The Hunger Games: giải trí nhưng cũng không kém phần sâu sắc
Hiếm có bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết nào khiến tôi cảm thấy tâm đắc và thích hơn cả nguyên tác như
The Hunger Games, nhất là khi bộ phim đó lại khiến tôi phải liên tưởng tới chiến tranh Iraq và Đức Quốc xã.
The Hunger Games lấy bối cảnh ở Panem, một quốc gia nổi lên sau thời kỳ thảm họa ở vùng địa lý Bắc Mỹ hiện giờ. Khi 13 quận vệ tinh của Panem nổi dậy tạo phản trước đó nhiều năm, Quận 13 đã hoàn toàn bị hủy diệt và sau đó, chính phủ Thủ đô công bố một “hiệp ước hòa bình”. Mỗi năm, 12 quận còn lại sẽ phải chọn ra hai thanh niên tuổi từ 12 đến 18, một nam một nữ, gọi là vật tế, chiến đấu trong một đấu trường kín trong một cuộc chơi mang tên "Trò chơi săn người". Người cuối cùng sống sót là người thắng cuộc, và cả cuộc đấu được truyền hình trực tiếp toàn quốc.
Khi đọc
The Hunger Games, tôi bị lôi cuốn bởi câu chuyện nhưng lại không quá ấn tượng với văn phong của tác giả. Trong tình huống nhân vật chính bước vào một cuộc chiến mà đáng ra ta không nên biết cô có thể sống sót trở ra hay không, thì kể chuyện theo ngôi thứ nhất là một sai lầm. Điều đó gần như đảm bảo rằng cô sẽ sống sót (nhất là còn hai tập truyện nữa tiếp sau đó!). Cũng vì được kể theo ngôi thứ nhất mà phần lớn tiểu thuyết là những chuỗi suy nghĩ và cảm xúc của Katniss, và chúng ta bị giới hạn bởi những gì cô thấy và cảm nhận.
Khi dựng thành phim, khán giả trở thành người quan sát. Ta mất đi cảm giác tự tin là Katniss (Jennifer Lawrence đóng) nhất định sống sót ở cuối phim và vì thế mà phim trở nên hồi hộp và kịch tính hơn. Ta cũng được biết những gì diễn ra ở những nơi Katniss không có mặt, khiến phim trở nên phong phú hơn. Nhưng cũng vì mất đi những dòng tự bạch của Katniss kịch bản lại khó đi sâu vào động cơ đằng sau một số hành động của nhân vật. Tuy nhiên, dù phải đánh đổi như vậy, tôi cảm thấy trong một bộ phim thì khả năng quan sát bao quát là quan trọng hơn nhiều.
Jennifer Lawrence trong vai Katniss Đọc tóm tắt phim, hay chỉ xem qua bộ phim, có nhiều khả năng khán giả cho rằng đây chỉ là bộ phim chém giết bạo lực đơn thuần. Nhìn sâu hơn, ta sẽ thấy toàn cảnh bộ phim là một bức tranh chính trị sống động.
Trò chơi trong phim, trên hết, là một trò chơi chính trị, và những đứa trẻ kia chỉ là những quân cờ. Đây là cách chính quyền kiểm soát những con người dưới quyền họ, nhắc nhở rằng người dân chỉ là những kẻ yếu đuối dưới sự đàn áp của chính phủ độc tài. Nhưng như để thêm phần sỉ nhục, thì cuộc chơi này lại được coi như một lễ hội tôn vinh sự dũng cảm và tinh thần hy sinh của các quận. Để nhấn mạnh tính chính trị của trò chơi, kịch bản phim có thêm một cảnh không có trong truyện giữa Tổng thống Snow và Seneca Crane, người điều khiển trò chơi, mà tôi cho rằng rất cần thiết để giúp ta hiểu được tình hình đất nước trong phim.
Snow hỏi Crane rằng, nếu chỉ muốn đàn áp người dân, tại sao họ lại không mỗi năm chọn ra 24 đứa trẻ và thẳng tay giết chúng, thay vì ép chúng phải giết lẫn nhau rồi tung hô, trao thưởng cho người cuối cùng sống sót? Khả năng có một người sống sót đó lại chính là thứ cho người dân một chút ảo tưởng rằng trong sự đàn áp còn có hy vọng. Hy vọng lẻ loi đó là thứ kiềm chế họ không nổi dậy lần nữa. Nhưng Snow cũng khuyến cáo rằng hy vọng đó không bao giờ được phép bùng cháy.
