logo

Welcome Guest! To enable all features please try to register or login.
[Trung Quốc l 2010] The Love of the Hawthorn Tree | Tình yêu dưới bóng sơn tra
Lữ Khách Offline
#1 Posted : Tuesday, November 2, 2010 9:30:00 PM(UTC)

Rank: Passenger Service

Medals: Huân chương Thuyền trưởng: Vì mỗi ngày thức dậy lúc 5h 'cho em măm' và những ngày cuối tuần cafe làm việc cho QVĐA của chúng taChân vịt vàng: Đóng góp thầm lặng của bạn đem lại nét đẹp sống động cho Quái vật Điện ảnh

Groups: Crew Officer, CTV, Moderator
Joined: 10/20/2010(UTC)
Posts: 8,432
Location: Lữ quán

Thanks: 4743 times
Was thanked: 2361 time(s) in 1730 post(s)
(c) sherry - 9/10

The Love of the Hawthorn Tree




Tên phim gốc: The Love of the Hawthorn Tree / 山楂树之恋
Tên tạm dịch: Tình yêu dưới bóng sơn tra
Tên phát hành ra rạp: chưa rõ
Đạo diễn: Trương Nghệ Mưu
Kịch bản: Doãn Lệ Xuyên, Cố Tiểu Bạch
Nguyên tác: Ngải Mễ
Ngày phát hành: 16/9/2010 (Trung Quốc)
Thể loại: tâm lý, lãng mạn
Xếp loại: chưa rõ
Thời lượng: 115 phút
Nước sản xuất: Trung Quốc
Hãng sản xuất:
* Beijing New Picture Film Co.

Các diễn viên chính:

* Chu Đông Vũ – Tĩnh Thu
* Đậu Kiêu – Lão Tam

Nội dung chính:

Chuyện phim xoay quanh một mối tình dang dở có thực xảy ra vào những năm 1970 giữa hai trí thức thành thị, bị gửi xuống vùng quê để tái giáo dục nhờ lao động trong thời kỳ Cách mạng văn hóa (1965 – 1975). Tĩnh Thu xuất thân từ tầng lớp “không ai ưa” (cha cô bị gán là người hữu khuynh), còn Lão Tam có một tương lai đầy hứa hẹn, là con trai của một quân nhân có vị trí cao trong quân đội. Tình yêu lứa đôi nảy nở và cả hai tin rằng họ sẽ bên nhau mãi mãi…

Trang web chính thức: chưa rõ
Trang IMDb: Click vào đây!

Trailer: Click vào đây
1 user thanked Lữ Khách for this useful post.
sherry on 3/11/2011(UTC)
Gemini Offline
#2 Posted : Tuesday, April 19, 2011 6:51:42 PM(UTC)

Rank: V.I.P Passenger

Medals: Hoa tiêu - Những sói biển lẫy lừng: Sự tinh tế của bạn đã chắp cánh cho Trang tin Quái vật Điện ảnh

Groups: Member
Joined: 10/20/2010(UTC)
Posts: 1,080
Location: Quán nhậu

Thanks: 850 times
Was thanked: 1055 time(s) in 605 post(s)
Sự xuất hiện của những cái cũ trong bộ phim mới của đạo diễn Trương Nghệ Mưu




Đạo diễn trở về cội nguồn với một câu chuyện tình yêu giản đơn.

Ngày 7/10 vừa qua, đạo diễn Trương Nghệ Mưu là khách mời danh dự tại Liên hoan phim quốc tế Pusan lần thứ 15, khi bộ phim lãng mạn tiết tấu nhẹ nhàng về thời Cách mạng văn hóa của ông Under the Hawthorn Tree (Dưới cây sơn tra) mở màn sự kiện điện ảnh lớn nhất châu Á này.

Bước xuống chuyến bay từ Bắc Kinh tối thứ tư vừa rồi với chiếu mũ bóng chày và đôi giày ống màu đen, đạo diễn Trương bình thản trả lời The Hollywood Reporter (THR) rằng việc Hawthorn mở màn tại Pusan là “không có gì đặc biệt” và “chỉ là vấn đề về việc lựa chọn thời điểm”, nói thêm rằng ông đồng ý trong tất cả các liên hoan phim ông từng tham dự thì “Pusan rất hoành tráng”.


