HMS
|
Editor
,
Translator
|
Female |
Wednesday, October 20, 2010(UTC)
|
Sunday, January 27, 2019 11:09:40 PM(UTC)
|
1,182 [3.12% of all post / 0.23 posts per day] |
532
(View Thanks)
|
1130
|
807
|
View All Posts by User
The Hobbit: The Battle of the Five Armies | Người Hobbit: Trận chiến năm đạo quân Tên phim gốc: The Hobbit: The Battle of the Five Armies Tên phim phát hành ở Việt Nam: Người Hobbit: Trận chiến năm đạo quân Đạo diễn: Peter Jackson Kịch bản: Fran Walsh & Philippa Boyens & Peter Jackson & Guillermo del Toro Nguyên tác: JRR Tolkien Ngày phát hành: 12/12/2014 (Anh) Thể loại: Phiêu lưu – Giả tưởng Phân loại: chưa rõ Thời lượng: chưa rõ Hãng sản xuất: New Line Cinema, Metro-Goldwyn-Mayer (MGM), WingNut Films Các diễn viên chính:Martin Freeman ... Bilbo Baggins Ian McKellen ... Gandalf Richard Armitage ... Thorin Oakenshield Benedict Cumberbatch ... Smaug / Necromancer Luke Evans ... Bard Evangeline Lilly ... Tauriel Lee Pace ... Thranduil Manu Bennett ... Azog Cate Blanchett ... Galadriel Orlando Bloom ... Legolas Christopher Lee ... Saruman Hugo Weaving ... Elrond Dean O'Gorman ... Fili Aidan Turner ... Kili Ken Stott ... Balin Graham McTavish ... Dwalin John Callen ... Oin Peter Hambleton ... Gloin Mark Hadlow ... Dori Adam Brown ... Ori Jed Brophy ... Nori William Kircher ... Bifur James Nesbitt ... Bofur Stephen Hunter ... Bombur Stephen Fry ... Master of Laketown Ian Holm ... Old Bilbo Mikael Persbrandt ... Beorn Sylvester McCoy ... Radagast Nội dung: Chỉ vai giây sau “Trận chiến với rồng lửa” kết thúc, Bilbo và người cùng đoàn tiếp tục lấy lại ngọn núi đầy của cải bị canh giữ đã lâu. Nhưng cùng lúc đó Gandalf phải đối mặt với kẻ thù của riêng mình, và đám người hobbit lại phải đối mặt với đội quân của Azog the Defiler. Với những đội quân khác như đám yêu tinh, người Lake-Town – những người chưa được thử thách lòng trung thành – cũng bị thử thách sư đối mặt với cơn thịnh nộ của Smaug, sức mạnh của Azog và quyền lực của Sauron. Tất cả các đội quân đứng trước một lựa chọn: hợp sức hoặc chết. Tồi tệ hơn nữa, Bilbo bị dồn vào chỗ chết và bỗng thấy mình giữa cuộc chiến chiến đấu vì những người bạn người lùn của mình, và dường như cả hy vọng cho thế giới Trung Địa đều năm trong tay Bilbo. Một thứ “báu vật” để kết thúc tất cả. Trang web chính thức:Click vào đâyTrang IMDb:Click vào đâyTrailer:Click vào đây
|
The Hobbit: The Desolation of Smaug | Người Hobbit: Đại chiến với rồng lửa Tên phim gốc: The Hobbit: The Desolation of Smaug Tên phát hành ở Việt Nam: Người Hobbit: Đại chiến với rồng lửa Đạo diễn: Peter Jackson Kịch bản: Fran Walsh, Philippa Boyens, Peter Jackson, Guillermo del Toro Nguyên tác: J.R.R. Tolkien Ngày phát hành: 13/12/2013 (Anh); 03/01/2014 (Việt Nam) Thể loại: Giả tưởng – Phiêu lưu Xếp loại: PG-13 Thời lượng: 161 phút Nước sản xuất: Mỹ Hãng sản xuất: Metro-Goldwyn-Mayer (MGM), New Line Cinema Các diễn viên chính: Ian McKellen ... Gandalf Martin Freeman ... Bilbo Richard Armitage ... Thorin Ken Stott ... Balin Graham McTavish ... Dwalin William Kircher ... Bifur James Nesbitt ... Bofur Stephen Hunter ... Bombur Dean O'Gorman ... Fili Aidan Turner ... Kili John Callen ... Oin Peter Hambleton ... Gloin Jed Brophy ... Nori Mark Hadlow ... Dori Adam Brown ... Ori Orlando Bloom ... Legolas Evangeline Lilly ... Tauriel Lee Pace ... Thranduil Cate Blanchett ... Galadriel Benedict Cumberbatch ... Smaug / Necromancer Nội dung chính:Sau khi vượt qua dãy núi Misty Mountains, Thorin và đội đồng hành phải nhận sự giúp đỡ của một ngườ lạ mặt đầy quyền lực trước khi đối mặt với những mối nguy hiểm trong khu rừng Mirkwood khi bên cạnh không có người phù thủy dẫn đường. Nếu họ đến được thị trấn của loài người Laketown, đó là lúc Bilbo Baggins sẽ phải đáp ứng phần hợp đồng của mình với đám người lùn. Họ phải đi hết chặng được tới Ngọn núi Cô đơn, và kẻ trộm Baggins phải tìm được Cánh cửa Bí mật sẽ đưa họ vào trong ngọn núi, nơi Rồng Smaug giấu của cải vàng bạc của mình. Và trong thời gian đó, Gandalf đã đi đâu? Sao ông lại bí mật đi về phía nam? Trang web chính thức: Click vào đâyTrang IMDb: Click vào đây Trailer: Click vào đây
|