Sau đó, Snow miêu tả cuộc sống nghèo khổ, thiếu thốn ở các quận, nhưng rồi kết luận rằng những con người này dù có khốn khổ thế nào, thì những người sống trong sung túc ở Thủ đô vẫn cần họ, vì chính tài nguyên ở các quận đó mới làm nên cuộc sống xa xỉ ở Thủ đô. Tác giả Suzanne Collins từng chia sẻ rằng một phần ý tưởng cho
The Hunger Games đến từ một bản tin thời sự về chiến tranh Iraq. Nghĩ theo cách này thì có thể dễ liên hệ với cuộc chiến hiện thời của Mỹ ở Trung Đông: bao nhiêu phần là vì tự do của người dân ở đó, và bao nhiêu phần là vì dầu?
Chính phủ Panem hoàn toàn hiểu được rằng họ không thể sống nếu thiếu các quận vệ tinh và chính Thủ đô mới mất tất cả nếu các quận nổi dậy. Vì thế, Trò chơi săn người là công cụ kiềm chế các quận bằng cách đe dọa nhưng cũng bằng cách xoa dịu những mất mát của họ khi người thắng cuộc sẽ mang về cho quận mình tiếng tăm, vinh dự và lương thực trong cả năm.
Thủ đô xa hoa rất khác xa Quận 12 nghèo nàn, nơi Katniss sinh sống Trên phim, hình ảnh đối lập giữa Thủ đô tráng lệ, đầy màu sắc, khiến ta có cảm giác như vừa bước vào thế giới của Lady Gaga, và Quận 12 ảm đạm, xám xịt, cũng hoàn toàn có chủ ý. Thời trang kỳ dị của người dân Thủ đô không chỉ được tạo ra để gây cười, mà tạo cảm giác như họ từ hành tinh khác, không hẳn là con người. Vì, nếu là con người, sao họ có thể năm này qua năm khác chứng kiến trẻ em bị ép giết nhau mà không những không phản đối lại còn ủng hộ, reo hò, đặt cược xem ai sống sót? Ý nghĩa đằng sau sự vô cảm của những con người giàu có này quá rõ ràng: khoảng cách giàu nghèo trong thế giới thực của chúng ta cũng lớn không kém, và con người ngày càng cần nỗ lực hơn rất nhiều mới biết thương cảm cho sự đau khổ của người khác.
Kiến trúc các tòa nhà ở Panem, từ Quận 12 tới Thủ đô đều gây ấn tượng mạnh với tôi, vì nó mang rất nhiều dấu vết của nền kiến trúc thời Đức Quốc xã. Chính biểu tượng chim đại bàng của Thủ đô cũng mang nặng ảnh hưởng của nước Đức trong thời kỳ đen tối này. Đây là chi tiết rất nhỏ nhưng rất có sức mạnh. Tôi không nghĩ rằng các nhà làm phim lại vô tình tạo ra một hình ảnh Panem như thế.
Kiến trúc Panem (dưới) có nhiều điểm tương đồng với thời Đế quốc thứ ba của Đức Yếu tố chính trị trong cuộc chơi còn được đẩy lên tầm cao mới khi ngoài sức mạnh và khả năng sinh tồn, Katniss còn rất cần sự ủng hộ của khán giả mới có thể sống sót. Khán giả thường ủng hộ những người chơi xinh đẹp, đó là lý do tất cả các vật tế đều có một chuyên gia thời trang giúp họ chuẩn bị cho buổi phỏng vấn và các sự kiện công chúng diễn ra trước khi bước vào đấu trường. Tầm quan trọng của tình cảm của khán giả được nhấn mạnh suốt bộ phim, và chính khi Katniss quằn quại vì những vết thương thì khán giả giàu có là người đã cứu sống cô khi tiền tài trợ của họ cho phép Haymitch, người cố vấn của cô, gửi cho cô những lọ thuốc cần thiết.
Peeta (Josh Hutcherson đóng), người đồng hành đến từ Quận 12 của Katniss, hiểu tầm quan trọng của tình cảm khán giả và biết rõ cách lợi dụng nó. Tính tình cởi mở dễ gần của anh trở nên nổi bật hơn vẻ bề ngoài lạnh lùng của Katniss. Khán giả lập tức tỏ ra ưa thích anh, cả trước khi anh tuyên bố trên truyền hình trực tiếp tới cả đất nước rằng người anh thầm thương trộm nhớ lại chính là Katniss.
Đây là một yếu tố mà tôi cho rằng bộ phim đã cho đi hơi chệch hướng. Một phần lý do chính là vì lên phim, kịch bản không thể chuyển tải nội tâm của Katniss một cách hiệu quả như tiểu thuyết. Katniss luôn cho rằng lời thú nhận tình cảm của Peeta chỉ là một chiêu lấy lòng khán giả, vì thế, biểu hiện tình cảm Katniss dành cho Peeta sau này đều là giả tạo trước máy quay để lừa gạt khán giả. Tất nhiên, điều trớ trêu là tình cảm của Peeta là thật, và anh cũng tin rằng Katniss đã thực sự đáp lại tình cảm của mình.
