ phim, nhất là trong những cảnh nhảy múa. Và tất nhiên còn phải nhắc tới Lana del Rey, với bài hát chủ đề phim không chính thức, Young and Beautiful.

7. Nửa thứ hai của phim chán một cách bất ngờ

Phong cảnh đẹp, nhạc hay, nhân vật hấp dẫn, cốt truyện thú vị - tất cả đều tuyệt… nhưng chỉ trong 45 phút đầu. Khi bộ phim sang giờ thứ hai, tất cả bắt đầu xuống dốc. Thật là một hiện tượng lạ lùng cho Luhrmann, vì phim của ông rất ít khi nhàm chán. Nhưng có vẻ ông không thể - hay không muốn – giữ mạch truyện trong cả bộ phim. Khi cái kết nổi tiếng của câu chuyện đến, nó đến như là ý nghĩ thoáng qua, được thêm vào cho có.

8. Có một thay đổi nhỏ với người kể chuyện của phim


Tobey Maguire trong vai Nick Carraway


Chúng tôi sẽ không nói hẳn thay đổi đó là gì, mà chỉ muốn nói, sự khác biệt về Nick Carraway này không ảnh hưởng tới bộ phim nhiều lắm.

9. Hiệu ứng 3D cũng… tàm tạm

Người yêu thích tiểu thuyết The Great Gatsby từng điên tiết vì quyết định biến “tác phẩm Tiểu thuyết Hoa Kỳ Vĩ đại” này thành một bữa tiệc hình ảnh ba chiều. Nhưng ngoài vài cảnh nhỏ và đoạn mở đầu, hiệu ứng 3D gần như chìm hẳn và bộ phim tập trung vào phần quan trọng nhất: câu chuyện.

10. Cụm từ “anh bạn già” được nhắc tới nhiều

Dù bạn có thích phim hay không, thì cứ nên chấp nhận một điều là cụm từ “anh bạn già” sẽ còn đeo đuổi bạn vài ngày sau khi xem phim. (Một khán giả đã đếm được cụm từ này được nói 46 lần trong toàn bộ phim.)

Dịch: © Xuân Hiền @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Moviefone
Lữ Khách Offline
#9 Posted : Sunday, June 30, 2013 2:56:39 PM(UTC)

Rank: Passenger Service

Medals: Huân chương Thuyền trưởng: Vì mỗi ngày thức dậy lúc 5h 'cho em măm' và những ngày cuối tuần cafe làm việc cho QVĐA của chúng taChân vịt vàng: Đóng góp thầm lặng của bạn đem lại nét đẹp sống động cho Quái vật Điện ảnh

Groups: Crew Officer, CTV, Moderator
Joined: 10/20/2010(UTC)
Posts: 8,040
Location: Lữ quán

Thanks: 4743 times
Was thanked: 2346 time(s) in 1715 post(s)
[Bình luận phim] Đại gia Gatsby



Tiểu thuyết The Great Gatsby kể về Giấc mơ Mỹ, hay khả năng tự tạo địa vị và phú quý của mỗi người, tự tạo một hình ảnh bạn có thể khoác lên người như một bộ cánh màu hồng.

Đất nước này là một vùng đất hứa, nơi quá khứ vừa phai nhạt, vừa được tô đậm theo thời gian một cách thật nghịch lý. Giấc mơ như niềm tin của một đứa trẻ, rằng chúng ta có thể có bất gì chúng ta muốn, chỉ cần tham vọng đủ lớn.

Và phim The Great Gatsby (phát hành ở Việt Nam với tựa Đại gia Gatsby) có vẻ hiểu điều đó.

Còn đây là điều mà tiểu thuyết The Great Gatsby không nói đến.

Những cảnh 3D nhiều đến nổ mắt kết hợp với những cảnh quay cận cảnh kịch tính, phóng to gương mặt của các nhân vật trông giống như những chú hề trong lễ hội hóa trang. Nhạc phim như tác phẩm của một gã điên, pha trộn jazz phong cách Gershwin, hip-hop của Jay-Z, và nhạc cổ điển của Bach.

Nhưng đó lại là điều mà phim The Great Gatsby gửi gắm.


Vẫn có những điểm sáng ẩn chứa bên trong phim này. Leonardo DiCaprio vào vai nhân vật chủ đạo, một cậu bé nông dân nghèo nhập ngũ, chinh phục và đánh mất trái tim của một cô gái, và tự biến bản thân thành một triệu phú (một cách phi pháp) và ôm hy vọng giành lại được người yêu cũ.

Bản thân Gatsby đã là một mẫu ngôi sao điện ảnh, vì thế người đóng vai này cũng phải là một ngôi sao không kém. Ngôi sao vàng đó chính là DiCaprio, xuất hiện lần đầu trên màn ảnh với pháo hoa bùng nổ và tiếng nhạc lãng mạn du dương.