Theo lời đạo diễn Trương Nghệ Mưu:Pusan rất hoành tráng” [Ảnh: The Hollywood Reporter]


Hờ hững? Có thể. Rốt cuộc thì Trương Nghệ Mưu chính là nhân vật lừng lẫy của điện ảnh Trung Quốc, khi những khẩu pháo hoa và dàn vũ công ông sử dụng đã đưa Trung Quốc trở thành tâm điểm của thế giới tại lễ khai mạc Thế vận hội Bắc Kinh năm 2008 – 20 năm sau khi Thế vận hội mùa hè tại Seoul báo hiệu cho sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới của Hàn Quốc.

Tới thăm thành phố lớn thứ hai Hàn Quốc chỉ trong hai ngày, Trương Nghệ Mưu cũng chính là người đã vượt qua được lệnh cấm của Bắc Kinh dành cho bộ phim năm 1994 Phải sống của ông để tiếp tục trở thành đạo diễn duy nhất của nước Cộng hòa nhân dân này thực sự gây được tiếng vang tại Mỹ. Bộ phim Anh hùng của đạo diễn Trương đã thu được 54 triệu đôla tại Mỹ năm 2002 và vẫn là bộ phim xuất khẩu thành công nhất của Trung Quốc cho tới giờ.

Theo như kế hoạch thì đạo diễn Trương không phải là người sẽ thực hiện lễ khai mạc Olympic, với sự nhập cảnh của đạo diễn tài năng từng đoạt giải Oscar Steven Spielberg. Đạo diễn Hollywood này đã bỏ vị trí cố vấn của mình để phản đối việc Trung Quốc ủng hộ cho vụ tấn công của Sudan tại Darfur, để lại toàn bộ vinh quang cho Trương Nghệ Mưu.

Trong suốt sự nghiệp của mình, đạo diễn Trương đã giành được rất nhiều danh tiếng cho bản thân: hai bộ phim Cúc ĐậuĐèn lồng đỏ treo cao của ông là hai bộ phim đầu tiên của Trung Quốc lần lượt được đề cử giải Oscar giành cho Phim nước ngoài xuất sắc nhất trong năm 1990 và 1992.

Trương Nghệ Mưu đã góp phần mài giũa tài năng cho một vài trong số những diễn viên Trung Quốc nổi tiếng nhất, giúp đưa tên tuổi của họ và của điện ảnh Trung Quốc ra toàn thế giới. Vào giai đoạn đầu trong sự nghiệp diễn xuất của mình, nam diễn viên Khương Văn và nữ diễn viên Củng Lợi từng đóng vai chính trong bộ phim đoạt giải Gấu vàng của Liên hoan phim Berlin năm 1987 Cao lương đỏ. Vai diễn của Cát Ưu trong Phải sống giúp anh đoạt giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Cannes, sự ghi nhận rõ ràng nhất được trao tặng cho một diễn viên Trung Quốc. Năm 20 tuổi, nữ diễn viên Chương Tử Di lần đầu tiên đóng vai chính trong bộ phim Đường về nhà – bộ phim giành giải Gấu bạc tại Liên hoan phim Berlin năm 2000 của Trương Nghệ Mưu.


Under the Hawthorn Tree được đánh giá là sự trở về với cội nguồn của Trương Nghệ Mưu


Không có những đội quân cướp bóc của Anh hùng, những màn võ thuật điêu luyện của Thập diện mai phục hoặc sự lộng lẫy trang nhã và những mưu đồ trong Hoàng kim giáp, một số nhà điểm phim nhận xét rằng Under the Hawthorn Tree khiến họ nhớ đến Đường về nhà và dường như bộ phim là sự trở về với cội nguồn của Trương Nghệ Mưu, sự trở về với những câu chuyện về những người dân Trung Quốc chất phác đã vượt lên nghịch cảnh của số phận.

Dựa trên một cuốn tiểu thuyết trên mạng, Hawthorn kể về câu chuyện của một thiếu nữ có giáo dục từ thành phố quê hương tại tỉnh Hồ Bắc ở miền Trung Trung Quốc, trong cuộc biến động do chính sách của Mao Trạch Đông thời kỳ đó gây ra, được gửi về miền nông thôn để những người nông dân “cải tạo lại”.

