The Housemaid: Một động thái dũng cảm của nhà làm phim Hàn Quốc
Bản gốc
Housemaid, do Kim Ki Young đạo diễn năm 1960 là một kiệt tác về nỗi lo lắng và sợ hãi khi bị giam cầm, đã khẳng định vị thế của điện ảnh Hàn Quốc trên trường quốc tế.
Cốt truyện rất đơn giản: một gia đình thuê một người hầu gái, vô tình đem tai họa đến cho chính mình. Cô hầu gái ban đầu dường như vô hại, nhưng sau khi ông chủ ngủ với cô ta trong một phút yếu lòng khi vợ đi vắng, cô hầu gái trở nên loạn trí và ám ảnh. Từ đó đến hết phim, quyền lực trong gia đình hoàn toàn thay đổi, cả gia đình trở thành tù nhân trong chính ngôi nhà của mình, dưới sự chi phối và khống chế của người hầu gái giờ đây nắm mọi quyền hành trong tay.
The Housemaid
năm 1960 của Kim Ki YoungMáy quay của Kim Ki Young lướt qua ngôi nhà tù túng của một gia đình trung lưu, lén nhìn qua cửa sổ và xộc vào từng ngóc ngách, tạo nên một hiệu ứng mất cân bằng khác thường, với những cảnh quay lặp lại, nhiều khi đến mức ám ảnh, làm tăng kịch tính và đem đến cảm giác sẽ chẳng thể nào thoát khỏi không gian chật hẹp đó. Một sự phê phán sâu sắc đối với tham vọng của tầng lớp trung lưu (Người vợ trong phim từng thở dài: “Giá như tôi đừng muốn một ngôi nhà lớn hơn.”), bộ phim của Kim Ki Young đã cực kỳ thành công tại Hàn Quốc cả về mặt thương mại lẫn nghệ thuật. Phim đã can đảm đề cập đến những vấn đề đương thời như ngoại tình, tình dục ngoài hôn nhân, và có một cái nhìn táo bạo, đầy phong cách, ảnh hưởng đến cả một thế hệ nhà làm phim.
50 năm đã trôi qua. Điện ảnh Hàn Quốc một lần nữa đang khiến cả thế giới kinh ngạc, và ở đỉnh cao của sự nhộn nhịp và chào đón này,
The Housemaid được đạo diễn nổi tiếng Im Sang Soo làm lại. Với sự tham gia của Jeon Do Yeon (Nữ diễn viên xuất sắc Liên hoan phim Cannes năm 2007 với
Secret Sunshine) trong vai Eun Yi, cô hầu gái và Lee Jung Jae trong vai người chồng trăng hoa quyến rũ cô, bản làm lại lấy cấu trúc chính của bản gốc nhưng có sự đảo ngược. Thay vì các thành viên trong một gia đình trung lưu mơ ước mua được một chiếc TV và muốn có đủ tiền để chăm sóc đứa con gái bệnh tật, gia đình trong bản làm lại giàu có và sống trong một lâu đài thực sự, phía trên con phố ồn ào xuất hiện ở đầu phim. Sự phê phán giai cấp vẫn còn đó, nhưng thay vì trừng phạt những người thấp kém trên bậc thang giai cấp xã hội, bộ phim nhắm đến sự tàn nhẫn vô lương tâm của những kẻ cực kỳ giàu có (một sự lựa chọn kém thú vị hơn vì mục tiêu quá rõ ràng).