Nhưng Gatsby cũng có phần lố bịch – đây là nhân vật với phong cách sống vật chất không biết xấu hổ và hoàn toàn nông cạn, với cách nói chuyện hơi cứng nhắc cùng thói quen gọi tất cả mọi người là “anh bạn già”. Nghe thì rất giả tạo, và Gatsby giả tạo thật, và DiCaprio hiểu điều đó: anh đang đóng vai một diễn viên luôn nhập vai.

Carey Mulligan thậm chí còn đóng hay hơn trong vai Daisy Buchanan, một trong những vai diễn khó nhất trong truyện của Fitzgerald. Cô sớm khẳng định rằng để hạnh phúc trong cuộc sống, phụ nữ cần trở thành “một kẻ khờ nhỏ bé xinh đẹp” - vì Daisy buồn bã rầu rĩ biết rõ trí khôn đã mang đến điều gì cho cô. Vì cô chưa bao giờ kém thực tế như người lính nghèo từng yêu cầu cô chờ anh năm nào.


Carey Mulligan


Và đây là mấu chốt đau khổ của The Great Gatsby, chính là vết thương Fitzgerald từng mang theo mình, và sẽ luôn mang theo mình: từ những ngày đầu đến Princeton, anh đã biết tiền mang đến vận may, và nếu không có tiền, anh sẽ không thể trở nên vĩ đại hơn một chàng trai thông minh dễ thương từng khiến các cô gái xinh đẹp giàu có mỉm cười trong chốc lát, trước khi ngoảnh mặt quay đi.

Hai vai diễn này phải là tâm điểm của bộ phim, và DiCaprio và Mulligan không gây thất vọng.

Nhưng Joel Edgerton quá ồn ào và dữ dội trong vai Tom Buchanan (không phải lỗi của anh; đạo diễn Baz Luhrmann yêu thích những màn giới thiệu nhân vật ầm ĩ, quá sức chịu đựng) và Tobey Maguire vẫn nhợt nhạt và khô khan trong vai người dẫn chuyện, Nick Carraway. Tệ hơn nữa, bộ phim còn thêm một chi tiết không cần thiết: cho Nick kể chuyện của Gatsby trong bệnh viện tâm thần.

Nhưng dĩ nhiên đó là những cái tên chỉ tưởng là ngôi sao. Ngôi sao thật sự của bất kỳ phim Baz Luhrmann nào phải ai khác hơn chính là Baz Luhrmann. Và ông khiến khán giả phát ngán từ rất sớm.

Ví dụ, định dạng 3D hầu như không thêm được gì cho những cảnh quay - đặc biệt là những cảnh thể hiện sự gần gũi nhưng cũng xa vời của ngôi nhà của Daisy ở phía bên kia vịnh. Nhưng sau đó Luhrmann quá lạm dụng hiệu ứng này khi có quá nhiều cận cảnh với rất ít chiều sâu. Những nhân vật nền một là bị mất tích trong màn sương, hai là bị ném đột ngột ra trước hình ảnh.


Tobey Maguire


Còn về phần nhạc nền theo phong cách hip-hop được tâng bốc quá nhiều thì, hóa ra, điều này không mới mẻ như Luhrmann nghĩ. (Phim G ra mắt năm 2005, một bộ phim có vẻ giờ không ai còn nhớ, từng biến Gatsby thành một ông chủ công ty sản xuất nhạc rap). Âm nhạc của bộ phim không đóng góp điều gì mới mẻ. Những bản nhạc đúng thời đại – như “Kẻ giàu vẫn giàu, kẻ nghèo vẫn nghèo” – là hoàn toàn phù hợp, không cần thêm gì cả.

Cuối cùng, âm nhạc hiện đại chỉ là một nét hoa mỹ không cần thiết - giống như hình ảnh quay chậm của một vụ tông xe (chiếu đến hai lần), hồi ức chiến tranh mờ nhạt hoặc những mảnh vỡ của chiếc cốc lấp lánh như bông tuyết. Khi Nick bắt đầu viết về Gatsby, những dòng văn xuất hiện trực tiếp trên màn ảnh (và sự kiêu ngạo thô thiển nhất của phim chính là việc biến Nick thành một tiểu thuyết gia, như kẻ thế thân trực tiếp cho Fitzgerald). Rồi tất cả biến mất.

Nhưng cũng có những dòng chữ không bao giờ biến mất. Và The Great Gatsby - Gatsby thực sự - sẽ không như những con tàu đi ngược dòng, và vẫn sẽ có những độc giả mới bị cuốn vào dòng chảy của nó.

The Great Gatsby (PG-13) Warner Bros. (143 phút)
Đạo diễn: Baz Luhrmann. Các diễn viên chính: Leonardo DiCaprio, Carey Mulligan, Tobey Maguire.
Đánh giá: ★ ★

Dịch: © Đức Châu @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The Star-Ledger
Users browsing this topic
Guest (7)
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.

SoClean Theme By Jaben Cargman (Tiny Gecko)
Powered by YAF | YAF © 2003-2010, Yet Another Forum.NET
This page was generated in 0.565 seconds.