Tại đó, cô giáo viên đầy khát khao này được một chàng trai theo đuổi và Hawthorn trở thành câu chuyện về mối tình đơn phương trong một thời đại ở Trung Quốc mà nhất cử nhất động của mọi người đều được quyết định và điểu khiển bởi Đảng Cộng sản của chủ tịch Mao.

Đạo diễn Trương cho biết Hawthorn rất quan trọng tại thời điểm này trong sự nghiệp của ông bởi vì: “Đây là một câu chuyện tình yêu. Đây là một câu chuyện thời Cách mạng văn hóa. Đây là một câu chuyện giản dị. Tôi nghĩ rất nhiều người trong độ tuổi 20 và 30 sẽ cảm thấy thú vị khi họ có chung cảm nhận mà cha mẹ và ông bà họ đã thấy trong thời đại của họ.”

Đáng chú ý là Hawthorn kể về câu chuyện của một Trung Quốc đang biến mất nhanh chóng trong năm 2010, một đất nước phụ thuộc rõ ràng vào nông nghiệp trước cuộc bùng nổ kinh tế trong 30 năm qua và trước khi truyền thông đại chúng và việc công khai với thế giới bên ngoài làm giảm bớt sự kiểm soát của Đảng với từng chi tiết nhỏ nhặt trong cuộc sống hàng ngày.

“Trước kia tôi từng xem một số bộ phim của đạo diễn Trương và tôi thích bộ phim này vì nó kể một câu chuyện khác về thời đại của ông bà và cha mẹ chúng tôi.” – anh Sun Guodong, một họa sĩ phim hoạt hình 23 tuổi, trùng hợp là cũng đến từ Hồ Bắc, cho biết khi anh xuất hiện trong một buổi công chiếu của Hawthorn tại một rạp chiếu phim Stellar Megamedia ở Bắc Kinh.

Trước ngày 28/9, ngay trước khi Trung Quốc bước vào kỳ nghỉ lễ Quốc khánh kéo dài một tuần, Hawthorn đã đạt doanh thu chừng 100 triệu nhân dân tệ (15 triệu USD) trong vòng 12 ngày, theo như các nhà sản xuất thuộc hãng phim Edko Hồng Kông.

Việc bộ phim mới nhất của đạo diễn Trương đã đạt kết quả tốt như thế, cạnh tranh được với những tác phẩm thương mại nhập khẩu và nội địa ồn ào hơn như Inception để thu hút sự chú ý của cộng đồng người xem đang phát triển tại Trung Quốc, có thể được xem như một minh chứng cho việc nguời Trung Quốc ngày càng đánh giá cao những bộ phim nằm ngoài xu thế chủ đạo mới – thậm chí ngay cả với những khán giả trẻ tuổi mà thói quen xem phim được hình thành bởi những cụm rạp mới xuất hiện, những rạp chiếu, vì mục đích thương mại thuần túy, ủng hộ tích cực nhất cho những bộ phim bom tấn nửa vời.



Bộ phim kể về câu chuyện tình yêu giản dị trong thời đại Cách mạng văn hóa


Nhưng có vẻ như Hawthorn có sức hút riêng, thậm chí là đối với lớp khán giả thành thị mới và ngày càng mệt mỏi vì làm việc quá sức của Trung Quốc. Theo như lời của Sun, một chàng trai độc thân tốt nghiệp cao đẳng, sinh ra trong một thế hệ mà số lượng nam giới vượt quá nữ giới như là hệ quả của chính sách một con kéo dài 30 năm của Trung Quốc, thì : “Lúc đó cuộc sống và tình cảm rõ ràng hơn nhiều. Rất nhiều cô gái ngày nay muốn bạn trai mình xem bộ phim này.”

Xuyên suốt Hawthorn, khi số phận người cha là tù nhân chính trị của nữ diễn viên chính còn đầy mờ mịt – điều đã khiến mẹ cô cảnh báo cô rằng chỉ với một bước đi lầm lỡ và Đảng có thể “hủy hoại cả cuộc đời con” – thì câu nói “nhanh thôi, có thể chính sách sẽ thay đổi” đuợc lặp lại như một điệp khúc, đặc biệt là bởi chàng trai tràn đầy hi vọng theo đuổi cô.