Họa bì 2 Tên phim gốc: Painted Skin II: The Resurrection | 画皮2 Tên phát hành ra rạp ở Việt Nam: Họa bì 2 Đạo diễn: Ô Nhĩ Thiện Kịch bản: Nhâm Giáp Nam Ngày phát hành: 24/08/2012 (Việt Nam) Thể loại: Hành Động, KH Viễn Tưởng/ Thần Thoại Xếp loại: PG-13 Thời lượng: 2 giờ và 12 phút Nước sản xuất: Trung Quốc Các diễn viên chính: Triệu Vy ... Tịnh công chúa Trần Khôn... Hoắc Tâm Châu Tấn... Tiểu Duy Phùng Thiệu Phong... Bàng Lang Dương Mịch.... Tước Nhi Phí Tường... phù thủy Thiên Lang Trần Đình Giai... Nữ chúa tộc Thiên Lang Nội dung chính:Châu Tấn lại vào vai Tiểu Duy, một hồ ly tinh bị nhốt dưới băng sau khi cứu con người trong phần một. Khuôn mặt xinh đẹp của Tiểu Duy khiến tiểu yêu Tước Nhi (Dương Mịch đóng) mổ vỡ đám băng quanh cô, mở ra bao nhiêu rắc rối mới. Trang IMDb: Click vào đâyTrailer: Click vào đây
|
The Hunger Games: giải trí nhưng cũng không kém phần sâu sắc Hiếm có bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết nào khiến tôi cảm thấy tâm đắc và thích hơn cả nguyên tác như The Hunger Games, nhất là khi bộ phim đó lại khiến tôi phải liên tưởng tới chiến tranh Iraq và Đức Quốc xã. The Hunger Games lấy bối cảnh ở Panem, một quốc gia nổi lên sau thời kỳ thảm họa ở vùng địa lý Bắc Mỹ hiện giờ. Khi 13 quận vệ tinh của Panem nổi dậy tạo phản trước đó nhiều năm, Quận 13 đã hoàn toàn bị hủy diệt và sau đó, chính phủ Thủ đô công bố một “hiệp ước hòa bình”. Mỗi năm, 12 quận còn lại sẽ phải chọn ra hai thanh niên tuổi từ 12 đến 18, một nam một nữ, gọi là vật tế, chiến đấu trong một đấu trường kín trong một cuộc chơi mang tên "Trò chơi săn người". Người cuối cùng sống sót là người thắng cuộc, và cả cuộc đấu được truyền hình trực tiếp toàn quốc. Khi đọc The Hunger Games, tôi bị lôi cuốn bởi câu chuyện nhưng lại không quá ấn tượng với văn phong của tác giả. Trong tình huống nhân vật chính bước vào một cuộc chiến mà đáng ra ta không nên biết cô có thể sống sót trở ra hay không, thì kể chuyện theo ngôi thứ nhất là một sai lầm. Điều đó gần như đảm bảo rằng cô sẽ sống sót (nhất là còn hai tập truyện nữa tiếp sau đó!). Cũng vì được kể theo ngôi thứ nhất mà phần lớn tiểu thuyết là những chuỗi suy nghĩ và cảm xúc của Katniss, và chúng ta bị giới hạn bởi những gì cô thấy và cảm nhận. Khi dựng thành phim, khán giả trở thành người quan sát. Ta mất đi cảm giác tự tin là Katniss (Jennifer Lawrence đóng) nhất định sống sót ở cuối phim và vì thế mà phim trở nên hồi hộp và kịch tính hơn. Ta cũng được biết những gì diễn ra ở những nơi Katniss không có mặt, khiến phim trở nên phong phú hơn. Nhưng cũng vì mất đi những dòng tự bạch của Katniss kịch bản lại khó đi sâu vào động cơ đằng sau một số hành động của nhân vật. Tuy nhiên, dù phải đánh đổi như vậy, tôi cảm thấy trong một bộ phim thì khả năng quan sát bao quát là quan trọng hơn nhiều. Jennifer Lawrence trong vai Katniss Đọc tóm tắt phim, hay chỉ xem qua bộ phim, có nhiều khả năng khán giả cho rằng đây chỉ là bộ phim chém giết bạo lực đơn thuần. Nhìn sâu hơn, ta sẽ thấy toàn cảnh bộ phim là một bức tranh chính trị sống động. Trò chơi trong phim, trên hết, là một trò chơi chính trị, và những đứa trẻ kia chỉ là những quân cờ. Đây là cách chính quyền kiểm soát những con người dưới quyền họ, nhắc nhở rằng người dân chỉ là những kẻ yếu đuối dưới sự đàn áp của chính phủ độc tài. Nhưng như để thêm phần sỉ nhục, thì cuộc chơi này lại được coi như một lễ hội tôn vinh sự dũng cảm và tinh thần hy sinh của các quận. Để nhấn mạnh tính chính trị của trò chơi, kịch bản phim có thêm một cảnh không có trong truyện giữa Tổng thống Snow và Seneca Crane, người điều khiển trò chơi, mà tôi cho rằng rất cần thiết để giúp ta hiểu được tình hình đất nước trong phim. Snow hỏi Crane rằng, nếu chỉ muốn đàn áp người dân, tại sao họ lại không mỗi năm chọn ra 24 đứa trẻ và thẳng tay giết chúng, thay vì ép chúng phải giết lẫn nhau rồi tung hô, trao thưởng cho người cuối cùng sống sót? Khả năng có một người sống sót đó lại chính là thứ cho người dân một chút ảo tưởng rằng trong sự đàn áp còn có hy vọng. Hy vọng lẻ loi đó là thứ kiềm chế họ không nổi dậy lần nữa. Nhưng Snow cũng khuyến cáo rằng hy vọng đó không bao giờ được phép bùng cháy. Sau đó, Snow miêu tả cuộc sống nghèo khổ, thiếu thốn ở các