The Housemaid
2010Phiên bản của Kim Ki Young từ đầu đến cuối đều tập trung vào câu chuyện của người chồng. Cô hầu gái chỉ là một kẻ thứ ba đáng sợ, một con quái vật trồi lên từ sâu thẳm và nhất quyết không chịu buông tha. Phim là lời cảnh báo chết chóc cho những ai không chung thủy trong hôn nhân (thậm chí đến cả giây phút cuối cùng khi người chồng phá tan bức tường thứ tư và chỉ thẳng vào khán giả, một lựa chọn đầy ấn tượng). Bản làm lại là câu chuyện của người hầu gái. Cô đến giúp việc tại ngôi nhà và nhìn thấy vẻ khinh khỉnh của bà giúp việc lâu năm Byung Sik (do Yun Yeo Jung thủ vai). Nhân vật Hoon của Lee Jung Jae là một kẻ trăng hoa, với một người vợ đang có thai được chiều chuộng (Seo Woo), và một đứa con gái nhỏ nhìn Eun Yi bằng gương mặt lạnh lùng, vừa đáng yêu vừa đáng sợ. Là một cô bé đáng sợ, nhưng khán giả có thể cảm nhận được rằng cô biết cha mẹ mình là những kẻ mất trí. Hoon không thỏa mãn nhu cầu tình dục với người vợ đang mang thai, vì thế anh để mắt đến cô hầu gái mới. Eun Yi bị tình dục lôi kéo và thấy không thể cưỡng lại sức hút của anh. (Có một cảnh cô rúc đầu vào giữa hai chân anh và thở ra, “Chúa ơi, em thích mùi hương này.”) Ngôi biệt thự trở thành nơi để thỏa mãn tình dục và cô hầu gái dường như ngày một lão luyện trong môi trường đó. Thậm chí cả bộ đồng phục của người hầu cũng cho thấy sự gợi tình: những chiếc váy ngắn màu xám, những chiếc áo sơmi bó sát, những đôi giày mềm gót thủy tinh. Những chiếc đế giày thủy tinh là phần thưởng. Trong phiên bản của Im Sang Soo, đây là câu chuyện cô bé Lọ Lem.
Với việc bỏ qua cuộc đấu tranh của tầng lớp trung lưu nhằm thoát khỏi địa vị hiện tại và tập trung vào những kẻ giàu có bóc lột người nghèo, thật trớ trêu là Im Sang Soo đã bỏ đi mất sự căng thẳng tột đỉnh trong bản gốc. Chúng ta biết Hoon là một tên xấu xa, người vợ là một đứa bé được nuông chiều còn người hầu gái là một cô gái ngây thơ. Bộ phim đi theo lối mòn và những ý niệm khán giả đoán trước được về những hình mẫu nhất định. Nhân vật phản diện xoắn lấy bộ ria mép còn mỹ nhân gặp nạn thì nắm chặt bàn tay mình. Có nhiều điều thú vị trong bộ phim này (diễn xuất của các diễn viên trong phim rất tốt) nhưng phần lớn sức mạnh và sự hồi hộp đã bị mất trong bản làm lại.
Jeon Do Yeon trong vai cô hầu gái Nhìn vào bản làm lại, từng cảnh từng cảnh một, cho thấy sự táo bạo đầy cá tính của các đạo diễn Hàn Quốc. Ví dụ, có một cảnh ở phòng chờ bệnh viện, một nhân vật cô độc ngồi im lìm trên ghế. Máy quay dừng lại ở đó. Đi qua đi lại trước mặt cô là một người khác, trên chiếc xe lăn, lướt qua khung hình. Cao trào cảm xúc nằm ở nhân vật ngồi im lặng, đó là cảnh của cô, nhưng cảm xúc của cô lại hiển hiện rõ ràng ở nhân vật ngồi trên chiếc xe lăn đang lăn đi không ngừng. Thủ pháp cổ điển nhằm thể hiện cảm xúc ẩn giấu bên trong này từng được các nhà làm phim Mỹ sử dụng rất thành công (khi các đạo diễn và diễn viên đều đến từ các chương trình tạp kỹ và rạp hát, nơi thủ pháp này rất phổ biến, để tất cả khán giả đều hiểu được, kể cả những người ở hàng ghế xa nhất). Tất cả các cảnh trong
The Housemaid đều chứa đựng một điều gì đó thú vị.