Hawthorn có lẽ là bộ phim điện ảnh thương mại quan trọng đầu tiên của Trung Quốc do một đạo diễn nổi tiếng thực hiện được phát hành đề cập đến, cho dù là gián tiếp như thế nào, những số phận chính trị đen tối xuất hiện lẻ tẻ trong thời kỳ Cách mạng văn hóa kéo dài từ 1966 đến 1976.

Trương Nghệ Mưu, người đã thanh toán hết những món nợ của mình và gắn bó với Đảng Cộng sản – nơi ban đầu đã cản trở nhưng sau đó lại đỡ đầu cho sự nghiệp của ông – có lẽ là đạo diễn duy nhất được các nhà quản lý ngành công nghiệp điện ảnh cho phép can thiệp vào những đề tài nhạy cảm này và hiện vẫn chờ được phép phát hành phim. Trong Hawthorn, có vẻ như đạo diễn Trương đã rất thận trọng để không khuấy động quá nhiều những vấn đề chính trị nhạy cảm. Nhân vật chàng trai đầy lý tưởng, người tin rằng thay đổi sẽ tới rất nhanh, đã phá vỡ đủ loại luật lệ nhưng cuối cùng vẫn không thấy được thay đổi mà anh dự đoán.

Đối với ít nhất một khán giả đến rạp sinh ra sau khi thời kỳ có sức tàn phá ghê gớm nhất trong lịch sử hiện đại của đất nước này đã đi đến hồi kết thì Hawthorn “nói về lòng trung thành” – Sun cho biết với một nụ cười đầy vẻ hiểu biết.

Những diễn viên chính trong Hawthorn đều chưa có tên tuổi – nữ diễn viên 18 tuổi xuất thân từ vũ nữ ba lê Chu Đông Vũ và nam diễn viên 21 tuổi sinh trưởng tại Canada Đậu Kiên. Nếu bộ phim là về lòng trung thành, thì có lẽ đạo diễn Trương đang yêu cầu những khán giả Trung Quốc hiện đại khám phá lại lần nữa cội nguồn của những bộ phim Trung Quốc sau thời kỳ cải cách khi tất cả diễn viên đều là những người vô danh và không hề có ngôi sao nào. Với Hawthorn, đạo diễn Trương có lẽ cũng đang yêu cầu người xem cân nhắc việc lựa chọn chi tiêu những đồng tệ khó nhọc kiếm được của họ vào các bộ phim truyền thống hơn. (Doanh thu phòng vé của Trung Quốc tăng hơn 80% trong nửa đầu năm 2010, một phần lớn là nhờ vào sự xuất hiện của Avatar).

Có lẽ với Hawthorn, Trương Nghệ Mưu đang vượt qua bộ phim gần đây nhất của chính mình – một thử nghiệm trong việc làm lại bộ phim noir đầu tay của anh em nhà Coen năm 1984 Blood Simple – đã khiến một nhà điểm phim trích dẫn nó như một bằng chứng cho thấy người Mỹ không phải là những người duy nhất có thể thành công trong thể loại phim làm lại.

Với Hawthorn, có lẽ Trương Nghệ Mưu đang yêu cầu những người xem phim Trung Quốc hãy đi tìm một vũng xoáy tĩnh lặng bên lề dòng chảy lớn, nâng một tảng đá già nua trơn nhẵn – đạo diễn Trương sẽ sớm bước sang tuổi 60, ông cũng gần cao tuổi bằng bản thân nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa – và đợi cho tới khi mặt nước phẳng lặng, kết tinh thành hình ảnh phản chiếu điều đáng ra thực sự là người Trung Quốc.

Dịch: © Vân Húc @Quaivatdienanh.com
Nguồn: The Hollywood Reporter
Gemini Offline
#3 Posted : Tuesday, April 19, 2011 6:57:31 PM(UTC)

Rank: V.I.P Passenger

Medals: Hoa tiêu - Những sói biển lẫy lừng: Sự tinh tế của bạn đã chắp cánh cho Trang tin Quái vật Điện ảnh

Groups: Member
Joined: 10/20/2010(UTC)
Posts: 1,080
Location: Quán nhậu

Thanks: 850 times
Was thanked: 1055 time(s) in 605 post(s)
Tác phẩm nhỏ của bậc thầy điện ảnh Trung Quốc


Sau một thập kỷ hoạt động với những dự án rất lớn như lễ khai mạc, bế mạc Olympics 2008, nhà làm phim hàng đầu Trung Quốc Trương Nghệ Mưu đã trở lại với một bộ phim tâm lý tình cảm sâu sắc kinh phí thấp lấy bối cảnh là cuộc Cách mạng Văn hoá.