quận, nhưng rồi kết luận rằng những con người này dù có khốn khổ thế nào, thì những người sống trong sung túc ở Thủ đô vẫn cần họ, vì chính tài nguyên ở các quận đó mới làm nên cuộc sống xa xỉ ở Thủ đô. Tác giả Suzanne Collins từng chia sẻ rằng một phần ý tưởng cho The Hunger Games đến từ một bản tin thời sự về chiến tranh Iraq. Nghĩ theo cách này thì có thể dễ liên hệ với cuộc chiến hiện thời của Mỹ ở Trung Đông: bao nhiêu phần là vì tự do của người dân ở đó, và bao nhiêu phần là vì dầu? Chính phủ Panem hoàn toàn hiểu được rằng họ không thể sống nếu thiếu các quận vệ tinh và chính Thủ đô mới mất tất cả nếu các quận nổi dậy. Vì thế, Trò chơi săn người là công cụ kiềm chế các quận bằng cách đe dọa nhưng cũng bằng cách xoa dịu những mất mát của họ khi người thắng cuộc sẽ mang về cho quận mình tiếng tăm, vinh dự và lương thực trong cả năm. Thủ đô xa hoa rất khác xa Quận 12 nghèo nàn, nơi Katniss sinh sống Trên phim, hình ảnh đối lập giữa Thủ đô tráng lệ, đầy màu sắc, khiến ta có cảm giác như vừa bước vào thế giới của Lady Gaga, và Quận 12 ảm đạm, xám xịt, cũng hoàn toàn có chủ ý. Thời trang kỳ dị của người dân Thủ đô không chỉ được tạo ra để gây cười, mà tạo cảm giác như họ từ hành tinh khác, không hẳn là con người. Vì, nếu là con người, sao họ có thể năm này qua năm khác chứng kiến trẻ em bị ép giết nhau mà không những không phản đối lại còn ủng hộ, reo hò, đặt cược xem ai sống sót? Ý nghĩa đằng sau sự vô cảm của những con người giàu có này quá rõ ràng: khoảng cách giàu nghèo trong thế giới thực của chúng ta cũng lớn không kém, và con người ngày càng cần nỗ lực hơn rất nhiều mới biết thương cảm cho sự đau khổ của người khác. Kiến trúc các tòa nhà ở Panem, từ Quận 12 tới Thủ đô đều gây ấn tượng mạnh với tôi, vì nó mang rất nhiều dấu vết của nền kiến trúc thời Đức Quốc xã. Chính biểu tượng chim đại bàng của Thủ đô cũng mang nặng ảnh hưởng của nước Đức trong thời kỳ đen tối này. Đây là chi tiết rất nhỏ nhưng rất có sức mạnh. Tôi không nghĩ rằng các nhà làm phim lại vô tình tạo ra một hình ảnh Panem như thế. Kiến trúc Panem (dưới) có nhiều điểm tương đồng với thời Đế quốc thứ ba của Đức Yếu tố chính trị trong cuộc chơi còn được đẩy lên tầm cao mới khi ngoài sức mạnh và khả năng sinh tồn, Katniss còn rất cần sự ủng hộ của khán giả mới có thể sống sót. Khán giả thường ủng hộ những người chơi xinh đẹp, đó là lý do tất cả các vật tế đều có một chuyên gia thời trang giúp họ chuẩn bị cho buổi phỏng vấn và các sự kiện công chúng diễn ra trước khi bước vào đấu trường. Tầm quan trọng của tình cảm của khán giả được nhấn mạnh suốt bộ phim, và chính khi Katniss quằn quại vì những vết thương thì khán giả giàu có là người đã cứu sống cô khi tiền tài trợ của họ cho phép Haymitch, người cố vấn của cô, gửi cho cô những lọ thuốc cần thiết. Peeta (Josh Hutcherson đóng), người đồng hành đến từ Quận 12 của Katniss, hiểu tầm quan trọng của tình cảm khán giả và biết rõ cách lợi dụng nó. Tính tình cởi mở dễ gần của anh trở nên nổi bật hơn vẻ bề ngoài lạnh lùng của Katniss. Khán giả lập tức tỏ ra ưa thích anh, cả trước khi anh tuyên bố trên truyền hình trực tiếp tới cả đất nước rằng người anh thầm thương trộm nhớ lại chính là Katniss. Đây là một yếu tố mà tôi cho rằng bộ phim đã cho đi hơi chệch hướng. Một phần lý do chính là vì lên phim, kịch bản không thể chuyển tải nội tâm của Katniss một cách hiệu quả như tiểu thuyết. Katniss luôn cho rằng lời thú nhận tình cảm của Peeta chỉ là một chiêu lấy lòng khán giả, vì thế, biểu hiện tình cảm Katniss dành cho Peeta sau này đều là giả tạo trước máy quay để lừa gạt khán giả. Tất nhiên, điều trớ trêu là tình cảm của Peeta là thật, và anh cũng tin rằng Katniss đã thực sự đáp lại tình cảm của mình. Nhiều khán giả thì phàn nàn rằng phim có quá ít cảnh tình cảm của Katniss và Peeta, nhưng tôi thì lại không cho đó là vấn đề (vì nếu có thêm thì Katniss cũng có thật lòng đâu?). Thật ra việc phim tránh tập trung quá nhiều vào các cảnh tình tứ cũng là chủ ý của các nhà làm phim. Vấn đề lớn là trong những cảnh ta có, kịch bản chưa thực sự nêu bật được sự tương phản giữa tình cảm thật của Peeta và sự đóng kịch của Katniss. Thật ra trong cảnh phỏng vấn ở cuối phim (ảnh