Nhiều khán giả thì phàn nàn rằng phim có quá ít cảnh tình cảm của Katniss và Peeta, nhưng tôi thì lại không cho đó là vấn đề (vì nếu có thêm thì Katniss cũng có thật lòng đâu?). Thật ra việc phim tránh tập trung quá nhiều vào các cảnh tình tứ cũng là chủ ý của các nhà làm phim. Vấn đề lớn là trong những cảnh ta có, kịch bản chưa thực sự nêu bật được sự tương phản giữa tình cảm thật của Peeta và sự đóng kịch của Katniss.
Thật ra trong cảnh phỏng vấn ở cuối phim (ảnh trên), qua nét mặt có chút gượng gạo, Jennifer Lawrence cũng thể hiện một Katniss với tình cảm kém nồng nhiệt hơn Peeta – và tôi cho đó là cố tình chứ không phải do diễn viên kém sinh động. Nhưng dường như trong kịch bản, lời thoại vẫn thiếu một chút gì đó để làm rõ rằng đối với Katniss, những màn tình tứ trong đấu trường là giả. Sự dối trá đó của Katniss tạo nền tảng rất lớn cho hướng phát triển của mối quan hệ giữa hai nhân vật này ở những phần sau. Khi phim thiếu đi cảnh Katniss thú nhận với Peeta tất cả chỉ là đóng kịch có thể thay đổi diễn biến của các phần phim sau rất nhiều.
The Hunger Games có một dàn diễn viên quá tuyệt vời, và hầu hết các vai diễn đều được thể hiện xuất sắc. Tôi thực sự ấn tượng nhất với Jennifer Lawrence trong cảnh Katniss chuẩn bị bước vào đấu trường, cả người cô thực sự run bần bật và sợ hãi hiện rõ trên khuôn mặt. Một cảnh khác là sau khi Rue, một cô bé mà Katniss kết bạn trong đấu trường, bị giết. Hình ảnh Katniss ngồi gục vào gốc cây và vỡ òa trong cảnh phim tĩnh lặng, không nhạc nền là một trong những phần ấn tượng nhất của bộ phim.
Với những lời càu nhàu rằng Jennifer Lawrence quá đẫy đà trong vai một cô gái sống trong đói kém, thì tôi chỉ có thể nói rằng hiếm lắm Hollywood mới có được một người có da có thịt như cô ấy. Nếu bạn muốn một nữ diễn viên phải gầy giơ xương mới đóng vai một cô gái nghèo được thuyết phục thì xin cũng đừng yêu cầu các diễn viên nam như Josh Hutcherson hay nhất là Liam Hemsworth (trong vai bạn thân của Katniss, Gale) phải có cơ bắp cuồn cuộn, vì họ cũng thiếu ăn chẳng kém gì Katniss cả.
Josh Hutcherson mang tới một sức hút và một nét giản dị đặc biệt cho nhân vật Peeta. Suốt bộ phim, tôi hoàn toàn có thể tin được đây là một chàng trai si tình có thể làm tất cả để bảo vệ Katniss, và nhiều khi cũng phải tự hỏi làm thế nào mà chính Katniss có thể không nhận ra tình cảm của anh là thật.
Josh Hutcherson (Peeta), Willow Shields (Prim) và Amandla Stenberg (Rue – dưới) Đáng nhắc tới trong dàn diễn viên tuyệt vời là Willow Shields và Amandla Stenberg, hai diễn viên nhỏ tuổi nhất trong vai Prim, em gái Katniss và Rue. Họ đều thể hiện xuất sắc tình cảm hai nhân vật này dành cho Katniss. Willow Shields đặc biệt có một cảnh từ biệt Katniss rất cảm động.
Thật ra, tôi là một khán giả khá dễ tính, trừ với những bộ phim làm lại hay chuyển thể từ những gì tôi cực kỳ yêu thích và quan tâm. Tôi thích bộ truyện
Hunger Games nhưng chưa tới nỗi "cuồng", vì thế với bộ phim này tôi cũng mới chỉ mong nó đủ hấp dẫn và không tâng bốc những cảnh chém giết. Bộ phim đã đạt được điều đó, và còn hơn thế nữa. Đây là bộ phim hiếm có tận dụng được sức hút giải trí của câu chuyện mà vẫn chuyển tải được phần lớn thông điệp sâu xa hơn của nguyên tác. Các nhà làm phim còn cho thế giới của câu chuyện một chiều sâu không có được trong tiểu thuyết. Những khuyết điểm trong quá trình chuyển thể chì là mất mát nhỏ và chưa ảnh hưởng quá nhiều tới sức hấp dẫn của bộ phim.
The Hunger Games là một bộ phim đáng xem, và lúc này tôi chỉ có thể hy vọng các phần phim tiếp theo vẫn giữ được phong độ.
© Xuân Hiền @Quaivatdienanh.com