Under the Hawthorn Tree (Chuyện tình dưới cây táo gai) đã giao vai chính cho các diễn viên trẻ vô danh đảm nhiệm và được quay ở mức kinh phí dưới 65 triệu nhân dân tệ (10 triệu đôla Mỹ). Theo lời nhà sản xuất Giang Chí Cường, bộ phim đã thu về được hơn 150 triệu nhân dân tệ ở Trung Quốc, lập nên kỷ lục phòng vé mới cho phim tâm lý của đạo diễn Trương Nghệ Mưu, một trong số ít các nhà làm phim chú trọng về khía cạnh văn hoá mà vẫn thu hút được đông đảo khán giả.


Poster phim


Đạo diễn Trương nghệ Mưu, tốt nghiệp từ Học viện Điện ảnh Bắc Kinh danh giá và được biết đến với rất nhiều bộ phim mang màu sắc thời đại, lần đầu tiên ông được thế giới công nhận là vào cuối thập niên 80 trong mùa liên hoan phim. Phim Cao lương đỏ đã đoạt giải Gấu vàng tại Liên hoan phim Berlin, còn Lồng đèn đỏ treo cao (1991) đã nhận được đề cử Oscar cho Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất. Ở Liên hoan phim Cannes năm 1994, đạo diễn Trương đã nhận được Giải thưởng chính của ban giám khảo cho phim Để sống. Cả ba bộ phim này đều do nữ diễn viên Củng Lợi đóng vai chính.

Hawthorn Tree kể về một câu chuyện tình yêu giữa một chàng trai là con của một đảng viên Đảng Cộng sản (do Đậu Kiêu đóng) và cô con gái (Chu Đông Vũ) của một kẻ thuộc phe chính trị bị phản đối đã bị bắt vào thập niên 70 ở Trung Quốc. Tính cách của cô gái nhà họ Chu, Kinh Thu, được xây dựng dựa trên một nhân vật có thật, tuy danh tính chưa hề được công khai, nhưng những trang nhật ký của cô cũng đã hé lộ những điều cơ bản về lý lịch của mình, một lý lịch gây chấn động đối với cư dân mạng và đã được truyền đọc rộng rãi trên mạng Internet.

Đạo diễn Trương Nghệ Mưu

Ở Trung Quốc, bộ phim vẫn tiếp tục được công chiếu kể từ giữa tháng 9 cho đến nay. Phim mới chỉ ra mắt ở Hồng Kông và sẽ sớm được trình chiếu tại Hàn Quốc và Nhật Bản. Vẫn chưa có hợp đồng phân phối phim nào ở Hoa Kỳ, cho dù các nhà sản xuất nói rằng họ đã nhận được rất nhiều lời đề nghị bán bản quyền cho các công ty ở Bắc Mỹ.


Đạo diễn Trương Nghệ Mưu


Giang Chí Cường là nhà sản xuất cho tất cả các phim của đạo diễn Trương kể từ phim Anh hùng (2002), bộ phim võ thuật luôn nằm trong danh sách những phim nói tiếng nước ngoài đứng đầu về mặt doanh thu phòng vé tại Mỹ.

Thập niên 70, bối cảnh của Hawthorn Tree, đã được lãng mạn hoá trong một nền văn hoá dân gian hiện đại ở Đại lục để trở thành một thời kỳ giản đơn hơn, với những giá trị “thuần khiết hơn”. Trong cuộc trả lời phỏng vấn qua điện thoại từ Bắc Kinh, quê hương của ông, Trương Nghệ Mưu nói rằng ông nhớ về những năm tháng đó như là thời kỳ góp phần hình thành tuổi trẻ của mình. Sau một cuộc tìm kiếm tuyển chọn từ 6000 thí sinh đến từ 16 thành phố trên khắp cả nước, đạo diễn đã chọn Đậu Kiêu và Chu Đông Vũ vì thấy họ “rất tinh khôi”, rất giống những con người thời bấy giờ.