trên), qua nét mặt có chút gượng gạo, Jennifer Lawrence cũng thể hiện một Katniss với tình cảm kém nồng nhiệt hơn Peeta – và tôi cho đó là cố tình chứ không phải do diễn viên kém sinh động. Nhưng dường như trong kịch bản, lời thoại vẫn thiếu một chút gì đó để làm rõ rằng đối với Katniss, những màn tình tứ trong đấu trường là giả. Sự dối trá đó của Katniss tạo nền tảng rất lớn cho hướng phát triển của mối quan hệ giữa hai nhân vật này ở những phần sau. Khi phim thiếu đi cảnh Katniss thú nhận với Peeta tất cả chỉ là đóng kịch có thể thay đổi diễn biến của các phần phim sau rất nhiều. The Hunger Games có một dàn diễn viên quá tuyệt vời, và hầu hết các vai diễn đều được thể hiện xuất sắc. Tôi thực sự ấn tượng nhất với Jennifer Lawrence trong cảnh Katniss chuẩn bị bước vào đấu trường, cả người cô thực sự run bần bật và sợ hãi hiện rõ trên khuôn mặt. Một cảnh khác là sau khi Rue, một cô bé mà Katniss kết bạn trong đấu trường, bị giết. Hình ảnh Katniss ngồi gục vào gốc cây và vỡ òa trong cảnh phim tĩnh lặng, không nhạc nền là một trong những phần ấn tượng nhất của bộ phim. Với những lời càu nhàu rằng Jennifer Lawrence quá đẫy đà trong vai một cô gái sống trong đói kém, thì tôi chỉ có thể nói rằng hiếm lắm Hollywood mới có được một người có da có thịt như cô ấy. Nếu bạn muốn một nữ diễn viên phải gầy giơ xương mới đóng vai một cô gái nghèo được thuyết phục thì xin cũng đừng yêu cầu các diễn viên nam như Josh Hutcherson hay nhất là Liam Hemsworth (trong vai bạn thân của Katniss, Gale) phải có cơ bắp cuồn cuộn, vì họ cũng thiếu ăn chẳng kém gì Katniss cả. Josh Hutcherson mang tới một sức hút và một nét giản dị đặc biệt cho nhân vật Peeta. Suốt bộ phim, tôi hoàn toàn có thể tin được đây là một chàng trai si tình có thể làm tất cả để bảo vệ Katniss, và nhiều khi cũng phải tự hỏi làm thế nào mà chính Katniss có thể không nhận ra tình cảm của anh là thật. Josh Hutcherson (Peeta), Willow Shields (Prim) và Amandla Stenberg (Rue – dưới) Đáng nhắc tới trong dàn diễn viên tuyệt vời là Willow Shields và Amandla Stenberg, hai diễn viên nhỏ tuổi nhất trong vai Prim, em gái Katniss và Rue. Họ đều thể hiện xuất sắc tình cảm hai nhân vật này dành cho Katniss. Willow Shields đặc biệt có một cảnh từ biệt Katniss rất cảm động. Thật ra, tôi là một khán giả khá dễ tính, trừ với những bộ phim làm lại hay chuyển thể từ những gì tôi cực kỳ yêu thích và quan tâm. Tôi thích bộ truyện Hunger Games nhưng chưa tới nỗi "cuồng", vì thế với bộ phim này tôi cũng mới chỉ mong nó đủ hấp dẫn và không tâng bốc những cảnh chém giết. Bộ phim đã đạt được điều đó, và còn hơn thế nữa. Đây là bộ phim hiếm có tận dụng được sức hút giải trí của câu chuyện mà vẫn chuyển tải được phần lớn thông điệp sâu xa hơn của nguyên tác. Các nhà làm phim còn cho thế giới của câu chuyện một chiều sâu không có được trong tiểu thuyết. Những khuyết điểm trong quá trình chuyển thể chì là mất mát nhỏ và chưa ảnh hưởng quá nhiều tới sức hấp dẫn của bộ phim. The Hunger Games là một bộ phim đáng xem, và lúc này tôi chỉ có thể hy vọng các phần phim tiếp theo vẫn giữ được phong độ. © Xuân Hiền @Quaivatdienanh.com
|
Quote:Mình có vài người bạn ở nước ngoài và họ nói là đã đi xem bộ phim này. Nếu nói về dàn diễn viên, độ đẹp mắt của những cảnh phim thì rất xứng đáng để The Hunger Games đạt doanh số phòng vé tuần đầu cao ngất ngưởng. Thế nhưng họ lại nói cái kết của phim thực sự không đi đến đâu cả. Nếu như trong In Time, việc tiếp tục cướp nhà băng để cố gắng xóa đi ranh giới giữa giàu và nghèo của hai nhân vật chính có thể chỉ khiến cho bi kịch này chuyển hóa thành một bi kịch và rối ren khác, thì THG thậm chí còn chẳng làm được như thế. Kết phim là hai anh chị chiến thắng rồi trở về với nhau. THG vẫn cứ thế tiếp diễn và cho đến cuối cùng thì cái chiến thắng của 2 người họ cũng không có nghĩa lí gì cho lắm. Nếu nội dung đã là như vậy thì THG chỉ là một bộ phim có tính chất giải trí đơn thuần mà thôi. Hehe thật ra bạn ấy nói thế cũng có phần có lý. Cái kết trong phim nó hơi dở hơi một tí vì nó lãng mạn hóa mọi thứ quá. Thật ra trong truyện thì từ cuối tập 1 thể hiện rất rõ là chính phủ không hề hài lòng với hành động của Katniss ở cuối phim để nhằm cứu sống