Tòa biệt thự gần như là một nhân vật trong phim, được quay một cách khéo léo và cực kỳ chi tiết. Một không gian khác thường, vang vọng và không có điểm dừng, gợi nhớ đến mê cung sâu hút Xanadu trong
Citizen Kane, hay tòa nhà đáng sợ có cầu thang bằng đá cẩm thạch của Claude Rains và Ingrid Bergman trong
Notorious của Hitchcock. Tuy nhiên, vấn đề của ngôi nhà nằm ở chỗ nó quá tráng lệ, tới mức chỉ 1% nhân loại được sống trong ngôi nhà như thế, và thật khó biết được phải cảm nhận như thế nào về ngôi nhà, ngoại trừ việc ghen tỵ với vẻ đẹp của nó và thở phào nhẹ nhõm vì không phải là người chịu trách nhiệm dọn dẹp ngôi nhà. Không có mấy phản hồi lý tưởng về bộ phim lẽ ra là một tác phẩm tâm lý hồi hộp ly kỳ này. Im Sang Soo và đội ngũ thiết kế đã bỏ nhiều công sức chăm chút từng chi tiết cho ngôi nhà, và điều đó đã được thể hiện rõ. Tuy nhiên có lẽ anh cần tập trung vào một điểm khác. Bản gốc vẫn thật đáng sợ. Bản làm lại, mặc dù tạo được hiệu ứng hình ảnh lý thú với một kết thúc sửng sốt, giống như đoạn cuối trong phim của David Lynch, lại không hề đáng sợ. Đó vẫn là một hình ảnh ấn tượng, với những thông điệp đa chiều hàm chứa bên trong. Sự phê phán giai cấp chẳng giúp được gì trong việc đào sâu vào nội dung chính của câu chuyện đáng ghê sợ này, bởi tất cả chúng ta đều biết những con người đó là ai. Những điều họ làm chẳng có gì đáng ngạc nhiên.
Tòa biệt thự trong phim
Nhưng có một ngoại lệ, đó là Yun Yeo Jung với vai diễn bà quản gia Byung Sik. Bà từng hợp tác với Kim Ki Young năm 1970, trong bộ phim thứ hai của ông,
Fire Woman, và đã có một sự nghiệp lừng lẫy. Byung Sik giữ vẻ mặt lạnh lùng trước ông bà chủ và là một người được việc và nhanh nhẹn. Nhưng khi sống thật với chính mình, có lúc là trước mặt Eun Yi, nhưng hầu hết là khi có một mình, sự tức giận và coi thường ở bà được trút hết ra, tạo nên những khoảnh khắc thú vị nhất phim. Bà nằm trong bồn tắm, hút thuốc và điệu bộ trở nên bất cần, sự đối lập giữa điều này với cách cư xử kín đáo chuyên nghiệp thật đặc biệt, hài hước và thuyết phục. Mọi cử chỉ, mọi hình dáng, thậm chí cả một cái đảo mắt sau lưng người khác cũng gợi lên sự giận dữ bùng nổ. Eun Yi đã tâm sự với Byung Sik (một sai lầm cực lớn) và Byung Sik ngắt lời cô bằng giọng nói lạnh lùng sắt đá: “Nghe này, đó là những con người đáng sợ, cô hiểu không?” Nhìn Byung Sik say rượu đập phá trong phòng vào giữa khuya, gào thét giận dữ trong vô vọng trước máy quay gắn trên trần nhà, khán giả cảm thấy nguồn sinh khí lẽ ra nên xuất hiện trong toàn bộ phim. Đây mới thực sự là phê phán giai cấp xã hội. Một con quái vật trồi lên từ sâu thẳm. Yun Yeo Jung là điểm nhấn của bộ phim.
Yun Yeo Jung là điểm nhấn của bộ phim
Điện ảnh Hàn Quốc, theo nhiều cách, đã bước vào kỷ nguyên hiện đại với
The Housemaid năm 1960. Trong những năm gần đây, điện ảnh Hàn Quốc đã có một thế hệ người hâm mộ trung thành mới, nhờ phong cách sáng tạo, ấn tượng và những trải nghiệm đầy tự tin với các thể loại phim nổi tiếng (Phim về ma cà rồng hút máu
Thirst (2009) của Park Chan Wook, phim về quá trình điều tra vụ giết người hàng loạt
Memories of Murder (2003) của Bong Joon Ho cũng như những phim gần đây của Bong Joon ho như
The Host và
Mother, là một vài ví dụ). Một ngành điện ảnh chắc chắn về mình, tự tin trước những mục tiêu, gợi nhớ đến điện ảnh Mỹ những năm 1930, 1940 khi mục tiêu nghệ thuật và mục tiêu thương mại luôn song hành. Đây là điều rất hiếm trong thời đại ngày nay, bởi sự táo bạo luôn chứa đựng rủi ro.
The Housemaid của Im Sang Soo là điều sẽ xảy ra khi sự dũng cảm của một nhà làm phim không hoàn toàn khớp với tầm nhìn của anh.
Dịch: © Hồng Hạnh @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Capital New York