Một cảnh trong Under the Hawthorn Tree


Bộ phim quy mô nhỏ trái ngược hẳn với những tác phẩm kinh phí lớn mà Trương Nghệ Mưu đã thực hiện trong những năm gần đây. Ông đã tạo ra không chỉ những bộ phim sử thi với dàn diễn viên khổng lồ, mà còn cả những tác phẩm sân khấu hoành tráng được dàn dựng công phu như lễ khai mạc và bế mạc Thế vận hội Olympic, các chương trình nghệ thuật với âm thanh và ánh sáng tuyệt vời được thực hiện trên một dòng sông ở Trung Quốc, và vở nhạc kịch Công chúa Turandot của Puccini đã diễn ra tại Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh.

Một thập niên trước đây, các nhà làm phim Trung Quốc đã phải bán phim cho châu Âu và Mỹ để kiếm lợi nhuận. Hiện nay đã không còn tình trạng đó nữa, khi mà phòng vé Trung Quốc đều đang có được những khoản doanh thu rất lớn. Các viên chức cục điện ảnh Chính phủ đã ước tính năm nay có khoảng 500 phim được làm ở Trung Quốc, và tổng số tiền bán vé tại các rạp sẽ lên đến 1,5 tỷ đôla Mỹ, tăng hơn 50% so với năm ngoái.

Tuy thị trường Mỹ vốn không thích các phim phụ đề, nhưng ông Giang Chí Cường, từng là sinh viên ngành kết cấu công trình tại Vancouver, vẫn luôn lạc quan về nhu cầu mới mẻ của thị trường quốc tế đối với phim Trung Quốc. Ông nói: “Chúng tôi cần làm việc với những nhà phân phối và chi nhánh độc lập, quy mô nhỏ hơn như là Netflix. Chúng tôi cần phải sáng tạo và động não về việc làm thế nào để cung cấp được sản phẩm của mình qua các cầu nối số với các công ty phân phối phim.

Trương Nghệ Mưu và Giang Chí Cường đang chuẩn bị khởi quay tác phẩm hợp tác tiếp theo giữa hai người, một bộ phim nói về phụ nữ trong suốt cuộc xâm lược tàn bạo của phát xít Nhật ở thành phố Nam Kinh, Trung Quốc năm 1937.

Đã có hàng chục bộ phim về cuộc chiến tranh này được thực hiện, với cái nhìn tập trung về chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc. Đạo diễn Trương tin tưởng bộ phim của ông sẽ tạo nên sự khác biệt vì nó đưa ra “quan điểm của phụ nữ về chiến tranh”. Cốt truyện được dựa trên quyển tiểu thuyết Trung Quốc bán chạy nhất của Nghiêm Ca Linh có tựa đề The 13 Women of Jingling (tạm dịch là: 13 cô gái ở Kim Lăng). Kim Lăng là nơi một nhóm nữ sinh đã được những cô gái bán hoa cứu thoát bằng cách thế thân để trở thành “phụ nữ mua vui” cho quân lính Nhật Bản.

Dịch: © Phương Thanh @Quaivatdienanh.com
Nguồn: Wall Street Journal
HMS Offline
#4 Posted : Tuesday, October 18, 2011 9:49:45 PM(UTC)

Rank: Sailing Master

Medals: Huân chương Thuyền trưởng: Vì sự chuyên nghiệp vững chắc và cống hiến của em dành cho tàu Quái vật Điện ảnhHoa tiêu - Những sói biển lẫy lừng: Sự tinh tế của bạn đã chắp cánh cho Trang tin Quái vật Điện ảnh

Groups: Editor, Translator
Joined: 10/20/2010(UTC)
Posts: 1,182
Location: Hanoi

Thanks: 532 times
Was thanked: 1130 time(s) in 807 post(s)
Chuyện tình cây sơn tra: bình dị, thuần khiết vẫn là tình yêu



Tôi biết có người từng nói, “tình yêu thực chất không phải là đau khổ oanh oanh liệt liệt hoa hoa lệ lệ, gào lên chứng minh với cả thế gian chúng ta yêu nhau đến long trời lở đất, hết chia xa đến gặp lại, hết gặp lại rồi phải phân ly. Chẳng ai đo đếm những tình yêu như thế mới cảm động lòng người hơn những tình yêu bình dị.”