cả cô và Peeta và hành động đó được cho là tạo phản và trên thực tế nó cũng khiến các quận nổi lên ý định chống lại chính quyền. Cái chiến thắng kép đó được cho là hành động cười nhạo trò chơi, thổi lên một ngọn lửa cách mạng. (Dù thực ra Katniss làm thế chỉ vì muốn sống chứ chẳng phải muốn phản lại cái gì cả.) Truyện thì nói rất rõ là hậu quả của việc đó là Katniss giờ đã vào danh sách đen của chính quyền và sẽ còn phải chịu hậu quả dài dài, còn có thể mang họa về cho người thân. Cuối truyện cũng làm rất rõ rằng trong đấu trường tình cảm Katniss dành cho Peeta hoàn toàn là giả, thế nên truyện kết thúc với sự sụp đổ nhất định trong quan hệ của hai nhân vật này. Tất cả những điều này mở đường cho phần 2 và 3. Còn phim thì bỗng nhiên cắt phắt tất cả những điều này và đúng là nếu như chưa đọc truyện thì có cảm giác nó rất là "Ơ thế là hết rồi à?" như cái review mình dịch. Khi xem phim thật ra vì mình biết diễn biến 2 phần sau nên cũng tạm bỏ qua. Nhưng đúng là nếu chưa đọc truyện thì sẽ thấy cái kết hơi hẫng. Cái làm mình bực mình là có 1 clip trên mạng cho thấy kịch bản ĐÃ CÓ cái cảnh Katniss (có vẻ như) nói thật với Peeta là không yêu ảnh thật nhưng mà cuối cùng lại cắt cảnh đấy đi chả hiểu đề làm gì. Đúng là mình thấy khi làm phần 2 điều đầu tiên họ sẽ phải làm rõ là Katniss giờ là tội đồ của chính phủ và phải làm rõ là tình cảm của Katniss trong phần 1 cho Peeta là giả chứ không phần còn lại của câu chuyện sẽ chả có lý gì cả. Còn về việc VN cấm thì...thôi, các bác cấm thì cứ im lìm mà cấm thì chả sao. Đây các bác phát biểu 1 câu là "Ở Mỹ người ta xem thì hiểu là người nào giỏi thì thắng" Ở Mỹ thì người ta hiểu (mà hiểu thế là hiểu sai!) còn ở VN thì không hiểu được. Hóa ra người VN không biết suy nghĩ đến thế à?
|
Thật ra... -đã thích ai thì luôn muốn thông cảm với họ nhất. Bài viết kia em đang cố tình thần thánh hóa 14 . - ở thời Thanh thì Hy bằng tuổi 14, nhưng Hy ở hiện đại là cô gái 25 tuổi, về nhà Thanh thì mới 16 tuổi, suy ra Hy luôn hơn 14 chín tuổi. - 14 có thể có đầu óc chính trị, là một vị tướng giỏi, nhưng về tình cảm nam nữ thì lại không hiểu. Về căn bản anh đã không hiểu được tâm tư phức tạp của người hiện-đại-bị-nhốt-ở-Thanh-triều của Hy hay thậm chí tâm lý khó hiểu của một người con gái. 13 có tư tưởng phóng khoáng, có thể hiểu được người hiện đại trong Hy, 4 sống nội tâm phức tạp có thể hiểu được rằng trong lòng Hy nhiều mâu thuẫn, dù không biết rõ những mâu thuẫn đó nhưng có thể thông cảm với việc Hy không phải lúc nào cũng có thể trải lòng. Còn 14 thì lại quá là người đàn ông cổ đại, cộng với quá thẳng thắn, muốn Hy cứ phải trong lòng nghĩ thế nào là phải thể hiện tuốt ra như thế. Về căn bản hai người không hợp tính nhau mà cũng chẳng hiểu nhau, cộng thêm cái tính hay suy nghĩ (nhảm) của Hy, suy đoán lung tung, dẫn tới hiểu nhầm 14 lên mưu kế hại 8. Thế nên Hy không yêu 14 là...có lý. Bản thân 14 thì luôn muốn kết nối với Hy, hiểu được cuối cùng trong đầu Hy nghĩ gì. Còn Hy thì lại quá bận lo lắng đâu đâu những vấn đề của 4, của 8 đề mà hiểu được tấm lòng của 14. Thật ra thì cũng dễ hiểu thôi, Hy biết 8 sẽ chết, chẳng lẽ lại không tìm cách cứu? Còn 14, số phận anh cuối cùng chẳng có gì quá nghiệt ngã để Hy phải lo cứu anh. Nhưng Hy ở nhà Thanh vốn chỉ muốn an phận thôi. Nàng chia tay với 8 là vì biết trước sau này 8 chết thảm; Hy tham sống sợ chết, một cái sợ rất tự nhiên của người hiện đại. Chính vì thế nên ban đầu mới muốn lấy lòng 4, không ngờ yêu lúc nào không biết. Nếu thực sự chỉ muốn bình yên thì theo 14 vẫn là tốt nhất. Nhưng khi nhận ra điều này thì Hy đã yêu 4 quá rồi. Vấn đề vấn tốn nhiều giấy mực là...14 có yêu Hy không? Vì thật ra bảo chỉ là chân tình bằng hữu thôi thì cũng có cái lý của nó. Nhưng khi nhìn những quan tâm, chiếu cố, hy sinh 14 dành cho Hy, trong khi bên cạnh không có hồng nhan tri kỷ nào khác (các bà vợ lấy theo thánh chỉ không tính) thì thật khó bảo rằng mục đích của tác giả khi tạo ra 14 chỉ là để làm bạn của Hy. 13 là bạn, là tri kỷ của Hy đấy, nhưng cái khác là 1) 13 không bao giờ nghĩ tới chuyện lấy Hy (không chỉ vì 4, mà vì đơn giản là 13 không bao giờ nghĩ về Hy như thế) và 2) quan trọng hơn, là 13 đi yêu người khác .
|
Phải lấy người như Thập tứ... Thập tứ! Có đáng không anh? Anh vì người con gái đó mà bỏ ra bao công sức, lo lắng, chỉ để nàng dường như không nhận ra tình cảm của anh, hay nhận ra thì cũng cho đó là điều hiển nhiên. Cứ dăm bữa nửa tháng là anh lại đi tìm nàng để chất vấn nàng về chuyện tình cảm của nàng với Bát ca, nhưng là vì đâu? Vì Bát ca ư? Cũng chỉ một phần thôi, Bát ca của anh chẳng phải con nít, anh ta biết quản lý việc tình cảm của mình. Phải chăng những lần anh chất vấn nàng, đòi hỏi nàng phải dứt khoát, đơn thuần là vì nàng? Vì anh muốn nàng có được một bến đỗ an toàn, một chỗ dừng chân hạnh phúc, và anh tin rằng Bát ca anh hằng ngưỡng mộ chính là điểm đến của nàng. Thập tứ! Cuối cùng tình cảm của anh dành cho Nhược Hy là gì? Đơn thuần chỉ là tình bạn thôi sao? Phải chăng tình bạn chính là cái khiến anh làm những điều mà các anh anh, dù có yêu nàng thế nào, cũng lại vô tình bỏ qua: nàng bị phạt quỳ, chỉ có anh nghĩ tới việc mang thức ăn giúp nàng cầm cự, nàng bị đày đi giặt đồ, chỉ có anh nghĩ tới việc căn dặn thái giám quản lý chăm sóc nàng. Anh biết nàng đã từng có quá khứ với Bát ca, rồi với Tứ ca, vậy vì đâu mà một vị hoàng tử đang hết mực được sủng ái lại ba lần xin ban hôn với một cung nữ đã bị thất sủng? Tình bạn gì khiến anh có thể nghĩ tới việc lấy người con gái đó để đầu ấp tay gối? Anh đợi nàng, đợi đến khi nàng nhận ra, hoàng cung không phải chỗ của nàng, đợi đến khi nơi hoàng cung lạnh lẽo đó đã vắt hết sức lực của nàng. Rồi anh đón nàng về, cho nàng một bến dừng để tìm sự bình yên. Có đau không anh, khi theo anh rồi mà hồn người con gái đó vẫn nằm ở nơi Lão Tứ? Có đau không anh, khi anh đến mà nàng gọi tên Dận Chân? Dân Chân – Dận Trinh, đều là Yin Zhen cả, cái tên kết nối hai anh em anh với nhau, khiến cho cả đời này muốn anh cũng không quên được Lão Tứ. Giờ cái tên đó lại nói với anh rằng, sau tất cả những gì anh làm, trong lòng nàng vẫn luôn chỉ có hình bóng Lão Tứ. Nhưng anh làm tất cả đâu vì cần nàng cảm kích, cần nàng đáp lại tình cảm của anh. Anh làm tất cả, cuối cùng chỉ vì nàng, muốn nàng được bình yên. Vậy có đau không anh, khi ước muốn đó cuối cùng cũng không thành, khi đến cuối nàng vì Lão Tứ mà vẫn không thể yên lòng? Đến giây phút cuối cùng, trong vòng tay anh, nàng vẫn phải nuối tiếc Lão Tứ. Có đau không, khi chính vì Lão Tứ mà anh phải chứng kiến nàng ra đi trong đau đớn, cay đắng? Tự tay anh châm lửa hỏa táng nàng, vì đó là ý nguyện cuối cùng của nàng. Nếu đổi lại là Lão Tứ, hắn có dám không? Hắn có đủ yêu nàng để giúp nàng toại nguyện? Hay ước muốn chiếm hữu sẽ khiến hắn giữ nàng toàn thây? Kiếp sau, anh vẫn không cần nàng phải yêu anh, vì tình cảm của anh không phải là để chiếm hữu, chỉ là sự che chở, muốn nàng được bình yên. Kiếp sau, chỉ cần nàng nhớ trên đời từng có anh thôi là đủ. Thập tứ! Sao cuối cùng người với trái tim chân tình như vậy vẫn không có bóng ai bên cạnh? Ước gì nàng lý trí theo một cách khác! Ước gì nàng sớm nhận ra hơn là anh chính là bình yên của nàng! Ước gì nàng đừng với tới cành cao là Tứ gia, để rồi yêu, rồi lại hận Hoàng đế mà hắn trở thành! Thập tứ, anh đã hy sinh những gì, âm thầm lo lắng, âm thầm làm những gì vì người con gái đó, nàng có biết không? Thập tứ! Nếu có kiếp sau, thì chỉ ước rằng, nàng sớm nhận ra, phải lấy người như anh!