Thể loại tình yêu “oanh oanh liệt liệt” kia khá thịnh hành trong phim Trung Quốc hiện nay, và có lẽ gần đây tôi cũng xem quá nhiều. Bây giờ ngồi xuống với Chuyện tình cây sơn tra,* tôi như bước vào cả một thế giới khác, thật xa vời với hiện tại, với những tình cảm không màng vật chất, công danh, tư lợi hay thậm chí là thề thốt. Chỉ là tình yêu, mãi mãi chỉ là tình yêu thuần khiết nhất.

Bộ phim kể về câu chuyện tình giữa Tịnh Thu (Châu Đông Vũ đóng) và Kiến Tân (chỉ được mọi người gọi là Lão Tam – Đậu Kiêu đóng), hai thanh niên thuộc phần tử trí thức trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa Trung Quốc. Họ gặp nhau ở một vùng nông thôn, nơi Tịnh Thu, một học sinh thành phố đến để học tập cải tạo tư tưởng, và ở đó, Lão Tam là một chàng trai trẻ cũng từ thành phố xuống làm việc cho đội nghiên cứu địa chất. Tịnh Thu xuất thân từ một gia đình lý lịch không mấy vẻ vang, cha bị đưa đi lao động cải tạo, mẹ bị giáng chức từ làm giáo viên xuống làm lao công trong trường, cả nhà chỉ trông chờ vào cô để nâng địa vị của cả gia đình. Ngược lại, Lão Tam là con trai của một quan chức cấp cao.

Tình yêu của họ cũng vì thế mà gặp nhiều rào cản; bộ phim cũng vì thế mà yêu cầu người xem phải có chút kiến thức về chính trị và sự quản lý của chính quyền trong cuộc đời mỗi người dân Trung Quốc vào thời kỳ này. Kịch bản chỉ trình bày hoàn cảnh của đôi bạn trẻ và cần khán giả phải từ đó hiểu được họ sẽ gặp những khó khăn gì khi yêu nhau. Nếu không hiểu, có lẽ khó hiểu được tại sao họ phải lén lút gặp nhau, lén lút yêu đương.

Gọi là yêu, nhưng cả bộ phim, chưa bao giờ Tịnh Thu và Lão Tam cần phải tuyên bố tình yêu với nhau, hay nói lên những lời mùi mẫn, lãng mạn. Những cuộc nói chuyện của họ dường như chỉ là kể về bản thân, về học tập, công việc, về cuộc sống. Đơn giản là họ chấp nhận tình cảm của nhau một cách thật lòng nhất, tình cảm đến từ sâu thẳm trong tim, nó tồn tại trong từng cách Lão Tam quan tâm, chăm sóc Tịnh Thu, trong những cái nắm tay mà như không dám nắm, đến cái ôm nhẹ nhàng và duy nhất, cùng nụ hôn lướt nhẹ trên tóc. Sự trong trắng đó cũng được thể hiện qua cách trang điểm nhẹ nhàng, trang phục áo trắng quần vải, và những phong cảnh đầy nắng gió, cây cối, những góc quay rộng mang lại cảm giác bình yên.

Tịnh Thu và Lão Tam có lẽ cũng vẫn có thể tiếp tục yêu nhau như thế, đến khi Tịnh Thu có được công việc giáo viên ở trường học ổn định như gia đình cô mong muốn, đến khi “chính sách thay đổi” như Lão Tam đã dự đoán để họ có thể sống và thở dễ dàng hơn. Nhưng rồi, Tịnh Thu và Lão Tam bị mẹ cô phát hiện và bà chỉ muốn họ xa nhau đến khi Tịnh Thu tròn 25 tuổi. Sau một thời gian xa nhau, Tịnh Thu mới nhận được tin anh bị bệnh. Phải nói là kịch bản muốn giấu Tịnh Thu bệnh tình của Lão Tam chứ không phải giấu khán giả. Ngay từ lúc anh chối là mình không phải bị bệnh máu trắng thì ai cũng có thể đoán được anh bị bệnh máu trắng thật.