|
Chuyện tình cây sơn tra: bình dị, thuần khiết vẫn là tình yêu
Tôi biết có người từng nói, “tình yêu thực chất không phải là đau khổ oanh oanh liệt liệt hoa hoa lệ lệ, gào lên chứng minh với cả thế gian chúng ta yêu nhau đến long trời lở đất, hết chia xa đến gặp lại, hết gặp lại rồi phải phân ly. Chẳng ai đo đếm những tình yêu như thế mới cảm động lòng người hơn những tình yêu bình dị.” Thể loại tình yêu “oanh oanh liệt liệt” kia khá thịnh hành trong phim Trung Quốc hiện nay, và có lẽ gần đây tôi cũng xem quá nhiều. Bây giờ ngồi xuống với Chuyện tình cây sơn tra,* tôi như bước vào cả một thế giới khác, thật xa vời với hiện tại, với những tình cảm không màng vật chất, công danh, tư lợi hay thậm chí là thề thốt. Chỉ là tình yêu, mãi mãi chỉ là tình yêu thuần khiết nhất. Bộ phim kể về câu chuyện tình giữa Tịnh Thu (Châu Đông Vũ đóng) và Kiến Tân (chỉ được mọi người gọi là Lão Tam – Đậu Kiêu đóng), hai thanh niên thuộc phần tử trí thức trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa Trung Quốc. Họ gặp nhau ở một vùng nông thôn, nơi Tịnh Thu, một học sinh thành phố đến để học tập cải tạo tư tưởng, và ở đó, Lão Tam là một chàng trai trẻ cũng từ thành phố xuống làm việc cho đội nghiên cứu địa chất. Tịnh Thu xuất thân từ một gia đình lý lịch không mấy vẻ vang, cha bị đưa đi lao động cải tạo, mẹ bị giáng chức từ làm giáo viên xuống làm lao công trong trường, cả nhà chỉ trông chờ vào cô để nâng địa vị của cả gia đình. Ngược lại, Lão Tam là con trai của một quan chức cấp cao. Tình yêu của họ cũng vì thế mà gặp nhiều rào cản; bộ phim cũng vì thế mà yêu cầu người xem phải có chút kiến thức về chính trị và sự quản lý của chính quyền trong cuộc đời mỗi người dân Trung Quốc vào thời kỳ này. Kịch bản chỉ trình bày hoàn cảnh của đôi bạn trẻ và cần khán giả phải từ đó hiểu được họ sẽ gặp những khó khăn gì khi yêu nhau. Nếu không hiểu, có lẽ khó hiểu được tại sao họ phải lén lút gặp nhau, lén lút yêu đương. Gọi là yêu, nhưng cả bộ phim, chưa bao giờ Tịnh Thu và Lão Tam cần phải tuyên bố tình yêu với nhau, hay nói lên những lời mùi mẫn, lãng mạn. Những cuộc nói chuyện của họ dường như chỉ là kể về bản thân, về học tập, công việc, về cuộc sống. Đơn giản là họ chấp nhận tình cảm của nhau một cách thật lòng nhất, tình cảm đến từ sâu thẳm trong tim, nó tồn tại trong từng cách Lão Tam quan tâm, chăm sóc Tịnh Thu, trong những cái nắm tay mà như không dám nắm, đến cái ôm nhẹ nhàng và duy nhất, cùng nụ hôn lướt nhẹ trên tóc. Sự trong trắng đó cũng được thể hiện qua cách trang điểm nhẹ nhàng, trang phục áo trắng quần vải, và những phong cảnh đầy nắng gió, cây cối, những góc quay rộng mang lại cảm giác bình yên. Tịnh Thu và Lão Tam có lẽ cũng vẫn có thể tiếp tục yêu nhau như thế, đến khi Tịnh Thu có được công việc giáo viên ở trường học ổn định như gia đình cô mong muốn, đến khi “chính sách thay đổi” như Lão Tam đã dự đoán để họ có thể sống và thở dễ dàng hơn. Nhưng rồi, Tịnh Thu và Lão Tam bị mẹ cô phát hiện và bà chỉ muốn họ xa nhau đến khi Tịnh Thu tròn 25 tuổi. Sau một thời gian xa nhau, Tịnh Thu mới nhận được tin anh bị bệnh. Phải nói là kịch bản muốn giấu Tịnh Thu bệnh tình của Lão Tam chứ không phải giấu khán giả. Ngay từ lúc anh chối là mình không phải bị bệnh máu trắng thì ai cũng có thể đoán được anh bị bệnh máu trắng thật. Toàn bộ bộ phim, diễn biến khá đều và bình tĩnh, không có gì gọi là kịch tính. Cái kết cũng không có gì gọi là bất ngờ. Nếu nói một cách tóm tắt thì đây chỉ là một câu chuyện tình bình dị, trong trắng, kết thúc với đôi nam nữ yêu nhau nhưng căn bệnh hiểm nghèo đã cướp đi hạnh phúc ngay trước mắt họ. Quá bình thường, quá “Hàn Quốc”, phải không? Vậy sao lại đau đến vậy? Tại sao khi cảnh phim khép lại, nước mắt đã đọng trên mi từ lúc nào không rõ? Vì diễn viên cũng là một phần. Trong cả bộ phim, Châu Đông Vũ là một Tịnh Thu thuần khiết, mềm mại một cách rất thật. Cô đã biến thành một thiếu nữ của những năm 1970. Trong phút cuối đó của bộ phim, những giọt lệ, tiếng nấc quá thật của cô đã làm cảm động đến tận sâu thẳm trái tim tôi. Lão Tam của Đậu Kiêu ân cần, lịch lãm, ôn nhu, có lẽ khó có cô gái nào cưỡng lại được. Nhưng cuối cùng, cái làm tôi thổn thức vẫn là tình yêu của họ. Tình yêu tưởng như mong manh đó kiên cường đến tận phút cuối, vượt qua cả cái chết, đến tận bao nhiêu năm sau, Tịnh Thu vẫn còn thương nhớ Lão Tam, người mà đến tận phút cuối cô vẫn không dám gọi tên thật. Thật tiếc cho một tình yêu như thế; trong cái thời kỳ đầy đau khổ thiếu thốn đó, cả hai người như Tịnh Thu và Lão Tam đáng được có hạnh phúc biết bao, mà cuối cùng vẫn không có được! Cây sơn tra kia, được người ta đồn đại là thấm máu anh hùng, nở hoa đỏ, nhưng thực tế, nó vẫn chỉ nở hoa trắng mà thôi. Tình yêu kia, không cần sắc hồng của sự lãng mạn phô trương, không cần thề non hẹn biển, oanh liệt hoa lệ; nó chỉ là yêu, trong trắng, thuần khiết, chân thật. Cây sơn tra kia cũng như người yêu kia đã bị chôn vùi dưới dòng nước sông Dương Tử trong Đập Tam Hiệp. Nhưng người yêu mất không có nghĩa là tình yêu không còn. Tịnh Thu vẫn tin rằng, cây sơn tra kia dù dưới nước vẫn có thể nở hoa, và ở dưới gốc cây đó, Lão Tam chắc vẫn đang đợi cô, vì anh đã hứa. "Anh không thể đợi em một năm lẻ một tháng, không thể đợi em đến khi em 25 tuổi, nhưng anh sẽ đợi em cả đời." Chuyện tình cây sơn tra (Sơn tra thụ chi luyến), dựa theo tiểu thuyết cùng tên của Ngãi Mễ. Phim do Trương Nghệ Mưu đạo diễn; kịch bản của Y Lệ Xuyên, Cố Tiểu Bạch, A Mai. Cách diễn viên chính: Châu Đông Vũ, Đậu Kiêu, Khê Mỹ Quyên, Lý Tuyết Kiện, Thành Thái Sâm, Sa Nhật Na, Lữ Lệ Bình. © Xuân Hiền @Quaivatdienanh.com *Tựa phim là Chuyện tình cây sơn tra, chứ không phải “cây sơn trà” như một số nơi đề cập tới. Cây sơn tra, còn gọi là cây táo gai, là một loại cây gỗ cao, quả dùng làm thuốc. Cây sơn trà là cây thấp thuộc họ chè (trà).
|
Bộ bộ kinh tâm có khởi đầu thành công Trích Cập nhật hàng tuần tin tức điện ảnh và truyền hình Hoa ngữ | 15/09/2011 Bộ phim truyền hình về đề tài du hành thời gian Bộ bộ kinh tâm (Startling by Each Step) bắt đầu được phát sóng trên truyền hình Trung Quốc từ ngày 10/9. Tỷ suất người xem của phim tăng gần 7% trong hai ngày đầu tiên. Bộ phim được tìm kiếm trên mạng với hơn một triệu lượt và con số này vẫn đang tiếp tục tăng. Phần lớn khán giả đều đánh giá cao bộ phim. Bộ bộ kinh tâm được chuyển thể từ tiểu thuyết trên mạng của tác giả Đồng Hoa. Chuyện kể về một cô gái hiện đại quay trở lại thời nhà Thanh. Với hơn 100 triệu lượt xem, bộ tiểu thuyết này có một lượng khán giả hâm mộ rất lớn. Những cuốn tiểu thuyết trên mạng về đề tài du hành thời gian rất nổi tiếng với nữ đọc giả trong những năm gần đây. Nhân vật chính trong những tiểu thuyết này thường là nữ, họ tình cờ quay trở lại thời cổ hoặc rơi vào những thế giới khác biệt không hề tồn tại trong lịch sử. Ngoài diện mạo thanh tú, những nhân vật này thường rất khéo léo và luôn thu hút hầu hết những người đàn ông họ gặp. Những anh chàng bị lôi cuốn luôn giàu có, gia cảnh tốt và mãi mãi chỉ yêu người con gái đó. Một số người cho rằng đọc quá nhiều tiểu thuyết du hành thời gian sẽ dẫn đến việc người đọc chìm trong những thế giới tưởng tượng phi thực và khó sống được trong thế giới thật, trong khi một số người lại nói những cuốn tiểu thuyết du hành thời gian hay sẽ cho đọc giả cơ hội biết thêm về văn học cổ và những nhân vật thời cổ. Dịch: © Trúc Phương @Quaivatdienanh.com Nguồn: China Daily
|
Bộ bộ kinh tâm Tên phim: 步步惊心 / Bộ bộ kinh tâmTên tiếng Anh: Startling by Each Step Tên phát hành tiếng Việt: Bộ bộ kinh tâm Thể loại: Cổ trang Số tập: 35 Kênh phát sóng (Trung Quốc): Hồ Nam Vệ tinh Thời gian phát sóng (Trung Quốc): 22:00 cả tuần, từ 10/9/2011 Thời gian phát sóng (Việt Nam): Chưa có Nội dung: Bộ phim theo thể loại Thanh xuyên (du hành thời gian về thời kỳ Thanh triều) đang được ưa chuộng ở Trung Quốc, và dựa theo tiểu thuyết internet cùng tên của Đồng Hoa, Bộ bộ kinh tâm kể về việc Trương Hiểu, một nhân viên văn phòng 25 tuổi ở Bắc Kinh vượt thời gian về quá khứ, vào thời vua Khang Hy. Ở thời đại này, cô trở thành một cô thiếu nữ người Mãn, Mã Nhĩ Thái Nhược Hy và vô tình lạc vào thế giới tranh đoạt ngôi vị của chín vị hoàng tử của Khang Hy, hay thời kỳ “Cửu long đoạt đích” nổi tiếng trong lịch sử. Dù biết trước cái kết của cuộc chiến này, Nhược Hy vẫn không thể tránh gắn bó tình cảm với từng hoàng tử và từ đó cô càng thêm những nỗi đau khổ, dằn vặt ngày càng lớn. Diễn viên: Lưu Thi Thi - Mã Nhĩ Thái Nhược Hy Ngô Kỳ Long - Tứ a ca Dận Chân Trịnh Gia Dĩnh - Bát a ca Dận Tự Lưu Tùng Nhân - Khang Hy Hoàng đế Viên Hoằng - Thập Tam a ca Dận Tường Lâm Canh Tân - Thập Tứ a ca Dận Trinh Hàn Đống - Cửu a ca Dận Đường Diệp Tổ Tân - Thập a ca Dận Hề Lưu Vũ Hân - Thập phúc tấn Quách Lạc La Minh Ngọc Lưu Tâm Du - Bát trắc phúc tấn Mã Nhĩ Thái Nhược Lan Thạch Tiểu Quần - Bát đích phúc tấn Quách Lạc La Minh Tuệ Mục Đình Đình - Tứ phúc tấn Quách Trân Nghê - Lục Vu Quách Hiểu Đình - Mẫn Mẫn cách cách Tào Hinh Nguyệt - Xảo Tuệ Diệp Thanh - Ngọc Đàn Sài Úy - Thừa Hoan Cách cách Trang web chính thức: Click tại đây!Trailer: Click tại đây!
|
|