Toàn bộ bộ phim, diễn biến khá đều và bình tĩnh, không có gì gọi là kịch tính. Cái kết cũng không có gì gọi là bất ngờ. Nếu nói một cách tóm tắt thì đây chỉ là một câu chuyện tình bình dị, trong trắng, kết thúc với đôi nam nữ yêu nhau nhưng căn bệnh hiểm nghèo đã cướp đi hạnh phúc ngay trước mắt họ. Quá bình thường, quá “Hàn Quốc”, phải không?

Vậy sao lại đau đến vậy? Tại sao khi cảnh phim khép lại, nước mắt đã đọng trên mi từ lúc nào không rõ?

Vì diễn viên cũng là một phần. Trong cả bộ phim, Châu Đông Vũ là một Tịnh Thu thuần khiết, mềm mại một cách rất thật. Cô đã biến thành một thiếu nữ của những năm 1970. Trong phút cuối đó của bộ phim, những giọt lệ, tiếng nấc quá thật của cô đã làm cảm động đến tận sâu thẳm trái tim tôi. Lão Tam của Đậu Kiêu ân cần, lịch lãm, ôn nhu, có lẽ khó có cô gái nào cưỡng lại được. Nhưng cuối cùng, cái làm tôi thổn thức vẫn là tình yêu của họ.

Tình yêu tưởng như mong manh đó kiên cường đến tận phút cuối, vượt qua cả cái chết, đến tận bao nhiêu năm sau, Tịnh Thu vẫn còn thương nhớ Lão Tam, người mà đến tận phút cuối cô vẫn không dám gọi tên thật. Thật tiếc cho một tình yêu như thế; trong cái thời kỳ đầy đau khổ thiếu thốn đó, cả hai người như Tịnh Thu và Lão Tam đáng được có hạnh phúc biết bao, mà cuối cùng vẫn không có được!

Cây sơn tra kia, được người ta đồn đại là thấm máu anh hùng, nở hoa đỏ, nhưng thực tế, nó vẫn chỉ nở hoa trắng mà thôi. Tình yêu kia, không cần sắc hồng của sự lãng mạn phô trương, không cần thề non hẹn biển, oanh liệt hoa lệ; nó chỉ là yêu, trong trắng, thuần khiết, chân thật. Cây sơn tra kia cũng như người yêu kia đã bị chôn vùi dưới dòng nước sông Dương Tử trong Đập Tam Hiệp. Nhưng người yêu mất không có nghĩa là tình yêu không còn. Tịnh Thu vẫn tin rằng, cây sơn tra kia dù dưới nước vẫn có thể nở hoa, và ở dưới gốc cây đó, Lão Tam chắc vẫn đang đợi cô, vì anh đã hứa.

"Anh không thể đợi em một năm lẻ một tháng, không thể đợi em đến khi em 25 tuổi, nhưng anh sẽ đợi em cả đời."

Chuyện tình cây sơn tra (Sơn tra thụ chi luyến), dựa theo tiểu thuyết cùng tên của Ngãi Mễ. Phim do Trương Nghệ Mưu đạo diễn; kịch bản của Y Lệ Xuyên, Cố Tiểu Bạch, A Mai. Cách diễn viên chính: Châu Đông Vũ, Đậu Kiêu, Khê Mỹ Quyên, Lý Tuyết Kiện, Thành Thái Sâm, Sa Nhật Na, Lữ Lệ Bình.

© Xuân Hiền @Quaivatdienanh.com



*Tựa phim là Chuyện tình cây sơn tra, chứ không phải “cây sơn trà” như một số nơi đề cập tới. Cây sơn tra, còn gọi là cây táo gai, là một loại cây gỗ cao, quả dùng làm thuốc. Cây sơn trà là cây thấp thuộc họ chè (trà).
1 user thanked HMS for this useful post.
Casper on 10/18/2011(UTC)
Users browsing this topic
Guest
Forum Jump  
You cannot post new topics in this forum.
You cannot reply to topics in this forum.
You cannot delete your posts in this forum.
You cannot edit your posts in this forum.
You cannot create polls in this forum.
You cannot vote in polls in this forum.

SoClean Theme By Jaben Cargman (Tiny Gecko)
Powered by YAF | YAF © 2003-2010, Yet Another Forum.NET
This page was generated in 0.320 seconds.